Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

Khai bút đầu năm của Nguyễn Vũ Thiện Anh

Nguyễn Vũ Thiện Anh là cháu nội của tôi (Thăng Sắc), cháu đã viết bài khai bút này vào sáng mông Một Tết với những tình cảm sống động và trong vắt tuổi thơ, bởi vậy đã có người bình luận là cháu viết hay hơn ông nội rồi. Thật vui thật vui, Thăng Sắc xin giới thiệu những cảm nhận trong trẻo này.
Sáng mồng Một đầu năm, không khí sương mù sớm trùm cả mọi nơi như một bức tường trắng xóa. Chẳng như đêm qua, trong lúc 0 giờ đã điểm, giây phút chuyển giao là ngàn tia pháo hoa bay lên như những bông hoa khổng lồ nở trên trời nhưng lại nhanh rụng. Những pháo hoa rực sắc ấy cũng vui mừng chào năm mới, dùng tiếng nói đùng đùng của mình để cùng nhân dân khắp nước chúc nhau nhiều điều lành. Và giờ này,khi đang khai bút, phong tục mà người Việt ta thường làm vào dịp Tết tôi luôn nghĩ đến lúc giao thừa, tôi và mẹ cùng ngồi với nhau thật lâu xem pháo hoa, chúc nhau nhiều điều tốt. Đó là kỉ niệm giao thừa, luôn nhớ mãi trong tâm trí. Đầu xuân, tất nhiên phải chúc cho độc giả (ai đọc bài này) chứ. Nếu là người già thì chúc sức khỏe dồi dào, sống thọ với con cháu. Nếu là các cô bác thì chúc cho an khang thịnh vượng, tài đạt như ý. Nếu là anh chị và em (chỉ những em biết đọc) thì chúc cho may mắn, vui vẻ, học giỏi, vâng lời người lớn (?!). Có lẽ tôi sẽ dừng bút tại đây. Nếu là độc giả, sau khi đọc xong, đừng quên viết bài khai bút và hãy nhớ cho tôi xem, đừng viết muộn kẻo hết Tết đấy!".

Ngẫm nghĩ đầu năm

Thăng Sắc



Với tháng năm chồng chất
Cứ tưởng cái gì mình cũng biết
Nhưng ngồi ngẫm
Hóa ra lại chẳng biết gì
Hỏi một phật tử đắc đạo
Họ nói thế là biết hết
Lạ thật !!!

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Chúc Mừng Năm Mới

Nhân dịp Xuân Giáp Ngọ, Lều Văn thân chúc bạn bè gần xa, sức khỏe là tài, niềm vui là lộc, bước sang năm mới cầu tài được tài, cầu lộc đắc lộc, tài lộc vô biên, mã đáo thành công.
http://thuthuattienich.com/wp-content/uploads/2013/12/hinh-nen-tet-2014.jpg

Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

Đôi điều tản mạn về văn hóa ngoại giao

Mới đây, nhận lời mời của Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan - người hoạt động lâu năm trong ngành ngoại giao đã có cuộc trao đổi thú vị với cán bộ trong Bộ Ngoại giao về đề tài văn hóa và ngoại giao. TG&VN xin lược trích nội dung cuộc trao đổi này. 

Những năm gần đây, yêu cầu xúc tiến ngoại giao văn hóa thường được nhấn mạnh. Điều đó phù hợp với xu thế chung trên thế giới coi trọng “sức mạnh mềm” mà văn hóa là một bộ phận quan trọng. Nhưng làm sao có thể thực hiện tốt chủ trương ấy nếu những người trực tiếp hoạt động đối ngoại không chỉ bao gồm cán bộ, nhân viên của ngành ngoại giao mà cả các ngành khác ra hoạt động ở nước ngoài (dưới đây gọi chung là cán bộ ngoại giao - CBNG) không có văn hóa ngoại giao?
Thế nào là văn hóa ngoại giao?

Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

Gặp Hạ nghị sĩ Mỹ

Nguyễn Tâm Chiến


       Trong mấy năm làm việc ở Mỹ, cá nhân tôi hoặc cùng các đoàn của ta qua Mỹ tiến hành không biết bao nhiêu cuộc tiếp xúc với các giới ở nước sở tại. Qua các cuộc gặp ấy tôi đã cảm nhận được cái “văn hóa tiếp xúc” của người Mỹ và tôi xin lấy một chuyện để minh chứng.
Để có được cuộc hẹn gặp với các nghị sỹ Mỹ quyền thế (Thượng cũng như Hạ viện) thật mất công sức và thời gian; có khi còn phải “lốp-by” (vận động hành lang) giỏi, nếu dùng từ dân giã thì thực chất là “đi cửa sau” trơn tru. Lần đó có đoàn ta do một đồng chí cán bộ cấp khá cao dẫn đầu qua Mỹ (tôi xin miễn nêu tên). Anh em tôi ở Đại Sứ quán phải lo toan toát mồ hôi trong hơn nửa tháng để xếp lịch gặp gỡ chu tất ở DC cho đoàn, trong đó có cuộc gặp với một Hạ Nghị sỹ bang Phờ-lo-ri-đa tận miền Nam nước Mỹ. Theo Hiến pháp Mỹ, Hạ nghị sỹ là đại diện “quyền lực tối cao” cho một số lượng cử tri nhất định với nhiệm kỳ 2 năm. Họ phải gánh trách nhiệm khá nặng nề là “giành giật tiền và mọi nguồn lực khác của chính quyền Liên bang” mang về cho địa phương bầu ra họ. Đó là một thách thức ghê gớm lắm vì nếu không làm được gì có lợi nhiều cho khu bầu cử thì “Ngài Nghị sỹ” sẽ sớm phải xách cặp về vườn vì cứ hai năm lại bầu lại một lần! Họ phải thường xuyên xếp lịch “tiếp dân” thường xuyên miễn là cử tri yêu cầu. Về quy định thì đúng là cánh cửa phòng làm việc của Nghị sỹ bao giờ cũng “mở” cho cử tri bình thường đến gặp, song trên thực tế người dân Mỹ thường thông qua đội ngũ hàng vạn người làm nghề “lốp-by” ở Thủ đô để “truyền lệnh” đến người họ bầu ra là các nghị sỹ. Nói vắn tắt thì đó là những người làm “chiếc cầu nối thông minh và uyển chuyển” giữa một đầu là các cá nhân cử tri, tổ chức hay địa phương của Mỹ có nhu cầu về cái gì đó, với một đầu khác là những ông Nghị sỹ có quyền lực, ảnh hưởng và trách nhiệm. Họ được trả tiền để “chạy trên chiếc cầu là chính họ” thông qua các hợp đồng công khai với bên có nhu cầu, và phải đóng thuế thu nhập theo luật định.