Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Nguyễn Cao Kỳ dưới góc nhìn của tác giả Lữ Giang

Tác giả Lữ Giang (Việt kiều ở Mỹ) trong bài viết "Chỉ là những con bài thí" (nguồn mạng) cũng đã có những nhận xét thú vị về Nguyễn Cao Kỳ. Xin trích dưới đây một số đoạn :

CON BÀI THÍ NGUYỄN CAO KỲ
Nguyễn Cao Kỳ bị gọi nhập ngũ Khoá 1 Nam Định năm 1951. Ngày 23.12.1950, Nghị Định thành lập Trừơng Sỉ Quan Trừ Bị Thủ Đức ở miền Nam, và Trừơng Sỉ Quan Trừ Bị Nam Định ở miền Bắc. Khóa 1 sĩ quan trừ bị được gọi là Khóa 1 Lê Văn Duyệt đã diển ra tại 2 nơi vào cùng ngày 1.10.1951. Nguyễn Cao Kỳ đi nhập ngũ ở Nam Định, có 218 sĩ quan tốt nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, ông được chọn đi đào tạo tại trường không quân Marrakech ở Maroc.
Trong cuộc đảo chánh năm 1963, vai trò của Nguyễn Cao Kỳ không có gì đáng nói. Vai trò của ông chỉ nổi bật khi Mỹ quyết định dùng ông làm thủ tướng để dẹp cuộc nổi loạn của Phật giáo. Để tăng thêm uy tín cho Tướng Kỳ, ngày 8.11.1965, Tướng Kỳ được mời qua thăm Nam Hàn, nơi đây ông được cấp Tiến Sĩ Danh Dự đại học Kyughui ở Hán Thành.
Tôi đã phỏng vấn Tướng Nguyễn Cao Kỳ trong 6 buổi tối liên tiếp, có anh Lê Vũ, chủ website Ký Con, quay phim thu hình. Tôi muốn tìm hiểu thêm cuộc dẹp loạn miền Trung và việc ông tranh chấp với Tướng Thiệu trong cuộc bầu cử năm 1967. Ông Kỳ đúng là ruột ngựa, có gì nói hết. Nhưng rất tiếc ông biết rất ít, những điều ông kể tôi đã biết hết rồi.
Tôi hỏi ông tại sao lúc đó Việt Nam lại đoạn giao với Pháp, ông ngập ngừng rối nói không hiểu tại sao lúc đó mình đã làm như vậy. Tôi hỏi về quyết định và kế hoạch hành quân dẹp Phật Giáo miền Trung, ông cho biết quyết định là do ông, còn kế hoạch hành quân giao cho Nguyễn Ngọc Loan!
Với chức vụ Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc gia kiêm Giám Đốc An Ninh Quân Đội, Nguyễn Ngọc Loan nắm trong tay lực lượng an ninh và giải quyết các biến cố đã xẩy ra tại miền Nam. Tướng Kỳ chỉ nghe báo cáo và gật đầu mà thôi.
Tướng Nguyễn Ngọc Loan học trường Providence (Thiên Hữu) ở Huế, vừa đậu Tú Tài xong thì đi động viên, học khoá 1 Lê Văn Duyệt ở Thủ Đức, còn Nguyễn Cao Kỳ học ở Nam Định. Nguyễn Ngọc Loan được đi thụ huấn khóa phi công tại Trường Không Quân Salon-de-Provence ở Pháp.
Năm 1967, Tướng Kỳ lập liên danh với Luật sư Nguyễn Văn Lộc ra tranh cử Tổng Thống với Tướng Nguyễn Văn Thiệu. Ngoài ra còn 10 liên danh khác.
Tướng Trần Văn Đôn cho biết, trong phiên họp tiền hội nghị, các tướng lãnh quyết định hai liên danh Thiệu – Kỳ phải nhập chung, Kỳ làm Tổng Thống, Thiệu làm Phó Tổng Thống. Nhưng tối đó Mỹ đi gặp một số tướng lãnh để bàn thảo và thuyết phục các tướng rằng Tướng Kỳ bồng bột, bốc đồng... không làm Tổng Thống được, nên sáng hôm sau các tướng lại quyết định Tướng Thiệu làm Tổng Tống vì lớn tuổi hơn và thâm niên hơn. Bù lại, Tướng Thiệu đồng ý giao cho người của Tướng Kỳ là Luật sư Nguyễn Văn Lộc làm Thủ Tướng. Ngoài ra, theo đề nghị của Tướng Nguyễn Đức Thắng, Hội Đồng Tướng Lãnh được thành lập do Tướng Kỳ làm chủ tịch. Hội đồng này có nhiệm vụ giám sát hành pháp. Nhưng khi đắc cử rồi, Tướng Thiệu không cần biết Hội Đồng Tướng Lãnh và nói chỉ thi hành Hiến Pháp. Tướng Thiệu tập trung mọi quyền hành nên chính phủ Nguyễn Văn Lộc chẳng làm được gì. Sau đó, Mỹ đưa Tướng Trần Thiện Khiêm về làm Bộ Trưởng Nội Vụ rồi làm Thủ Tướng thay Luật sư Nguyễn Văn Lộc.
(Xem Việt Nam Nhân Chứng, 1989, tr. 379 – 382).
Trong cuốn “Decent Interval” Frank Snepp nói rõ người được Mỹ chọn làm tổng thống “phải tuân theo chính sách của chính chúng tôi, vừa có những tay sai (agents) có chất lượng để thi hành chính sách đó.” Sở dĩ tướng Thiệu được chọn vì là “một viên tướng miền Nam bình thường và coi như phi chính trị (modest, supposedly non-political)”. Frank Snepp cho biết Mỹ đã “củng cố bằng mọi giá chính phủ Thiệu, để cho nước Mỹ có thế rút quân ra khỏi Việt Nam mà không sợ nổ ra một cuộc khủng hoảng chính trị mới”.
Với Tướng Kỳ, Frank Snepp viết: “Đại sứ Bunker không hề lo sợ về Kỳ và phe cánh của Kỳ. Dần dần, ông gạt được họ ra và chỉ nói về những vấn đề chính trị với Thiệu mà thôi. Một “cú ân huệ” (coup de grâce) đã đến với Kỳ trong cuộc tấn công của Cộng Sản năm 1968 khi một số trong các đồng minh thân tín đầy quyền lực của ông ta bị giết.”
Đó là một thái độ rất phủ phàng của người Mỹ đối với Tướng Kỳ, Tháng 6 năm 1968 tôi đang ở Washington và thường đến chơi với Tướng Nguyễn Chánh Thi. Một buổi sáng, ông kêu điện thoại cho tôi rất sớm và bảo tôi qua ăn sáng nói chuyện, Khi tôi vừa qua, ông vứt tờ Washington Post cho tôi và nói: “Tướng lãnh mình làm ăn như vậy đó, chẳng còn ra thể thống gì”. Tôi xem và thấy có bài loan tin Tướng Kỳ buôn thuốc phiện lậu. Tôi xem xong và nói với Tướng Thi: Chuyện này không có đâu. Mỹ muốn loại Tướng Kỳ nên nói như vậy. Trước đây Trung Tướng có đau mũi đâu, thế mà họ loan tin Trung Tướng đau mũi và bắt đi Hoa Kỳ chửa bệnh. Tướng Thi suy nghĩ một lúc và nói: “Anh nói đúng!”. Ngày 7.5.1968, khi đang chỉ huy hành quân ở khu đường Tự Đức, Đa Cao, Tướng Nguyễn Ngọc Loan bị cộng quân bắn trọng thương, gảy cả hai chân, con đường sự nghiệp của Tướng Kỳ và Tướng Loan coi như chấm dứt từ đó.
Ra hải ngoại, cuộc sống của Tướng Kỳ đã được đàn em và những người thân tín của ông mô tả khá đầy đủ. Ông chỉ tham gia vào chính trị khi lấy bà vợ thứ ba là bà Lê Hoang Kim Nicole, một người đàn bà được báo chí mô tả là “người buôn tổng thống”.
Trong những lần ngồì nói chuyện riêng với ông, tôi đã phân tích cho ông thấy, dù đối đầu với CSVN bằng chiến tranh lạnh hay bằng “diễn biến hòa bình”, người Việt quốc gia cũng đều bị Mỹ xử dụng như công cụ, mình chẳng làm được gì đâu. Ông cũng đồng ý với tôi như vậy, nhưng tướng quân khó “qua ải mỹ nhân”.
Bà Kim đã dẫn ông về Việt Nam dưới chiêu bài “sứ giả cho sự hoà giải và kết hợp đại đoàn kết dân tộc”, nhưng trong thực tế là đi làm “affair”. Bước đầu là đưa hai tập đoàn Andy Dye và Three về Việt Nam thiết lập sân golf ở khu du lịch Tuần Châu, Quảng Ninh, sau đó vận động mở sòng bài, v.v.
Dĩ nhiên, báo trong nước khai thác ngay sự ngây thơ của Tướng Kỳ để chơi đòn phản gián. Báo Tuổi Trẻ và báo Thanh Niên đã phỏng vấn ông tại khách sạn Sheraton ở Sài Gòn vào cuối năm 2004, và đăng lại trên hai tạp chí này. Căn cứ vào các bài phỏng vấn đó, các báo khác đưa ra những lời bình luận rất nặng nề, như Tướng Kỳ nói “Chúng tôi là những kẻ đánh thuê” hay “Quân đội miền Nam, không có ai đáng giá cả, kể từ ông Nguyễn Văn Thiệu...”, v.v.
Đọc những lời này ông Kỳ đã viết một lá thư yêu cầu báo Thanh Niên cãi chính, trong đó ông nói: “Chưa bao giờ và sẽ không bao giờ tôi lại căn cứ vào một số ít phần tử xấu để mạ lỵ cả một tập thể to lớn đã từng chia xẻ ngọt bùi với tôi, mà tôi biết về họ một cách đầy đủ và tường tận.” Ông cho rằng “người viết bài báo trên quá ấu trĩ, không đủ tư cách, không đủ hiểu biết để đề cập đến một lãnh vực hết sức hệ trọng và tế nhị có liên quan đến một giai đoạn lịch sử của dân tộc”.
Chẳng có báo nào trong nước đăng bài cãi chính của ông. Ở hải ngoại tôi chỉ tìm thấy trên DCVOneline ngày 24.4.2005. Ông Kỳ vốn bạo mồn bạo miệng, nên khó mà biết chuyện gì đã thật sự xầy ra. Dĩ nhiên, người Việt chống cộng vốn tự xưng là “đi guốc trong bụng cộng sản”, đã chụp lấy ngay và “dạy cho ông Kỳ một bài học”.
NHÌN CON BÀI MỸ CHỌN
Nếu so sánh ông Kỳ với ông Thiệu, chúng tôi thấy hai ông đều yếu kém như nhau: Cả hai biết rất ít về cả chính trị lẫn quân sự, không có tầm nhìn chiến lược và không biết làm việc theo phương pháp khoa học.
Nhưng ông Kỳ hơn ông Thiệu là luôn hành động theo quyết định của tập thể. Mọi quyết định quan trọng đều được đưa ra ban tham mưu và ban cố vấn bàn rồi mới quyết định phải hành động như thế nào. Ông Kỳ không sợ Mỹ. Nhưng ông Kỳ có khuyết điểm nặng là không theo sát việc thi hành, để đàn em muốn làm gì thì làm.
Ông Thiệu trái lại, luôn bị ám ảnh bởi cái chết của ông Diệm mà ông là một trong những nguời có trách nhiệm chính, nên luôn sợ bị Mỹ giết. Có nhiều khi ông tranh luận với Mỹ rất gay cấn nhưng cuối cùng ông cũng làm theo ý họ.
Ông Thiệu lại có thói quen suy nghĩ và hành động theo cảm tính, hỏi ý kiến chỉ để lấy lệ, mọi chuyện đều do ông quyết định theo ý nghĩ riêng của mình, không cần biết tình trạng thật sự đang diễn biến như thế nào. Ông lại thường tìm cách tránh né trách nhiệm bằng cách đưa ra những chỉ thị mập mờ và nếu thất bại sẽ đổ trách nhiệm cho thuộc cấp.
Lúc 2 giờ chiều ngày 7.9.1963, Đại Sứ Cabot Lodge đã gởi cho Bộ Ngoại Giao một công điện kể lại lời ông Ngô Đình Nhu đã nói với ông như sau:
Tôi báo động về những gì sẽ xẩy ra trong Quân Lực. Nếu tôi ra đi, Quân Lực sẽ nắm chính quyền. Bọn cóc nhái của CIA và USIS này sẽ phá hoại nỗ lực chiến tranh.”
Lời tiên báo này đã trở thành hiện thực. VNCH có một quân đội thiện chiến, có tinh thần chiến đấu cao, được trang bị đầy đủ, nhưng đã bị thất trận một cách nhanh chóng vì những tướng mà người Mỹ đưa ra lãnh đạo họ là những thành phần thiếu khả năng, thiếu tinh thần trách nhiệm, chỉ biết nhận viện trợ và thi hành chính sách của Mỹ.
Ngày 26.7.2011
Lữ Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét