Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

KỂ CHUYỆN MYANMAR

Myanmar, một nước làng giềng gần gũi của Việt Nam, đang có những thay đổi" kỳ lạ". Kỳ lạ là nói theo cách chúng ta vẫn quen nhìn, còn ở một góc nhìn khác thì những gì đang diễn ra ở Myanmar lại là những thay đổi khá là kỳ diệu. Từ Myanmar, Đại sứ Chu Công Phùng, vừa là nhân chứng vừa là nhà quan sát những biến đổi đang diễn ra ở Myanmar, đã gửi về cho Lều văn loạt bài Kể chuyện Myanmar,  kể lại một cách có hệ thống về đất nước kỳ bí này từ những thay đổi đang diễn ra hiện nay đến các vấn đề lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội, con người, kinh tế, phong tục tập quán...., sau đó là những câu chuyện nhỏ về cảm nhận thực tế (pha chút hài hước) của ông trong 3 năm qua công tác tại đất nước Chùa Vàng...
Lều văn xin lần lượt giới thiệu cùng các bạn. 
I - NHỮNG THAY ĐỔI "LẠ KỲ" Ở MYANMAR
Đất nước Myanmar (từ năm 1989 trở về trước gọi là Burma - Miến Điện) lâu nay vẫn là miền đất huyền bí, xa lạ đối với cộng đồng quốc tế nói chung và nhiều người Việt Nam nói riêng. Bạn đọc Việt Nam muốn tìm hiểu thông tin chính xác về lịch sử đất nước, con người, kinh tế, văn hóa, phong tục tập quán, quan hệ đối ngoại… của Myanmar là điều khá khó khăn vì ở Việt Nam hiện có rất ít sách báo giới thiệu về Myanmar, các thông tin trên mạng Internet tuy có nhiều nhưng được viết dưới lăng kính quan sát của những người có quan điểm không giống nhau, thậm chí trái ngược nhau.
 
Chùa Vàng – niềm tự hào của Myanmar

               Từ nửa cuối năm 2011 tới nay, các phương tiện thông tin đại chúng của thế giới và Việt Nam liên tiếp loan báo nhiều thông tin về những thay đổi chóng mặt tại đất nước có chùa Vàng (Shwe Dagon) nổi tiếng. Nhiều dự báo được đưa ra xung quanh việc hòa giải giữa 134 sắc tộc ở Myanmar, việc Mỹ và Phương Tây đang cải thiện quan hệ, tiến tới chấm dứt chiến dịch bao vây cấm vận kéo dài hơn 20 năm đối với Myanmar, việc Myanmar sẽ hội nhập đầy đủ với cộng đồng thế giới và một dự báo khiến nhiều nước láng giềng không khỏi giật mình: Myanmar thời kỳ “hậu cấm vận” sẽ phát triển nhanh chóng và sẽ khôi phục vị trí “cường quốc nông nghiệp, giáo dục, thể thao…” của Châu Á hồi giữa thế kỷ XX.
               Xét theo phép biện chứng, thăng trầm, tiến thoái của vạn vật không phải ngẫu nhiên mà đều có nguyên nhân khách quan và chủ quan.  Đất nước Myanmar cũng không nằm ngoài quy luật này. Chuyên mục “Kể chuyện Myanmar” sẽ giới thiệu cho bạn đọc hiểu thêm về những câu chuyện thời sự và lịch sử của Myanmar mà nhiều người đang rất quan tâm.
Bài 1: Những thay đổi “lạ kỳ” ở Myanmar
            Báo chí quốc tế và nước ta đã viết nhiều. Ở đây xin tổng hợp 10 sự kiện lớn đã xảy ra tại Myanmar trong hơn một năm qua. Những sự kiện này tuy không xảy ra cùng một lúc mà gối tiếp nhau, đan xen nhau, thúc đẩy lẫn nhau, vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả tất yếu của việc Myanmar đã và đang “lột xác” để lộ dần ra gương mặt rất mới mẻ.
1/ Đó là cuộc Tổng tuyển cử ngày 7/11/2010 bầu Quốc hội Myanmar. Đầu năm 2010, sau khi đã hoàn thành 4 bước trong “Lộ trình dân chủ” 7 bước” (công bố và thực hiện từ đầu năm 2003), chính phủ quân sự của Thống tướng Than Shwe quyết định chuyển sang B­ước thứ 5: Tổ chức cuộc tổng tuyển cử tự do, dân chủ, công bằng để bầu ra Quốc hội theo quy định của Hiến pháp 2008. Đây là cuộc bầu cử được dư luận chờ đợi suốt 20 năm kể từ cuộc bầu cử tháng 5 năm 1990. Hơn 3.000 ứng cử viên từ 37 đảng chính trị khắp cả nước đua nhau tranh cử 1.159 ghế Quốc hội. Đoàn ngoại giao tại Yangon được mời đi chứng kiến các địa điểm bầu cử tại 14 Bang (state) và Vùng (Divition) của Myanmar [1].
Khác với dự đoán của nhiều nhà quan sát Phương Tây, cuộc bầu cử ngày 7/11/2010 diễn ra trong không khí hòa bình, ổn định, dân chủ và tự do. Bà Aung San Suu Kyi – lãnh tụ đảng Liên minh Dân chủ quốc gia - NLD - đảng đối lập lớn nhất, được phép tham gia bầu cử nhưng đã từ chối.
Ngày 17/11/2010, Ủy ban bầu cử Liên bang công bố kết quả bầu cử. 11/37 đảng trúng cử ở Thượng viện và Hạ viện; 25/37 đảng trúng cử ở Nghị viện Bang, Vùng. Đảng Đoàn kết phát triển - USDP của chính phủ thắng cử áp đảo tới 76% , còn lại 24% thuộc các đảng khác.
Các nhà quan sát quốc tế nhận xét, cuộc bầu cử Quốc hội 7/11/2010 khác với cuộc bầu cử 27/5/1990 ở 2 điểm:
Thứ nhất, trước và sau cuộc bầu cử 7/11/2010, tình hình nội bộ Myanmar tương đối ổn định, không xảy ra biểu tình, khủng bố trong lãnh thổ Myanmar. Sau bầu cử chỉ xảy ra một cuộc đụng độ giữa quân đội chính phủ với nhóm phiến quân Liên minh dân tộc Karen – KNU tại vùng biên giới giáp Thái Lan. Tuy nhiên, sau 2 tuần lễ giao tranh, với lực lượng hơn hẳn của quân đội chính phủ và sự phối hợp của phía Thái Lan, lực lượng vũ trang của nhóm KNU nhanh chóng bị đẩy lùi.
Thứ hai, Liên Hợp Quốc, Mỹ và EU tuy phê phán cuộc bầu cử 7/11/2010 không công bằng, không dân chủ..., nhưng đều không tẩy chay kết quả bầu cử, đều để ngỏ cửa đối thoại với Quốc hội mới Myanmar.
2. Ngày 31/1/2011, Quốc hội Myanmar (Thượng viện và Hạ viện) cùng Nghị viện 14 Bang, Vùng trong cả nước họp phiên đầu tiên thống nhất quy tắc, lề lối làm việc và bầu người đứng đầu Nghị viện các cấp. Ông Thura Shwe Mann  (nguyên Đại tướng, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Myanmar, nhân vật thứ 3 trong chính phủ quân sự) được bầu làm Chủ tịch Hạ viện. Ông Khin Aung Myint (nguyên Bộ trưởng Văn hóa chính phủ quân sự) được bầu làm Chủ tịch Thượng viện. Theo quy định của Hiến pháp Myanmar, chủ tịch Thượng viện sẽ làm Chủ tịch Quốc hội 2,5 năm đầu, Chủ tịch Hạ viện sẽ làm Chủ tịch Quốc hội 2,5 năm tiếp theo trong nhiệm kỳ Quốc hội 5 năm.
            Đông đảo nhân dân Myanmar và nhiều đảng đối lập ghi nhận và hoan nghênh các vị đứng đầu Thượng viện và Hạ viện các cấp xứng đáng là đại diện của cơ quan tư pháp Myanmar.
3. Ngày 4/2/2011, Quốc hội Myanmar bỏ phiếu bầu ông Thein Sein (do Hạ viện giới thiệu) làm Tổng thống CHLB Myanmar; ông Tin Aung Myint Oo (do các nghị sĩ quân đội giới thiệu) làm Phó Tổng thống; ông Sai Mauk Kham (do Thượng viện giới thiệu ) làm Phó Tổng thống. Tiếp đó, Quốc hội bỏ phiếu thông qua kiến nghị của Tổng thống Thein Sein về việc thành lập Chính phủ dân sự mới gồm 34 Bộ (tăng 2 Bộ so với chính phủ quân sự cũ) và phê chuẩn danh sách 30 Bộ trưởng mới (2 Bộ trưởng kiêm nhiệm 2 Bộ), trong đó có 5 Bộ trưởng là dân sự. Cùng ngày, Nghị viện 14 Bang, Vùng cũng bỏ phiếu bầu Thủ hiến và phê chuẩn bộ máy nhân dự các cấp địa phương.
            Đối với các nước dân chủ, việc bầu cử quốc hội và thành lập chính phủ mới là chuyện rất bình thường, nhưng đối với Myanmar, sự kiện 31/1/2011 và sự kiện 4/2/2011 có ý nghĩa rất quan trọng vì suốt hơn nửa thế kỷ kể từ năm 1962 sau khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ dân chủ Đại nghị của Thủ tướng dân sự U Nu, Myanmar dưới sự quản lý của các chính phủ quân sự, vai trò của Quốc hội đã bị thủ tiêu, thậm chí kết quả cuộc bầu cử quốc hội tháng 5/1990 đã bị chính phủ quân sự của Thủ tướng Saw Maung không chấp nhận.
4. Ngày 30/3/2011, Thống tướng Than Shwe chính thức tuyên bố giải tán Hội đồng Hòa bình và Phát triển quốc gia các cấp – SPDC (tức chính phủ quân sự); đồng thời chính thức chuyển giao quyền quản lý đất nước cho chính phủ dân sự mới. Ngày 31/3/2011, Tổng thống Thein Sein cùng 30 Bộ trưởng và 14 Thủ hiến các Bang, Vùng thực hiện Lễ tuyên thệ nhậm chức. Tổng thống Thein Sein tuyên bố tư tưởng và phương châm của chính phủ mới là “xây dựng Chính phủ hành chính làm việc hiệu quả và trong sạch”.
Đến đây, "Lộ trình dân chủ 7 bước" của chính phủ Myanmar hoàn thành bước thứ 6, chuyển sang bước thứ 7 – bước cuối cùng: xây dựng đất nư­ớc phát triển, hiện đại và dân chủ.
5. Ngày 16/5/2011, Tổng thống Thein Sein ký lệnh giảm án và đại ân xá cho 14.758 tù nhân, trong đó có hơn 200 tù chính trị. Tiếp đó, tháng 12/2011, chính phủ Myanmar đã thả tự do cho hầu hết tù chính trị, trong đó có cựu Thủ tướng Khin Nyunt (bị bắt giam năm 2004) và các lãnh tụ sinh viên bị bắt trong cuộc biểu tình lớn chống chính phủ ngày 8/8/1988 (sự kiện 8888).
Động thái này của chính phủ Myanmar không chỉ được nhân dân cả nước hoan nghênh mà còn được Liên Hợp Quốc, Mỹ, EU hoan nghênh khích lệ.
6. Ngày 12/8/2011, Bộ trưởng Tuyên truyền và Văn hóa thay mặt chính phủ Myanmar lần đầu tiên họp báo tại Thủ đô Nay Pyi Taw tuyên bố chính sách mới của chính phủ mong muốn ngừng bắn, đàm phán hòa bình với các nhóm sắc tộc vũ trang ly khai trong cả nước. Đến cuối năm 2011, chính phủ Myanmar đã ký Thỏa thuận ngừng bắn với hầu hết các lực lượng vũ trang ly khai đồn trú ở vùng biên giới giáp Trung Quốc và Thái Lan.
7. Ngày 19/8/2011, Tổng thống Thein Sein hội đàm với bà Aung San Suu Kyi – Lãnh tụ đảng NLD, hai bên đạt được thỏa thuận gác bỏ bất đồng, cùng hợp tác vì lợi ích của quốc gia và nhân dân. Tiếp đó, ngày 4/11/2011, Tổng thống Thein Sein ký sắc lệnh “Sửa đổi Luật đăng ký đảng phái”. Ngày 25/11/2011, đảng NLD đăng ký và được khôi phục vị trí hợp pháp.
            Dư luận Myanmar và quốc tế đánh giá rất cao cuộc gặp gỡ lịch sử ngày 19/8/2011 giữa “2 con gà” (Thein Sein và Aung San Suu Kyi đều sinh năm Ất Dậu 1945). Báo chí Myanmar hy vọng “2 con gà” sẽ cất vang tiếng gáy báo hiệu thời kỳ hòa hợp dân tộc ở Myanmar đã đến.
8. Ngày 30/9/2011, căn cứ theo đề nghị của Quốc hội và nguyện vọng của cử tri cả nước, Tổng thống Thein Sein tuyên bố ngừng xây dựng dự án thủy điện khổng lồ Myitsone trên sông Irrawaddy – bang Kachin trị giá 3,6 tỉ USD do Trung Quốc đầu tư để bảo vệ môi trường sinh thái  và thượng nguồn dòng sông thiêng Irrawaddy – được người dân Myanmar ví như sông Hằng của Ấn Độ.
Đây là lần đầu tiên trong hơn 20 năm qua Myanmar công khai nói “không” với Trung Quốc, gây tiếng vang rất lớn trong và ngoài nước. Động thái này của chính phủ Myanmar không chỉ được các Tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế hoan nghênh mà còn được chính phủ Mỹ và nhiều nước Phương Tây ghi nhận và khích lệ.
9. Ngày 17/11/2011, Tổng thống Thein Sein tham dự Hội nghị Nguyên thủ ASEAN lần thứ 19 tại Bali – Indonesia. Nguyên thủ 10 nước ASEAN nhất trí trao nhiệm vụ vinh dự cho Myanmar làm Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2014.
            Kể từ khi Myanmar gia nhập tổ chức ASEAN (tháng 7/1997), đây là lần đầu tiên Myanmar được tín nhiệm nhận trọng trách vinh dự này. Liên Hợp Quốc, Mỹ, EU đều hoan nghênh quyết định của ASEAN.
10. Từ 30/11 – 2/12/2012, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thăm chính thức Myanmar. Đây là “chuyến thăm lịch sử” sau 55 năm lạnh nhạt giữa hai nước, đánh dấu quan hệ Myanmar – Mỹ đã chuyển từ giai đoạn đối đầu sang đối thoại, cải thiện và tiến tới bình thường hóa.
            Ngày 1/12/2012, cùng ngày Tổng thống Thein Sein tiếp Ngoại trưởng Hillary Clinton, Quốc hội Myanmar thông qua “Luật tụ tập và biểu tình hòa bình”, mở đầu cho thời kỳ dân chủ hóa ở Myanmar.
            Tiếp theo chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ, hàng loạt ngoại trưởng Phương Tây như Anh, Pháp, Đức, Nauy, Úc, Nhật bản, New Dealand… đến thăm và viện trợ tài chính cho  Myanmar. Kết quả cụ thể là: Mỹ quyết định trong năm 2012 sẽ nâng quan hệ ngoại giao với Myanmar từ cấp Đại biện lên cấp Đại sứ; EU quyết định từ tháng 4/2012 chính thức mở Văn phòng đại diện tại Myanmar. Cả Mỹ và EU đều bật đèn xanh cho Tổ chức tiền tệ thế giới (IMF) cử các chuyên gia đến Myanmar khảo sát, hội thảo, hỗ trợ Myanmar cải cách, nâng cao năng lực hoạt động của ngành tài chính, tiền tệ Manmar.
           
            Từ một chính phủ quân sự có nhiều tai tiếng với thế giới bên ngoài, từ một quốc gia có tới 134 sắc tộc với hàng chục nhóm vũ trang ly khai chưa bao giờ ngừng tiếng súng chống lại chính phủ kể từ sau khi giành độc lập (1947), đất nước Chùa Vàng đang xảy ra những thay đổi “lạ kỳ” thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Chính phủ dân sự mới Myanmar với đại đa số nhân sự chuyển từ chính phủ quân sự sang, cũng chính những con người đó đang làm đổi thay bộ mặt đất nước chùa Vàng mà không cần đến bất cứ cuộc cách mạng sắc màu nào như đã xảy ra ở một số nước Châu Âu, Trung Đông, Bắc Phi… Liệu đây có phải là trường hợp “ngoại lệ” không? Xu thế đổi mới đang diễn ra ở Myanmar là lâu dài hay chỉ là tạm thời. 10 sự kiện lớn kể trên đương nhiên chỉ là kết quả tất yếu của cả một quá trình thai nghén và phát triển trong lịch sử hiện đại Myanmar…
            Lịch sử đang tiếp diễn. Chúng ta sẽ chờ đón những thay đổi lớn và mới hơn nữa trên đất nước Chùa Vàng kỳ bí và hấp dẫn này.
CCP



[1] Đại sứ quán Việt Nam  tại Myanmar được mời tham gia chứng kiến bầu cử tại Bang Shan, Vùng Bago và Thủ đô Nay Pyi Taw.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét