Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

TỪ THẢM HỌA FUKUSHIMA ĐẾN ĐIỆN HẠT NHÂN Ở VIỆT NAM


Tô Văn Trường

Bất cứ quốc gia nào muốn phát triển bền vững phải đảm bảo nguồn an ninh năng lượng. Theo tính toán của các chuyên gia quốc tế, các nguồn năng lượng thông dụng đang đuợc khai thác hiện nay từ hóa thạch sẽ cạn kiệt như dầu lửa trong khoảng 40 năm, khí thiên nhiên 60 năm, than đá 145 năm vv…Hầu hết các nước công nghiệp phát triển đều phải nhờ vào nguồn điện hạt nhân. Nhật Bản phải xây dựng nhiều nhà máy loại này ( khoảng 40%). Tuy nhiên, hiện nay nhiều nước có kế hoạch hủy bỏ, không muốn sử dụng điện hạt nhân vì lý do an toàn.

           Thủy điện ở VN hầu như đã khai thác hết tiềm năng trên các sông lớn. Còn nếu như điện nhờ  thủy triều và gió thì đầu tư quá đắt. Muốn sử dụng điện hạt nhân nhưng nguy cơ hiểm họa của điện hạt nhân lại đặt ra những dự báo hậu họa nguy cơ mất an toàn, điều này còn ít đuợc nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam. Từ thảm họa Chenobyl trước đây, và thảm họa Fukushima mới đây (có lúc định di dời cả Tokyo) cần nhìn lại vấn đề điện hạt nhân ở Việt Nam.  
          Quốc hội Việt Nam đã quyết định xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân vào tháng 11 năm 2009. Nhà máyđiện hạt nhân Ninh Thuận 2 có tổng công suất lắp đặt khoảng 2.000 MW được xây dựng tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, với công nghệ lò nước nhẹ cải tiến của Nhật. Nhà máy này là dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, do EVN làm chủ đầu tư, dự kiến vận hành vào năm 2020. Dù ở giai đoạn thăm dò, dự án đã và đang gặp nhiều ý kiến trái chiều, nhất là sự cần thiết phải tính toán kỹ giữa lợi trước mắt và hại lâu dài, giữa hiệu quả sử dụng và an toàn tuyệt đối. Qua tham khảo các nguồn thông tin tư liệu của các chuyên gia Tanabe Yuki, Trung tâm xã hội và môi trường bền vững Nhật Bản ( JACSES) và Tomohiro Oguni rất đáng lo ngại vì  họ rất khách quan, trăn trở, lo lắng thay cho người dân Việt Nam chưa có đủ thông tin và không hiểu hết các phức tạp, và các rủi ro khó lường của điện hạt nhân.
          Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân nằm sát công viên quốc gia Núi Chúa, nơi có nhiều động vật quý hiếm. Đặc biệt đây cũng là nơi rùa biển (sắp tuyệt chủng) đẻ trứng, được WWF chú trọng. Phía Nhật Bản không rõ tại sao Việt Nam lại chọn địa điểm này. Nhật Bản chỉ được mời đến để khảo sát địa chất xung quanh nhà máy (cũng đã tốn gần 2 tỷ yên). Một số chuyên gia Bulgaria đã nói rằng Việt Nam rất chậm phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt thiếu chuyên gia quản lý và công nhân xây dựng nhà máy chuyên nghiệp. Người ta dự báo rằng động đất với cường độ 8.6 Richter tại rãnh đại dương Manila có thể gây ra sóng thần cao 5 m vào Việt Nam. Kế hoạch xây dựng đê chắn sóng, đặt máy bơm, máy phát điện để đối phó vẫn chưa rõ ràng. Cách nhà máy 20km là thành phố Phan Rang với dân số gần 180 nghìn người. Đà Lạt và Nha Trang cách nhà máy khoảng 110 km. Khi xảy ra sự cố sẽ phải tốn rất nhiều tiền cho việc sơ tán. Tuy nhiên kế hoạch sơ tán khả thi vẫn chưa được rõ ràng. Không hiểu sao đã có “tiền lệ” tại Nhật Bản khi nhà máy điện hạt nhân đặt ở gần biển đã bị sóng thần gây hại, mà ta lại đi đặt nhà máy ờ ngay ven biển, nơi nguy cơ sóng thần rất khó tránh khỏi. Nhật Bản là đảo quốc, khó tránh vùng ven biển, còn địa hình nước ta cho phép, tại sao cứ phải Ninh Thuận? Đa số dân chúng Việt Nam thiếu kiến thức về điện hạt nhân, nghèo thông tin về dự án và ít nghe thấy ý kiến của người dân xung quanh trên các phương tiện truyền thông.
           Chuyên gia Nhật Bản nhận xét đánh giá kế hoạch xử lý chất thải hạt nhân không rõ ràng. Chất thải hạt nhân cần được bảo quản qua thời gian rất dài chờ phân hủy (“bán vĩnh cửu”). Ngay cả Nhật Bản (cũng như hầu hết các nước dùng điện hạt nhân) vẫn chưa có kế hoạch xử lý vĩnh cửu chất thải hạt nhân trong nước.  Theo chúng tôi hiểu, không những kế hoạch xử lý chất thải hạt nhân không rõ ràng mà  thật sự trên thế giới người ta chẳng có giải pháp rốt ráo, lâu dài gì cả. Những biện pháp lưu trữ, chôn sâu vào lòng đất, đổ betong chung quanh  chỉ là tạm bợ và ẩn chứa nhiều rủi ro không lường hết được. Xu hướng chung của người ta là cứ làm đại, rồi cầu khấn “lạy trời sao cho...”. Ngoài ra, việc tháo dỡ nhà máy sau thời gian hoạt động dăm bảy chục năm là rất khó khăn, nguy hiểm và tốn kém, chi phí có thể lên đến hơn 10% giá đầu tư ban đầu. Vì chi phí này xảy ra dăm bảy chục năm sau này nên người ta thường muốn cổ súy cho dự án điện hạt nhân mà tảng lờ nó, không đưa vào dự toán. Nhưng nó vẫn là một phần chi phí lớn của dự án, cần phải tính hết, tính đủ để thấy hiệu quả của bài toán kinh tế.
           Ngôi làng dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân nằm cách 20km về phía phía Bắc của Phan Rang. Đó là một ngôi làng yên bình trông ra biển Đông. Ông Yuki Ogikubo, một nhà văn tự do người đã thăm làng này vào giữa tháng 9/2011 đã viết: “Tôi không cho rằng ngôi làng này nghèo vì các hoạt động nông nghiệp và đánh cá của họ. Đời sống của làng khá ổn định”. Sau khi đi thăm cả làng, ông Ogikubo đã đi vào vùng được quây bằng dây thép gai nơi có những người canh gác. Khi ông cho họ biết mục đích chuyến thăm của ông, người bảo vệ đã cho phép ông vào thăm bên trong khu vực cấm. Khu vực này vốn là cánh đồng, nhưng nó đã bị cấm và một vài ngôi mộ vẫn còn nằm rải rác trong đó.
           Theo kế hoạch, 155 hecta đất sẽ cần cho xây dựng nhà máy hạt nhân và khu vực phục vụ, và khoảng 2000 ngôi nhà sẽ bị di dời. Một người phụ nữ chăn bò đi ngang đã trả lời câu hỏi của ông Ogikubo, “Chúng tôi buộc phải từ bỏ  nhưng chúng tôi được thông báo rằng chính phủ sẽ đền bù, vì thế chúng tôi không lo gì cả. Con trai tôi sẽ làm việc trong nhà máy điện hạt nhân, vì thế chúng tôi tin rằng cuộc sống của chúng tôi sẽ tốt lên”. Bà ta mong muốn có nhà máy điện hạt nhân ở làng của bà. Ông cũng hỏi một bà ở cửa hàng tạp phẩm xem bà có lo lắng về nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân ở Nhật không. Bà này trả lời rằng:  “Tôi có nghe  với những trận động đất ở cấp độ cao thì sự phá hủy của nhà máy điện hạt nhân là không đáng kể. Tôi tin vào chất lượng của các sản phẩm của Nhật như xe máy, các đồ điện, cũng như công nghệ của Nhật”. Tuy nhiên, ông Ogikubo không tin rằng người dân ở đây đã nói thật những điều họ nghĩ. Ông không chắc là người phiên dịch đã dịch đúng. Ông nói “Tôi không nghĩ rằng dân làng được thông tin đầy đủ về thảm họa  ở Fukushima”.
           Bà Kan na Mitsuta ở tổ chức FOE, tổ chức phi chính phủ quốc tế về môi trường đã đến thăm nơi sẽ xây dựng nhà máy vào đầu tháng 11/2011. Theo bà Mitsuta, dân làng đồng loạt nói rằng họ buộc phải tuân theo những gì Chính phủ đã làm. Thực tế là một vài người dân làng đã đi thăm lò phản ứng hạt nhân Fukushima và nơi sẽ xây lò phản ứng hạt nhân ở phía Tây Nhật Bản vào mùa hè năm 2010. Những người dân đã cho bà Mitsuta biết họ cảm thấy yên tâm khi nhìn thấy người Nhật sống gần lò phản ứng. Khi bà Mitsuta nói với dân làng về thảm họa ở Fukushima và người dân Nhật đã phải đi sơ tán khỏi nơi ở, dân làng đã trả lời đó là vì Chúa chứ không phải là lỗi của công nghệ!? .
           Sự phát triển nhanh chóng về kinh tế đã khiến chính phủ Việt Nam tin rằng thủy điện không đủ đáp ứng nhu cầu đang tăng lên về điện và phải tìm kiếm nguồn điện thay thế từ năng lương hạt nhân. Vào tháng 1/2011 một bản thỏa thuận xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân đã được ký giữa Việt Nam và Nhật Bản. Bản thỏa thuận này sẽ có hiệu lực sau khi được quốc hội Nhật chấp thuận.
           Trước khi bản thỏa thuận năng lượng nguyên tử Việt Nam – Nhật Bản có hiệu lực, Bộ Kinh tế, Thương mại, và Công nghiệp đã tiến hành nghiên cứu tiền khả thi tại nơi sẽ xây dựng nhà máy. Chi phí của nghiên cứu tiền khả thi ước chừng khoảng 2 tỷ Yên (25,9 triệu USD) và sẽ được thực hiện bởi cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật Bản, đó là cơ quan sở hữu lò phản ứng nguyên tử Tokai số 2 (làng Tokai thuộc tỉnh Ibaragi).
           Nhà máy năng lượng hạt nhân đầu tiên sẽ đặt tại một làng thuộc huyện Phước Định, 20km về phía Nam thành phố Phan Rang, thuộc tỉnh Ninh Thuận. Nhà máy này sẽ có 2 lò phản ứng với tài trợ tài chính từ Nga.
           Vấn đề gì sẽ đến khi xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân sang Việt Nam? Theo bà Mitsuta thứ nhất và nguy hiểm nhất là không có thông tin đầy đủ.  Sự thật về tai nạn hạt nhân ở Fukushima đã không được thông tin cho mọi người hiểu, và người dân đã được tuyên truyền để hiểu rằng phản ứng hạt nhân là an toàn. Nhà máy đã được đặt tại nơi giàu có về thiên nhiên, và ngay cạnh Vườn Quốc gia. Dưới biển những rặng san hô đang phát triển, và loài rùa đang bị đe dọa tuyệt chủng đẻ trứng trên bãi biển. “Nhà máy điện nguyên tử có thể phá hủy thiên nhiên và hệ sinh thái biển”. Vấn đề chất đốt hạt nhân đã qua sử dụng và chất thải phóng xạ mà nhà máy điện hạt nhân thải ra đã không được thảo luận.
           Bà Yuka Kiguchi ở tổ chức Mekong Watch, một tổ chức phi lợi nhuận, đã thông báo rằng “người láng giềng Thái Lan đang phản đổi mạnh mẽ nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam”. Đó là vì khả năng phát tán ô nhiễm phóng xạ do gió mùa trong trường hợp có tai nạn. Nếu sông Mekong bị ô nhiễm bởi phóng xạ, cá trên sông Mekong trong lưu vực vùng Lào, Campuchia sẽ bị nhiễm xạ.
           Có một vấn đề nữa đó là dự án nhà máy hạt nhân được thực hiện với khoản vay ưu đãi từ Ngân hàng Nhật Bản JBIC. JBIC là 100% tài trợ bởi Ban hợp tác tài chính quốc tế của Chính phủ Nhật Bản. Chi phí cho xây dựng nhà máy điện hạt nhân đang tăng lên trong những năm gần đây, và nguy cơ của tai nạn là rất cao, vì thế chính phủ Nhật hỗ trợ cho xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân có thể gây ra gánh nặng cho người dân Nhật, những người phải đóng thuế.
           Ông Tadashi Maeda, Giám đốc bộ phận kế hoạch hợp tác quốc tế của JBIC là một chuyên gia tư vấn đặc biệt cho Uy ban là người quảng bá cho việc xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân. Ban quản trị của Đảng Dân chủ đã lên danh sách những nhà máy điện nguyên tử xuất khẩu như là một trong những chiến lược phát triển kinh tế mới vào tháng 6 năm 2010. Sau tai nạn Fukushima, Thủ tướng Nhật lúc đó, Naoto Kan đã thông báo một chiến lược kinh tế sửa đổi. Tuy nhiên, vào tháng 8 ông đã có một quyết định tiếp tục xuất khẩu nhà máy điện nguyên tử nhằm “cung cấp nhà máy điện nguyên tử với chất lượng cao nhất toàn cầu về an toàn”.
           Thủ tướng đương nhiệm, Ông Yoshihiko Noda đã thông báo tiếp tục xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân tai cuộc họp UN vào tháng 9 năm 2011. Trong cuộc họp thượng đỉnh với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, ông đã tái khẳng định việc xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân cho Việt Nam.
Chính phủ Nhật hiện đang thương thảo một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. Chính phủ cũng sẽ trao đổi chữ ký với Jordan tuy nhiên Quốc hội vẫn còn đang tiếp tục thảo luận về vấn đề này. Bởi vì ông Yuki Tanabe từ tổ chức phi lợi nhuận - Môi trường và Xã hội bền vững đã chỉ ra một số vấn đề của dự án này như nguy cơ động đất, và những khó khăn trong việc đảm bảo hiệu quả an toàn của nước lạnh.
           Trong khi việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử ở Nhật trở nên ngày càng khó khăn, các công ty xây dựng nhà máy điện hạt nhân đang phải tìm kiếm những cơ hội mới ở ngoài nước Nhật, 9 công ty năng lượng bao gồm công ty năng lượng Tokyo, Hitachi, và công nghiệp nặng Mitsubishi đã và đang đầu tư xây dựng kế hoạch phát triển hạt nhân quốc tế vào tháng 10 năm 2010. Và dự án lớn đầu tiên đó là xuất khẩu sang Việt Nam.
           Giáo sư Masako Ito ở trường Đại học Kyoto, khoa nghiên cứu khu vực châu Á, châu Phi (lịch sử Việt Nam hiện đại) đã phê phán rằng Nhật không thể tránh được tai nạn hạt nhân thì không nên hỗ trợ chính phủ Việt Nam bằng cách sử dụng tiền thuế của dân Nhật để xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong khi chính phủ Việt Nam không thông tin đầy đủ về những nguy cơ và an toàn của phản ứng hạt nhân cho người dân của họ. Bà cho rằng Nhật Bản cần hỗ trợ Việt Nam sản xuất dầu, cung cấp công nghệ để xây dựng năng lượng tái tạo, nhiệt điện và thủy điện.  
          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét