Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

BIẾN ĐỘNG THẾ KỶ

Ông Vũ Khoan trả lời báo Quân Đội Nhân Dân số Tết

Dù đã rời khỏi chính trường song hiếm có sự xoay chuyển nào của thời cuộc lại “thoát” khỏi đôi mắt tinh tường của ông. Với phông kiến thức rộng và sự hiểu biết sâu sắc của một chính khách lão luyện, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã dành cho báo Quân đội nhân dân một cuộc trao đổi cởi mở ngay trước thềm năm mới.

Thế giới trước ngã ba đường


PV: Năm qua đời sống quốc tế đã trải qua hàng loạt  biến động trên nhiều phương diện, ví dụ như về chính trị - quân sự  là tình hình  Trung Đông, Bắc Phi, về kinh tế - xã hội là khủng hoảng nợ công, phong trào biểu tình chiếm phố  Uôn. Ông nhìn nhận vấn đề này như  thế nào?

Ông Vũ Khoan: Tôi có cảm giác rằng, 2011 là năm đánh dấu những biến đổi rất lớn lao và sâu sắc, thậm chí có những điều mang ý nghĩa thế kỷ. Không phải là chuyện dùng từ đại ngôn đâu. Hãy ngẫm mà xem! Đã bao giờ bùng phát một phong trào rầm rộ, lan truyền từ bang này sang bang khác của nước Mỹ, từ nước này sang nước khác như phong trào mang cái tên ban đầu là “Chiếm lấy phố Uôn” sau đổi thành “Giải thể phố Uôn” như chúng ta đang thấy chưa? Phong trào này thể hiện sự phẫn nộ của người dân đối với mô hình phát triển đầy bất công, trong đó một nhúm nhỏ giới tài phiệt nắm hầu như toàn bộ tài sản của một quốc gia giầu có bậc nhất thế giới, còn tuyệt đại đa số người dân lại hứng chịu đủ loại thiệt thòi, công ăn việc làm cũng chẳng có đủ!  Điều đó cho thấy cái mô hình phát triển được gọi là “Sự đồng thuận Oa-sinh-tơn” với nội hàm tự do hóa, tư nhân hóa và phi điều tiết hóa không còn hiệu nghiệm. Khủng hoảng nợ công ở một loạt nước Tây Âu cho thấy mô hình thị trường xã hội với những phúc lợi xã hội vượt quá mức làm ra và sức chịu đựng của nền kinh tế cũng không còn phù hợp. Nguy cơ đổ vỡ của khu vực đồng ơ-rô cho thấy cái mô hình hợp nhất châu Âu thành một siêu quốc gia cũng rất mong manh.

Những hiện tượng trên chứng tỏ rằng, nhân loại đang đứng ở ngã ba đường trong việc chọn lựa một mô hình phát triển hợp lý có thể tạo nên sự cân bằng giữa yêu cầu  phát triển và công bằng xã hội.

 Sự thay đổi thứ hai cũng mang tính thời đại là  việc  ba đầu tàu kinh tế (Mỹ, Nhật Bản, Tây Âu) đang trong chiều hướng đi xuống, trái lại một loạt nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn độ, Brê-din, Nga…đang trên đà đi lên. Đây là hiện tượng mới mẻ hoàn toàn trong sự phát triển của thế giới.

Sự thay đổi thứ ba là bản đồ chính trị thế giới dường như đang được vẽ lại. Nếu như những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, bản đồ chính trị-xã hội ở Liên Xô cũ và Đông Âu đã bị vẽ lại thì bây giờ bản đồ Trung Đông – Bắc Phi cũng đang được phác lại khác hẳn.

Sự kiện lớn thứ tư là biến đổi khí hậu toàn cầu mà trận động đất đi liền với sóng thần kinh hoàng ở Nhật và trận đại hồng thủy trên sông Mê-công là những bằng chứng nhãn tiền.

 Xem như vậy thì thế giới dang tải qua những biến đổi rộng lớn, sâu sắc là điều nhãn tiền, còn hệ lụy sẽ ra sao, chúng sẽ dẫn dắt thế giới tới đâu thì còn phải theo dõi.

 PV: Tương lai thế giới như thế nào quả là khó đoán định. Nhưng rõ ràng Trung Quốc đang vươn lên và vươn ra mạnh mẽ và  Mỹ cũng đang có những động thái quyết liệt để duy trì vị thế siêu cường của mình  ví dụ như thực hiện chiến lược  Thế kỷ châu Á – Thái Bình Dương…

Ông Vũ Khoan: Nhìn lại lịch sử phát triển hàng nghìn năm của loài người ta có thể thấy sự thịnh suy của các quốc gia, kể cả các cường quốc là một quy luật. Nhiều đế quốc hùng mạnh như đế quốc La mã, Nguyên Mông, Ô-tô-man, Anh, Pháp, Đức Quốc xã…đã suy tàn do phung phí sức mạnh vì những tham vọng vô độ. Ngày nay chúng ta đang chứng kiến nước Mỹ đang ngập trong khó khăn sau khi tiến hành chiến lược “hai cuộc chiến rưỡi” (ở I-rắc rồi Ap-gha-nit-xtan, sau đó cùng NATO ở Li-bi).

Trong khi đó đầu thế kỷ XXI chứng kiến một hiện tượng mới là Trung Quốc sau mấy trăm năm chìm trong cảnh suy yếu đang trỗi dậy  như một quốc gia hùng mạnh về nhiều mặt. Cùng với Trung Quốc, Ấn độ cũng vươn lên ngoạn mục. Chỉ hai nền kinh tế mới nỏi này thôi đã chiếm khoảng 1/3 dân số loài người rồi.Đó là chưa kể những “con rồng châu A” đã nổi lên từ những thập kỷ cuối của thế kỷ XX. Chẳng thế mà người người đều nói đến “thế kỷ châu Á –Táhi bình dương”!

Trong bối cảnh đó “siêu cường số 1” lo bị “vượt mặt” là điều dễ hiểu. Nhưng trong một thế giới mà tính tùy thuộc lẫn nhau rất sâu sắc, anh nọ cần tiền, công nghệ và thị trường của anh kia thì xu hướng chung vẫn là vừa hợp tác vừa đấu tranh. Chẳng thế mà ở Mỹ luôn có hai trường phái. Thứ nhất là “Fighting with China” (Đấu với Trung Quốc); thứ hai là “Living with China” (Sống với Trung Quốc). Hai trường phái này phản ảnh lợi ích của các nhóm khác nhau. Xem ra các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ chọn điểm trung dung, tức là  vừa “chống” vừa “sống”.


Tìm cách sống thuận chiều nhất cho dân tộc 


          PV: Cả thế giới, nghĩa  là trong đó có  Việt Nam chúng ta, đang chọn cách sống với Trung Quốc. Vậy, ông đánh giá thế nào về quan hệ Việt – Trung hiện nay?

Ông Vũ Khoan: Trong lịch sử hàng nghìn năm qua quan hệ hai nước trải qua nhiều khúc quanh co, khúc khuỷu, lúc ấm lúc lạnh. Riêng trong thế kỷ XX nhân dân hai nước cùng cảnh ngộ đã ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh vì độc lập và tự do của mỗi nước. Là một dân tộc có truyền thống nghĩa tình, nhân dân ta không bao giờ quên sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân Trung quốc trong những năm tháng khó khăn khi Bác Hồ còn phải lặn lội tìm đường cứu nước, Đảng ta trong quá trình hình thành và phát triển, những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước… 

Tiếc rằng, quan hệ hai nước đã xấu đi nghiêm trọng trong những năm 80 thế kỷ trước ngoài sự mong muốn của chúng ta, nhưng may thay từ khi bình thường hóa vào đầu những năm 90 đến nay, quan hệ Việt – Trung đã có những bước phát triển rất đáng khích lệ. Thứ nhất, quan hệ đã được đưa lại đường ray chung sống và hợp tác với nhau như hai nước láng giềng hữu nghị. Thứ hai, với nỗ lực của cả hai bên đã giải quyết được hai trong 3 vấn đề biên giới-lãnh thổ là biên giới trên bộ và phân định vịnh Bắc bộ. Và ba là, quan hệ phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt từ chính trị, kinh tế, văn hóa đến quốc phòng, an ninh trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi và ngày nay hai nước đang xây dựng mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược.

Riêng các vấn đề trên biển Đông thì điều quan trọng là duy trì hòa bình, ổn định, thông qua đàm phán để tìm cách giải quyết một cách có lý, có tình: lý là luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 cũng như thỏa thuận giữa ASEAN với Trung Quốc DOC, còn tình là mối quan hệ láng giềng hữu nghị. Thỏa thuận 6 điểm về những nguyên tắc đàm phán về các vấn đề trên biển vừa được ký kết là một cơ sở tốt để đưa các vấn đề trên biển Đông vào kênh đàm phán.

Người ta hay nói  “có thể chọn bạn nhưng không thể chọn láng giềng”. Hai nước láng giềng chỉ có một sự chọn lựa duy nhất đúng là cùng nhau chung sống , hợp tác với nhau trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau cùng có lợi.



Độc lập tự chủ không có nghĩa là tách biệt, đối đầu


          PV: Chúng tôi  nhớ ông đã từng nói rằng có chiếc kiềng ba chân, gồm  Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, ảnh hưởng lớn đến chính sách đối ngoại của nước ta. Tất nhiên, Việt Nam đang đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa, song liệu chiếc kiềng này sẽ tác động như thế nào đến hành trình đi tìm cách sống thuận chiều nhất cho dân tộc?

          Ông Vũ Khoan: Bất luận thế nào cũng phải giữ cái kiềng có tối thiểu ba chân. Chẳng bao giờ kiềng lại chỉ có hai hay một chân cả vì như vậy nó sẽ đổ thôi! Còn xào nấu thế nào là do người đầu bếp.Phương châm độc lập tự chủ đi liền với đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế chính là như vậy! Để có được sự gắn kết giữa nước ta với các nước khác thì điều chủ yếu là phải tạo được dựng được lợi ích chung và sự tùy thuộc lẫn nhau. Có như vậy,  thế của đất nước ta và quan hệ quốc tế  mới vững. Tư tưởng bao quát là vậy, nhưng hành động thế nào thì còn  tùy tình huống, thời điểm, đối tượng cụ thể để chứ không ai có thể đưa ra một toa thuốc cho mọi trường hợp.

PV: Việc dung hòa lợi ích không đơn giản, thậm chí không khéo chính lợi ích của chúng ta lại bị sắp xếp trên bàn cờ quốc tế… 

Ông Vũ Khoan: Đúng là không đơn giản nhưng điều cốt tử là phải làm sao “ta vẫn là ta”, đồng thời biết người, biết tình thế để tìm cách ứng xử thích hợp. Cái khó và cũng cái tài của ta trong suốt quá trình lịch sử cũng chính là điểm này và Bác Hồ là mẫu mực trong việc đối nhân xử thế theo hướng đó.

Khi chủ trương “vừa đánh vừa đàm” với Mỹ vào khoảng năm 1967 ta đã  xác định rõ phải kiên trì chính sách đối ngoại độc lập tự chủ. Nhưng độc lập tự chủ không có nghĩa là biệt lập mà phải đi đôi với “đoàn kết quốc tế”. Bây giờ nói thì dễ chứ lúc đó khó khăn lắm vì Liên Xô và Trung quốc đã bất hòa nghiêm trọng, thậm chí đối đầu nhau, mỗi nước lại có lợi ích cải thiện quan hệ với Mỹ nhưng ta vẫn giữ được độc lập, tự chủ trong việc chọn lựa phương pháp đấu tranh, đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của cả hai nước Xô – Trung. Không làm được như vậy chắc ta cũng khó đạt được Hiệp định Pa-ri để làm cho “Mỹ cút” rồi tiến tới làm cho “ngụy nhào” năm 1975. Đây là cả một nghệ thuật nên khó tả bằng lời lắm, chỉ có thể cảm nhận được thôi.

PV: Nhưng dù sao phải  có nội lực mới độc lập tự chủ được thưa ông?

Ông Vũ Khoan: Tất nhiên chuông to thì tiếng kêu mới vang như Bác Hồ nói nhưng cũng đừng tuyệt đối hóa vấn đề này. Nếu thông minh  thì trong lúc lực yếu vẫn có thể giữ được độc lập tự chủ. Năm 1945-1946 khi đất nước mới giành độc lập  thì chúng ta có gì? Lực rất yếu, về tài chính thì két sắt rỗng nhưng vẫn tạo được thế. Ngày nay lực và thế của đất nước đã khác nhiều. Như có lần tôi đã chia xẻ trên báo Quân đội nhân dân,vấn đề nằm ở trái tim nóng và cái đầu lạnh  chứ không chỉ do cơ bắp chân tay. Đương nhiên chân tay khỏe thì mới đẩy được xe, nhưng không có cái đầu tỉnh táo thì có khi  lại đẩy xe xuống hố chứ chẳng chơi!

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này. Chúc ông hạnh phúc và dồi dào sức khỏe trong năm mới./.


1 nhận xét:

  1. Xin đính chính: dòng thứ sáu từ dưới lên được sửa là "1945-1946"

    Trả lờiXóa