Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

LÊ NGUYỄN KỂ CHUYỆN NGOẠI GIAO- 9


         NHỮNG THỬ THÁCH ĐẦU ĐỜI

 
Năm 1979 là một năm thử thách đặc biệt đối với tôi qua hai sự kiện lớn.
Sau thắng lợi của Việt Nam trong cuộc chống Mỹ cứu nước năm 1975, ý thức dân tộc, độc lập, tự do của các nước, nhất là Á-Phi Mỹ La-tinh lên cao. Cuộc đấu tranh nói chung, kể cả đấu tranh vũ trang chống lại các chế độ độc tài, tay sai hoặc thân Mỹ trong nhiều nước phát triển mạnh.
Năm 1979, cuộc đấu tranh của nhân dân Nicaragua dưới sự lãnh đạo của Mặt trận  giải phóng dân tộc Sandino sắp bước vào giai đoạn bùng nổ. Qua nghiên cứu và đặc biệt từ các nguồn tin, đánh giá nhận định của Cuba, Sứ quán của ta bên đó thường xuyên cung cấp cho Bộ nhiều thông tin quý báu. Để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của quốc tế, nhất là các nước XHCN và dân tộc, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh trong các giai đoạn tiếp theo, tháng 6 năm 1979, Chính phủ xây dựng lại đất nước Nicaragua được thành lập (Chính phủ lâm thời). Lãnh đạo Cuba đánh giá lạc quan về cuộc đấu tranh đó. Ngoài việc cung cấp thông tin, Cuba cũng tỏ ý muốn Việt Nam ủng hộ cuộc đấu tranh nói chung và công nhận Chính phủ lâm thời Nicaragua mới thành lập.
Ủng hộ là điều không phải bàn cãi và trên thực tế ta đã và đang ủng hộ bạn. Nhưng công nhận chính phủ lâm thời hay không và công nhận lúc nào là vấn đề lớn, phải nghiên cứu, đánh giá tình hình rất thận trọng. Trách nhiệm đề xuất, kiến nghị việc này một phần thuộc về vụ khu vực, lúc ấy là Vụ Cuba-Mỹ Latinh. Đây là lúc cần tập trung trí tuệ của toàn Vụ để phân tích, đánh giá đúng tình hình và cần sự chỉ đạo của người đứng đầu đơn vị. Nhưng oái oăm thay Vụ trưởng của chúng tôi phải nằm viện. Đơn vị lại không có cấp phó mà chỉ có hai tập sự cấp vụ trong đó có tôi. Nhưng cũng rất may mắn phần lớn cán bộ trong đơn vị còn trẻ, đều xuất thân từ lò đào tạo Cuba, quen biết và rất hiểu nhau, dễ dàng, hợp tác, phối hợp.
Chúng tôi đánh giá, cân nhắc các khía cạnh và thấy :
- Khả năng Mỹ can thiệp trực tiếp để ngăn chặn cuộc đấu tranh của nhân dân Nicaragua là rất hạn chế vì bài học thất bại ở Việt Nam còn nóng hổi, và tình hình nội bộ nước Mỹ lúc đó cũng không cho phép.
- Nhân dân Nicaragua không còn chịu nổi sự áp bức của chế độ độc tài Somosa trong nước, sẵn sang nổi dậy, lật đổ chính quyền, sẵn sang ủng hộ Mặt trận giải phóng dân tộc Sandino.
- Được nhiều nước, đặc biệt là Cuba, các nước có xu hướng dân tộc và các lực lượng cánh tả ở châu Mỹ Latinh ủng hộ mạnh mẽ.
Từ đánh giá đó chúng tôi thấy khả năng thắng lợi của cuộc đấu tranh ở Nicaragua là nhiều và nước ta nên công nhận sớm Chính phủ lâm thời, không nhất thiết chờ đến lúc mọi chuyện đã đâu vào đó. Hầu hết anh em trong vụ nhất trí với kết luận đó, nhưng cũng có một vài đàn anh lớn hơn chúng tôi cả tuổi đời lẫn tuổi nghề tỏ ra dè dặt, chưa yên tâm, muốn chờ thêm, tốt nhất là sau khi cách mạng đã thắng lợi hoàn toàn rồi hãy công nhận cũng không muộn.
Thay mặt anh chị em trong vụ, chúng tôi báo cáo Lãnh đạo Bộ, đề nghị chính phủ ta công nhận chính phủ lâm thời Nicaragua. Trong lúc chờ quyết định của Bộ, chúng tôi đã sống những giờ phút hết sức hồi hộp, hết sức lo lắng và căng thẳng. Nhưng cũng rất may mắn, những giờ phút căng thẳng ấy cũng nhanh chóng trôi qua, nhường chỗ cho những giờ phút sung sướng, hạnh phúc : Bộ chấp nhận kiến nghị của chúng tôi và báo cáo Chính phủ cho phép triển khai thực hiện. Ngày 28/6/1979, tức là 20 ngày trước khi cách mạng Nicaragua giành thắng lợi hoàn toàn (19/7/1979), Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra tuyên bố chính thức công nhận chính phủ xây dựng lại đất nước Nicaragua.
Sau này, khi đọc lại tài liệu lưu trữ của Bộ, chúng tôi được biết, do ý nghĩa và tầm quan trọng của quyết định, Bộ cũng đã báo cáo xin ý kiến và được Tổng bí thư Lê Duẩn chấp thuận. Đó là một ngày đặc biệt, một ngày lịch sử không thể quên được trong cuộc đời làm công tác ngoại giao của chúng tôi.
                                                                   *
                                                                       *  *
Đang sung sướng tự hào khi vượt qua thử thách thứ nhất, chúng tôi lại phải bắt tay vào cuộc chiến đấu mới, đối diện với thử thách thứ hai không kém phần quan  trọng và phức tạp : chuẩn bị và phục vụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm chính thức 4 nước châu Mỹ La-tinh : Mexico, Nicaragua, Panama và Jamaica (nửa đầu tháng 9 năm 1979) ngay sau Hội nghị thượng đỉnh các nước Không liên kết ở Cuba.
Bốn nước đến thăm đều nằm trong khu vực “sân sau” của Mỹ : Mexico là nước lớn có chung biên giới với Mỹ; Nicaragua là một nước lớn ở Trung Mỹ vừa giành được thắng lợi vang dội trong cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ; Panama có kênh đào xuyên đại dương do Mỹ kiểm soát hơn 70 năm qua; Jamaica là hòn đảo nhỏ ở biển Caribe đang đấu tranh chống đế quốc giành độc lập kinh tế và xây dựng đất nước theo con đường dân chủ, tiến bộ, do đó cả bốn nước đều có vị trí quan trọng ở khu vực. Trong bối cảnh đó, lần đầu tiên trong lịch sử một đoàn cấp cao do Thủ tướng dẫn đầu thăm có ý nghĩa lớn, chẳng những tác động tích cực trong việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với 4 nước đó mà còn có ý nghĩa là một cuộc tấn công ngoại giao của ta vào khu vực vẫn được coi là “sân sau” của Mỹ.
Trong lúc cần tập trung toàn bộ lực lượng của Vụ để phục vụ 2 nhiệm vụ lớn diễn ra gần như cùng một lúc  là Hội nghị thượng đỉnh các nước Không liên kết ở Cuba và chuyến thăm 4 nước Mỹ Latinh của Thủ tướng thì Vụ trưởng của chúng tôi lại phải vào viện lần nữa và sau đó đi chữa bệnh tiếp ở nước ngoài. Một lần nữa gánh nặng lại đặt lên vai anh em chúng tôi. Chúng tôi chia làm hai nhóm làm việc : một tập sự cấp vụ chuẩn bị cho Hội nghị Không liên kết (Phối hợp với Vụ Vấn đề chung, nay là Vụ Tổ chức quốc tế), tôi phụ trách nhóm chuẩn bị và phục vụ chuyến thăm 4 nước của Thủ tướng. Tuy hai nhóm nhưng người không nhiều nên chúng tôi phải phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác chuẩn bị.
Đến lúc đó tôi đã có 14 năm trong ngành, nhưng chuẩn bị và phục vụ một chuyến thăm quan trọng và nhiều nước như vậy của Thủ tướng là lần đầu tiên nên cái gì cũng mới, cũng bỡ ngỡ. Quá trình chuẩn bị trong nước chúng tôi được các đơn vị chức năng trong Bộ hỗ trợ, giúp đỡ, sửa chữa (các loại văn kiện…) trước khi trình lãnh đạo Bộ thông qua và báo cáo lên cấp trên. Nhưng quá trình thực hiện chuyến thăm thì chúng tôi phải tự thân vận động, không có cách nào khác. Bình thường mọi văn bản báo cáo Thủ tướng chúng tôi phải thông qua anh Quốc Dũng (lúc đó là Thứ trưởng, thư ký riêng của Thủ tướng). Trong chuyến thăm 4 nước lần này thì có một số việc anh Quốc Dũng giao tôi được báo cáo trực tiếp Thủ tướng với thiện ý đẩy tôi xuống nước để tự tập bơi và trưởng thành qua thực tế.
Tôi rất lo, không hiểu có làm được không, nhưng cũng rất mừng là có cơ hội để thử mình và trưởng thành.
                                      (Phần tiếp theo : Chuyến thăm 4 nước)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét