Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

ĐẠI SỨ VŨ HẮC BỒNG : NHỮNG NĂM THÁNG ĐÁNG NHỚ

Nhân đọc bài viết về Đại sứ Vũ Hắc Bồng của Nguyễn Thị Ngọc Hải do nhà báo Nguyễn Vĩnh giới thiệu trên blog của anh, Đại sứ Vũ Chí Công gửi cho Lều văn một bài viết khác của Nguyễn Thanh Tuấn viết năm 2010 cũng về Đại sứ Vũ Hắc Bồng. Đại sứ Vũ Chí Công viết : "Minh luon coi ong Bong la thu truong, nguoi thay va nguoi anh co day du nhung to chat tot dep nhat cua si fu Bac Ha va anh Hai Sai gon, la can bo ngoai giao"nhan,tri,dung" lam guong cho cac the he noi tiep".
Xin giới thiệu bài viết của Nguyễn Thanh Tuấn để chúng ta thấy và yêu mến hơn một tấm gương của  Ngoại giao Việt Nam.


Phần I: Ông đại sứ đảo chính
Trong suốt hơn 20 năm kể từ 1982-2006, ông là nhà ngoại giao đứng đầu cơ quan ngoại vụ của TP HCM trong thời kỳ khó khăn nhất sau giải phóng: cấm vận, giải quyết vấn đề người tị nạn, Campuchia, bình thường hóa quan hệ với các nước. Trên cương vị là nhà ngoại giao, ông luôn xuất sắc ở khả năng xử lý tình huống, làm chủ tình hình. Trong giới ngoại giao, ông được coi là một tượng đài. Giới ngoại giao nước ngoài trong thời gian dài khi tới TP HCM đều muốn được gặp “Mr. Bồng”…
 “Chú là một trong những đại sứ cuối cùng được chủ tịch Hồ Chí Minh ký bổ nhiệm …” – đại sứ Vũ Hắc Bồng mở đầu câu chuyện vậy khi tôi đến nhà ông ở bên Q.7 để tìm hiểu về cuộc đời làm ngoại giao của ông. Tháng 5-1969, ông Bồng là một trong những đại sứ cuối cùng được chủ tịch Hồ Chí Minh ký giấy cử đi làm đại sứ tại Guinea.

Người ở Bộ Ngoại giao thường đùa gọi ông là “ông đại sứ đảo chính” vì lý do đặc biệt. Không hiểu số phận run rủi sao nhưng trong 12 năm làm đại sứ ở 3 nước Guinea, Chile và Angola thì cả ba nơi đều xảy ra đảo chính.  Với mỗi cuộc đảo chính, ông đều có kỉ niệm và những tình huống đòi hỏi phải xử lý khéo léo.
Tháng 11 năm 1970, ông Vũ Hắc Bồng đang ở Guinea-Conakry thì binh biến xảy ra để lật đổ chính quyền của Ahmed Sékou Touré. “Ba cuộc đảo chính thì quyết liệt nhất là cuộc đảo chính ở Guinea-Conakry.” – ông Bồng nhớ lại.
Guinea khi đó đang là một trong những ngọn cờ đầu của cách mạng châu Phi. Tổng thống nước họ từ năm 1960 đã tới thăm VN và bác Hồ đã hứa về việc thiết lập quan hệ ngoại giao và thành lập sứ quán. Trong thời kỳ chiến tranh, Guinea là nước ủng hộ mạnh cho VN ở châu Phi. Là ngọn cờ đầu, Guinea có nhiều đại diện phong trào cách mạng các nước châu Phi khác đóng ở Thủ đô. Đảo chính nổ ra, phe quân sự lập tức tiến hành lùng sục truy kích những phong trào cách mạng này.
Giữa lúc sôi sục đó thì một nhóm cách mạng chừng hơn 20 người gồm cả phụ nữ, trẻ em chạy vào sứ quán VN nhờ xin trú ẩn. Lúc bấy giờ tiếp nhận, hay không tiếp nhận là vấn đề lớn đối với Đại sứ Bồng. Tiếp nhận thì có thể mang vạ và gây nguy hiểm cho chính cán bộ sứ quán còn không tiếp nhận thì mọi người sẽ chất vấn tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản của Việt Nam. Vấn đề nghiêm trọng mà không thể điện về xin ý kiến Hà Nội kịp. Suy nghĩ một hồi, ông Bồng quyết định mở cửa sứ quán tiếp nhận đoàn người. Lúc này ông nói: “hỏi ý kiến quái gì mà hỏi? Đảo chính chỉ có nửa tiếng là họ đã chạy đến sứ quán rồi.”
Tiếp đón đoàn người rồi thì lại phải lo chuyện ăn ở. Sứ quán những ngày chiến tranh còn rất nghèo khó. Lương của các cán bộ thì eo hẹp (lương đại sứ Vũ Hắc Bồng khi đó tính ra chỉ được 80 dollar) trong khi lương thực sứ quán thì không đủ. Mọi người ở sứ quán khi đó tìm cách san sẻ lương thực cho nhóm người lánh nạn. Gạo, miến, bột sắn, bánh đa có gì đều đem ra cả để giúp nấu cho đoàn người. May cho ông là đoàn người cũng chỉ ở 48 tiếng trong khi phe đảo chính không mò đến sứ quán. Đại sứ Bồng thoát nạn đảo chính lần 1.
Hỏi lại ông lý do chuyện tiếp nhận người lúc khó khăn này ông bảo: “Vì nghĩa vụ mà mình phải mở. Đó không phải chuyện của sứ quán mà còn là chuyện hình ảnh của Việt Nam nữa.”
Năm 1973, đại sứ Vũ Hắc Bồng có mặt ở Chile giữa lúc Augusto Pinochet đảo chính. Ngày 11-9, tướng Pinochet tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền. Ngay sau đảo chính thì quân nổi dậy đã ùa tới bao vây cả sứ quán VN và sứ quán Cuba (nằm ngay cạnh nhau ở thủ đô Santiago). Quanh sứ quán, lực lượng đảo chính khi đó đằng đằng sát khí. Không khí đang vô cùng căng thẳng thì đại sứ Bồng quyết định đi ra thuyết phục và mời lính uống nước. “Lính bao vây cũng là lính nghèo. Mình ra cho nước, pha cafe cho uống, lính họ cũng mừng, giãn ra và bớt căng thẳng dần.” – ông vui vẻ kể.
Mọi chuyện tưởng xuôi dần thì đột nhiên có bà hàng xóm người Chile chạy vào sứ quán kêu nhờ giúp đỡ. Bà khóc van, nói con trai lên cơn đau tim và nhờ sứ quán đưa giúp con đi bệnh viện. Sứ quán khi đó ở thế rất khó. Đảo chính đang căng thẳng, đi ra buổi đêm giờ giới nghiêm có thể bị bắn và đạn lạc bất cứ lúc nào. Bà mẹ khi đó vì vấn đề sống chết của con nên đã nài xin sứ quán. Lại một quyết định khó nữa cho ông đại sứ.
Ông Bồng quyết định ra nói với an ninh về hoàn cảnh của bà và đề nghị lực lượng đảo chính cho đi cứu người. Lính Chile khi đó cũng ngạc nhiên khi ông đại sứ muốn cứu người Chile và tên cai đội khi đó chấp nhận cho đoàn đi và khuyên ông cho cắm cờ. Ông Bồng khi đó cho cử người lái xe và bí thư thứ hai Vũ Chí Công đi đưa hai mẹ con bà đi bệnh viện trên chiếc xe cắm cờ đỏ sao vàng.
Chặng đường chỉ dài 3km mà tưởng chừng như dài đằng đẵng. “Mình cử người đi mà thấy lo lắng vô cùng. Chỉ đến khi đoàn người mình về an toàn rồi cả sứ quán mới thở phào nhẹ nhõm. Một cú làm rất mạo hiểm !!!”
Anh Vũ Chí Công, giờ là đại sứ tại VN tại Cuba, kể lại chuyện này nói: “Việc mình và đồng chí lái xe được ông cử đi đưa một người hàng xóm đi bệnh viện cấp cứu vào đêm khuya giữa lúc loạn lạc đảo chính đã để lại dấu ấn sâu sắc trong những người sống ở dãy phố.” Bà mẹ Chile sau khi đưa con đi bệnh viện lúc trở về qua sứ quán nói: “VIệt Nam đã cứu con tôi.”
Nhắc lại quyết định này ông Bồng kể: “Mình cứ đắn đo mãi, nếu có chuyện gì xảy ra thì thôi còn cái tiếng của VN. Không giải quyết thì VN sẽ chẳng có đặc thù gì nữa. Chỉ có làm vậy thì mới biểu hiện bản lĩnh của VN. Cứ thế mà làm thôi.” Sau này khi ông Bồng về báo cáo thì ở nhà cũng lắc đầu. Khen cũng được mà không khen cũng được. Ngồi với nhau mà thót tim cả.
Cuộc đảo chính ở Angola diễn ra suôn sẻ hơn vì phe đảo chính chỉ trong 48 tiếng là thất bại. Lúc đảo chính, phe quân sự có gọi điện đến sứ quán để thuyết phục là đảo chính đã thành công và yêu cầu VN tỏ thái độ ủng hộ. Ông Bồng khi đó chỉ trả lời “tất cả tùy thuộc vào hành động sắp tới. Việc đó là việc nội bộ của các anh.”
Nhìn lại những quyết định sống còn này, ông Bồng kết luận: “Đã làm về ngoại giao thì luôn có thách thức… Luôn luôn chú tâm đắc nhất là phải nghĩ đến đất nước. Những việc lúc khó khăn nhất, bất cứ lúc nào anh cũng nghĩ đến hàng chục triệu nhân dân thì anh sẽ có được sức mạnh.”
Box: Sinh năm 1927, ông Vũ Hắc Bồng bắt đầu vào ngành ngoại giao năm 1954 khi được trưng dụng vào ban quản lý hiệp định Geneva (nhờ biết tiếng Pháp). Ông làm đại sứ tại Guinea từ 1969-1972, đại sứ tại Chile năm 1973 và đại sứ tại Angola từ 1976-1981. Từ 1982-2002 ông làm giám đốc sở ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh. Rời sở ngoại vụ ông tiếp tục làm cố vấn cho Bộ Ngoại giao cho đến khi chính thức nghỉ hưu năm 2006. Tháng 5-2006, đại sứ Vũ Hắc Bồng được nhà nước Chile trao tặng huy chương Bernardo O’Higgins hạng Gran Cruz vì những đóng góp to lớn của ông trong việc thắt chặt mối quan hệ hai nước Chile – Việt Nam. 
Năm 2000, ông Bồng được phong hàm đại sứ nước CHXHCN VN. Đây là hàm đại sứ suốt đời do chủ tịch nước phong và đến nay cả nước mới có 10 người được phong trong đó toàn là các nhà ngoại giao kỳ cựu như Nguyễn Mạnh Cầm, Vũ Khoan, Nguyễn Dy Niên,…

Phần II: Những năm tháng gian khó
Năm 1982 khi ông Bồng về Sở ngoại vụ là thời gian đất nước đang khó khăn về cả kinh tế, xã hội và chính trị. VN đang bị cấm vận chưa có quan hệ quốc tế, khó khăn vô cùng chồng chất.
Đó là giai đoạn đầu quyết liệt, ác liệt nhất, gắn quyện giữa hai điều trái lập giữa niềm vui thắng lợi, phấn khởi hồ hởi với tình hình khó khăn dồn dập. Giải phóng một vài năm thì khó khăn dồn dập tới: đời sống kinh tế, vấn đề xã hội chưa yên (lực lượng chế độ cũ còn), công tác giáo dục sau giải phóng (chưa chu đáo), còn nhiều ngổn ngang, bọn phản động chống phá. Sau giải phóng, tại Campuchia, nhân tố tiêu cực Pol Pot phát sinh, phức tạp ở chỗ lại có cả sự hỗ trợ mạnh mẽ của một số nước lớn. Cùng lúc đó là tình hình Mỹ bao vây, cấm vận cùng các nước ĐNA có thái độ rất kình địch.
Trong tình hình bao vây, về đối ngoại, TP HCM đặt công tác chi viện cho Campuchia là công tác số 1. Tại thành phố hình thành một loạt 4, 5 trại chuyên đón tiếp người dân Campuchia lánh nạn, lo ăn ở cho họ. VN phải phối hợp với UNHCR để dàn xếp với nước thứ ba tiếp nhận họ là tị nạn. Có thể nói những năm 1980, vấn đề Campuchia là vấn đề nóng bỏng nhất trong quan hệ quốc tế của VN. Sở ngoại vụ TP HCM là một trong những đơn vị của Bộ ngoại giao và TP HCM đứng ra gánh vác phần quan trọng của mảng công tác này – mảng K.
Nhớ lại về thời kỳ này, ông Bồng viết “công việc thời kỳ này rất khẩn trương, căng thẳng và cũng rất náo nhiệt. Không ngày nào mà không có các đoàn đại biểu Đảng và chính quyền Campuchia đến thành phố, không có ngày nào mà không có các đại biểu các nước Đông Nam Á, các nhà báo nước ngoài đến…”
Đến cuối những năm 1980, khi VN quyết định rút khỏi Campuchia, tình hình trở nên sôi động không chỉ liên quan tới VN-CPC mà tác động đến nhiều nước. Các đoàn phóng viên quốc tế, LHQ liên tục cử phái viên tới để bàn bạc về phương án sau khi VN rút quân, VN bình thường hóa quan hệ với các nước. Những công việc này diễn ra rất khẩn trương. Bộ Ngoại giao phải cử một nhóm công tác đặc biệt nằm thường trú tại TPHCM để phối hợp cùng với SNV. Đây là thời điểm mà bộ trưởng NGuyễn Cơ Thạch và các thứ trưởng thường xuyên có mặt tại thành phố.
Giữa lúc giải quyết vậy cũng có những vấn đề nảy sinh. Một lần vào lúc nửa đêm thì xảy ra tình trạng một khách cấp cao của Campuchia quậy rất nghiêm trọng tại nhà khách ở Tân Bình. Ông Bồng và người lái xe phải xuống dưới giải quyết. Gần tới nơi ông Bồng đưa khẩu rulô cho anh lái xe, từng là cán bộ an ninh, và nói: “Lát nó quậy quá thì chỉ bắn què giò nó thôi nhé.” Người lái xe nói rất may sau đó khi ông Bồng vào nói chuyện và thuyết phục thì người khách đã trầm lại và mọi việc được giải quyết êm thấm. Một bài học quan trọng: ngay kể cả lúc căng thẳng nhất cũng cần bình tĩnh và tìm phương án ít gây tổn thương nhất.
Lần khác xảy ra vụ sinh viên ba nước Lào-VN-Campuchia quậy đánh nhau tại ĐH Nông Lâm. Vụ việc xảy ra lúc 5h chiều thì đến 7h ông tới nơi. Việc đầu tiên ông làm là tách các nhóm ra. Sau đó, thay vì quy trách nhiệm lỗi lầm của ai, ông chỉ nói: “Đoàn kết Lào-VN-Campuchia, chết sống sinh tử với nhau mới là quan trọng.” Lời nói của ông đã làm thức tỉnh những cái đầu nóng và đến 11h đêm mọi việc được giải quyết êm thấm.
Một vấn đề thật sự nóng bỏng lúc đó là làn sóng di tản từ miền Nam đi các nước ngay sau giải phóng. UNHCR lúc đó ước tính mỗi tháng có khoảng 15.000-20.000 người dân bỏ chạy ra nước ngoài dẫn tới bao thảm cảnh ngoài biển và gây ảnh hưởng nghiêm tọng tới hình ảnh VN. “Trước bối cảnh đó, ta quyết định cần phải giành thế chủ động trong vấn đề này,” ông Bồng kể lại.
VN sau đó đã đặt vế đề với Mỹ, chuyển việc giải quyết hậu quả chiến tranh thành vấn đề nhân đạo: chuyển di tản từ vô tổ chức thành có tổ chức và trật tự, cho phép tiến hành ra đi có trật tự (ODP) cho nhân thân những người đã di tản trong và trước 1975 cùng các cựu quân nhân chế độ Sài Gòn và con lai. Sở ngoại vụ TP đã đảm đương công việc trong 10 năm giúp giải quyết cho gần 1 triệu người ra đi đoàn tụ trên 30 quốc gia, trong đó có hơn 50 vạn tới Mỹ, chấm dứt tình trạng vượt biên và thuyền nhân gây tai tiếng một thời.
Nói vậy, cũng không hẳn mọi việc đều suôn sẻ hẳn. Nhiều người khi đó thấy dòng người ra đi ồ ạt, hồ hởi quá cũng sốt ruột, có ý kiến nói muốn ngưng lại. Khi đó ông Bồng cùng sở ngoại vụ lại phải lên tiếng đấu tranh ngay trong nội bộ cho chương trình này. “Khi tiến hành vậy thì có rất nhiều người đã viết thư cám ơn sở ngoại vụ. Giờ thì có rất nhiều người di tản ngày xưa đang tìm cách trở về nước,” – ông Bồng vui vẻ kể.
Cùng lúc đó, bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là người đưa ra chương trình mở cửa, lôi kéo ba đối tượng đến VN: doanh nhân, báo chí và cựu binh. “Ông Thạch vẫn hay nói ‘Có hai thằng ko sợ ai cả, có hai thằng chỗ nào cũng chui đến. Một là thằng báo, hai là thằng doanh nghiệp.’” – ông Bồng kể.
Ông nói: “Làm ngoại giao, cũng như làm kinh tế phải có thời điểm, có cú hích, kích thích người ta đến. “Năm 1985 lần đầu tiên sau chiến tranh TP đón đoàn doanh nghiệp Mỹ gồm 90 người đến thăm thành phố. Lần đầu tiên thành phố tổ chức đón tại đại sảnh của UBND TP. Đại sứ Vũ Hắc Bồng hôm đó là người làm MC còn chủ trì đón là bí thư Mai Chí Thọ và chủ tịch Phan Văn Khải.
Trọng điểm lúc đó là kỉ niệm 10 năm giải phóng 1985, lấy đó làm điểm huých, để mời các bạn bè quốc tế, mời phóng viên quốc tế đến VN. Lúc đó là chuẩn bị Đổi mới, các phóng viên ào ào tới xem VN thay đổi thế nào. Tổng cộng khi đó có khoảng 200 phóng viên quốc tế thuộc hơn 60 đơn vị báo đài nước ngoài tới TP HCM để đưa tin, bài. Toàn bộ góc khách sạn Rex, Majestic khi đó đều kín mít phòng. Cú hích chiến lược nữa là việc VN công bố 1989 rút quân khỏi Campuchia – thế giới khi đó thở phào. VN không đóng quân tại Campuchia và đây là cú hích chuyển biến nhiều thái độ suy nghĩ quốc tế. Nhiều nước chuẩn bị quan hệ bình thường với VN từ giai đoạn này.
Trong cuộc đời làm đối ngoại của mình, ông Bồng luôn nổi tiếng với khả năng xử lý các tình huống khó khăn. Một trong những lần như vậy là chuyện ông ứng xử với Ba-rô, viên tổng lãnh sự Pháp đầu tiên tại TP. Ba-rô là nhân vật bảo thủ thường xuyên xích mích, hỗn láo với người vào tổng lãnh sự, trong đó có cả cán bộ của ta. Ông Lâm Văn Khai  khi đó là Phó giám đốc sở ngoại vụ mời Ba-rô đến nhưng y không chịu. Chỉ đến khi ông Bồng mời đến thì y mới chịu đến. Ba-rô đến sở ngoại vụ xách theo ba-toong, điệu bộ vẫn rất khệnh khạng.
Ông Bồng không mời Ba-rô ngồi, hỏi luôn: “Anh biết vì sao tôi mời anh đến chứ?”
“Tôi biết chứ và sẵn sàng nói chuyện với ông.”
“Là thủ trưởng cơ quan ngoại giao, ông đối xử với mọi người vào lãnh sự như vậy làm người ta phản ứng. Phó giám đốc của tôi mời ông cũng không thèm đến. Tôi tỏ thái độ bất bình.”
Thái độ của Ba-rô vẫn còn hung hăng, ông Bồng nghiêm mặt nói: “Ông làm ngoại giao còn dài nhưng ông nên nhớ quan hệ hai nước còn dài hơn cả đời ông nữa nên ông phải bảo vệ điều đó.”
Ông Bồng nói đến đây thì tay tổng lãnh sự khựng lại và sau đó thì xin lỗi. Khi hòa khí trở lại, viên tổng lãnh sự nói “Nói thật, tôi coi ông như cha mình. Tôi mong ông bỏ qua chuyện này.” Kể từ đó viên lãnh sự nổi tiếng phách lối một thời cũng thay đổi hẳn thái độ của mình.

Phần III: Người thủ trưởng mẫu mực
Khi tôi hỏi chú Vũ Hắc Bồng một số người ở  Sở  Ngoại vụ có thể biết thông tin về các hoạt động ngày xưa của ông, ông trả lời luôn “cháu đến gặp hai anh lái xe của chú. Anh Hùng và anh Bích. Cứ nói ông Bồng giới thiệu.”
Tôi gọi điện cho hai anh, nhắc đến tên “chú Bồng” cả hai anh đều vui vẻ nhận lời. Tới sở ngoại vụ, tôi thấy hai người đàn ông tóc đứng tuổi, tóc bạc từ xa bước tới. Một người gầy, dong dỏng cao, một người dáng đậm. Người cao là anh Bích, người lái xe cho ông Bồng từ năm 1984 tới 1994, anh Hùng lái xe cho ông Bồng từ năm 1994 cho tới 2002, khi ông nghỉ ở sở.
Anh Bình, từng là bộ đội và trong lực lượng an ninh vũ trang, luôn nhớ sự giản dị và tình cảm của ông. “Chiều nào không phải tiếp đoàn ông cũng nhắc tôi chở đi thăm nhà các nhân viên. Lần nào ông cũng cố thăm 1-2 nhà. Có anh, em nhà trên tầng 5-6, phải đi bộ lên ông cũng cố trèo lên để ‘coi tình hình nhà mày sinh hoạt thế nào, mày có đồ đạc gì sống không. Trong suốt 20 năm ông làm giám đốc sở, đây là việc hầu như ông thường xuyên làm. Lúc nào rảnh ông cũng tranh thủ để đi thăm bạn bè, gia đình nhân viên.”
Có hai kỉ niệm anh Bình nhớ nhất là ông đi thăm bằng được anh Bộc, một người làm vườn ở trong cơ quan dù anh khi đó ở tận ngoài khu Quang Trung (Gò Vấp). Đường đi khi đó còn nhỏ, hẹp, khó khăn. Hai bên đường còn ruộng lúa bạt ngàn. Kỉ niệm thứ hai là có lần ông đi ngang thấy anh cảnh sát lớn tuổi thường đứng ở ngã tư Phạm Ngọc Thạch – Nguyễn Thị Minh Khai. Một hôm đang đi, ông Bồng kêu anh Bích dừng xe, nói ra hỏi tên người cảnh sát tên gì. Anh Bích khi ra hỏi thì người cảnh sát mặt xám ngoét vì không hiểu ông muốn gì (ông Bồng tóc bạc, hình dáng trông hao hao đồng chí Phạm Hùng). Anh tên Đào, đang làm đại úy. Ông BỒng bảo anh Bích cầm gói quà nhỏ nói “ra đưa cho anh ấy, nói anh ấy làm việc tốt nhé.” Hóa ra từ lâu, ông Bồng vẫn quan sát thấy người cảnh sát già lặng lẽ làm việc nơi đây và ông đã chuẩn bị món quà nhỏ để tặng người cảnh sát này.
Chị Lê Thị Lan Hương, chánh văn phòng sở ngoại vụ, thì nhớ tác phong dễ gần, mộc mạc, không bao giờ quở trách anh em của ông trong suốt hơn 20 năm lãnh đạo. “Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh ông giám đốc đạp xe khắp hang cùng, ngõ hẻm để thăm anh em. Cái dáng chạy xe lết lết một chân lúc lên xe, xuống xe kiểu người Bắc ngày trước.” Thực tế thì ông Bồng đã bí mật yêu cầu công đoàn lập danh sách những người khó khăn nhất trong cơ quan để ông lần lượt tới thăm hỏi, động viên tinh thần mọi người trong những ngày gian khó. Hầu như với anh em, ai ông cũng tìm hiểu để tìm cách giúp đỡ. Cuộc sống vật chất qua. Lần nào sinh hoạt thì ông cũng xung phong lên hát, góp vui cùng anh em. Dù làm Giám đốc sở và có tiêu chuẩn đi xe nhưng ông Bồng khi không có việc vẫn thường tự đạp xe đi về nhà chứ ít khi nhờ xe cơ quan.
Anh Hùng và anh Bích còn nhớ cảnh mỗi lần Sở ngoại vụ ra đón khách quốc tế, dù là xe thủ trưởng, ông vẫn thường gọi toàn bộ anh em lên. Có khi xe chật cứng ông vẫn yêu cầu các anh em lên đi cùng. Lên xe ông thường ngồi trên để nói chuyện với tài xế thay vì vị trí trang trọng ở dưới phía chéo với người lái. Ông đùa: “chúng nó có ám sát thì bắn ở phía sau. Tớ ngồi trước.”
Với cả anh Bích và anh HÙng, ông Bồng vừa là người lãnh đạo, vừa là người cha tinh thần của cả hai. Cả anh Hùng và anh Bích đều ở chung cư 95 Pasteur, nơi rất nóng và khó khăn. Nhưng ông Bồng chẳng nề hà gì, thỉnh thoảng ông vẫn trèo lên tầng 5-6 chung cư để gặp gỡ. Thời bao cấp, sáng đi, tối đi, công việc vô cùng vất vả nhưng cuối ngày lúc nào chú cũng ân cần hỏi “Mệt không con? Về nghỉ đi con để mai có sức mà làm việc.” Một lời nói nhỏ nhưng theo anh Bích, anh Hùng thì “chỉ nghe vậy là chúng tôi hết cả mỏi mệt.” Với cụ Bồng bao giờ cũng vậy. Xong việc bao giờ cụ cũng nói lời cám ơn cấp dưới dù đó là người làm văn phòng, người làm bếp hay nhân viên của mình. Lời cám ơn tuy nhỏ mà thật ý nghĩa biết bao.
 Ở Sở ngoại vụ, các nhân viên từng làm dưới ông cũng đều gọi ông cung kính bằng cái tên “bố già” hoặc “bố Bồng”. Giới Ngoại giao Sài Gòn trong những năm từ 80 tới đầu 2000, tới Sài Gòn ai cũng hỏi “Mr. Bong” hoặc Monseur Bong. Những người làm với chú ai cũng nhớ ông già tóc bạc phơ lúc nào cũng cắt tóc sát, đầu đinh dựng ngược, dáng đi phăm phăm, năng nổ. Ông tên “Vũ Hắc Bồng” lại cộng với nước da ngăm ngăm. Nhiều người mới đến thành phố tưởng anh em trêu nên gọi ông là “Vũ Khắc Bồng” thì ông đều chỉnh lại “Tớ Vũ Hắc Bồng không phải Khắc.” Anh Bích nhớ cố bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch mỗi lần vào đều nói chuyện rất vui vẻ và nể phục ông. Ông Thạch hay gọi trêu ông Bồng là “Vũ Hắc Ín.” Vì vậy, dù ông đã nghỉ gần 10 năm, anh em không ai bảo ai cứ đến ngày sinh nhật đều đến thăm, hỏi thăm thủ trưởng cũ.
Các lãnh đạo sau này của sở như ông Trần Quang Dũng, Lê Quốc Hùng mỗi lần có việc gì vẫn trực tiếp gọi điện hỏi ông để xin lời khuyên và cố vấn. Bộ ngoại giao rất tha thiết. Chị Hương thì nhớ mỗi lần cựu Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Dy Niên qua sân bay Tân Sơn Nhất thì đều thỉnh thị đại sứ Vũ Hắc Bồng về công tác đối ngoại ngay tại sân bay.
Riêng anh Bích có câu chuyện cá nhân với ông Bồng. Cậu bé con trai anh ba tuổi đã mắc căn bệnh hiểm nghèo là ung thư máu. Ông Bồng biết chuyện đã đến thẳng bệnh viện Huyết học để gặp anh Bé, giám đốc bệnh viện khi đó nhờ giúp đỡ cho người lái xe của mình. Nhờ giúp vậy, con anh trong viện đã được đỡ đần và giúp giảm rất nhiều chi phí. Sau anh Bích bảo chú “con lái cho chú hơn chục năm rồi mà giờ con khổ quá. Chú giúp con đi nước ngoài một chuyến có được không.” Ông Bồng nói “được” và năm 2000 nhờ một đồng chí cũ là đại sứ Vũ Chí Công giúp đỡ để đưa sang Úc. Sang đó khí hậu ôn hòa, điều kiện tốt, con anh Bích dần khỏi bệnh, giờ đã 15 tuổi và khỏe mạnh, bình thường.
Tầm năm 1987-88, một lần khi đi họp từ Q5 về, một chiếc Honda đang đi đã tông bể đèn xe chiếc ô tô ông Bồng đang đi. Một chiến sĩ cảnh sát giao thông đi qua thấy sự việc, đã đưa xe của người vi phạm về cơ quan xử lý. Ông Bồng khi về đến sở đã gọi anh Bích ra nói “Cái xe là cái cần câu cơm của người ta. Mày lên nói với CA để thả nó ra đi.” Anh Bích sau đó lại lục tục chạy lên cơ quan ở trên Hàm Tử để nhờ người thả ra.
Phong cách làm việc gần gũi, trìu mến của ông đã được rất nhiều người yêu quý. Các phóng viên thời những năm 1980 đến đầu 2000 vẫn luôn rất thích mỗi lần được tiếp xúc ông vì đều được ông ân cần chỉ bảo. Bảo vệ, nhân viên chỗ phòng khách VIP A, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn luôn rất nhớ ông. Ngày đó mỗi lần đến đưa, tiễn khách ông đều thăm hỏi “vợ con khỏe không? Nhà cửa thế nào?” và hết sức gần gũi với anh em. Hai anh kể, giờ mỗi lần gặp ông Bồng vẫn phong cách dân dã xưa, lúc nào cũng hô “À, hai đệ tử đây rồi” và lại cười khà khà đầy sảng khoái.
Đại sứ VN tại Cuba Vũ Chí Công người công tác với ông Bồng tại Chile từ giữa năm 1972 đến 26-9-1973 với tư cách là phiên dịch tiếng Tây Ban Nha cho đại sứ Vũ Hắc Bồng. Nhớ lại về đại sứ Bồng, đại sứ Vũ Chí Công nói: “ông luôn là Người Thủ trưởng, người Thầy và là người Anh đáng kính phục và quý mến…Thời gian công tác một năm cũng như tiếp xúc sau này với ông Bồng ở Bộ, khi ông làm giám đốc sở, tôi tiếp thu được ở ông Bồng nhiều bài học sâu sắc và quý giá về nhân cách và nghề nghiệp.”
Trong Hội nghị ngoại giao cuối năm 2008, ông Vũ Chí Công đã phát biểu khen ngợi đại sứ Vũ Hắc Bồng tiêu biểu cho cán bộ ngoại giao có đủ 3 tố chất “nhân, trí, dũng” là tấm gương cho các thế hệ cán bộ ngoại giao hiện nay và mãi sau noi theo. Rất nhiều cán bộ, nhân viên của bộ đồng tình với ý kiến này của đại sứ Công.
Box:  “Xuất thân miền Bắc (Nghệ An), đi bộ đội Nam tiến, chuyển sang công tác đối ngoại khi đang là sĩ quan Quân đội, ông Bồng có bề dạy hoạt động và vốn sống rất phong phú. Ở ông, các phẩm chất tốt đẹp nhất của “sĩ phu Bắc Hà” hòa quyện nhuần nhuyễn với chất “anh Hai Sài Gòn” nên ông có khả năng tiếp xúc rất đặc biệt với mọi người. Lại có khiếu hài hước sâu sắc nên người đối thoại với ông luôn cảm thấy dễ chịu, thoải mái.” – Đại sứ VN tại Cuba Vũ Chí Công nói về ông Vũ Hắc Bồng.
Thanh Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét