Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

ASEAN: Không thể mơ hồ chiến lược

Một khi chính sách không còn bảo đảm được lợi ích chủ đạo của mỗi một thành viên và của hiệp hội, nghĩa là bị chi phối nặng nề bởi các nhân tố bên ngoài, ASEAN có thể sẽ rơi vào những tình cảnh ngoài mong muốn. 
Việc Hội nghị Bộ trưởng ASEAN 45 (AMM-45) vừa qua tại Campuchia không ra được Thông cáo chung đã dẫn đến nhiều suy tưởng và dư luận về tổ chức này. Thực tế, ASEAN đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết cho các nước Đông Nam Á.

Gắn kết số phận
Người ta vẫn thường nói "có thể chọn bạn nhưng không thể chọn láng giềng". Trên bản đồ thế giới, mười quốc gia Đông Nam Á (tương lai có thể có thêm Timo Leste), sẽ mãi gắn bó với nhau, trước hết về mặt địa lý. Tuy có thể phân chia Đông Nam Á thành phần lục địa và hải đảo nhưng về mặt  địa lý Đông Nam Á vẫn là một tiểu khu vực trong khu vực Đông Á-Thái Bình Dương và đại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Văn hóa ASEAN có nhiều nét đa dạng nhưng về đại thể là văn hóa lúa nước, như thể hiện trên biểu tượng của Hiệp hội. Các tôn giáo ở khu vực cũng phong phú về nguồn gốc nhưng nhìn chung đều ôn hòa. Các nền văn hóa của Đông Nam Á chịu ảnh hưởng lớn từ văn hóa Trung Quốc và Ấn Độ. Về mặt lịch sử, đây đều là các quốc gia trải qua giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc trong thế kỷ 20.
Về kinh tế, theo một dự đoán của Goldman Sachs, chỉ tính riêng nhóm ASEAN 5 bao gồm Inđônêxia, Malaysia, Philipinnes, Thái Lan và Việt Nam sẽ vượt Nhật Bản về GDP danh nghĩa trong vòng hơn một thập kỷ tới, đạt mức trên 10.000 tỷ USD. Thị trường hơn 600 triệu dân của ASEAN đang ngày càng thống nhất hơn theo lộ trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, nằm trong vùng phát triển năng động của châu Á-Thái Bình Dương, tiếp tục là điểm hấp dẫn với giới kinh doanh quốc tế.
Về mặt chiến lược, ASEAN với tư cách là một hiệp hội đã tạo nên tiếng nói tập thể có trọng lượng tại nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế. ASEAN 10 có thế mặc cả cao hơn hẳn so với ASEAN 1, 2, 3.
Ngoài ra, do các nước lớn đôi lúc không thể ngồi lại để mặc cả thương lượng trực tiếp với nhau, ASEAN có thể đóng vai người "môi giới trung thực" như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Đây là cơ chế an ninh đa phương duy nhất ở đại khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà có sự tham gia của tất cả các "cổ đông" quan trọng. Cơ chế đàm phán 6 bên về bán đảo Triều Tiên thì chỉ bao quát một vấn đề cụ thể. Tương tự như vậy, Diễn đàn hợp tác Thượng Hải (SCO) không có sự tham gia của một số quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Úc, New Zealand.
Bởi vậy, sẽ sai lầm nếu đánh giá thấp vai trò của ASEAN đối với các quốc gia Đông Nam Á. Sự cố vừa qua tại AMM-45 chỉ nên được xem như một vết lõm trên đường đồ thị dài đi lên của ASEAN.
Khẳng định giá trị
Hơn nữa, các nước Đông Nam Á đã chủ động xây dựng ASEAN trong 45 năm qua. Các nguyên tắc của Hiệp hội như chủ nghĩa trung lập, không can thiệp vào công việc nội bộ, phản đối việc sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế được cộng đồng quốc tế ủng hộ và chấp thuận.
Nhưng giá trị cốt lõi của ASEAN không chỉ có vậy. Nếu nhìn vào bản Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) của ASEAN, những giá trị như giải quyết hòa bình các tranh chấp đã tạo nên mức hòa đồng cao cho ASEAN trong cộng đồng quốc tế. Các nước lớn như Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc đều đã tham gia ký kết TAC. Đây có lẽ là một trong số không nhiều các Hiệp ước quốc tế được khởi xướng bởi các nước nhỏ nhưng được chấp thuận bởi các nước lớn.
Khó có thể khẳng định ASEAN là một tổ chức hoàn hảo, nhưng cũng không dễ nếu thiết lập một cơ chế thay thế ở Đông Nam Á. Một tổ chức nào khác cũng sẽ như ASEAN bởi nó cần hướng tới những giá trị chung phổ quát như tinh thần của Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời cũng phải phản ánh những đặc thù của khu vực, ví dụ tính đến nguy cơ bị can thiệp từ bên ngoài hay tính đặc biệt nhạy cảm của vấn đề chủ quyền quốc gia. Chính vì vậy, chủ nghĩa tiệm tiến, đồng thuận và không can thiệp đã giúp ASEAN tồn tại, phát triển trong quá trình xây dựng Hiệp hội 45 năm qua.
Việt Nam đã xác định phương châm "tích cực, chủ động và có trách nhiệm đối với ASEAN" . Ảnh Daylife.
Bối cảnh mới, yêu cầu mới
Tuy nhiên, một lần nữa, ASEAN lại đứng trước những thử thách và cơ hội mới. Sự trỗi dậy của Trung Quốc và điều chỉnh trọng tâm chiến lược quay về châu Á của Mỹ đã khiến ASEAN có nguy cơ rơi vào tình huống phải lựa chọn một trong hai. Nhiều nhà phân tích cho rằng trong điều kiện không gian chiến lược bị thu hẹp, để có thể bảo đảm những lợi ích an ninh và phát triển, nhiều quốc gia Đông Nam Á sẽ phải thuận theo giải pháp "chọn phe" chứ không thể  đi "nước đôi" như từ trước đến nay. Sự cố tại Phrom Penh dường như ủng hộ luồng ý kiến này.
Trên thực tế, việc hoạch định chính sách tinh tế và phức tạp hơn thế. Ngoài giải pháp "chọn phe", các nước Đông Nam Á có thể tìm cách thúc đẩy quan hệ "đồng đều" với cả hai nước lớn này. Một lựa chọn khác là "phòng ngừa rủi ro" nghĩa là tự hạn chế dính líu vào các hồ sơ gây tranh chấp giữa các nước lớn. Ngoài ra, một số nước có thể tranh thủ an ninh của Mỹ, kinh tế của Trung Quốc trong khi tìm cách làm hài lòng cả hai.
Nhưng quan trọng hơn tất cả, như bài học lịch sử cho thấy, quá trình hoạch định chính sách và mục tiêu chính sách phải hướng tới sự độc lập, tự chủ. Đây là bài học lớn nhất. Một khi chính sách không còn bảo đảm được lợi ích chủ đạo của mỗi một thành viên và của hiệp hội, nghĩa là bị chi phối nặng nề bởi các nhân tố bên ngoài, ASEAN có thể sẽ rơi vào những tình cảnh ngoài mong muốn. Các nước lớn hoàn toàn có thể mặc cả trên lưng các nước nhỏ, phân hóa, xé lẻ các nước nhỏ bằng cách tiếp cận song phương "một chọi một", và khả năng này chỉ có thể bị hạn chế nếu các nước nhỏ duy trì sự cố kết với nhau, thường xuyên trao đổi, tham vấn với nhau trên tinh thần tin cậy đặc biệt.
Điều đáng chú ý ở đây là diễn biến của tình hình ngày càng nhanh về tốc độ và phức tạp về tính chất. Chẳng hạn sự nổi lên của địa-chiến lược biển và đại dương đã khiến nhiều nước gia tăng đột biến sự quan tâm, gây nên những tình huống khó lường tại biển Đông Nam Á nói chung, trong đó có biển Đông. Trong bối cảnh này, liệu chủ nghĩa tiệm tiến và nguyên tắc đồng thuận của ASEAN có còn phù hợp? Liệu một nước có thể làm "hỏng" nỗ lực chung của cả nhóm như COC?
Bài toán này đối với ASEAN hóc búa không chỉ vì nó thách thức những giá trị cốt lõi của ASEAN mà còn đe dọa ngay sự tồn vong của Hiệp hội. Nếu ASEAN quyết định giải pháp bỏ phiếu theo đa số, liệu ASEAN có duy trì được sự đoàn kết, vốn rất cần thiết trong bối cảnh chiến lược mới? Nhưng ngược lại, ASEAN có thể chỉ trưởng thành nếu trực tiếp đối mặt và tìm giải pháp hợp lý cho những vấn đề như vậy. Nếu EU là một hình mẫu tham khảo tốt cho hội nhập khu vực, EU cũng đang tự đối mặt để có thể giải quyết khủng hoảng khối Eurozone.
Biển Đông hơn một phép thử
Biển Đông không chỉ thử thách sự đoàn kết của ASAEAN mà còn gắn với lợi ích chiến lược của ASEAN. Tuyến đường biển huyết mạch của Đông Nam Á đi qua vùng biển này. Nó cũng liên quan đến tất cả các nước bị ảnh hưởng bởi "đường lưỡi bò" của Trung Quốc, chứ không chỉ các nước trực tiếp có yêu sách chủ quyền.
Việc ASEAN không ra được tuyên bố chung tại AMM-45 hoàn toàn không đồng nghĩa với việc ASEAN bước hụt trong vấn đề COC, là công cụ quan trọng hướng tới việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trong khi có tác dụng duy trì hòa bình ổn định và đối phó với các thách thức đa dạng khác như bảo vệ môi trường, an ninh, an toàn hàng hải tại khu vực.
Trước khi AMM-45 diễn ra, ASEAN (trong đó có cả Campuchia) đã nhất trí với nhau về các thành tố cơ bản cho Bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông và đây cần được xem như một thành tựu lớn, một sự trưởng thành đáng ghi nhận của ASEAN. Vì sao ASEAN lại đạt được nhất trí về vấn đề khó khăn này? Không gì khác, tất cả các nước thành viên đều cùng nhau ý thức được tầm quan trọng phải xây dựng một bộ chuẩn hành vi chung để đối phó với những thách thức chung của khu vực. Đó là công việc phải làm cho một Cộng đồng ASEAN đang hình thành.
Mặt khác, kể cả trong trường hợp Trung Quốc không nhất trí với ASEAN về COC, ASEAN vẫn còn dư địa như cùng nhau nêu vấn đề này tại các diễn đàn khác như ASEM, APEC và Liên hợp quốc.
Đồng thời, ASEAN đã xác định xem COC như công cụ chính, ngoài cam kết chính trị nó còn hướng đến các giá trị có tính pháp lý. ASEAN sẽ không từ bỏ COC, đó là điều có thể dự báo được, đặc biệt nếu nhìn vào những nguyên tắc cơ bản của bộ luật bởi chúng hoàn toàn phù hợp với các chuẩn hành vi của cộng đồng quốc tế như yêu cầu kiềm chế, giải quyết hòa bình tranh chấp, không làm phức tạp thêm tình hình trong khi chờ một giải pháp hợp lý. Trước đây mặc dù quan hệ thời Chiến tranh Lạnh căng thẳng nhưng NATO và Liên Xô vẫn đạt được những thỏa thuận về luật chơi trên biển. ASEAN có thể chỉ buông COC nếu thế giới hoàn toàn đảo lộn.
Tóm lại, ASEAN đang sống trong một thế giới không lý tưởng và không thể bảo vệ, thúc đẩy các giá trị lý tưởng một cách dễ dàng. Nhưng nếu ASEAN từ bỏ chúng, đó sẽ là một thảm họa. Người ta không thể vì một lỗi lầm mà quy kết chẳng còn gì để phấu đấu cho một thế giới không tội lỗi.
Các nước thành viên và những ai ủng hộ ASEAN không thể mơ hồ về mặt chiến lược rằng ASEAN có thể phát triển toàn diện, vững chắc mà không có vai trò chung của Hiệp hội. ASEAN là ngã đường để các nước Đông Nam Á đi ra thế giới. Bởi vậy cách tiếp cận đáng mong đợi đối với ASEAN của các nước thành viên là không chỉ tranh thủ lợi ích chung mà còn đóng góp, xây dựng, đổi mới để ASEAN có vai trò, tiếng nói ngày càng thống nhất hơn trong một thế giới đầy biến động và bất trắc./.
Thạch Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét