Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

Đôi điều tản mạn về văn hóa ngoại giao

Mới đây, nhận lời mời của Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan - người hoạt động lâu năm trong ngành ngoại giao đã có cuộc trao đổi thú vị với cán bộ trong Bộ Ngoại giao về đề tài văn hóa và ngoại giao. TG&VN xin lược trích nội dung cuộc trao đổi này. 

Những năm gần đây, yêu cầu xúc tiến ngoại giao văn hóa thường được nhấn mạnh. Điều đó phù hợp với xu thế chung trên thế giới coi trọng “sức mạnh mềm” mà văn hóa là một bộ phận quan trọng. Nhưng làm sao có thể thực hiện tốt chủ trương ấy nếu những người trực tiếp hoạt động đối ngoại không chỉ bao gồm cán bộ, nhân viên của ngành ngoại giao mà cả các ngành khác ra hoạt động ở nước ngoài (dưới đây gọi chung là cán bộ ngoại giao - CBNG) không có văn hóa ngoại giao?
Thế nào là văn hóa ngoại giao?

Nhưng thế nào là văn hóa ngoại giao thì rất khó lý giải vì bản thân phạm trù “văn hóa” vốn đã rất rộng và trừu tượng; riêng khái niệm văn hóa ngoại giao lâu nay chưa từng được đề cập. Vì vậy bước đầu chỉ có thể xới xáo vấn đề, luận bàn đôi điều về một số cách tiếp cận. Trước hết hãy thống nhất về khái niệm “văn hóa” nói chung. Trên thế giới có tới trên 300 định nghĩa khác nhau. Trong “cánh rừng định nghĩa” ấy, điều hợp lý là lấy định nghĩa của UNESCO làm chuẩn, theo đó văn hóa “… chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật... cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin”. Từ định nghĩa trên có thể thấy có được trình độ văn hóa cao thật là khó; khó hơn nhiều so với trình độ học vấn. Rõ ràng, muốn trở thành “người có văn hóa”, kiến thức sách vở, trường lớp chưa đủ mà phải hấp thụ cái hồn văn hóa từ khi lọt lòng mẹ cho đến suốt cả cuộc đời. Tiếc rằng, nền giáo dục nước ta chưa cung cấp được những kiến thức phong phú về văn hóa và cũng chưa chú tâm đào luyện những con người thực sự có văn hóa. Hơn nữa, dưới tác động của những biến động xã hội từ thời quan liêu mệnh lệnh, bao cấp tới thời kinh tế thị trường và mở cửa, nhiều giá trị bị đảo lộn, nhiều bản sắc văn hóa truyền thống bị xói mòn.
CBNG không thể thoát ly được thực tế trên và do vậy rất khó đáp ứng những yêu cầu nêu ra trong định nghĩa của UNESCO. Không nhiều CBNG có kiến thức sâu rộng về “cầm, kỳ, thi, họa” vì vậy cũng không dễ gì giới thiệu với bạn bè quốc tế về văn hóa nước mình. Đòi hỏi cao và khó hơn nữa là thấu hiểu và thể hiện được bản sắc dân tộc liên quan tới “cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống dân tộc” để có thể quảng bá những nét đẹp trong bản sắc văn hóa của dân tộc mình cho thiên hạ.
Do phải tiếp xúc, giao lưu với bên ngoài và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, CBNG còn cần phải thấu hiểu cả văn hóa các dân tộc khác và nói rộng ra là văn hóa nhân loại. Tiếc rằng, CBNG ta lâu nay thường chỉ chú tâm tìm hiểu các khía cạnh chính trị, kinh tế; ít khi đi sâu tìm hiểu bản sắc văn hóa của các dân tộc khác cho dù những bản sắc ấy thường để lại dấu ấn đậm nét cả trong đời sống chính trị, kinh tế cũng như chính sách và cách hành xử đối ngoại của các quốc gia.
Tuy loài người chia sẻ nhiều giá trị văn hóa chung song văn hóa của mỗi dân tộc lại có những bản sắc riêng nên nhiều khi nẩy sinh tình trạng “xung đột văn hóa”. Trong hoàn cảnh đó, CBNG vừa không được đánh mất mình, vừa phải “nhập gia tùy tục” để hạn chế sự va đập văn hóa, ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ hợp tác với bạn bè.
Đâu là bản sắc văn hóa của Việt Nam?
Trở lại khái niệm văn hóa ngoại giao, điều đầu tiên cần làm rõ là cái “bản sắc văn hóa” Việt Nam mà CBNG phải thể hiện là gì? Tuy tồn tại hằng hà sa số công trình nghiên cứu về đề tài này nhưng thật khó tìm được một câu trả lời thật rõ ràng, đồng nhất; ngay đối với những bản sắc có sự đồng thuận cao thì cũng cần làm rõ nó được dân ta thể hiện có khác gì so với các dân tộc khác không? bên cạnh mặt mạnh để “khoe ra”, có mặt yếu là gì cần “đậy lại” không? Ví dụ ai ai cũng thừa nhận rằng, một trong những bản sắc văn hóa của dân ta là tinh thần tương thân, tương ái theo triết lý “nhiễu điều phủ lấy giá gương; người trong một nước thì yêu nhau cùng”. Tiếc rằng bản sắc ấy thường bộc lộ rất mạnh mẽ khi gặp phải địch họa, thiên tai, nhưng trong hoàn cảnh bình thường, kể cả trong làm ăn, nó lại được thể hiện khá mờ nhạt, thậm chí bị tâm lý “đèn nhà nào nhà ấy rạng”.
Nói vậy để thấy rằng, rất cần đi sâu nghiên cứu để nhận dạng rõ nét và đầy đủ hơn những bản sắc văn hóa dân tộc, cả mặt mạnh lẫn mặt yếu, để từ đó CBNG biết rõ cần phát huy những nét tốt đẹp, tránh mắc phải những điều thất thố.
Trong khi chờ đợi những công trình như vậy ta hãy đề cập vài khía cạnh mang tính “đời thường” liên quan tới văn hóa ngoại giao. Một trong những đặc điểm nghề nghiệp của CBNG là thường xuyên giao tiếp với bạn bè quốc tế: giao tiếp trong cuộc sống và giao tiếp ngoại giao. Thật lòng mà nói, không ít cách sống của chúng ta không ăn nhập được với cách sống ở nhiều nước, nhất là các nước phát triển. Ví dụ thói quen “ăn nhanh, đi chậm, hay cười, nói to”, gây ồn ào ở nơi công cộng, ít chú trọng vệ sinh, trật tự… đều có thể làm cho bạn bè quốc tế hiểu lầm về bản sắc văn hóa dân tộc ta, thậm chí chê cười, xa lánh.
Dân ta vốn được bàn dân thiên hạ đánh giá là cởi mở, thân thiện. Đây là một thế mạnh cần được phát huy; nó càng có tác dụng trong thời hội nhập với thế giới bên ngoài theo tinh thần Việt Nam muốn làm bạn và đối tác tin cậy với các nước trên thế giới. Tuy nhiên trong giao tiếp ngoại giao vẫn cần phải khắc phục một số thói quen chưa phù hợp. Ví dụ ở đâu đó còn không ít biểu hiện rụt rè, tự ti; tại nhiều cuộc tiếp tân ngoại giao có thể thấy hiện tượng người Việt túm năm tụm ba với nhau mà không tận dụng những dịp đó mở rộng giao lưu với bạn bè quốc tế. Tình trạng này có thể bắt nguồn từ tàn dư thời bị bao vây cô lập, đóng cửa, từ hạn chế về ngoại ngữ và cả kiến thức đời thường để có thể quảng giao với bạn bè quốc tế. Hay trong giao tiếp đối ngoại không ít người không thạo việc đưa đẩy câu chuyện, ăn nói theo những công thức cứng nhắc, không chuyển tải được thông điệp gì; đọc những bài diễn văn khô khan, sáo rỗng, với văn phong không ăn nhập với văn hóa của người nghe cho nên không để lại ấn tượng gì trong lòng bạn bè.
Một khía cạnh khác là cả ngoại thất lẫn nội thất trụ sở các cơ quan đại diện ngoại giao ta ở nước ngoài, vốn được coi là bộ mặt đất nước, hoàn toàn không thể hiện được bản sắc kiến trúc dân tộc. Điều này có thể hiểu được vì phần lớn các trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao ta được tiếp quản sau khi nước nhà thống nhất hoặc đi thuê; tiếc rằng ngay những trụ sở mới xây cũng không mang dáng dấp gì của kiến trúc Việt Nam cả. Cách trang trí, bầy biện nội thất, chí ít là phòng tiếp khách, phòng chiêu đãi cũng thường không mang hơi hướng gì của bản sắc văn hóa Việt Nam, thậm chí thiếu thẩm mỹ, thường chỉ phản ánh thị hiếu của người đứng đầu cơ quan hay người phụ trách quản trị - tài chính vốn thay đổi theo nhiệm kỳ.
Về văn hóa ẩm thực cũng còn nhiều chuyện đáng bàn vì một trong những đặc điểm của sự bang giao quốc tế là đãi đằng bạn bè để mở rộng giao lưu và giới thiệu văn hóa nước mình. Cơ quan đại diện ngoại giao nhiều nước, ví dụ Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản… thường đưa từ trong nước ra những đầu bếp nổi tiếng với chế độ đãi ngộ cao để lo chuyện này; còn các cơ quan đại diện ngoại giao ta thường không có người chuyên trách hoặc nếu có thì trình độ không vượt xa cấp dưỡng bếp tập thể là mấy. Còn chủ, tức là các CBNG, cũng không thông thạo gì về văn hóa ẩm thực nên cũng không giới thiệu được cho khách về những đặc trưng của ẩm thực nước mình. Về văn hóa ẩm thực còn có chuyện tránh đãi khách những “món độc”, quá nặng “quốc hồn, quốc túy” người nước ngoài không quen; ngược lại ta lại phải thích nghi với những món bạn đãi đằng cho dù không hợp khẩu vị.
Để khoe văn hóa nước mình có một “công cụ hữu dụng” nữa là các sản phẩm văn hóa như tranh ảnh, các bộ phim, các tiết mục biểu diễn nghệ thuật… Tiếc rằng, các bức tranh treo trong cơ quan đại diện ngoại giao ta đều là “hàng chợ”; rất ít các bộ phim đưa ra trình chiếu bên ngoài có sức cuốn hút người xem cả về nội dung lẫn trình độ nghệ thuật và kỹ thuật; các buổi trình diễn nghệ thuật còn hiếm hoi và không phải lúc nào cũng hấp dẫn…
Khắc phục bằng cách nào?
Như trên đã nói, do đề tài văn hóa ngoại giao quá khó và quá mới nên chưa thể nói lên điều gì, vì vậy chỉ xin đề xuất mấy kiến nghị:
Một là, ngành ngoại giao nên phối hợp với các chuyên gia về văn hóa đi sâu nghiên cứu về chủ đề văn hóa ngoại giao làm nền tảng tạo sự chuyển biến cơ bản về văn hóa ngoại giao;
Hai là, chú trọng khía cạnh văn hóa trong đào tạo, bồi dường, tuyển chọn, sắp xếp đội ngũ cơ quan đại diện ngoại giao; chỉ có như vậy họ mới có được văn hóa ngoại giao cần thiết cho bản thân và trong việc hướng dẫn, lôi cuốn cộng đồng trong việc giữ gìn và quảng bá văn hóa dân tộc.
Ba là, tranh thủ các kiến trúc sư cả ngoại lẫn nội thất xây dựng các thiết kế mẫu và tư vấn trong việc xây dựng, bài trí các cơ quan đại diện ngoại giao ta ở nước ngoài;
Bốn là, phối hợp với ngành văn hóa từng bước nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa đem ra bên ngoài; trong cơ quan đại diện ngoại giao, chí ít là ở một vài trọng điểm, tìm cách nâng cao chất lượng văn hóa ẩm thực./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét