Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2021

KHÔNG CÓ NỖI BUỒN THỨ BA

         Nhà báo người Pháp Giăng Clốt Láp-bê đã hoạt động báo chí ở Việt Nam gần suốt cuộc đời, là một trong số hiếm hoi các nhà báo đã chứng kiến giây phút quân giải phóng tiến vào dinh Độc lập ngày 30-4-75 và sau đó đã đi khắp nước Việt Nam để chụp ảnh, viết bài. Ảnh, bài viết, các phóng sự truyền hình của anh về Việt Nam đã rất quen đối với độc giả của nhiều tờ báo và hãng truyền hình lớn ở Anh, Pháp, Mỹ, Ô-xtrây-li-a. Anh đã nhận được nhiều giải thưởng lớn về báo chí như CAPPA, Lê-ô-na đờ Vanh-xi...Anh đã làm báo về Việt Nam với một tình yêu cuồng nhiệt.

          Trở lại Việt Nam, Láp-bê đem theo cho các bạn mình ở đây hai nỗi buồn, cả hai đều như một thứ rượu Boóc-đô già mà chỉ thời gian mới có thể làm cho sánh lên chất men chiêm nghiệm như thế được. Đụng vào hai nỗi buồn của anh chúng tôi thấy mình cũng chếnh choáng. Mộng mị gì nữa mà không chiêm nghiệm khi ai cũng đều trán đã hói bóng và tóc đã lơ thơ bạc trắng.

          Nỗi buồn thứ nhất là trở lại Hà Nội lần này Láp-bê thấy bạn bè cũ vắng đi đã nhiều. Không còn tông-tông Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Cơ Thạch để anh sà đến chuyện trò thăm hỏi. (Tiếng Pháp tonton có nghĩa là chú, chú Linh, chú Đồng, chú Thạch). Cái anh chàng nhà báo có tật đập tay đùng đùng và thỉnh thoảng lại hét lên trong khi nói chuyện thật ra lại rất có duyên, được các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta quý mến. Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã ưu ái dành cho anh vinh dự là nhà báo đầu tiên được phỏng vấn mình khi ông vừa nhậm chức vào năm 1986.

          Các bạn nhà báo nước ngoài đã cùng anh lăn lộn ở Việt Nam trong thời chiến tranh biên giới năm 1979 cũng tao tác hết cả. Ta-ka-nô nằm lại Lạng Sơn như biểu tượng vĩnh cửu của một tình hữu nghị quả cảm. N.Đa-vít bị bắn chết trong một cuộc săn tin đảo chính ở Băng-cốc. Bớc-sét đã về hai năm mươi. Nhiều nhà báo Việt Nam đã cùng anh đi khắp đất nước như anh Nguyễn Quí Quí, anh Nguyễn Văn Lượng đã về cõi cả rồi, đấy là chưa kể đến các anh Bùi Hữu Nhân, Nguyễn Hải Sơn cũng đã ra đi bởi tai nạn giao thông thật là phi lý. Láp-bê đập tay vào trán thốt lên : buồn quá !

          Nỗi buồn thứ hai là Láp-bê đã phải rời bỏ chiếc máy ảnh Ni-công của mình.  Tác giả của những tập sách ảnh phóng sự lớn về mọi mặt đời sống của Việt Nam như “Việt Nam, chiến tranh, đất nước và con người” hay “ Việt Nam sâu kín, cảm giác và cảm xúc”..bị ốm và phải mổ tim năm 2001. Người mổ tim cho anh là bạn anh, bác sĩ giáo sư A-lanh đờ Lô-sơ, cũng là người bạn của Việt Nam, một trong những người sáng lập Viện tim thành phố Hồ Chí Minh. Vì thế lần này đến Việt Nam Láp-bê không mang theo máy ảnh. Con người đã từng là nhân chứng trung thực và chân thành của một thời kỳ lịch sử máu lửa và bất khuất của Việt Nam, đã từng rong ruổi khắp Việt Nam để chụp ảnh, chụp một cách cần mẫn, say sưa, nhậy bén và thông minh đã tặng lại chiếc Ni-công gắn bó với mình cho con gái. Tội nghiệp chưa, có khác nào người nghiện mà không mang thuốc. Anh kêu lên : buồn quá các bạn ơi.

          Không có nỗi buồn thứ ba. Câu chuyện giữa những người bạn cũ, lại là những người đã ở tuổi tri thiên mệnh thường xoay quanh người cũ, việc cũ, xoay quanh những chuyện của một cuộc đời. Nhà văn Pháp A. Man-rô chiêm nghiệm rằng một cuộc đời đáng giá chẳng bao nhiêu nhưng chẳng có gì đáng giá bằng một cuộc đời. Láp-bê đã sống đam mê và thủy chung, đam mê trung thực và thủy chung cũng trung thực, bởi vậy cả hai nỗi buồn của anh cũng rất thật. Cả cuộc đời anh đã yêu Việt Nam. Việc làm báo của anh cũng từ tình yêu ấy mà thành sự nghiệp. Yêu thật sự, không phải vì danh, một thời danh của anh đã qua đi rồi. Không phải vì tiền, Láp-bê không có tiền để đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Ở đây anh chỉ có những người bạn. Phải chăng đấy mới là hạnh phúc đích thực. Một Láp-bê với chiếc khăn rằn vắt vai, miệng tóp tép mẩu cam thảo thay thuốc lá và chiếc máy ảnh Ni-công đeo trước ngực đã là hình ảnh một người bạn thân thiết không chỉ của nhiều nhà báo Việt Nam mà còn của cả Việt Nam một thời.

         

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét