Trong mấy năm làm việc ở Mỹ, cá nhân tôi hoặc cùng
các đoàn của ta qua Mỹ tiến hành không biết bao nhiêu cuộc tiếp xúc với các giới
ở nước sở tại. Qua các cuộc gặp ấy tôi đã cảm nhận được cái “văn hóa tiếp xúc”
của người Mỹ và tôi xin lấy một chuyện để minh chứng.
Để có được cuộc hẹn gặp
với các nghị sỹ Mỹ quyền thế (Thượng cũng như Hạ viện) thật mất công sức và thời
gian; có khi còn phải “lốp-by” (vận động hành lang) giỏi, nếu dùng từ dân giã
thì thực chất là “đi cửa sau” trơn tru. Lần đó có đoàn ta do một đồng chí cán bộ
cấp khá cao dẫn đầu qua Mỹ (tôi xin miễn nêu tên). Anh em tôi ở Đại Sứ quán phải
lo toan toát mồ hôi trong hơn nửa tháng để xếp lịch gặp gỡ chu tất ở DC cho
đoàn, trong đó có cuộc gặp với một Hạ Nghị sỹ bang Phờ-lo-ri-đa tận miền Nam nước
Mỹ. Theo Hiến pháp Mỹ, Hạ nghị sỹ là đại diện “quyền lực tối cao” cho một số lượng
cử tri nhất định với nhiệm kỳ 2 năm. Họ phải gánh trách nhiệm khá nặng nề là “giành
giật tiền và mọi nguồn lực khác của chính quyền Liên bang” mang về cho địa
phương bầu ra họ. Đó là một thách thức ghê gớm lắm vì nếu không làm được gì có
lợi nhiều cho khu bầu cử thì “Ngài Nghị sỹ” sẽ sớm phải xách cặp về vườn vì cứ hai
năm lại bầu lại một lần! Họ phải thường xuyên xếp lịch “tiếp dân” thường xuyên
miễn là cử tri yêu cầu. Về quy định thì đúng là cánh cửa phòng làm việc của Nghị
sỹ bao giờ cũng “mở” cho cử tri bình thường đến gặp, song trên thực tế người
dân Mỹ thường thông qua đội ngũ hàng vạn người làm nghề “lốp-by” ở Thủ đô để “truyền
lệnh” đến người họ bầu ra là các nghị sỹ. Nói vắn tắt thì đó là những người làm
“chiếc cầu nối thông minh và uyển chuyển” giữa một đầu là các cá nhân cử tri, tổ
chức hay địa phương của Mỹ có nhu cầu về cái gì đó, với một đầu khác là những
ông Nghị sỹ có quyền lực, ảnh hưởng và trách nhiệm. Họ được trả tiền để “chạy
trên chiếc cầu là chính họ” thông qua các hợp đồng công khai với bên có nhu cầu,
và phải đóng thuế thu nhập theo luật định.
Tôi lại lan man mất rồi!
Xin quay lại câu chuyện gặp ông nghị sỹ. Vào đầu vị sau khi cảm ơn ông nghị sỹ
dành thời gian tiếp đoàn, trưởng đoàn ta nghiêm trang nói:
- Thưa Ngài, quan hệ
giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã được bình thường hóa gần 7 năm (tức từ 1995
đến thời điểm đoàn ta qua thăm năm 2002), chúng ta hãy cùng “quyết tâm” “nỗ lực”
hơn nữa để “tăng cường”, “phát triển”, “mở rộng” tiếp xúc ở các cấp. Đoàn chúng
tôi sẵn sàng xuống thăm bang của Ngài để “thiết lập” các quan hệ cụ thể… (nhưng
chả nêu gì cụ thể cả, chỉ toàn những khẩu hiệu chung chung được bắn ra liên hồi).
Bất ngờ ông nghị sỹ
đáp lại (tỉnh bơ!):
- Những điều Ngài nói,
thực tâm tôi không quan tâm lắm! (sự đáp lại đó của ông nghị đối với bài thoại
khá lô-gic và chặt chẽ về câu chữ và ý tứ của đồng chí trưởng đoàn ta, có phần
làm tôi chạnh lòng. Tôi thầm nghĩ ông nghị này bất lịch sự quá!). Chưa kịp tư
duy gì thêm thì ông ta “bỏ bom”tiếp:
- Tôi chỉ muốn hỏi
Ngài một việc: “Theo Hiệp định Thương mại song phương giữa Mỹ và Việt Nam
(BTA), và rồi đây nước Ngài sẽ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì
thuế suất Việt Nam đánh vào mặt hàng đường ăn nhập khẩu là bao nhiêu? (sau này
tìm hiểu mới biết sản phẩm chính của quê ông nghị sỹ là đường làm từ củ cải đỏ)
Chắc các bạn hình dung
được thái độ của “quân ta” trong đoàn! Cũng rủi, không có ai biết chính xác mặt
hàng đường nằm trong danh mục hàng ta giảm thuế hay loại trừ, bảo hộ hay không
bảo hộ chứ chưa nói là thuế suất mấy phần trăm. Xuýt nữa cả đoàn “tranh luận”
gay gắt trước mặt ông nghị sỹ!
Thấy tình hình “hơi bi
đát”, tôi đành nhảy vào lửa:
- BTA là hiệp định mở
cửa kinh tế tổng thể và toàn diện nhất mà Việt Nam chúng tôi ký với nước ngoài.
Theo Hiệp định, Mỹ giảm mạnh thuế quan đối với hàng Việt Nam xuống còn trung
bình khoảng 3 - 4%, còn phía Việt Nam sẽ áp dụng mức thuế nhập khẩu Tối huệ quốc
đối với đa số hàng của Mỹ (tôi cố nhấn mạnh con số 3 - 4% để tỏ ra nắm rất cụ
thể).Tuy nhiên, như Ngài biết, chế độ đối xử khác nhau; có mấy trăm mặt hàng từ
khi Hiệp định có hiệu lực được giảm thuế ngay, một số khác giữ nguyên mức thuế,
bên cạnh đó có “Danh mục mặt hàng chưa cam kết” hay như Ngài biết là “Danh mục
loại trừ” (tôi nhắc lại “như Ngài biết” để đánh tín hiệu xem như ông ta cũng
trong cuộc, biết rồi, còn hỏi!)...Có gì chúng tôi xin xem lại chính xác dòng
thuế của mặt hàng đường mà Ngài quan tâm và trao đổi lại. Còn việc vào WTO thì
như Ngài biết, Việt Nam
đang trong quá trình đàm phán và mức cam kết của chúng tôi sẽ cao và sâu hơn.
Tôi nói như vậy vẫn
theo lối “đại khái”, không trả lời thẳng (thực ra lúc đó tôi cũng chỉ nhớ mang
máng rằng mặt hàng đường ăn thuộc loại được bảo hộ) Mục tiêu phát biểu của tôi
cũng chỉ nhằm đánh trống lảng, gỡ bớt thế bí mà thôi.
Chưa kịp nghe ý kiến
phản hồi của ông Nghị sỹ, tôi đã thấy cô Thư ký xinh đẹp của ông ta bước vào
phòng, đưa ông một mẫu giấy nhỏ có ghi mấy chữ gì đó. Tôi đã quen dần với cung
cách của họ nên tôi báo cáo khẽ với đoàn là đã hết giờ tiếp, ông nghị sỹ bận việc
khác đấy. Ở Quốc hội Mỹ, tất cả các nghị sỹ đều có đồng hồ báo giờ treo trong
phòng tiếp khách, đánh dấu các thời điểm trong ngày có các hoạt động cần lưu
tâm, bằng các tín hiệu nhấp nháy màu đỏ và vàng (chắc theo độ gấp hoặc quan trọng)
kết hợp với cách “thông báo hết giờ” bằng chính các Trợ lý hoặc Thư ký. Thường
các cuộc tiếp khách nước ngoài không quá 20-30 phút, kể cả dịch. Dù cuộc gặp diễn
ra đúng lịch đã xếp, nhưng khi cần rút ngắn, bằng động tác “đưa mẫu giấy vàng
cho sếp” trước mặt khách như có ý ngầm “thông báo xiên” (nói theo ngôn từ quê
Choa, có nghĩa là gián tiếp!) để sếp tiện và lịch sự từ biệt khách sau lời “tôi
xin lỗi” (“sorry”)
Rời Văn phòng ông Nghị
sỹ, tôi cảm thấy hơi mệt dù mới là cuộc gặp đầu tiên trong ngày và không còn muốn
trò chuyện, đùa cười gì với anh em trong đoàn cho dù tôi vốn vui tính, thích
hài hước. Suy cho cùng thì câu chuyện trên cho thấy sự khác biệt văn hóa Đông -
Tây: người phương Đông coi trọng những lời hay ý đẹp mang tính xã giao theo kiểu
“duy tình”, còn người phương Tây, nhất là Mỹ lại “duy lý”, luôn chú trọng nội
dung thiết thực, cụ thể và có lẽ chính vì vậy mà họ giầu lên nhanh chăng?! Một
điều nữa đáng trách thân, trách phận là trước cuộc gặp anh em chúng tôi không
chịu tìm hiểu sâu xem địa phương ấy, ông nghị sỹ ấy có gì, quan tâm điều gì ở
ta. Âu cũng là bài học nhớ đời.
Miên man tự sự, chúng
tôi đã về đến tiệm ăn trưa. Ăn món Mỹ đi bạn, miếng thịt bò Mỹ to nặng không dưới
2/3 “pao” (pound), tức khoảng hơn 3 lạng ta và rất ít các thức rau củ kèm theo.
Tôi đã nói với mọi người rồi mà: “Ở Mỹ cái gì cũng to và “trần trụi!”. Gặp một
nghị sỹ không đua được về “lập luận chính trị” lại thua trận “thuế suất mấy phần
trăm” đối với một mặt hàng cụ thể thì hỏi rằng còn ăn ngon sao đặng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét