Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2020

TÔI LÀ AI

 

(Tạp chí Phương Đông online, 7/8/2020)


Tôi là một hành khách trong chuyến bay giải cứu công dân của Vietnam Airline ngày 8 tháng 7 năm 2020 từ Washington DC (Mỹ) về Hà Nội, sau đó được cách ly 14 ngày tại Trung tâm đào tạo Thành An thuộc Binh đoàn 11 Bộ Quốc phòng. Tại cơ sở cách ly này, tôi và hơn ba trăm người khác cùng chuyến bay, có già có trẻ, đã qua những trải nghiệm nhớ đời và những ấn tượng tuyệt đẹp không thể phai mờ về hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ trong thời kỳ ôn dịch. 

Mỗi sáng thức dậy chúng tôi được phục vụ các món ăn sáng rất Hà Nội, khi thì bánh giò nhân thịt trộn mộc nhĩ, khi thì bánh bao của cơ sở sản xuất Asean, khi thì bánh cuốn Thanh Trì, khi thì sôi xéo hay bánh khúc…, tất cả đều nóng hổi thơm ngon. Hai bữa ăn chính đều là những món ăn bình dân tươm tất và sạch sẽ, có đủ thành phần tôm, cá, thịt và được nhà bếp luôn chú ý thay đổi để tránh trùng lặp. Cứ đến giờ các khay đồ ăn được đưa lên đặt trên bàn ngay ở cửa phòng, người cách ly chỉ cần mở cửa là đã có thể bê vào dùng bữa.

Mỗi người cách ly còn được nhận một túi đồ gồm những vật dụng cần thiết, tỉ mỉ từ chiếc tăm xỉa răng, chiếc bông tăm ngoáy tai đến bàn chải và thuốc đánh răng, khăn mặt, sà phòng tắm, dầu gội đầu…Thỉnh thoảng lãnh đạo Binh đoàn 11 lại tặng quà cho người cách ly, khi thì những chùm nhãn đầu mùa tươi ngon, khi thì ổ bánh mỳ kèm bơ, khi thì bịch nước uống tinh khiết, tất cả đều được đem đến tận nơi.

Nằm trên chiếc giường chiến sĩ là chiếc giường sắt hai tầng sơn xanh, trong phòng có điều hòa nhiệt độ để ở 27 độ C, có quạt trần phe phẩy, tôi cứ tự hỏi mình là ai, mình có ở khách sạn đâu mà lại được ưu tiên, được “cơm bưng nước rót” đến tận miệng thế này. Mình là ai ? Đến khi nghe dưới sân các anh bộ đội gọi loa, mời công dân A công dân B xuống nhận đồ, khi nghe hai tiếng công dân ấy thì tôi chợt hiểu. Chính các anh, những người lính đang phục vụ chúng tôi tận tình, chính các anh là mối liên hệ dễ hiểu nhất, là gạch nối hiệu quả nhất nối liền nhà nước với người dân.

Tôi là một trong số ít những người cách ly cao tuổi, số còn lại chủ yếu là các bạn trẻ, là những nam thanh nữ tú, chưa có gì để gọi họ là những tinh hoa nhưng ít nhất họ đều là những du học sinh trở về từ Mỹ, một quốc gia tiên tiến nhưng đang mắc dịch (cả  nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Nói điêu ngoa một chút thì họ phải về là để chạy dịch. Dù là chạy dịch nhưng họ cũng kịp mang theo về một chút gì gọi là lối sống của thanh niên Mỹ. Không chỉ có thế, họ còn mang theo mình mấy nỗi lo âu, mặc dù biết rằng về Việt Nam rồi thì yên tâm, kể có mắc dịch cũng không sợ chết dịch hoặc tốn tiền chữa chạy nữa. Mấy nỗi lo âu của họ là về chỗ cách ly, ở cách ly có được ăn uống đầy đủ không, có được người nhà tiếp tế đồ ăn thức uống không, có điều hòa quạt mát không, có oai-phai in-téc-nét không, tắm chung hay tắm công cộng, bao nhiêu người dùng một nhà xí…Toàn những nỗi lo về tiện ích, về thói quen sinh hoạt cá nhân, những nỗi lo xem ra thì rất đời thường, rất chính đáng nhưng có cái gì sai sai khi đem nó so sánh với nỗi lo của mấy anh bộ đội đang lo làm tròn phận sự giúp cho các công dân về nước không bị mắc dịch.

Tôi không nói quá, chỉ hai ngày sau khi ở cơ sở cách ly Thành An thuộc binh đoàn 11 thì những nỗi lo đời thường trên kia được rũ bỏ hết. Nhìn các bạn trẻ một số yên bình ngồi trong phọng học online, một số khác nam thì diện ti-sớt quần soóc, nữ thì áo hai dây hở cổ, tóc sơn xanh sơn bạc, người thì ai-phôn kẻ thì ai-pát cầm tay tung tăng giao lưu, hồ hởi tham gia bóng rổ bóng chuyền bên cạnh những anh bộ đội cũng trẻ măng nhưng kín mít trong bộ đồ y tế màu xanh đang tất bật trong bếp lo bữa hoặc lặng lẽ cặm cụi phục vụ, nhìn những cảnh tượng bề ngoài có vẻ trái ngược ấy tôi cứ vẩn vơ nghĩ có thể các bạn trẻ trở về từ Mỹ đã mơ hồ lo sợ những ngày cách ly trước khi phát hiện ra rằng còn có một lối sống khác với lối họ đang sống, một cách sống khác với cách họ đang sống. Đó là lối sống, là cách sống của người lính cụ Hồ đang hàng ngày hàng giờ phục vụ những người cách ly, tận tình, chu đáo mà không tính toán vướng bận gì. Thời của tôi, một người cao tuổi, hình ảnh những những anh bộ đội cụ hồ là hình ảnh những người lính mặc áo trấn thủ, đội mũ ca-lô có đính sao vàng. Còn bây giờ các anh tỏa sáng và hiện ra là những người mặc áo bảo hộ y tế mầu xanh, đội mũ bảo hộ y tế mầu xanh, đeo khẩu trang mầu xanh, chúng tôi không nhìn được hình dáng khuôn mặt các anh nhưng chúng tôi biết trong bộ đồ bảo hộ y tế ấy là mồ hôi và hơi thở của các anh, chúng tôi cảm nhận được là các anh bất chấp cái nắng mùa hè 35 độ C đang cười, đang động viên khích lệ mỗi người trở về chúng tôi, cảm nhận được tình cảm ấm nồng của người chiến sĩ, đức tính kiên cường, sự dũng cảm thầm lặng và tinh thần hy sinh cao cả vì mọi người trong mùa dịch lây nhiễm này. Là người cao tuổi, tôi đã có may mắn từng được đi nhiều nơi, nhưng tôi không biết có còn ở đâu mà người dân trong lúc hoạn nạn lại được đối xử tử tế như thế này.

Nhìn chiếc máy bay Boing 787 sơn lô-gô Vietnam Airline đỗ một cách đĩnh đạc, đường bệ, tuy có chút ngạo nghễ, trên sân bay quốc tế Dullus ở thủ đô nước Mỹ vắng tanh hành khách giữa mùa dịch, tôi nhớ lại đôi lần xa Tổ quốc mà được lên những chiếc tầu thủy mang cờ Việt Nam, được thuyền trưởng và thủy thủ đoàn đón tiếp như đón người thân trở về nhà. Đấy là những lúc trở về Tổ quốc, tượng trưng, ngắn ngủi nhưng đậm đặc nghĩa tình. Lần này vừa bước chân vào chiếc máy bay, tình cảm trở về đã lại rất rõ rệt. Sau 16 giờ bay, chúng tôi đáp xuống sân bay Nội Bài lúc nửa đêm, lúc ấy các anh bộ đội thuộc Binh đoàn 11 vẫn đợi để giúp mọi người đưa đồ lên xe tải, hướng dẫn mọi người lên chiếc xe du lịch 40 chỗ ngồi sang trọng để về khu cách ly. Lúc đến nơi trời đã gần sáng, những người vừa qua một chuyến bay dài mệt mỏi vô cùng bất ngờ được nhận mỗi người một hộp cháo gà đầy đặn, nóng hổi và thơm ngon. Bê bát cháo mà vừa ngạc nhiên, vừa xúc động. Lúc ấy tôi biết chắc rằng mình đã trở về, rằng mẹ Tổ Quốc đã dang tay ôm những đứa con chạy dịch vào lòng. Trong lòng Mẹ, những đứa con thậm chí không danh tính bỗng thấy mình không còn nhỏ bé, không còn lẻ loi cô đơn. Mọi nỗi lo sợ về dịch bệnh và cuộc sống chênh vênh bên sứ người phút chốc được rũ bỏ, tan biến. Trong lòng mẹ Tổ Quốc dù có âm tính hay dương tính thì chúng con vẫn thật bình an.

          Xin cám ơn các anh bộ đội ở cơ sở cách ly Trung tâm đào tạo Thành An thuộc Binh đoàn 11 đã chăm sóc chúng tôi tận tình và chu đáo trong suốt 14 ngày cách ly, xin cám ơn tất cả các anh bộ đội ở tất cả các cơ sở cách ly đang chia sẻ nơi ăn chốn ở cho những người vừa trở về từ cơn ác mộng. Cám ơn các anh chính là cám ơn mẹ Tổ Quốc Việt Nam.

 

                                                                        10-24/7/2020

 

 

 

 

 

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2020

MỘT NHÀ NGOẠI GIAO VỚI NHỮNG TRANG VĂN TRĂN TRỞ VỀ THÂN PHẬN NGƯỜI VIỆT

 
                                                                     Phạm Quang Đẩu
                                                     (Báo Tinh hoa Việt số 125, 10/6/2020)
Trong số các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay đều có xuất thân từ  nhiều ngành nghề, song là nhà ngoại giao chuyên nghiệp thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Một bạn viết của tôi, nhà văn Thăng Sắc, ông từng là đại sứ ở nhiều nước châu Âu, châu Phi và châu Á trước khi trở thành nhà văn. Hiện ở tuổi “xưa nay hiếm”, sức sáng tạo của ông vẫn dồi dào, là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết mới gây được tiếng vang về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Hồi đầu năm 2004, lần đầu tôi biết đến cái tên Thăng Sắc qua đọc truyện ngắn Gò Sim trong tạp chí Nhà văn. Vì nội dung truyện bạo liệt, hấp dẫn, cách dẫn dắt khá hiện đại khác hẳn những truyện ngắn “đèm đẹp”, “hiền lành” vẫn thường thấy, nên đọc xong còn nhớ tên tác giả. Đầu năm sau, tạp chí Nhà văn qua dư luận bạn đọc, đã đăng lại một số truyện hay của cả năm trước, Gò Sim được chọn. Thế rồi đến năm 2010, Hội Nhà văn Việt Nam công bố các tác phẩm trúng giải Văn học sông Mê Kông lần thứ ba, trong đó có 2 cuốn tiểu thuyết của tôi và Thăng Sắc. Thăng Sắc với Chú Tư con là ai, viết về cộng đồng người Việt sống lênh đênh trên biển hồ Tông Lê Sáp, Campuchia; còn tôi với Một ngày là mười năm viết về quân tình nguyện Việt Nam ở Lào thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hôm Hội Nhà văn mời các tác giả được giải đến, tôi mới biết mặt Thăng Sắc. Không khỏi bất ngờ, bởi tôi cứ nghĩ “văn là người”, hình dung tác giả Gò Sim phải ít ra có cái diện mạo dữ dằn chẳng hạn như dáng cao lớn, nét mặt góc cạnh. Nhưng khi nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu thì Thăng Sắc, là một người nhỏ nhắn, thư sinh, nụ cười hiền lành, tên thật là Nguyễn Chiến Thắng. Ông nhiều năm sống ở nước ngoài, nhiệm kỳ đại sứ cuối cùng là tại Campuchia, trước đó từng là đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Pháp, kiêm nhiệm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha; Đại sứ tại Algeria, kiêm nhiệm Mali, Sarauy Dân chủ... Giải Văn học sông Mê Kông thường dành cho hội viên của Hội Nhà văn 3 nước Đông Dương, năm ấy nhận giải Thăng Sắc chưa hội viên, phải 3 năm sau ông mới được kết nạp vào Hội. Thế rồi vào đầu tháng 3-2010, nhà thơ Hữu Thỉnh dẫn đầu đoàn nhà văn Việt Nam sang Viêng Chăn giao lưu cùng nhà văn Lào, Campuchia. Tôi và Thăng Sắc được nhận giải từ tay ông Phó Thủ tướng Thường trực nước bạn, ông nói tiếng Việt sõi như người Việt: Chúc mừng đồng chí có tác phẩm hay! Những ngày nhận giải và đi thăm thú nước bạn cùng Thăng Sắc, tôi đã được nghe ông kể nhiều về kỷ niệm trong đời làm ngoại giao và lý do thôi thúc ông cầm bút viết văn “tay trái” mà vẫn có được thành tựu như vậy.
Ông kể là, trong nghề ngoại giao, chỉ riêng việc trình quốc thư thôi cũng khối chuyện thú vị. Năm 1993 ông sang Algeria làm đại sứ, lễ tân quy định đại sứ mới đến khi chưa trình quốc thư lên nguyên thủ quốc gia thì chưa được có tiếp xúc chính thức. Sau khi gặp Tổng Vụ trưởng lễ tân để trao bản sao thư, ông đã “quên mất” điều quy định trên mà đi gặp Tổng Vụ trưởng khu vực châu Á. Ngay hôm sau, Vụ trưởng Vụ Lễ tân đã gọi ông lên Bộ Ngoại giao nước sở tại để nhắc nhở. Đến năm 2000, ông được cử làm đại diện Việt Nam tại cuộc họp Bộ trưởng các nước nói tiếng Pháp tổ chức ở Cộng hòa Chad (châu Phi), gặp lại vị Vụ trưởng Lễ tân kia, trong lúc cụng ly ông bảo nhỏ: Sao ngày đó ông hắc thế? Vị kia liền cười thoải mái bảo là cái nghề lễ tân phải chi tiết tỉ mỉ đúng nguyên tắc như vậy đấy. Sang Cộng hòa Pháp nhận đại sứ, ông trình quốc thư lên Tổng thống Jacques Chirac, đã nhiều lần làm việc này mà vẫn không khỏi hồi hộp. Tổng thống Jacques Chirac dáng cao to, hồ hởi, chủ động làm bớt khoảng cách giữa nguyên thủ với đại sứ, gọi ông bằng từ “camarade”. Trong tiếng Pháp, từ này không chỉ có nghĩa là “đồng chí”, mà còn là cách gọi thân mật của những người cùng học một trường. Tổng thống đã chu đáo hỏi trước tiểu sử của tân đại sứ, biết Nguyễn Chiến Thắng từng học ở Trường Hành chính quốc gia Pháp (ENA), hàm ý rằng ông và đại sứ đều từ đấy mà ra cả. Riêng việc trình quốc thư lên vua Tây Ban Nha phải mặc lễ phục đuôi tôm. Hôm hành lễ, đại sứ đi xe 6 ngựa kéo, dân chúng đứng hai bên đường thấy lạ mắt giơ tay vẫy chào. Ông bảo, mình dân châu Á dáng nhỏ bé mặc lễ phục đuôi tôm vào yết kiến vua nom hài hước chẳng khác gì bá tước Caraba trong phim Chú mèo đi hia(!). Đơn giản nhất thế giới về lễ nghi có lẽ là ở nước Sarauy Dân chủ trên sa mạc Sahara. Nơi làm việc của Tổng thống là một ngôi nhà thấp, tường đắp đất rất dày để chống nóng. Tổng thống mặc quân phục màu cỏ úa, đứng đợi sẵn ở cửa chờ đại sứ đến trình quốc thư, vui vẻ gọi ông là “đồng chí”, nói chuyện với nhau thân mật như những người lính cùng chiến hào, không có thêm thủ tục lễ nghi nào khác.
Với đất nước Chùa Tháp, ông nhiều kỷ niệm bởi đã có thời gian khá dài làm việc trên đất bạn, riêng nhiệm kỳ đại sứ là 4 năm (2005-2009). Ông nhiều lần được dự tiệc của cựu hoàng Norodom Sihanouk và Hoàng thái hậu Monica tổ chức chiêu đãi các đại sứ. Cựu hoàng nói bằng thứ tiếng Pháp chuẩn mực và hào hứng “dẫn chương trình” phần văn nghệ rất náo hoạt. Ở lần thứ 3 ngài hát những bài tự sáng tác như bài Monica viết tặng Hoàng thái hậu, còn hát bài của các nước kể cả của Việt Nam. Khi hát xong Cây trúc xinh, cựu hoàng vui vẻ hỏi lại ông: Tôi hát thế có rõ lời không? Sau đó ngài còn nói là rất biết ơn Việt Nam đã giúp Campuchia đánh đuổi Khơ Me Đỏ, nếu không có Việt Nam thì làm sao một người tù của Khơ Me Đỏ là Sihanouk được đứng đây hát cho các vị nghe hôm nay.
Ngoài công việc của một quan chức ngoại giao, từ lâu ông còn có ý thức tích lũy vốn sống của một nhà văn. Ông thường tiếp xúc với Việt kiều ở các nước sở tại, quan tâm đến đời sống kinh tế, văn hóa của họ nơi đất khách quên người. Khi công tác ở Campuchia, ông dành thì giờ, nhiều lần đến thăm những xóm Việt kiều ở ngoại ô. Cứ mỗi lần đi về, trong lòng ông lại day dứt khôn nguôi bởi thấy bà con mình còn nghèo quá và muốn làm được một cái gì đó cụ thể cho họ. Thế là những khi rảnh việc ông ghi chép về cuộc sống cùng tâm tư nguyện vọng của họ, hình thành nên cuốn tiểu thuyết Chú Tư con là ai sau này. Sức cuốn hút của tác phẩm là một bức tranh phong phú sinh động về cộng đồng người Việt trên Biển Hồ mênh mông vẫn gắn kết chặt chẽ cùng giúp đỡ nhau trong đời thường cũng như lúc gặp hoạn nạn. Kết cấu truyện chặt chẽ, văn phong dung dị, hàm xúc đã nhận được số phiếu bầu cao của hội đồng xét Giải văn học sông Mê Kông. Trước tác phẩm này, Thăng Sắc còn có hai tiểu thuyết được dựng thành phim, đó là Nụ tầm xuân, đạo diễn Bạch Diệp và Chớp mắt cùng số phận, đạo diễn Ngọc Linh, cả hai đều viết về người lính tình nguyện Việt Nam. Có lần tôi hỏi Thăng Sắc, tại sao lại tâm huyết với chủ đề người lính như vậy? Anh nói: “Tôi đã gặp và tận mắt thấy những người lính tình nguyện Việt Nam giúp nước bạn Campuchia đánh đuổi tàn quân Pol Pot, chiến thắng lớn nhưng thương vong cũng nhiều. Hình ảnh những người lính bị thương được đưa từ chiến trường về, băng trắng quấn quanh cơ thể, có người ôm nạng ngồi, có người cụt cả chân tay đã hằn sâu vào suy nghĩ của tôi về đất nước, về dân tộc và về tình cảm quốc tế, điều đó chính là một trong những mối liên kết chắc chắn giữa văn chương và ngoại giao”. Cũng cần nói thêm, không chỉ tích lũy vốn sống, nhà văn tương lai còn trang bị cho mình một nền tảng lý luận về văn chương. Đó là trong quá trình làm công tác ngoại giao dù rất bận rộn, ông còn hoàn thành tại đại học Sorbonne một văn bằng thạc sĩ văn chương về “Văn tự luận”.
Do có sự chuẩn bị khá kỹ càng, sau năm 2010 nghỉ hưu, ông có nhiều thì giờ cho viết lách hơn, thì cứ một, hai năm lại cho ra đời một cuốn tiểu thuyết dày dặn cỡ trên 300 trang. Cuối năm 2015, NXB Hội Nhà văn ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết: Đi trong lốc xoáy. Vẫn là bám sát đời sống, các nhân vật bị quay cuồng trong cơn lốc xoáy của cơ chế thị trường hôm nay. Có cả những số phận nghiệt ngã “hơi hướng” của Gò Sim, nhưng bao trùm lên vẫn là tấm lòng bao dung của con người trong cơn hoạn nạn, cái phẩm chất hồn hậu, nhân ái trong Chú Tư con là ai. Nhưng phải đến Ngụ cư(NXB Hội Nhà văn 2017) Thăng Sắc mới bộc lộ hết sở trường của một nhà văn trong nghề ngoại giao, từng đến tìm hiểu ở nhiều nước có đông cộng đồng người Việt sinh sống, như: Nga, Séc, Ba lan...Nhân vật chính của tiểu thuyết này là Bùi Khoái, một giảng viên đại học đi xuất khẩu lao động vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước.Tác giả tả lúc anh “tân binh” ấy đi giao hàng lậu bằng những dòng khá sinh động, hóm hỉnh: “Bùi Khoái và Đình Dũng tiến đến ngồi xuống ghế, vẫn không ai nói gì, nghe rõ tiếng tim mình đập thình thịch trong ngực...đến khi mở cửa phòng rồi khép chặt cửa lại, cả hai mới thở phào và phá lên cười: Mẹ kiếp cứ như biệt động Sài Gòn ấy.”(Trang 88). Ở môi trường kinh doanh chụp dật, anh ta phải làm lại từ đầu, học những bài sơ đẳng, đại loại như dạy dỗ của một cô người Hải Phòng: “Làm ăn dễ thôi, mình có hàng thì đem bán. Bán có tiền lại đi ôm của người khác về. Cứ thế quay vòng cho vốn lớn lên”(Trang 61); hoặc: “Anh ngốc ạ, trong khi chưa gửi được về thì mình bán lại cho người ta. Miễn là có lãi. Để chất đống trong nhà làm gì. Bằng lòng ăn ít thôi nhưng nhanh được ăn, vốn mau tăng. Có vốn thì lại đánh được nhiều hàng.”(Trang 73)... Đến khi Bùi Khoái tích cóp được một món tiền kha khá định để “mở rộng sản xuất” và gửi về nước trả nợ, thì bị bọn xã hội đen “khoắng” sạch. Choáng váng, tưởng như bị quỵ hẳn. Bạn bè xúm lại đỡ anh ta đứng dậy, vì thấy anh vốn là người trọng tín nghĩa. Chính vì trọng chữ “tín”, mà khi làm ăn ở Tiệp bị trắng  tay phải bán xới sang nước láng giềng Ba Lan, Bùi Khoái lại có được thành công, lần này lớn hơn, vững chắc hơn. Cái kết của cuốn sách là có hậu, như câu ngạn ngữ “ở hiền gặp lành”. Đấy là dụng ý xuyên suốt khi xây dựng nhân vật chính của tác giả Thăng Sắc. Cuốn Ngụ cư đã lọt vào vòng xét chung khảo những tác phẩm xuất sắc nhất của Hội Nhà văn Việt Nam năm ấy.
Năm 2020 này, trong lúc nhà văn Thăng Sắc cùng vợ sang Mỹ thăm gia đình đứa con đang sống ở NewYord thì dịch Covid 19 ập đến. Trong những tháng ngày chủ yếu sống trong nhà, không hé mặt ra đường Thăng Sắc đã vừa kịp viết xong một cuốn tiểu thuyết mới: Láng giềng. Ông vẫn giữ thói quen gửi tôi đọc tác phẩm từ khi còn là bản thảo. Lại thêm một cuốn nữa của nhà văn có yếu tố “nước ngoài”, đó là đi vào mổ xẻ, phản ánh thân phận những con người yếu thế của một “xã hội vùng biên”. Họ thường xuyên có mối liên hệ làm ăn buôn bán “tiểu ngạch”, luôn chấp chới trong lằn ranh vi phạm pháp luật. Cuộc mưu sinh kiểu ấy thường thì bao giờ cũng gặp phải những kết cục cay đắng. Đằng sau con chữ, số phận nhân vật là lời cảnh báo đầy ý nghĩa với cộng đồng về những kẻ láng giềng xấu chơi bên kia biên giới phía Bắc. Với tiểu thuyết mới nhất này, ta lại thấy cái “vốn” ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt trong nhà văn vẫn đang được khai thác khá là triệt để dưới góc nhìn nhân bản. Hãy đợi tác phẩm chính thức ra mắt, để bạn đọc có những đánh giá cụ thể, riêng tôi đọc bản thảo lần đầu thì thấy ở đây lại có những thành công về cấu trúc, xây dựng nhân vật của cuốn tiểu thuyết. Trước hết xin được chúc mừng anh!
----------------------------------- 
Ảnh theo bài: Nhà văn Thăng Sắc(bên phải) và tác giả trong lần sang thủ đô Viêng Chăn(Lào) nhận giải thưởng Văn học sông Mê Kông(Tháng 3-2010)