Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

TỪ CỔ ĐẾN KIM ĐỀU NÓI LÁO KHÔNG ÍT THÌ NHIỀU

Tác giả :   Tô Văn Trường


Nhớ lại có lần Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh sau khi đọc bài viết “Suy nghĩ về lộ trình cải cách hệ thống chính trị ở Việt Nam”  nói trực tiếp với tôi ở Hội nghị cải cách hành chính tại Hà Nội đại ý  như sau “ Tôi đã đọc kỹ bài viết của  Trường, nhiều ý kiến sâu sắc, chân tình, nhưng khó đấy vì đụng chạm đến quan điểm chuyên chính vô sản. Anh Sáu Dân (Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã có ý kiến gì chưa”?
Lần này, đọc bài phát biểu kết thúc phiên họp của Hội nghị Trung ương vừa qua của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thông điệp đầu năm 2012 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, theo thiển nghĩ của tôi chắc  các vị lãnh đạo cấp cao nhất của nhà nước ta đã thấu hiểu Shakespeare nhà viết kịch nổi tiếng trên thế giới người Anh ở thế kỷ 16 (thời kỳ phục hưng) đã để cho nhân vật Hamlet có câu nói bất hủ cho đến tận ngày nay :”To be or not to be” có nghĩa là “tồn tại hay không tồn tại”. Nhiều người dân Việt Nam vẫn còn nhớ thời kỳ cuối thập niên 80, nhất là khi khối Đông Âu suy yếu và tan rã, trước các yêu cầu bức xúc của cuộc sống, để tồn tại, Đảng và Nhà nước ta đã tự cứu mình bằng cách tiến hành đường lối Đổi mới (1986), tạo ra các bước đột phá đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng, trì trệ.
Anh Nguyễn Minh Nhị (Bẩy Nhị) sau khi đọc bài diễn văn kết thúc Hội nghị Trung ương 4 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận xét nguyên văn như sau: “Có  hai điều nổi lên: một là toát lên nỗi  nguy khốn về các tệ hại trong  Đảng (biến chất) đe dọa sự tồn vong của Đảng  và chế độ mà người đứng đầu của Đảng  cảm nhận được và đánh động. Rất quan trọng - tôi nghĩ vậy. Nhưng nếu tại Đại hội V, thậm chí nhiệm kỳ các Đại hội VI, Đại hội VII... mà nói vậy thì là "tiếng sét" cảnh tỉnh, nhưng nay nó cũng như các các  nhiệm kỳ  Đại hội  IX, X và nhất là các Nghị quyết  TW gần đây thôi, gần như lập lại có hệ thống và có nhấn mạnh bằng một số tính từ hoặc mỹ từ. Từ đó nổi lên ý thứ hai: những điều phải "kiên quyết ngăn chặn", "triệt để chống", "thành tâm thiện ý", "trung thực tự phê",v.v... nhưng không ai thực hiện thì làm sao?. Bởi đã từng "quyết liệt" lắm rồi mà có quyết liệt đâu. Ngay như bệnh nói láo (nói dối) rầm trời ai cũng biết tẩy nhau "kính thưa các đồng chí  chưa bị lộ" mà có ai làm gì đâu. Có một cái mới mà tôi ghi nhận là Tổng bí thư nói dùng báo chí công khai phê phán cán bộ làm sai. Dám không?” vv… 
Sở dĩ, Anh Bẩy Nhị đặt câu hỏi với Tổng bí thư  Nguyễn Phú Trọng “dám không”? Vì Anh Bẩy đã từng trải qua kinh nghiệm làm quan đầu tỉnh An Giang nổi tiếng là người nói và làm trên cơ sở nguyên tắc: "Hữu xạ tự nhiên hương". Nhìn lại lịch sử, trên thực tế Tổng bí thư  Nguyễn Văn Linh đã từng muốn dùng báo chí công khai để phê phán cán bộ đảng viên có khuyết điểm. Ông đã đề xuất trên báo Đảng "Những việc cần làm ngay" và chính Ông viết bài cho báo Nhân Dân dưới bút danh “NVL” phê phán nơi nầy, nơi nọ làm sai Nghị quyết  Đảng và sai luật pháp Nhà nước. Thực tế, có nhiều cán bộ lãnh đạo địa phương châm biếm: "NVL là nhảy vào lửa" chứ  không phải "Những việc cần làm ngay" như thiện ý của Tổng bí thư  Nguyễn Văn Linh.  Và rồi cũng vì thiếu "Xạ" nên các báo hưởng ứng không "thơm tho" chút nào nên mục "NVL' đành yểu mệnh!
  Sau những lời tuyên bố mạnh mẽ của các vị lãnh đạo, nhìn vào từ những việc nhỏ như vụ Bùi Thị Minh Hằng, bây giờ đến vụ nhà báo Hoàng Khương bị bắt, những chuyện như thế cứ lặp đi, lặp lại, người dân nhìn ra việc lớn của đất nước  có quyền đặt ra câu hỏi “người ta nói vậy, không phải vậy”? Phải chăng trở lực lớn nhất không được đề cập tới, kể cả hội nghị Trung ương 3 và Trung ương 4, đó là cải cách chính trị, thực hiện dân chủ, bảo đảm các quyền công dân được Hiến pháp quy định!?
Vụ nhà báo Hoàng Khương (chuyên viết bài chống tham nhũng) mới bị công an thành phố Hồ Chí Minh bắt giam trong khi đứa con lớn bị bệnh hiểm nghèo,  đứa con nhỏ còn nằm trong bụng mẹ, mà lãnh đạo báo Tuổi Trẻ vẫn im re đủ hiểu câu hỏi dám không của Anh Bảy còn lâu mới đi vào cuộc sống! Tôi đã viết rất nhiều bài cho mục  “Thời sự và suy nghĩ” của Tuổi Trẻ, tuy chưa gặp mặt Hoàng Khương nhưng thật xót xa cho số phận của người cầm bút đã bị lãnh đạo báo Tuổi Trẻ  bàng quang chỉ vì  lo “cái ghế” của mình hơn là tình thương yêu, bảo vệ đồng nghiệp trong cơn hoạn nạn không đáng có và giữ uy tín, thương hiệu của tờ báo. Chúng tôi  không tin chỉ riêng công an thành phố Hồ Chí Minh dám làm điều này bởi trò đời ma mãnh lắm. Cả thế giới nầy, từ cổ chí kim thường nói láo là chính, nói thật là lẻ tẻ, kẻ có quyền và có tiền thì lời nói láo càng có sức mạnh. Trùm Sò từng nói: "Tụi bây nghèo không có quyền nói, tao giàu mới có quyền nói". Ngược lại, kẻ nghèo cũng nói láo dễ tin lắm vì "nó nghèo, dốt nên không biết bịa chuyện" - thành phần cơ bản mà (hay vô sản lưu manh) nên cũng rất dễ tin. Nhưng "Ông Trời" luôn có mắt vì luật nhân quả!
Gs Hoàng Tụy mới có bài viết “Tái cấu trúc, và sửa lỗi hệ thống” rất đáng suy ngẫm. Tình hình hiện nay, đòi hỏi đất nước phải “tái cấu trúc” (có thể hiểu Đổi mới lần thứ hai) nhưng chỉ nói tái cấu trúc kinh tế lại bỏ qua tái cấu trúc về thể chế, chắc chắn sẽ khập khiễng và chỉ giải quyết được phần ngọn, không phải phần gốc. Phó giáo sư Vũ Trọng Khải sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ phát biểu trên truyền hình đại ý tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mục đích để thể hiện tốt vai trò công cụ điều chỉnh kinh tế và tăng hiệu quả kinh doanh đã kể lại câu chuyện tiếu lâm. Chuyện kể rằng, vào thập niên 70, trên một chuyến xe  hiệu GAZ của Liên Xô đi công tác ở vùng quê đồng bằng sông Hồng Việt Nam, đột nhiên anh bạn chuyên gia Liên Xô đề nghị dừng xe. Anh ta, tiến lại gần một cậu bé đang chăn trâu thổi bóng bay bằng bao cao su (giống như bao cao su của Cù Huy Hà Vũ , tất nhiên chưa qua sử dụng) hỏi rằng em có biết bao cao su này là cái gì không? Không đợi cậu bé trả lời, anh bạn chuyên gia Liên Xô bảo “Cái này là cái có nó, không có em và nếu có em thì không có nó”! Câu chuyện này muốn chứng minh rằng không thể đồng thời đạt 2 mục đích như Bộ trưởng Vương Đình Huệ mong muốn! Lịch sử loài người chưa bao giờ biết đến thành công nhờ công cụ điều tiết vĩ mô là doanh nghiệp nhà nước. Chắc giải thưởng Nobel về kinh tế đang chờ phát kiến của ông Vương Đình Huệ!
Tái cơ cấu, tái cấu trúc hay các mỹ từ Đổi mới chỉ có thể thực hiện được khi những người có thẩm quyền biết vượt lên chính mình, thực tâm coi lời nói và hành động phải song hành dưới mắt người dân. Cuộc sống là bất phương trình chứ không phải phương trình nhưng Ông Trời  rất công bằng vì ai sinh ra đời cũng đều phải trải qua sinh, lão, bệnh, tử. Mong rằng khi cuối đời, nhìn lại, chúng ta không ai phải hổ thẹn, phải than rằng “giá như” mà lịch sử lại không có 2 từ giá như!  Hãy dành chút thời gian để suy ngẫm và làm các công việc có ích cho dù nhỏ trong ngày để không mang tiếng là ngày ấy mình sống để ăn “túi cơm” và để mặc “giá áo”!  
“Cuộc đời như giấc chiêm bao
Một dấu chấm hết, chấm sao cho tròn”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét