Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

ĐẠI SỨ CHU CÔNG PHÙNG DỊCH VÀ GIỚI THIỆU THƠ

Chu Công Phùng được biết đến là nhà ngoại giao, hiện ông đang là Đại sứ Việt Nam tại Myanma. Không chỉ thế, ông còn là người dịch tiếng Hán rất tài, đặc biệt yêu thích dịch thơ Đường. Lều Văn xin chuyển tới bạn đọc yêu thích thơ Đường hai bài thơ do ông, một nhà ngoại giao, dịch và giới thiệu.

        1- MỘT MÌNH UỐNG RƯỢU TRONG THUYỀN

Không ít bạn Việt Nam yêu thích thơ Đường, nhất là những bài thơ về trăng, rượu của Thi tiên Lý Bạch. Nhưng ít người trong chúng ta biết ở Việt Nam cũng có những tác gia sống cách chúng ta nhiều thế kỷ trước cũng có những thi phẩm rất hay về trăng & rượu.
Đó là quan Tư đồ Trần Quang Triều đời Trần và bài thơ "Chu trung độc chước" có nhiều nét tương đồng với bài thơ "Nguyệt hạ độc chước" của Lý Bạch, nói cách khác về nghệ thuật và nội dung không thua kém thơ Lý Bạch.

Phải chăng là “Bụt chùa nhà không thiêng”? Mong các vị cùng đàm luận.
Tiểu sử tác giả
           Trần Quang Triều 陳光朝 (1286-1325) còn có tên là Nguyên Đạo và Nguyên Thụ, hiệu là Cúc đường chủ nhân và Vô Sơn ông, sinh năm Giáp Ngọ (1286), mất năm Ất Sửu (1325), nguyên quán ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, nay thuộc Nam Định. Là con trai cả Trần Quốc Tảng, cháu nội Trần Quốc Tuấn và anh vợ vua Trần Anh Tông. Trần Quang Triều được nhà Trần biệt đãi, nên năm 1301, mới 14 tuổi đã được phong tước Văn Huệ Vương, kế đó vào làm quan trong triều. Ông giỏi văn và giỏi cả võ, đã từng hăng hái cầm quân đi đánh dẹp Thích Na. Tuy vậy ông không tham công danh, phú quý. Sau khi vợ là công chúa Thượng Trân mất, ông càng muốn cáo quan. Nhiều khi trên đường đi công cán, ông cũng tỏ ý nhớ nhà muốn về. Cuối cùng ông đã xin về ở am Bích Động gần chùa Bình Lâm, nay thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, lập ra thi xã Bích Động xướng họa với các bạn thơ và cũng là bạn đồng liêu như Nguyễn Sưởng, Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Ức, Tự Lạc tiên sinh. Năm 1321, vua Trần Minh Tông triệu ông ra gánh vác việc nước, chức Nhập nội kiểm hiện tư đồ cho ông, nhưng chẳng được bao lâu thì ông mất. Tthương tiếc ông, các bạn đã làm thơ viếng và thu thập, biên tập thơ ông thành "Cúc Đường di cảo".

              Về thơ, Trần Quang Triều là nhà thơ giàu tình cảm, tinh tế, phóng khoáng, tài hoa. Thơ ông ý hàm súc, lời cô đọng, giản dị, dễ hiễu, hầu hết nói đến thú ở ẩn, thú du ngoạn, uống rượu ngâm thơ cùng bạn bè đồng điệu. Ông vui với thiên nhiên và cuộc sống trù phú của dân chúng nơi thôn dã, đồng thời cũng bộc lộ tâm sự buồn nản, chán công danh, ghét thói đơn bạc - dấu hiệu suy vi của triều Trần. Thơ tả cảnh qua đó lồng tâm tư tình cảm của Trần Quang Triều thật đặc sắc. Ông có những nhận xét tinh tế về nét riêng của thiên nhiên nước ta. Thơ ông được Phan Huy Chú đánh giá là "thanh thoát, đáng ưa".

            Tác phẩm: tập "Cúc Đường di cảo" nay đã thất lạc, hiện còn 11 bài thơ chép trong "Việt âm thi tập", "Toàn Việt thi lục". Dưới đây là một bài thơ còn lại của Ông.


舟中獨酌
秋滿山城倍寂寥,
家書不到海天遙。
人情疏密敲蓬雨,
世態高低拍漫潮。
松菊故留嗟異路,
琴書晚喜同條。
幾多磊塊胸中事,
且向樽前譬一驕。
Chu trung độc chước
Thu mãn sơn thành bội tịch liêu,
Gia thư bất đáo hải thiên diêu.
Nhân tình sơ mật xao bồng vũ,
Thế thái cao đê phách mạn triều.
Tùng cúc cố lưu ta dị lộ,
Cầm thư tuế vãn hỷ đồng điều.
Kỷ đa lỗi khối hung trung sự,
Thả hướng tôn tiền thí nhất kiêu.
Dịch nghĩa
Thu về đầy núi, càng khiến hiu quạnh bội phần,
Thư nhà không đến miền biển xa xăm này.
Tình người thưa nhặt như mưa gõ mui thuyền,
Thói đời lên xuống như nước triều vỗ bờ.
Tùng cúc bạn cũ, than ôi, nay đã khác nẻo,
Tuổi già đàn sách, mừng rằng hợp điệu.
Biết bao nỗi niềm chồng chất trong lòng,
Hãy thử giải khuây trước chén rượu xem sao.
Dịch thơ:

Cô đơn uống rượu trong thuyền

Núi đồi chìm ngập trong thu
Tin nhà mong mỏi mịt mù trùng khơi
Tình người khoan nhặt mưa rơi
Sự đời lên xuống đầy vơi thủy triều
Bóng già đàn sách liêu xiêu
Cố nhân còn mất, sớm chiều ngóng tin
Buồn thương day dứt trong tim
Đành nâng bầu rượu cố tìm men say...
                               
2- UỐNG RƯỢU DƯỚI TRĂNG


Hoa gian nhất hồ tửu,
Độc chước vô tương thân.
Cử bôi yêu minh nguyệt,
Đối ảnh thành tam nhân.
Nguyệt ký bất giải ẩm,
Ảnh đồ tùy ngã thân.
Tạm bạn nguyệt tương ảnh,
Hành lạc tu cập xuân.
Ngã ca nguyệt bồi hồi,
Ngã vũ ảnh linh loạn.
Tỉnh thời đồng giao hoan,
Túy hậu các phân tán.
Vĩnh kết vô tình du,
Tương kỳ mạc vân hán.
Dịch nghĩa:               
 Uống rượu một mình dưới ánh trăng

Cầm bình rượu giữa vườn hoa đẹp,
Một mình độc ẩm chẳng có người thân.
Đành nâng chén mời vầng trăng sáng,
Cộng với chiếc bóng thành ba người.
Nhưng trăng không biết uống rượu,
Chiếc bóng thì cứ bám sát.
Tạm thời kết bạn với trăng và bóng,
Cùng vui vẻ chơi xuân vậy.
Ta hát,  trăng chập chờn dõi theo,
Ta múa, bóng lãng nhãng múa theo.
Khi tỉnh ta cùng vui với nhau,
Khi say mỗi kẻ về một ngả.
Xin kết bạn mãi mãi với nhau,
Hẹn gặp nhau nơi trời mây xa xôi.
Thân thế
Theo lời Lý Bạch kể lại, thì ông là hậu duệ của tướng quân Lý Quảng nhà Hán, là cháu chín đời của Vũ Chiêu Vương Lý Cao nước Tây Lương thời Ngũ Hồ thập lục quốc. Có sách ghi ông là con cháu đời sau tông thất nhà Đường. Tương truyền lúc ông sắp sinh, bà thân mẫu nằm mộng thấy sao Tràng Canh (hay Trường Canh), vi sao này có tên là Thái Bạch nên đặt tên con là Bạch.Sau này ông tự đặt hiệu là Thái Bạch, rồi Tràng Canh; ngoài ra do sinh ở làng Thanh Liên nên cũng lấy hiệu là Thanh Liên cư sĩ. Giới thi nhân bấy giờ thì rất kính nể tài uống rượu làm thơ bẩm sinh, nên gọi Lý Bạch là: Tửu trung tiên, Lý Trích Tiên.
Về sau này, Đỗ Phủ, thua ông 11 tuổi, được tôn làm Thi Thánh (Thơ Thánh) thì Lý Bạch được tôn làm Thi Tiên (Thơ Tiên).
 Tiểu sử
Vào cuối đời nhà Tùy, một người họ Lý do thiếu nợ phải trốn ra Tây Vực, kết duyên cùng một Man bà (phụ nữ Tây Vực), đến năm Trường An nguyên niên sinh ra Lý Bạch.
Lý Bạch ở Lũng Tây, Cam Túc suốt thời thơ ấu, được mẹ dạy cho chữ Tây Vực, cha dạy cho Kinh Thi, Kinh Thư, đến 10 tuổi đã thông thạo và thích làm thơ.
Gia đình giàu có, nên từ nhỏ Lý Bạch đã tha hồ đi đây đi đó cùng cha. Ông tỏ ra rất thích, chí hướng của ông sau này không phải quan trường, mà là thơ túi rượu bầu, thong dong tiêu sái. Đến năm 10 tuổi gia đình chuyển về huyện Chương Minh, Tứ Xuyên. Tại đây Lý Bạch say mê học kiếm thuật, trong một thời gian ngắn, tài múa kiếm và tài thơ của ông được bộc lộ rõ rệt. 15 tuổi ông đã có bài phú ngạo Tư Mã Tương Như, bài thơ gửi Hàn Kinh Châu, khá nổi tiếng. Lúc 16 tuổi danh tiếng đã nổi khắp Tứ Xuyên.
Ngao du sơn thủy
Làm ẩn sĩ trên núi được 2 năm, ông lại hạ sơn, bắt đầu làm hiệp sĩ, đi lùng hết các thắng cảnh ở Hà Bắc, Giang Tây, Tràng An... Bạn đồng hành với ông lúc này là Đông Nham Tử, nhưng chỉ đi chung được 1 năm. Đến năm 20 tuổi Lý Bạch đã đi khắp nước Thục, ông lại về Tứ Xuyên với gia đình, chuẩn bị tiền đi đường và tiền mua rượu cho cuộc hành trình sắp tới. Ông đến làm dưới trướng của thứ sử Ích Châu Tô Dĩnh, được ông này khen là thiên tài, "có thể sánh với Tư Mã Tương Như".
Năm 723, Lý Bạch mặc áo trắng, đeo một bầu rượu lớn, chống kiếm lên đường viễn du. Trong khoảng ba năm, ông đã tham quan hầu hết cảnh đẹp Trung Hoa, như là hồ Động Đình, sông Tương, Kim Lăng, Dương Châu, Ngô Việt, Giang Hạ...Đến năm 726, ông đến Vân Mộng kết duyên cùng cháu gái của Hứa tướng công. Thời gian này tài năng thơ bắt đầu nở rộ. Đến 30 tuổi thì tiếng tăm đã vang đến triều đình. Được mời đi làm quan, nhưng ông không nhận.
Năm Khai Nguyên thứ 23 (735), ông đi chơi ở Thái Nguyên, gặp Quách Tử Nghi đang ở tù, ông xin giúp, Quách liền được thả. Ông lại dẫn vợ rong chơi qua nước Tề, Lỗ, rồi định cư ở Nhiệm Thành. Đến đây Lý Bạch lại được Khổng Sào Phủ, Hàn Chuẩn, Bùi Chính, Đào Cái, Trương Thúc Minh - những ẩn sĩ đương thời - rủ lên núi Tồ Lai thưởng ngoạn, rồi say sưa ở Trúc Khê. Nhóm này được người ta gọi là "Trúc Khê lục dật".
Vào cung và bị gièm pha
Năm 741, Lý Bạch lại một phen từ bỏ gia đình, vợ con, ông đến Hồ Nam rồi Giang Tô, Sơn Đông... đi đến đâu danh tiếng lan ra đến đó.
Năm đầu niên hiệu Thiên Bảo (742), ông đến Cối Kê, cùng đạo sĩ Ngô Quân ở ẩn tại Thiểm Trung. Sau đó cùng bạn về Trường An, ở đây ông gặp thái tử tân khách Hạ Tri Chương, trở nên đôi bạn rượu-thơ thân thiết. Ông được Hạ Tri Chương tiến cử lên vua Đường Minh Hoàng, vua Đường nghe danh đã lâu nên rất thích, vời vào điện Kim Loan giao việc thảo thư từ, sau được phong làm Hàn Lâm, chuyên giữ việc mật. Được vua Đường và Dương Quý Phi yêu thích. Tại đây, cùng với Hạ Tri Chương, Thôi Tông Chi, Vương Tiến, Tô Tần, Trương Húc, Tiêu Toại, Lý Thích Chi hợp thành nhóm "Tửu trung bát tiên".
Đến năm 745, do lối sống của ông gàn dở, say xỉn suốt ngày, lại bị Dương Quốc Trung gièm pha nên Dương Quý Phi cũng phát ghét, chỉ trích luôn luôn làm Đường Minh Hoàng khó xử.
Lý Bạch nhận thấy sự đó, cộng với lòng đam mê du lãm đang trỗi dậy, ông liền từ biệt vua Đường. Vua rất buồn, nhưng cũng chiều theo, lại tặng thêm rất nhiều vàng nhưng thi nhân không nhận, cuối cùng trao cho ông quyền uống rượu miễn phí tại bất cứ quán rượu.
 Rời cung, bị đày ải và qua đời
Trong 10 năm kể từ lúc rời cung, Lý Bạch tha hồ uống rượu và đi chơi, ông từng qua Triệu, Nguỵ, Tề, Tần, Lương, Tống, các vùng Bân, Kỳ, Thương, Ư, Lạc Dương, các sông Hoài, sông Tứ... Do đi quá nhiều nên ông cũng quen biết và thân thiết với rất nhiều, trong đó có Đỗ Phủ, Sầm Tham, Mạnh Hạo Nhiên, Cao Thích...
Năm Thiên Bảo thứ 13 (755), ông quen với Nguỵ HạoQuảng Lăng, hai người cùng xoã tóc đi thuyền vào sông Tần Hoài. Sau đó đến Tuyên Thành. Tháng 11 năm này có loạn An Lộc Sơn, Lý Bạch liền về Lư Sơn, ở ẩn tại Bình phong điệp. Năm (56 tuổi), tiết độ sứ Vĩnh Vương Lân đến tận núi mời ông về phủ. Lý Bạch đành phải đi theo. Đến khi Lân làm phản bị bắt, Lý Bạch chạy trốn nhưng không thoát, lúc sắp bị tử hình có Tuyên Uý đại sứ Thôi Chi Hoán với ngự sử trung thừa Tống Nhược Tư đem giấu đi. Sang năm 757 bị triều đình bắt lại, lúc này người từng được Lý Bạch cứu khi xưa là Vương Chi Hoán ra sức giải oan, ông được giảm xuống tội đi đày.
Năm 758, trên đường đi đày ba vùng Dạ Lang, Động Đình, Tam Giáp, Lý Bạch được tha, liền đi xuống phía đông đến Hán Dương, tiếp tục cuộc ngao du đây đó, tuy nhiên tuổi già, sức yếu, ông đành đến Đang Đồ, ở nhờ anh họ là Lý Dương Băng. Đến năm 762, vua Đường Đại Tông lên ngôi, cho người mời Lý Bạch nhưng trên đường đi thì nghe tin ông đã qua đời rồi.
Chuyện thi cử
Năm Thiên Bảo đời Đường Huyền Tông (742), Lý Bạch đến Tràng An ứng thí, tình cờ gặp Hạ Tri Chương (đang giữ chức Hàn Lâm), cả hai đều mê rượu, mê thơ nên trở thành thân thiết.
Đề thi năm ấy là: "Không mong văn chương hơn thiên hạ, chỉ cần văn chương đúng ý quan chấm thi". Khoa thi vừa xong, Hạ Tri Chương sợ Lý Bạch không có tiền đút lót sẽ bị đánh rớt, liền gửi một lá thư giới thiệu cho giám khảo. Thư đến hai quan giám khảo là Cao Lực Sĩ và Dương Quốc Trung, hai người này vốn không thích Hạ Tri Chương, nên càng ghét Lý Bạch. Lúc chấm thi, thấy hai chữ Lý Bạch, Dương Quốc Trung liền phê: "Người này dốt quá chỉ đáng mài mực cho bọn sĩ tử thôi". Cao Lực Sĩ phê hùa theo.
 Chuyện trong cung
Thi rớt kỳ ấy, Lý Bạch nghe lời Hạ Tri Chương ở lại chơi ít tháng, đợi Hạ tiến cử. Một hôm sứ nước Phiên dâng thư cho vua Huyền Tôn bằng tiếng Phiên, cả triều không ai đọc được. Vua vừa tức giận vừa hổ thẹn, hẹn sứ giả 6 ngày sẽ trả lời thư. Hạ Tri Chương kể chuyện cho Lý Bạch nghe. Vì Lý Bạch từng được mẹ dạy chữ Phiên, ông bảo "cũng chẳng khó gì", liền hôm sau được vua Đường vời vào triều. Lý Bạch không chịu vào, vua liền phong cho chức Học vị tiến sĩ, ông mới mặc áo, đội mão bước vào. Cầm thư Phiên, Lý đọc vanh vách, vua từ đó rất thích ông, không ngờ lại có người thông tuệ như vậy, liền thăng chức cho ông làm Hàn Lâm học sĩ.
Đến khi Vua sai viết thư trả lời bằng tiếng Phiên, Lý Bạch mặt đỏ, khệnh khạng đi đến trước mặt Cao Lực Sĩ, đưa chân cho y tháo giày, rồi ngoắc Dương Quốc Trung lại mài mực ông mới chịu viết. Hai người này đành phải lúi húi làm theo.
Thời gian trong cung của Lý Bạch cũng có nhiều chuyện được chép lại, đại loại là về tài thơ của Lý Bạch. Như việc Lý Bạch say rượu làm thơ thần tốc thì có rất nhiều. Ngoài ra giai thoại sau đây rất nổi tiếng:
Thời Khai Nguyên, lúc hoa nở đẹp, vua Đường Minh Hoàng cùng Dương Quý Phi ra ngắm hoa, sai nhạc đội ca hát. Lần này vua muốn có lời ca ngợi sắc đẹp của Dương Quý Phi, liền vời Lý Bạch đương say rượu vào ra đề làm thơ. Lý Bạch đang say viết liền 3 bài Thanh Bình điệu. Vua và Quý Phi rất thích. Sau này Dương Quốc Trung, Cao Lực Sĩ, những người từng bị Lý Bạch làm nhục gièm pha ông với Dương Quý Phi (em gái của Dương Quốc Trung) về bài Thanh Bình Điệu, bài này có câu:
Tá vấn Hán cung thùy đắc tự?  Khả liên Phi Yến ỷ tân trang (Mỹ nhân cung Hán đều thua. Ngoài nàng Phi Yến khi vừa điểm trang)
Hai người cho là Lý Bạch sánh ngang Quý Phi với Triệu Phi Yến, một hoàng hậu đời Hán bị thất sủng. Dương Quý Phi từ đó không ưa Lý Bạch, lại thêm Trương Ký ganh ghét gièm pha, Lý Bạch phải cuốn gói khỏi triều đình.
Cái chết
Thời kỳ sau của Lý Bạch ít được chú ý, đến khi Đường Đại Tông - một người yêu thơ Lý Bạch - lên ngôi thì ông đã không còn nữa rồi. Có người bảo ông chết do bệnh, nhưng trong dân gian còn lưu truyền một chuyện đẹp đẽ về cái chết của Lý Bạch:
Tại sông Thái Trạch, huyện Đang Đồ, trong một đêm rằm, Lý Bạch đang say xỉn trên bờ sông, thấy trăng in đáy nước đẹp quá, liền nhảy xuống với bắt mà chết đuối. Nơi đó có một cái đài, người sau đặt tên là Tróc nguyệt đài (Đài bắt trăng). Chuyện này được Đỗ Phủ, Vương Định Bảo, Hồng Dung Trai ghi lại.
Có nhiều bằng chứng lịch sử nêu rằng Lý Bạch đã tự tử (bài thơ tuyệt mệnh của ông).
Tác phẩm
Nhà thơ Bì Nhật Hưu thời vãn Đường nói rằng: "Từ khi nhà Đường dựng nghiệp đến giờ, ngữ ngôn ra ngoài trời đất, tư tưởng vượt xa quỷ thần, lỗi lạc dị thường, không phải lời của thế gian, thì có thơ Lý Bạch".
Lý Bạch làm hơn 20.000 bài thơ cả thảy, nhưng làm bài nào vứt bài đó, nên được biết tới là nhờ dân gian ghi chép hơn cả. Sau loạn An Lộc Sơn thì mất rất nhiều. Đến khi ông mất năm 762 thì người anh họ Lý Dương Lân thu thập lại, thấy chỉ còn không tới 1/10 so với người ta truyền tụng. Sang năm 1080, Sung Minh Chiu người Hàn Quốc mới gom góp lại tập thơ Lý Bạch, gồm 1800 bài. Đến nay thì thơ Lý Bạch còn trên dưới 1000 bài, bài nào cũng được đánh giá rất cao, nhưng nổi tiếng trong dân gian thì có: Tương Tiến Tửu, Hiệp khách hành, Thanh Bình Điệu, Hành lộ nan...
Khác với Đỗ Phủ, thơ Lý Bạch thích viển vông, phóng túng, ít đụng chạm đến thế sự mà thường vấn vương hoài cổ (Phù phong hào sĩ ca, Hiệp khách hành, Việt trung lãm cổ...), tả cảnh thiên nhiên tươi đẹp (Cổ phong, Quan san nguyệt...), cảm thông cho người chinh phụ (Trường can hành, Khuê tình, Tử dạ thu ca...), về tình bạn hữu (Tống hữu nhân, Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng, Văn Vương Xương Linh thiên Long Tiêu...), tình trai gái (Oán tình, Xuân tứ...), nhớ quê hương (Tĩnh dạ tứ, Ức Đông Sơn...). Nhưng nhiều nhất vẫn là về rượu (Tương Tiến tửu, Bả tửu vấn nguyệt, 4 bài nguyệt hạ độc chước, Xuân nhật độc chước, Đối tửu...).
Lời bình:
           
              Lý Bạch tuy có rất nhiều bạn văn thơ, nhưng cuộc sống lang thang tha hương khiến ông luôn cảm thấy cô đơn, lẻ loi, luôn nhớ tới quê hương và những người thân xa cách. Nỗi buồn xa xứ luôn ám ảnh và xuất hiện trong thơ ca của Lý Bạch. Những bài thơ ông ngẫu hứng sáng tác trong cô đơn không chỉ đạt tới đỉnh cao của thơ Đường về niêm luật, ý tưởng để rồi qua hàng nghìn năm vẫn được lưu truyền, ngợi ca cho đến tận ngày nay. Thơ Lý Bạch viết nhiều về trăng, ánh trăng trong thơ Lý Bạch luôn gợi một nỗi buồn man mác, khiến những người xa xứ đọc thơ ông không giấu được sự đồng cảm khôn nguôi, và chính vì thế thơ Lý Bạch và ánh trăng trong thơ Lý Bạch luôn sống mãi với thời gian...
            Bài Thất ngôn tứ tuyệt "Tĩnh dạ tư" mà Chu Công giới thiệu với các bằng hữu là một trong những tuyệt tác của Lý Bạch. Chẳng thế mà Quang Phổ tiên sinh sống nơi đất khách quê người đã lập tức "pha trà, thưởng thơ" tra mạng tìm tiên cảnh trong tiểu thuyết của Kim Dung và còn họa lại thơ gửi các bằng hữu, chia xẻ nỗi niềm xa xứ luôn đau đáu hướng về quê hương cùng bè bạn...
            Trở lại bài thơ "Nguyệt hạ độc chước" của Lý Bạch, ta lại thấy "Thi tiên" Lý Bạch đang cô đơn đến chừng nào, giữa một mùa xuân tươi đẹp mà ông lang thang uống rượu giải sầu giữa một không gian chỉ có hoa và ánh trăng, không có ai bầu bạn. Lý Bạch cô đơn kết bạn với trăng và chiếc bóng của mình để tìm sự an ủi tạm thời. Hình ảnh đó có vẻ hoang đường nhưng lại rất phóng khoáng, chỉ có "Thi tiên", "Tửu tiên" mới làm được như vậy.
            Cầm ly rượu mời trăng và bóng thưởng thức, cùng ca, cùng nhảy. Dáng người nghiêng ngả, chiếc bóng xiêu vẹo, lẵng nhẵng bám theo dưới ánh trăng khi tỏ khi mờ. Lý Bạch như đang thoát lên tiên để quên đi mọi nỗi niềm buồn thương cô quả...
            Trong các nhà thơ xưa và nay, hỏi có ai uống rươu như Lý Bạch trong bài thơ này không? Chắc là chưa từng có.
            Không biết Quang Phổ tiên sinh cảm xúc thế nào khi đọc bài thơ này của Lý Bạch. Chu Công tôi đã hàng chục năm xa xứ mỗi lần đọc những tuyệt tác này của Lý Bạch lại cảm thấy nghẹn ngào...
            Có rất nhiều dịch giả Việt Nam đã dịch bài thơ này của Lý Bạch. Xin dẫn 1 bài dịch của Chu Công :



Cô đơn uống rượu dưới trăng

Tay bưng một hũ rượu quỳnh,
Bạn bè xa vắng, một mình ngắm hoa.
Nâng ly cạn với trăng tà,
Cộng thêm chiếc bóng thành ba bạn vàng.
Trăng kia thấy rượu chẳng ham,
Bóng thì lẵng nhẵng chẳng xa chẳng rời.
Tạm cùng trăng, bóng vui chơi,
Thưởng xuân cho thỏa, cho vơi nỗi lòng.
Ta ca, trăng chiếu sáng trong,
Bóng hình quấn quýt múa vòng quanh ta.
Tỉnh thì bầu bạn có ba,
Say rồi, trăng, bóng rời ta xa vời.
Tình ta thắm mãi bạn ơi,
Gặp nhau hẹn chốn mây trời bao la.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét