Thứ Tư, 1 tháng 12, 2021

BÁ, ĐẺ

 

            Ngày xưa tôi gọi bố tôi là bá, mẹ tôi là đẻ. Các bạn tôi đến nhà chơi cũng gọi theo là bá đẻ. Khi các cụ mất thì hai tiếng ấy không còn trong nhà. Bôn ba đó đây tôi cũng chẳng còn nghe ai gọi như thế nữa. Trẻ con bây giờ gọi bố là đét, mẹ là mâm.

           Một hôm tôi về vùng quê nghèo, đang thảnh thơi đi dạo trong làng thì chợt nghe tiếng gọi to từ trong nhà bên đường :

           - Bá đẻ ơi, con mời bá đẻ ra ăn cơm.

           Tôi khựng lại như người vừa vấp mạnh vào quá khứ, trong lòng dội lên hai tiếng gọi thân thương từ lâu đã bị khỏa lấp. Đứng ngây ra, tôi lén nhìn hai vị cao tuổi được gọi là bá đẻ, nước mắt cứ tự nhiên dàn dụa mà khóc không thành tiếng.

 

Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2021

ÔNG NỘI

Chiều hôm ấy mẹ tôi đi làm về muộn. Khi cả nhà đã quây quần quanh bàn ăn thì mẹ mới mở cửa bước vào, mặt tươi hơn hớn, ngặt nghẽo cười khiến cả nhà ngạc nhiên. Thấy vậy bố tôi hỏi :

- Hôm nay trúng quả hay sao mà vui thế ?

- Quả gì đâu. Trên mạng có mục “Những bài văn bất hủ” của học trò, xem tếu quá, buồn cười đến chết được, nhất là mấy câu tả ông nội, xem xong một cái là cười vãi, vừa đi đường vừa cười, hệt như con điên ấy.

Mọi người hồi hộp nghe chuyện. Bố tôi hỏi :

- Nó tả thế nào mà em cười thế ?

- Nó tả thế này : “ Nhà em có nuôi một ông nội, ông nội suốt ngày chẳng làm gì cả, chỉ trùm chăn ngủ, đến bữa ăn ông ló đầu ra hỏi : cơm chín chưa bây ?”.

Cả nhà phá lên cười. Tôi liếc qua ông nội. Ông nội cũng cười, lúc đầu cười vui nhưng sau dần tôi thấy ông chỉ cười gượng gạo. Rồi ông không cười nữa, mặt ông bỗng xịu lại, đôi mắt xụp xuống, ông ngồi im lặng. Sau đó ông đứng dậy, lặng lẽ bỏ lên tầng. Bà nội bảo :

- Các con cứ ăn cơm đi, để mặc ông, tí bà đem cho ông ăn sau. Độ này ông hay nghĩ ngợi.

Không còn ai cười tiếp nữa. Tôi thấy có điều gì bất an nên ăn vội cho xong bữa rồi đi lên với ông. Ông đang lúi húi tra cuốn Từ điển tiếng Việt, chiếc kính lão tụt xuống mấy lần, những ngón tay gầy guộc và khô khốc của ông run run lần giở từng trang một. Tôi hỏi :

- Ông tra chữ gì để cháu tìm cho ông.

- Chữ bé quá, ông đọc khó. Cháu tra cho ông chữ “nuôi” xem nó nói gì.

Tôi nghĩ chắc ông phải đo lại kính rồi. Cuốn Từ điển tiếng Việt này ông dùng từ năm 1994 đến bây giờ, tuy đã hơn hai mươi năm nhưng nó vẫn thế, chữ in trong sách có bé đi chút nào đâu. Tìm được chữ “nuôi” tôi bảo ông :

- Ông để cháu đọc cho ông nghe nhé.

- Không, để ông tự đọc được.

- Ông tra chữ “nuôi” để làm gì ?

- Trẻ con nó tinh lắm cháu ạ. Viết được những câu văn ngộ nghĩnh như mẹ cháu vừa đọc đều là những đứa có khả năng quan sát, nó tả đúng cả đấy. Thôi, cháu để ông xem, cháu đi về phòng cháu đi.

Tôi đi ra, để cho ông yên. Về phòng tôi cứ nghĩ mãi rằng chữ “nuôi” thì có nghĩa gì đặc biệt đâu mà ông phải để tâm tìm hiểu. Những người khác trong nhà đều đã rất quen với việc ông tra các loại từ điển nên không ai để ý nữa.

Đêm ấy tôi học khuya, chốc chốc lại nghe tiếng ông ho. Cách đây mấy năm, mỗi khi húng hắng ông thường vừa cười vừa nói, một mái ấm gia đình thường phải có tiếng ho của người già và tiếng khóc của trẻ con. Dạo này có vẻ ông ho mau hơn nhưng không thấy ông nói câu ấy nữa.

Tôi đi ngoại khóa theo lớp một ngày, hôm sau về nhà  không thấy ông đâu. Buổi tối tôi hỏi bố thì bố bảo :

- Chắc ông lại đi chơi với mấy người bạn già.

Sang ngày thứ hai vẫn không thấy ông về. Tôi hỏi bà :

- Bà ơi, ông nội đi đâu mà hôm nay chưa về, có bảo bà là ông đi đâu không ?

Từ khi tôi biết nghĩ, tôi thấy mọi sự chăm sóc chiều chuộng trong nhà đều như ở bà nội tôi cả. Những ngày non nớt đầu đời cả tôi cả em tôi đều lớn lên bụ bẫm trong tay bà. Bà còn là người lo đến bữa ăn giấc ngủ cho ông nội tôi. Bố mẹ tôi thấy bà bế ẵm trông nom con của họ thì rất vui, coi đó là điều tự nhiên, nhưng khi thấy bà đơm cơm, pha nước cho ông thì lại bảo cách ấy là cổ, trong gia đình hiện đại ai ăn cơm thì tự đứng lên mà lấy ở nồi cơm điện, chấp theo lối cũ làm gì. Bà mặc kệ, vẫn tự tay mình xới mỗi bữa cho ông hai lưng cơm, vẫn chiều chiều pha cho ông ấm nước chè. Lại còn cười bảo tôi, bà già rồi, có muốn cũng không theo được đời mới đâu cháu ạ.

Đến ngày thứ ba chưa thấy ông về, bà tôi không còn vững được nữa. Bà hốt hoảng bảo tôi :

- Bà thấy nóng ruột lắm, ông không bao giờ đi đâu lâu thế mà không bảo bà.

- Bà gọi điện cho ông chưa ?

- Ông quên điện thoại ở nhà, không mang theo. Mà không biết ông mày có quên thật không hay là lại dỗi, không muốn ai gọi. Cả thuốc huyết áp cũng không mang theo mới chết chứ.

- Bà bảo bố mẹ cháu đi tìm đi.

- Bà đã muốn bảo từ hôm qua nhưng thấy bố mẹ mày bận quá. Tối nay thế nào cũng phải giục họ đi tìm ông.

Buổi tối bố mẹ tôi về là ngồi vào bàn ăn ngay, trong bữa ăn cũng không thấy ai hỏi ông đâu, cũng không thấy bà bảo họ đi tìm. Chắc bà lại sợ bữa ăn mất vui. Ăn cơm xong, mẹ tôi kèm em tôi học bài, còn bố tôi thì gọi điện thoại. Tôi nghĩ nếu tôi còn bé như cái đứa tả bài văn ông nội và nếu cô giáo ra đầu bài là hãy tả bố em, tôi chắc cũng sẽ viết là bố em ăn xong không xỉa răng, đứng lên cầm ngay lấy cái điện thoại nói chuyện công việc liên hồi. Đợi bố nói xong một cuộc, tôi níu lại hỏi :

- Bố ơi, đã ba hôm ông chưa về, không biết đi đâu, bố mẹ đi tìm cho bà đi.

          Đợi tôi nói xong bà nội mới thêm vào :

- Bố nó tìm cách hỏi xem ông đi đâu, bà sốt ruột quá.

         Bố tôi đứng lặng im, cái di động trong tay rung nhưng không nghe. Rồi nói :

- Chắc lại đến với mấy người bạn của ông đấy thôi. Cứ để con hỏi mấy cụ trước đã chứ giờ biết tìm ở đâu. 

          Bà tôi im lặng nhưng nét mặt nhau nhúm lại, bỗng chốc như già đi bao nhiêu tuổi, tôi trông cũng phát sợ. Đêm ấy bà không xem vô tuyến mà đi nằm sớm, ngoài tiếng điện thoại của bố tôi thì trong nhà hoàn toàn im ắng, không có tiếng ông ho, không có tiếng trẻ khóc.

         Sáng sớm hôm sau bỗng có điện thoại reo. Đây là máy điện thoại bàn, mà máy bàn thì từ lâu ít ai còn gọi đến nữa, trong nhà đã mỗi người một cái di động. Cả bà cả bố tôi đều vồ lấy máy, cùng nghe. Hóa ra là ông nội. Ông bảo bà là ông đang ở một nhà dưỡng lão, dặn bà và tôi đến chơi và cầm theo cho ông mấy thứ cần dùng cùng mấy quyển sách để ông đọc. Bố hỏi ông có làm sao không thì ông bảo thoải mái lắm, mọi người cứ yên tâm để ông ở lại đấy ít lâu.

Bố tôi bảo để chủ nhật thuê xe cả nhà đi đón ông về. Tôi nhất định lấy xe máy đi thăm ông ngay. Bà xếp vào một cái túi du lịch cho ông mấy bộ quần áo, dao cạo râu, bàn chải đánh răng, thuốc huyết áp, hộp bánh bích quy và không quên cái điện thoại. Tôi lấy trong tủ sách ra mấy quyển sách ông thích. Khi tôi vào lớp mười, nghe nhiều người nói về ông, tôi mới biết ông nội tôi đã là người đi nhiều, đọc nhiều. Khi tôi còn nhỏ, tức là lúc còn rất thích chơi với ông, ông thường đọc cho cháu “đít tôn của ông” nghe nhiều chuyện, trong đó có những chuyện mà mãi về sau này tôi mới thấy hay. Tôi phóng một mạch, đến chập choạng tối thì gặp ông. Có mấy hôm mà râu tóc ông dài ra, nom ông gày tọp đi. Tôi ôm chầm lấy ông, lòng rưng rưng. Tôi cũng cảm thấy ông đang run lên nhưng ông lại vuốt tóc tôi và nói :

- Kìa cháu, con trai phải mạnh mẽ lên chứ.

Tôi mếu máo nói :

- Vâng, cháu vẫn mạnh mẽ đấy. Tại sao ông đi lâu thế mà không gọi điện báo cho mọi người ở nhà, ai cũng sốt ruột ông ạ.

- Ông phải xin lỗi mọi người, ông đã muốn gọi cho bà và cháu nhưng ông quên mất điện thoại, mãi hôm nay mới gọi nhờ người ta được.

          Nơi ông đang ở là một cái trại dưỡng lão do con trai một người bạn ông làm giám đốc. Ông giám đốc này lập ra trại dưỡng lão, tiếp nhận các cụ ở nhiều nơi nhưng riêng bố mẹ mình thì lại để chăm sóc ở nhà. Ông nội tôi đến chơi với ông bạn già, được dẫn đi thăm trại dưỡng lão, thấy hợp cảnh mình liền xin ở lại thử xem. Ấy là ông nói với tôi như thế. Khi tôi đưa mấy cuốn sách cho ông thì ông bảo :

          - Cháu có thích đọc sách không ?

          - Có ạ, sao ông lại hỏi thế ?

          - Là vì ông muốn để lại cho cháu cái tủ sách của ông. Không bao nhiêu nhưng có nhiều quyển ông thấy hay lắm.

           - Vâng, cháu cảm ơn ông. Nhưng ông ơi, cháu muốn hỏi ông là làm sao ông lại bỏ nhà để vào đây ? Có phải vì cái chữ nuôi trong bài văn trẻ con kia không hả ông ?

            - Không phải đâu cháu ạ. Nó chỉ giúp cho ông ngẫm thêm ra thôi. Không cần đến những đôi mắt trẻ nhỏ thì một lúc nào đấy những người già như ông bà cũng tự nhận thấy là mình thừa ra ngay trong nhà mình.

           Tôi chưa ở độ tuổi để có thể hiểu hết mọi lẽ đời, từ nhỏ đến bây giờ lúc nào ông cũng dậy tôi phải biết mạnh mẽ, tôi đã cố gắng để tỏ ra mình là một thiếu niên mạnh mẽ, vậy mà nghe ông nói thế, trái tim khỏe mạnh nhưng còn non trẻ của tôi cũng phải nhói đau. Tôi vội vàng ôm chặt lấy ông, gào lên :

             - Không phải thế đâu, không phải như ông nói đâu. Chủ nhật này bà và bố mẹ cháu sẽ lên đón ông về.

           Tôi cứ ôm ghì lấy ông, úp đầu vào ngực ông, nghe rõ tiếng tim ông đập nhỏ mà nhanh. Tôi không thể cảm nhận được hết những điều ông đang cảm nhận nhưng tôi thấy rõ bàn tay ông đang xoa trên đầu tôi, không chỉ vuốt ve mà còn như đang che chở. Ông nhẹ nhàng :

              - Sáng mai cháu nên về sớm để kịp đi học, nói với bố mẹ cháu không phải lên đón ông. Nếu bà muốn thì cháu nói với bố mẹ có thể để cho bà lên đây ở với ông. Ông bà còn nuôi nhau được.

            Tôi giơ tay bịt mồm ông rồi hét lên, giống như khi còn bé tôi vẫn làm :

             - Không ! Không ! Không ! Ông phải về với cháu.

            Ông nội không nói gì, lặng im ôm tôi vào lòng.

            Đêm ấy tôi nằm bên ông, trằn trọc mãi mà không thể nào chợp mắt. Có vẻ như ông ho nhiều hơn nhưng mỗi lần ho ông đều cố khẽ khàng, ý chừng để giữ cho tôi ngủ yên. Khi thiếp đi, trong giấc mơ nặng nề, tôi thấy bóng một người, không thấy rõ mặt, chỉ thấy bóng nhưng tôi vẫn đinh ninh người ấy là ông nội, khuất dần nhưng rất rõ, đang đi về hướng Tây, ở đấy hoàng hôn đỏ ối và nhiều gai như quả gấc chín.

 

 

Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2021

CHUYỆN NGOẠI GIAO THÚ VỊ 8 : CHIA TIỀN ĂN TỐI

Vnexpress 8/11/2015 dẫn tờ Focus Taiwan cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu cùng ăn tối tại Singapore vào ngày 7/11/2015 và hai ông cùng góp tiền thanh toán hóa đơn.

"Ai là khách mời của ai trong bữa tối này không phải là điều quan trọng. Quan trọng là họ ăn tối cùng nhau", bà Ngô Mỹ Hồng, thuộc Hội đồng Các vấn đề về Đại lục (MAC) của đảo Đài Loan nói. Theo bà Ngô, ông Tập và ông Mã còn chia tiền thuê địa điểm phục vụ cho cuộc gặp giữa hai người tại khách sạn Shangri-La.

Kênh TVBS dẫn thông tin từ văn phòng lãnh đạo Đài Loan cho biết ông Mã mang theo 8 bình rượu "Trần niên lão tửu" ưa thích, do công ty Matsu sản xuất, tới bữa tối và giới thiệu với các khách mời. Nhân viên văn phòng lãnh đạo sẽ chuẩn bị rượu theo một công thức và cách thức đặc biệt giúp rượu luôn ấm.

Bữa tối giữa chủ tịch Trung Quốc và lãnh đạo Đài Loan dự kiến có tổng cộng 14 người. Ông Tập và ông Mã sẽ ngồi đối diện nhau tại bàn tròn. Các món ăn nổi bật trong thực đơn bao gồm cá tuyết, vịt quay Bắc Kinh và khâu nhục hầm bào ngư.

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa chủ tịch Trung Quốc với lãnh đạo Đài Loan từ sau khi hòn đảo tách khỏi đại lục năm 1949.

Nhời bàn : Đài Loan thật đã chẳng chịu kém, chơi ngang cơ với Trung Quốc ngay cả trên bàn tiệc. Để có được việc hai ông ngồi ăn với nhau thế này chắc là lễ tân đã phải dàn xếp chán. Haha, anh em mình rủ nhau đi ăn tối cũng chia tiền nhé. Thú vị thật !!!

 

 

Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2021

KHÔNG CÓ NỖI BUỒN THỨ BA

         Nhà báo người Pháp Giăng Clốt Láp-bê đã hoạt động báo chí ở Việt Nam gần suốt cuộc đời, là một trong số hiếm hoi các nhà báo đã chứng kiến giây phút quân giải phóng tiến vào dinh Độc lập ngày 30-4-75 và sau đó đã đi khắp nước Việt Nam để chụp ảnh, viết bài. Ảnh, bài viết, các phóng sự truyền hình của anh về Việt Nam đã rất quen đối với độc giả của nhiều tờ báo và hãng truyền hình lớn ở Anh, Pháp, Mỹ, Ô-xtrây-li-a. Anh đã nhận được nhiều giải thưởng lớn về báo chí như CAPPA, Lê-ô-na đờ Vanh-xi...Anh đã làm báo về Việt Nam với một tình yêu cuồng nhiệt.

          Trở lại Việt Nam, Láp-bê đem theo cho các bạn mình ở đây hai nỗi buồn, cả hai đều như một thứ rượu Boóc-đô già mà chỉ thời gian mới có thể làm cho sánh lên chất men chiêm nghiệm như thế được. Đụng vào hai nỗi buồn của anh chúng tôi thấy mình cũng chếnh choáng. Mộng mị gì nữa mà không chiêm nghiệm khi ai cũng đều trán đã hói bóng và tóc đã lơ thơ bạc trắng.

          Nỗi buồn thứ nhất là trở lại Hà Nội lần này Láp-bê thấy bạn bè cũ vắng đi đã nhiều. Không còn tông-tông Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Cơ Thạch để anh sà đến chuyện trò thăm hỏi. (Tiếng Pháp tonton có nghĩa là chú, chú Linh, chú Đồng, chú Thạch). Cái anh chàng nhà báo có tật đập tay đùng đùng và thỉnh thoảng lại hét lên trong khi nói chuyện thật ra lại rất có duyên, được các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta quý mến. Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã ưu ái dành cho anh vinh dự là nhà báo đầu tiên được phỏng vấn mình khi ông vừa nhậm chức vào năm 1986.

          Các bạn nhà báo nước ngoài đã cùng anh lăn lộn ở Việt Nam trong thời chiến tranh biên giới năm 1979 cũng tao tác hết cả. Ta-ka-nô nằm lại Lạng Sơn như biểu tượng vĩnh cửu của một tình hữu nghị quả cảm. N.Đa-vít bị bắn chết trong một cuộc săn tin đảo chính ở Băng-cốc. Bớc-sét đã về hai năm mươi. Nhiều nhà báo Việt Nam đã cùng anh đi khắp đất nước như anh Nguyễn Quí Quí, anh Nguyễn Văn Lượng đã về cõi cả rồi, đấy là chưa kể đến các anh Bùi Hữu Nhân, Nguyễn Hải Sơn cũng đã ra đi bởi tai nạn giao thông thật là phi lý. Láp-bê đập tay vào trán thốt lên : buồn quá !

          Nỗi buồn thứ hai là Láp-bê đã phải rời bỏ chiếc máy ảnh Ni-công của mình.  Tác giả của những tập sách ảnh phóng sự lớn về mọi mặt đời sống của Việt Nam như “Việt Nam, chiến tranh, đất nước và con người” hay “ Việt Nam sâu kín, cảm giác và cảm xúc”..bị ốm và phải mổ tim năm 2001. Người mổ tim cho anh là bạn anh, bác sĩ giáo sư A-lanh đờ Lô-sơ, cũng là người bạn của Việt Nam, một trong những người sáng lập Viện tim thành phố Hồ Chí Minh. Vì thế lần này đến Việt Nam Láp-bê không mang theo máy ảnh. Con người đã từng là nhân chứng trung thực và chân thành của một thời kỳ lịch sử máu lửa và bất khuất của Việt Nam, đã từng rong ruổi khắp Việt Nam để chụp ảnh, chụp một cách cần mẫn, say sưa, nhậy bén và thông minh đã tặng lại chiếc Ni-công gắn bó với mình cho con gái. Tội nghiệp chưa, có khác nào người nghiện mà không mang thuốc. Anh kêu lên : buồn quá các bạn ơi.

          Không có nỗi buồn thứ ba. Câu chuyện giữa những người bạn cũ, lại là những người đã ở tuổi tri thiên mệnh thường xoay quanh người cũ, việc cũ, xoay quanh những chuyện của một cuộc đời. Nhà văn Pháp A. Man-rô chiêm nghiệm rằng một cuộc đời đáng giá chẳng bao nhiêu nhưng chẳng có gì đáng giá bằng một cuộc đời. Láp-bê đã sống đam mê và thủy chung, đam mê trung thực và thủy chung cũng trung thực, bởi vậy cả hai nỗi buồn của anh cũng rất thật. Cả cuộc đời anh đã yêu Việt Nam. Việc làm báo của anh cũng từ tình yêu ấy mà thành sự nghiệp. Yêu thật sự, không phải vì danh, một thời danh của anh đã qua đi rồi. Không phải vì tiền, Láp-bê không có tiền để đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Ở đây anh chỉ có những người bạn. Phải chăng đấy mới là hạnh phúc đích thực. Một Láp-bê với chiếc khăn rằn vắt vai, miệng tóp tép mẩu cam thảo thay thuốc lá và chiếc máy ảnh Ni-công đeo trước ngực đã là hình ảnh một người bạn thân thiết không chỉ của nhiều nhà báo Việt Nam mà còn của cả Việt Nam một thời.