Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, với 8 loại phí hiện hành và 2 loại sắp áp dụng, gánh nặng với người dùng ôtô là quá lớn. Trong khi đó, việc thu phí với xe máy cũng được cho là một vấn đề xã hội hết sức nhạy cảm.
> Bộ Giao thông giải trình về phí hạn chế xe cá nhân
Với cương vị là Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, câu chuyện thuế, phí từ lâu đã khiến ông Nguyễn Mạnh Hùng trăn trở. Theo tính toán của ông Hùng giá ôtô tại Việt Nam hiện cao gấp 3 lần, phần nhiều là do thuế và phí. "Phí trước bạ ở Hà Nội tăng cao tới 20%, phí cấp biển số xe 20 triệu đồng, phí trông giữ xe cũng tăng cao khiến lượng ôtô bán ra trong tháng 1 đã giảm một nửa", vị chủ tịch này cho biết.
Ôtô vào trung tâm thành phố ngày một tăng nhanh là nguyên nhân gây kẹt xe. Ảnh: CTV. |
Nay trước đề xuất thu thêm phí của Bộ Giao thông, ông Hùng cho rằng, ôtô đã chịu quá nhiều phí, không nên thu phí hạn chế phương tiện. Trong trường hợp cơ quan điều hành tiếp tục "quyết tâm" thu thì điều cần làm là phân rõ đối tượng, khu vực và mức thu cho hợp lý. "Theo tôi cần phải loại trừ các xe kinh doanh vận tải như taxi, xe tập tại các trường dạy nghề, chỉ thu trực tiếp các xe đăng ký tên cá nhân", ông Hùng nói.
Chủ ôtô hiện phải nộp 8 loại thuế và phí gồm: - Thuế nhập khẩu ôtô - Thuế tiêu thụ đặc biệt - Thuế VAT - Phí trước bạ - Phí đăng ký cấp biển số - Phí xăng dầu - Phí kiểm định - Phí bảo hiểm. Thời gian tới sẽ phải nộp: - Phí bảo vệ môi trường - Phí bảo trì đường bộ |
Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Thái Nguyên - Lê Đình Thi cũng cho rằng ôtô vốn đã phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hạn chế, nay lại đứng trước khả năng chịu thêm một loại phí nhằm mục đích này thì quả thực vô lý. "Việc thu phí hạn chế phương tiện cá nhân nếu có thì chỉ nên áp dụng tại Hà Nội và TP HCM, đánh đồng phương tiện tại các tỉnh là không được. Các vùng khác chưa cần phải hạn chế xe cá nhân", ông Thi nói.
Trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo của Bộ Tài chính - một trong những cơ quan tham gia ý kiến vào đề xuất lần này - cũng chia sẻ những ý kiến nêu trên. Theo vị lãnh đạo này thì việc thu phí phương tiện giao thông là hết sức nhạy cảm, ảnh hưởng đến hàng chục triệu người, do đó nên được đưa ra thảo luận ở diễn đàn Quốc hội. "Việc thu ai, thu như thế nào nên được thảo luận một cách rộng rãi trước khi ban hành", ông này cho biết.
Tuy vậy, ở góc độ cá nhân, lãnh đạo này cho rằng cũng nên loại trừ xe tải ra khỏi đối tượng cần thu phí bởi giá thành vận chuyển hiện đã gặp nhiều khó khăn, nếu lại phải gánh thêm phí loại hình này gần như sẽ mất hết tính cạnh tranh. "Đối với những hộ kinh doanh nhỏ, những người phải có ôtô 200-300 triệu đồng "để làm ăn" thì việc gánh 20-30 triệu đồng phí mỗi năm quả thật là khó nghe", ông này nói thêm.
Ngoài đối tượng xe tải, vị lãnh đạo này cũng cho rằng chưa nên áp dụng thu phí đối với xe máy trong gia đoạn hiện nay. Theo ông, xe máy là phương tiện phổ biến, "cần câu cơm" của đa số lao động nghèo - những người hành nghề xe ôm, chạy chợ... do vậy việc thu phí dù chỉ ở mức 500.000 đồng một năm cũng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ. "Nếu thu phí xe máy, tôi nghĩ chỉ nên thu xe ga, xe 125 cm3 trở lên", ông đề xuất.
Tuy vậy, ông cũng cho rằng, đề xuất thu phí hiện mới ở giai đoạn xây dựng chính sách. Do đó, cơ quan soạn thảo rất cần các ý kiến phản biện từ xã hội để có được quyết định đúng đắn, hợp lòng dân.
Chia sẻ quan điểm này, ông Trần Ngọc Thành, Vụ trưởng Vận tải, Bộ Giao thông cho rằng, đề án phí hạn chế phương tiện chưa thực hiện ngay, còn phải qua quy trình rất dài. Bộ Giao thông báo cáo Chính phủ để thẩm định trình Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết điều chỉnh phí và lệ phí, rồi mới sửa đổi các nghị định, quy định... Do vậy, các chuyên gia cứ có ý kiến có thể bàn bạc, thảo luận để cơ chế chính sách sau này được đúng đối tượng, đúng mục tiêu, đi vào cuộc sống.
Theo tờ trình của Bộ Giao thông Vận tải, Pháp lệnh phí và lệ phí có quy định, phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ. Phí hạn chế phương tiện cá nhân đường bộ không được hoàn trả trực tiếp như quy định tại Pháp lệnh phí và lệ phí mà có tính hoàn trả gián tiếp. Người nộp phí được hưởng dịch vụ tốt hơn thông qua việc lưu thông trên đường thông thoáng hơn, tiết kiệm được thời gian, giảm nhiên liệu tiêu hao... Ngoài ra, loại phí này chính là một khoản thu của ngân sách nhà nước tạo nguồn để chi đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống hạ tầng và đầu tư cho các công trình đảm bảo an toàn giao thông. Một số nước đã đưa ra biện pháp hạn chế gia tăng của lượng phương tiện như Luật hạn chế lưu lượng giao thông đường bộ của Anh; Chính sách đấu thầu quyền đăng ký lưu hành ôtô của Singapore; Chính sách quay số may mắn để có quyền đăng ký lưu hành ôtô của thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc. Các quốc gia như Singapore, Anh, Mỹ, Thụy Điển đều áp dụng thu phí tắc nghẽn giao thông ở quy mô thành phố theo thời gian và vị trí mà phương tiện lưu hành. |
Đoàn Loan - Nhật Minh
Xin đọc thêm :Chi phí khổng lồ để sở hữu ôtô ở VN
Sức ép đè nặng, giấc mơ ô tô tan tành
Đóng phí bảo trì, đường sẽ đẹp dần lên?
'Thu phí bảo trì đường bộ thì phải bỏ phí xăng dầu'
'Thu phí, lời thỉnh cầu không chỉ riêng tôi!'
Doanh nghiệp vận tải phản đối thu phí 'đè cổ'
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét