Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

TẢN MẠN VỀ “ TÂY HÓA”

Tiến sĩ Phạm Gia Minh
Nghe râm ran đâu đây câu chuyện thời sự về những người  “bạn quốc tế hảo tâm vốn sẵn tình cảm chân thành “  với Việt Nam đã khuyên chúng ta phải tránh 3 xu hướng nguy hiểm , đó là “Tây hóa”, “ tha hóa” và thoái hóa” . Tha hóa và thoái hóa thì rõ ràng chẳng ai muốn và nhất thiết phải chống quyết liệt , thế nhưng “Tây hóa” là thế nào đây khiến không ít người hoài nghi, thắc mắc.
Nói thì dễ nhưng bắt tay vào làm lại thấy khó - chống thế nào đây khi  Việt Nam đã giã từ chữ tượng hình Hán –Nôm với bao bất cập,  rối rắm và nhược điểm để phổ cập chữ quốc ngữ gốc Latinh- một hệ thống ký tự của văn hóa Phương Tây đích thực,  giúp quảng đại quần chúng dễ dàng tiếp cận kiến thức và xây dựng phong cách tư duy khoa học, mạch lạc. Ngôn ngữ và chữ viết chính là con thuyền chở tư tưởng đi xa và người Việt Nam  cần phải cám ơn lịch sử  đã cho chúng ta một cơ hội để trang bị cho bản thân  một công cụ tiện lợi và sắc bén , đó là chữ quốc ngữ ngày nay. Trong số rất nhiều các nước  Á Châu , Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia đã thành công trong việc dám từ bỏ những bất cập trong hành trang văn hóa truyền thống để tiếp thu  văn minh Phương Tây năng động, khoa học .

 Chẳng phải Hồ Chí Minh trong bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng đã trích dẫn các lý tưởng về Tự do- Bác ái- Bình đẳng – Nhân quyền của các cuộc cách mạng xã hội ở Phương Tây như những hình mẫu mà nhân dân chúng ta hằng mơ ước đó sao?
Nhìn lại lịch sử, Phương Đông tuy có bề dày lịch sử hàng ngàn năm nhưng lại là một đêm dài của xã hội toàn trị nơi quyền lực chi phối hết thảy, còn mạng  sống của các “ thần dân bé nhỏ, bất lực và thụ động” có khác gì với con ong , cái kiến. Đó là  mô thức phát triển ngưng đọng , trì trệ , ngột ngạt  kéo dài triền miên mà không có thay đổi về cấu trúc và tiến bộ xã hội . Trái lại , tuy còn có những hạn chế và bất cập nhưng Phương Tây đã xây dựng nên những khái niệm và hình mẫu về Dân chủ- Nhân quyền- Bình đẳng- Bác ái và tiến bộ xã hội. Trên cơ sở đó mà hình thành nên mô hình nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự được đa số các quốc gia thịnh vượng ngày nay áp dụng. Có thể nói Phương Tây đã đóng góp phần lớn các giá trị  và chuẩn mực văn minh mang tính phổ quát toàn cầu,  làm nền tảng cho các sinh hoạt cộng đồng quốc tế hiện nay.
Phương Tây với lối tư duy hệ thống , năng động,  phóng khoáng và mạch lạc đã xây dựng nên nhiều ngành khoa học  mang giá trị thực chứng và các ngành sản xuất năng suất cao mang lại hạnh phúc cho nhân loại, trong khi đó,  Phương Đông mặc dù có những nền văn minh lâu đời nhưng không thể vượt ra khỏi những giáo điều cứng nhắc và không thể hệ thống hóa lại những kiến thức mang nặng tính chiêm nghiệm để nâng lên tầm khoa học.
Trung Quốc trong hơn 30 năm trở lại đây đã tiến hành “ 4 hiện đại hóa” trên cơ sở học tập khá kỹ  và toàn diện những kiến thức kinh doanh và quản trị  xã hội của Phương Tây. Hàng trăm ngàn sinh viên đã được gửi sang các nước Phương Tây học tập và ngày nay không hiếm những lãnh đạo trẻ Trung Quốc đã từng được tu luyện về quản trị cao cấp ở các trường như MIT, Harvard , Cornell  v.v…Gần đây Trung Quốc còn mạnh dạn thuê các CEO từ các nước Phương Tây phát triển và áp  dụng nhiều chuẩn mực quốc tế  để  quản trị các tập đoàn kinh tế nhà nước và xu hướng này cũng đang được nhiều doanh nghiệp tư nhân noi theo. Mua lại, sáp nhập các thương hiệu nổi tiếng của Mỹ và Châu Âu với giá hời nhân cơ hội khủng hoảng kinh tế  , đồng thời đẩy mạnh hoạt động tình báo công nghiệp tại các trung tâm kỹ nghệ quan trọng của Phương Tây nhằm lấy cắp bí mật  đang là một  chính sách dài hơi của Bắc Kinh .
Nếu như chúng ta đã tiến hành “cải tạo tư sản” sau  tháng 4/1975 bằng cách quốc hữu hóa nhiều nhà máy, xí nghiệp và cơ sở kinh doanh khiến sản xuất đình trệ, nhân lực có tay nghề cao ly tán  thì Trung Quốc đã khôn ngoan sử dụng  sự trở về với đại lục của Hồng Kông năm 1997 như một cơ hội  ngàn vàng để học cách kinh doanh hiện đại của Phương Tây một cách rất triệt để , góp phần nâng cao năng lực hội nhập toàn cầu của các doanh nghiệp nội địa. Chính sách thu hút vốn và nhân tài Hoa kiều ở các quốc gia Phương Tây của Trung Quốc có nhiều điểm khiến chúng ta  phải học hỏi .
Giai đoạn hiện nay khi nền kinh tế của Trung Quốc đã vững mạnh thì việc các nhà quản trị và học giả của họ quảng bá những luận thuyết phát triển riêng mang màu sắc Trung Hoa và đầy tinh thần dân tộc cũng là lẽ thường tình. Tuy vậy Trung Quốc vẫn chưa đạt được bình đẳng xã hội khi hệ số Gini có xu hướng tăng liên tục và đạt mức khá cao trong những năm gần đây ( khoảng 0.47 – theo Wikipedia )  khiến hàng năm có tới hơn 100.000 cuộc biểu tình, bãi công;  tham nhũng đã trở thành con bệnh trầm kha và bức tranh an sinh –xã hội mang nhiều gam màu u tối nếu so sánh với nhiều quốc gia Phương Tây khác , đặc biệt là những nước Bắc Âu theo mô hình xã hội – dân chủ.
Tham gia vào các tổ chức toàn cầu như WTO, IMF, Worl Bank v.v…vận hành chủ yếu theo các chuẩn mực Phương Tây bắt buộc những quốc gia thành viên phải thực hiện hợp chuẩn mọi hoạt động kinh tế- xã hội trong nước . Khó có thể tưởng tượng liệu chúng ta lại một mình chơi theo một kiểu riêng biệt khi mà ngay cả Trung Quốc cũng đang tích cực chơi theo luật quốc tế để hướng tới một vai trò lãnh đạo trong các tổ chức đó , xứng với tầm cỡ của họ hiện nay.
Nhớ lại lịch sử dân tộc đầy những biến cố đau thương , ngay cả khi Việt Nam hoàn toàn nằm trong vùng ảnh hưởng của văn hóa và mô thức phát triển Phương Đông kiểu Trung Hoa thì nhà Minh vẫn cho hủy hoại, cướp đi mọi giá trị văn hóa mang dấu ấn và hồn Việt của chúng ta. Đối với các dân tộc lân bang, từ ngàn xưa các vua chúa Trung Hoa vẫn có chính sách kìm hãm phát triển để dễ bề thôn tính. Ngay cả đối với môn phong thủy , các vua chúa Trung Hoa đã chủ ý phát tán những sách vở được gọi là “ ngụy thư” nhằm đưa các quốc gia nằm trong vòng ảnh hưởng của họ mãi mãi rơi vào cái tâm thế “  mê lú,luẩn quẩn ” nên không thể tự lực ,tự chủ vươn lên thoát ra khỏi vòng cương tỏa về tư tưởng của họ được, còn các “chính thư” thì được họ giữ kín để dùng riêng . Điều này chỉ được tiết lộ cho thế giới bên ngoài cung đình Trung Hoa biết khi Anh quốc xâm chiếm Trung Hoa (1).
Dân tộc Nhật Bản rất đáng được chúng ta khâm phục và ngưỡng mộ khi cách đây hơn 100 năm  họ đã có những đại diện cho giới trí thức tinh hoa như Fukuzawa  Yukichi dám dũng cảm đương đầu với những thế lực phong kiến hủ lậu khi ông cho công bố văn kiện có ý nghĩa canh tân toàn diện đất nước “ Thoát Á luận”.( xem Wikipedia Fukuzawa )
Ngày nay không ai có thể nói nước Nhật không còn giữ được những nét văn hóa và giá trị tinh thần truyền thống của mình, quả thực người Nhật đã “Tây hóa”  để trở thành một quốc gia thịnh vượng, văn minh  mà vẫn không bị “ hóa Tây”. Chúng ta hẳn còn nhớ những hình ảnh sống động về con người và tính cách Nhật bản khi cách đây đúng một năm , thảm họa sóng thần khủng khiếp ập đến , dân tộc Nhật đã bình tĩnh và can đảm như thế nào đương đầu với khó khăn để rồi lại tiến lên không ngừng. Xa hơn, cách đây hơn một thế kỷ , trước làn sóng thôn tính thị trường thế giới của Phương Tây mạnh mẽ và kéo dài hơn mọi con sóng thần, người Nhật đã rất thông minh áp dụng chiến lược” học Phương Tây để thắng Phương Tây”.
Hãy tiếp thu  những bài học “ Tây hóa”  từ lịch sử các quốc gia Châu Á thành công. Viết tới đây,  tôi bỗng nhớ tới những lời rất tâm huyết của một nhà văn hóa  Việt Nam đầu thế kỷ  XX : “ Lịch sử không chỉ có tác dụng giáo dục; nó còn khích lệ. Nó làm nguôi ngoai, đem lại sự bình tâm; nó xoa dịu những nôn nóng cũng như những lo âu và cung cấp chỗ dựa cho niềm tin và hy vọng….” và “ khi ta có được cái may mắn thuộc về một dân tộc có sau lưng mình hai mươi lăm thế kỷ lịch sử, thì trong những lúc thất vọng hay hoài nghi, sẽ là một khích lệ tuyệt diệu nếu biết nhớ lại thiên sử thi anh hùng dài lâu của tổ tiên và rút lấy từ trong các bài học của quá khứ những sức mạnh cần thiết để đối mặt với hiện tại và chuẩn bị cho tương lai”.(2).
Chỉ bằng cách đó mới không bị rơi vào cái thế hoang mang như kẻ “ đẽo cày giữa đường” và có khi còn bị kẻ xấu “ xui trẻ con ăn cứt gà sáp” như dân gian vẫn thường nhắc nhở.

Thăng long- Hà nội 6/3/2012


(1). Raymond Lo. Phong thủy và số mệnh đối với các nhà quản lý.( bản dịch của Phạm Gia Minh) NXB Tri thức. Hà nội 2008.
(2).Phạm Quỳnh. Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932. NXB Tri thức. Hà nội 2007.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét