Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

NHÀ BÁO MA-ĐƠ-LEN RI-PHÔ VÀ MỐI TÌNH TỪ MỘT BÀI THƠ

          Năm 1997, khi còn công tác ở Pháp, tôi đã đến thăm một người bạn nổi tiếng của Việt Nam. Hôm ấy Paris rét dưới âm 5 độ nhưng tôi thấy lòng mình thật ấm áp, còn hơn thế nữa, hơi bối rối, xúc động khi nghĩ rằng mình sắp gặp một người chị, một nhà văn, nhà báo đã từng được họa sĩ Pi-cát-xô vẽ chân dung, đã từng có những tác phẩm thuộc loại bét-xeo-lơ. Ấy vậy mà một phần đời chính của chị lại dành cho Việt Nam, phần đời tranh đấu, phần đời người chiến sĩ. Và cả phần đời yêu đương nữa. Chị chính là Ma-đơ-len Ri-phô.

Chân dung Ma-đơ-len Ri-phô năm 20 tuổi do họa sĩ Pi-cát-xô vẽ tặng.      

           Chị ở tầng 5 chung cư số 13 phố Vin-hác-đu-anh. Cầu thang gỗ không trải thảm, thời gian đã bào mòn từng bậc thang trơn bóng. Tôi se lòng khi nghĩ rằng ở tuổi hơn bảy chục chị vẫn thường phải lên xuống 4 tầng cầu thang trơn và vòng tròn này.

          Chị ôm hôn tôi thật thắm thiết. Tôi hỏi : “Chị có biết tại sao em lại tặng chị 8 bông hồng không ?”. Chị hóm hỉnh : “Vì chị là chị Tám chứ còn gì nữa”. Hai chị em tôi phá lên cười.

          Hai gian phòng gọn gàng xinh xắn, đồ đạc không cầu kỳ chứng tỏ chủ nhân là người giản dị nhưng có gu. Một lồng chim to bên cạnh một chậu vạn niên thanh xanh tốt bò quấn quít lên tận giá sách. Con chim chị nuôi là con họa mi, nhảy nhót tung tẩy và bỗng cất tiếng hót say mê như chào đón khách. Trên tường chị treo hai bức tranh lớn. Một là bức chân dung do họa sĩ Po-cát-xô vẽ tặng chị năm 1945, khi chị mới 20 tuổi. Bên cạnh là tấm áp phích Việt Nam với hàng chữ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” nổi bật trên nền hồng của hoa sen. Bên dưới tấm áp-phích có ghi “Tranh của Lê Thanh Đức, in tại nhà máy in Tiến Bộ, giá 0đ50”. Tôi tự hỏi phải chăng số phận đã định sẵn một mối liên hệ gắn bó nào đó giữa người con gái 20 tuổi trong tranh của Pi-cát-xô, thực ra là người nữ du kích Pháp từ năm 17 tuổi, với sự nghiệp độc lập tự do của dân tộc Việt Nam mà người đại diện là Bác Hồ.

          Nói chuyện với chị thật khó vì chị đã nói nhiều lại nói nhanh. Chẳng thế mà đại phát thanh Pháp đã dành cho chị 20 giờ ghi âm, một trong số những thời gian ghi âm kỷ lục, để chị kể lại cuộc đời chiến đấu của mình. Phần lớn phóng sự ghi âm này kể về thời kỳ chị làm việc ở bưng biền miền Nam Việt Nam. Cuộc ghi âm cũng lại là một bét-xeo-lơ, có hàng vạn bức thư gửi tới hoan nghênh. Người nghe đã nhận ra khi Ma-đơ-len kể chuyện cũng hấp dẫn không khác gì khi Ma-đơ-len viết. Nói chuyện với chị tôi thấy chị thật giàu nghị lực, đầy ắp những vốn sống, những phân tích sắc sảo có đủ minh họa bằng những sự kiện lịch sử cộng với sự nhạy cảm tinh tế của một tâm hồn nghệ sĩ. Chị kể khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, chị muốn viết về một đề tài khác hơn là chiến tranh. Chị đã tới những nơi có chiến tranh, viết về những hạnh phúc và khổ đau trong chiến tranh. Nhưng còn chính nước Pháp của chị ? Phải chăng không có gì để nói, nhất là về những người lao động thầm lặng và cực nhọc ? Thế là chị đã quyết định viết về họ, đã đích thân xin làm hộ lý, thức đêm, thay băng, chăm sóc nâng giấc cho bệnh nhân để cuối cùng viết ra một thiên phóng sự làm rung động dư luận nước Pháp, đó là cuốn “Les Linges de la nuit” (tạm dịch Khăn trải giường đêm).

          Tranh thủ lúc chị ngừng câu chuyện để pha trà từ chiếc ấm giành tích giống như ở Việt Nam, tôi nhìn qua giá sách của chị. Có một mảnh xác máy bay Mỹ do ban chấp hành Đảng bộ nhà máy đóng tàu Bạch đằng Hải Phòng tặng chị ngày 1 tháng 8 năm 1966. Một cuốn sách đã ngả màu vàng ố được đặt cẩn thận bên cạch những cuốn bìa cứng khác. Tôi tò mò rút ra xem. Đó là cuốn “Xung Kích” của Nguyễn Đình Thi. Cầm cuốn sách, tôi chợt có ý nghĩ, chuyện về người nữ du kích Pháp có biệt hiệu là Ren-nơ, chuyện về nhà văn, nhà báo Ma-đơ-len Ri-phô, chuyện về người phụ nữ Pháp là chiến sĩ trong bưng biền miền Nam Việt Nam với cái tên thân yêu là chị Tám, những chuyện ấy thì mọi người đều đã nghe, đã đọc chỗ này chỗ khác. Nhưng còn chuyện một Ma-đơ-len yêu đương, đã từng si mê một anh bộ đội nhà thơ Việt Nam thì có mấy người biết. Tôi nhớ khi học văn tự thuật, vị giáo sư già của tôi từng nói từ tuổi 60 trở lên người ta thường chẳng giấu chuyện về những mối tình thời trẻ. Thế là tôi hỏi chị có thể kể cho cho tôi nghe chuyện tình của chị với Nguyễn Đình Thi được không. Chị cười, âu yếm nhìn tôi. Tôi chợt nhận thấy đôi mắt chị giống hệt đôi mắt Pi-cát-xô đã vẽ 50 năm về trước, đôi mắt nhìn xuống sâu đậm, thoáng buồn, ít dáng dấp của một người du kích mà nhiều suy tư, mơ màng, rất nhà thơ.

          Ma-đơ-len kể : “Chị gặp anh ấy lần đầu vào năm 1951 tại Đại hội liên hoan thanh niên thế giới tổ chức ở Béc-lanh, Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Cuốn “Xung kích” em đang cầm là chị được tặng ở Đại hội này. Có khi chính tác giả của nó nay cũng không còn vì nhà xuất bản Văn nghệ lúc ấy chỉ in một số lượng ít trên loại giấy mỏng đặc biệt như giấy lụa. Chị đến Đại hội chậm một ngày. Ngay buổi sáng chị đến thì Đô-mi-níc là bạn chị trong đoàn Pháp đã tươi cười nói :

          - Này Ma-đơ-len, có một anh bộ đội trong đoàn Việt Nam tìm cậu đấy.

          - Để làm gì ?

          - Anh ấy hỏi mình trước khi cậu bị bọn phát xít bắn chết thì cậu có bài thơ nào khác ngoài bài “Lời ca” không. Mình buồn cười đến chết, bảo anh ấy cậu có bị xử bắn đâu vì đã trốn được. Mình bảo anh ấy cậu cũng đến đây, thế là anh ấy cứ rối lên tìm cậu từ hôm qua.

          - Chắc lại muốn hỏi về những ngày tớ bị phát xít bỏ tù chứ gì !

          Thật ra lúc ấy chị đã trả lời rất nhiều về những ngày tù tội, về việc bị bọn phát xít kết án tử hình nên rất ngại trả lời phỏng vấn. Cả bây giờ cũng vậy, sau khi chị đã nổi tiếng qua những phóng sự ở An-giê-ri và ở bưng biền Việt Nam, chị cũng không muốn kể về mình quá nhiều. Rất nhiều người khác như mình, họ cũng chiến đấu, cũng hy sinh dưới nhiều dạng vẻ khác nhau nhưng ít được nhắc tới, họ chiến đấu hy sinh trong thầm lặng nhưng cùng với một tình yêu tổ quốc và tự do như chúng ta.

          Ngay buổi tối hôm đó có một anh bộ đội trong đoàn Việt Nam đến tìm chị thật. Chị thấy anh cao, gầy nhưng có đôi mắt sáng và thông minh. Bọn chị tự giới thiệu với nhau và chị lấy làm lạ là anh ấy nói tiếng Pháp rất thạo. Lúc đầu câu chuyện xoay quanh bài thơ “Lời ca” của chị. Anh đã đọc cho chị nghe, say sưa, đầy tình cảm. Anh nói không ngờ chị còn sống, rằng sau khi xem bài thơ của chị anh nghĩ rằng chị đã bị bọn phát xít xử bắn và anh đã dịch bài thơ của chị, bây giờ muốn tìm những bài khác để giới thiệu với bạn đọc Việt Nam đang chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc mình. Lúc ấy chị mới biết anh ấy là nhà thơ, nhà văn, là tác giả cuốn “Xung kích” này đây.

          - Vâng, khi em học phổ thông chúng em cũng học cuốn “Xung kích” của nhà văn Nguyễn Đình Thi.

          - Bọn chị làm quen với nhau nhanh và dễ dàng. Hình như đã tồn tại sẵn một sự thông cảm và hiểu biết, người này bị cuốn hút bởi những chuyện về cuộc sống hoạt động chiến đấu của người kia cùng đồng đội của mình. Có cái gì rất giống nhau trong những ý tưởng về độc lập, tự do, bình đẳng, về ước mơ cho một cuộc sống tốt đẹp hơn trong hòa bình. Có thể bây giờ em không hiểu hết được nhưng với bọn chị lúc bấy giờ những tình cảm ấy thiêng liêng lắm. Nó là sợi dây ràng buộc, gắn bó tất cả những người cùng chiến đấu cho một mục tiêu chung trên thế giới là chống chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập dân tộc. Thi và chị thuộc về những người ấy, lại là nhà thơ, nhà văn, nhà báo nên cũng rất lãng man. Sau những cuộc họp và hội thảo chung chị thường đi dạo với Thi, chuyện trò như đã thân thiết từ lâu. Chị hỏi Thi làm sao lại có được bài thơ “Bài ca”. Thì ra là năm 1947, sau khi Bác Hồ thăm Pháp, Bác có đem theo về Việt Nam nhiều sách báo trong đó có tạp chí Ê-téc-nen đăng bài thơ của chị. Thi đã giới thiệu bài thơ này đồng thời nói với các đồng chí của mình là tác giả đã bị phát xít kết án tử hình, bài thơ làm trước khi ra trường bắn. Thi đã kể cho chị nghe rất nhiều chuyện về lịch sử, văn hóa và cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Cũng có thể nói rằng nội dung những câu chuyện của Thi đã cuốn hút chị nhiều hơn là lối kể duyên dáng và dí dỏm của Thi. Từ những câu chuyện ấy bọn chị đã quyết định tranh thủ những ngày ở Đại hội liên hoan để cùng làm sách giới thiệu Việt Nam với nhân dân Pháp. Thế là tối nào hai người cũng cặm cụi làm. Cuốn sách được in vào năm 1952 ở Pháp.

          - Chị có còn cuốn nào không ?

          Ma-đơ-len lần tìm trên giá sách và đưa tôi. Đó là cuốn “Les Baguettes de Jade” (tạm dịch Đôi đũa ngọc) đã cũ lắm, giấy ố vàng. Ma-đơ-len nhìn tôi chăm chú đọc, tủm tỉm cười :

          - Đây là cuốn sách hợp tác Pháp-Việt đầu tiên được xuất bản lúc bấy giờ. Cuốn sách giới thiệu về Việt Nam, nhất là về văn học. Anh Thi và chị làm cuốn sách thật mê, càng làm càng hiểu nhau, càng gắn bó. Chị cũng nhận thấy mình có những xúc động lạ thường mỗi khi phải tạm dừng công việc, chia tay nhau hoặc những lúc chờ đợi. Mọi người trong hai đoàn đều nhận thấy Thi và chị rất quấn quít. Một hôm nhà thơ Na-dim Hít-mét gọi chị ra riêng một chỗ, nói : “Cô bé, cô định kéo dài trong bao nhiêu lâu câu chuyện này với người đồng chí Việt Nam ?”. Chị đỏ mặt và hơi bực bội. Chị nói với Hít-mét : “Tôi không làm điều gì ngu xuẩn cả”. Hit-mét cười : “Thế không phải là Thi và cô đang yêu nhau sao. Cả liên hoan này đều biết, chỉ có hai người không biết là Thi và cô thôi”. Chị vừa xấu hổ vừa bực mình trả lời : “Cám ơn, anh Thi đang đợi tôi dịch thơ, tôi phải đi”. Chỉ buổi tối hôm ấy chị mới để ý đến ánh mắt nhìn của Thi, và qua ánh mắt ấy chị mới nhận rõ là Thi yêu chị.

-

        Ma-đơ-len Ri-phô và Nguyễn Đình Thi (ảnh sưu tầm trên mạng)

          Thế rồi liên hoan kết thúc, chị và Thi chia tay nhau vào một tối mùa thu. Chị buồn rũ người khi rời anh. Hình ảnh một người nhỏ nhắn, hơi gầy đã in đậm vào trái tim chị. Tận sâu trong lòng chị tự hỏi liệu Thi có vượt qua được cuộc chiến tranh này không và chị hứa sẽ cố làm mọi việc để cuộc chiến tranh này sớm kết thúc.

          Chị và Thi nhìn nhau, không nói gì về tình yêu nhưng nói bằng mắt. Hai người vẫn gọi nhau bằng đồng chí, vẫn nói những chuyện bâng quơ nhưng đều cảm nhận sự trống không của một cuộc tình chia ly. Tụi chị nhìn nhau thầm hỏi sẽ còn lại gì sau cuộc gặp này ? Ánh sáng ! Có bao giờ lại gặp lại nhau nữa ? Ánh sáng. Ánh sáng như bầu trời sao Béc-lanh đêm ấy, như những đêm sao trong khu du kích của chị và trên đường hành quân của Thi. Ánh sáng trong tim hai kẻ yêu nhau đang sắp xa nhau, buồn, nhưng hy vọng. Đấy là ý thơ đầu tiên để năm 1952, khi xa chị, Thi đã viết bài “Ngôi sao”. Như chị đã nói với em, bọn chị rất lãng mạn. Chị là nữ du kích Pháp, lại có tâm hồn nhạy cảm. Thi là bộ đội Việt Minh là nhà thơ. Nhưng bọn chị thấy hết trách nhiệm của mình, trách nhiệm với đồng đội, với đất nước. Ngay trong liên hoan Thi đã nói với chị là Thi rất sốt ruột, muốn quay trở về Tổ quốc. Chị cũng vậy, cũng mong quay trở về với các đồng chí của mình tiếp tục cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Chính cuộc đấu tranh chung ấy gắn bó mọi người với nhau và làm cho những kẻ lãng mạn như tụi chị cũng trở nên vô cùng trong sáng. Không một lời nói về tình yêu, không hôn nhau, thậm chí không cầm cả tay nhau. Giờ nghĩ lại vừa nuối tiếc, vừa buồn cười. Chỉ nhìn nhau, cái nhìn chứa đựng tất cả.

          Tối hôm cuối bọn chị vẫn còn làm việc, cố dịch cho xong một vài đoạn trong cuốn sách. Nhưng chị không thể nào tập trung nổi. Gần nửa đêm, trong phòng làm việc bước ra, ý nghĩ đầu tiên khi chị ngẩng nhìn trời sao mùa thu là chị sẽ mất Thi, rằng cuộc chiến tranh oai hùng nhưng khốc liệt sẽ lại cuốn hút Thi. Chị rùng mình trong cái lạnh đêm Thu Béc-lanh, lòng thắt lại, nhìn theo bóng nhỏ xiêu xiêu của người đồng chí, người bộ đội Việt Nam mà chị vừa kịp yêu mến thì đã phải chia ly rồi.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét