Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

LÊ NGUYỄN KỂ CHUYỆN NGOẠI GIAO- 11

GẶP NGƯỜI HÙNG CỦA     PANAMA-TƯỚNG TORRIJOS
(Tiếp theo bài Gặp gỡ "anh hùng của những người anh hùng" đăng 7/3/12)

Chặng tiếp theo của chuyến thăm là Panama. Đây là một nước tương đối nhỏ với diện tích chỉ trên 70 nghìn km2 ở Trung Mỹ, nhưng có vị trí rất quan trọng, đặc biệt về giao thông hàng hải vì có kênh đào Panama xuyên đại dương (nối Thái bình dương với Đại tây dương).
Thủ tướng Phạm Văn Đồng có mặt ở Panama vào thời điểm chỉ còn 15 ngày nữa Hiệp định mới về kênh đào Panama giữa Mỹ-Panama bắt đầu có hiệu lực- 1/10/1979. Đó là lúc nhân dân Panama và lãnh tụ tối cao của họ là tướng Torrijos đang tập trung tối đa mọi nỗ lực, cố gắng để buộc phía bên kia nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định. Đó là cuộc đấu tranh rất khó khăn để thực hiện nguyện vọng cao cả của nhân dân Panama nhằm khôi phục lại chủ quyền ở kênh đào Panama sau hơn 70 năm dưới quyền kiểm soát của Mỹ.
Bạn  coi sự có mặt của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở Panama vào thời điểm đó là một sự ủng hộ quý giá và là niềm động viên, cổ vũ đối với nhân dân Panama.
Với ý nghĩa đó Panama dành cho Thủ tướng ta sự đón tiếp nồng nhiệt, chân thành. Tướng Torrijos, một con người có tinh thần dân tộc sâu sắc, quyết tâm thu hồi chủ quyền toàn vẹn vùng kênh đào, cũng là con người giản dị, chân thành, trực  tiếp dẫn và giới thiệu cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm kênh đào.
Từ 1880, trong chính giới và khoa học đã xuất hiện ý tưởng làm một kênh đào xuyên đại dương ở khu vực này. Một số người Pháp, đứng đầu là Ferdinant de Lesseps, người đã từng làm kênh đào Suez, chủ trương xây dựng một kênh đào có mực nước ngang với 2 đại dương qua Panama, tuy nhiên chưa thành công vì gặp quá nhiều trở ngại.
3/11/1903, khu vực lãnh thổ Panama lúc đó là một bộ phận của nước Colombia đã lập quốc gia riêng. Cũng năm đó nước Panama mới thành lập ký với Mỹ một hiệp ước, dành cho Mỹ xây dựng kênh đào này. 1904 công việc xây dựng kênh đào được chính thức bắt đầu. Kênh có chiều dài hơn 80km một chút (khoảng 81km), nối hai bờ đại dương phải đi qua các vùng địa hình phức tạp, trong đó có một hồ lớn Chagres ở độ cao 25m. Do đó để các tàu qua lại được từ Đại tây dương sang Thái bình dương và ngược lại phải thực hiện cách vận hành theo kỹ thuật “âu thuyền” (eschesa). 15/8/1914, tức sau khoảng 10 năm xây dựng, kênh đào chính thức mở cửa cho tàu qua lại. 7/9/1977, Mỹ và Panama ký hiệp định mới về kênh đào. Hiệp định có hiệu lực sau hai năm vào ngày 1/10/1979. Theo hiệp định mới từ 1/10/1979 quyền quản lý lãnh thổ vùng kênh đào thuộc về Panama, Mỹ chỉ còn quyền quản lý công trình và vận hành hoạt động của kênh. Trong vòng 20 năm tiếp theo, tức từ 1/10/1979 đến 31/12/1999, người của Panama cùng tham gia quản lý vận hành kênh đào và số người của phía Panama tăng lên hàng năm để thay thế người Mỹ.
Tướng Torrijos tỏ ra rất ngưỡng mộ và quý trọng Thủ tướng ta. Trong cuộc gặp trước đó (lúc dự Hội nghị Không liên kết ở Cuba), cũng như lúc trao đổi, chuyện trò ở Panama, Torrijos luôn ca ngợi tấm gương anh hùng tuyệt với của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Ông chân thành nói với Thủ tướng ta :”Trên thế giới chỉ có hai nước Mỹ không dám đụng đến, đó là Liên Xô vì có lực lượng hùng mạnh, sau đó là Việt Nam vì đã đánh bại Mỹ”.
Khi đã cảm thấy gần gũi và tin cậy nhau, Tướng Torrijos còn kể cho Thủ tướng ta nghe câu chuyện vừa vui vừa tế nhị. Câu chuyện xẩy ra cách đây (1979) đã hàng chục năm, lúc ông còn mang quân hàm trung úy hoặc đại úy gì đó trong quân đội. Do ấm ức trước tình cảnh đất nước (cụ thể là kênh đào) bị nước ngoài chiếm cứ, có lần ông đã bày tỏ với vài ba người bạn thân cũng là sĩ quan quân đội ý nghĩ dùng vũ lực để lật đổ ách thống trị đó. May mắn thay các bạn ông vẫn giữ kín câu chuyện, không báo cáo lại với cấp chỉ huy. Nếu việc đó lộ ra chắc chắn ông đã bị tống giam.
Tổng thống Aristides Royo là một trí thức yêu nước có ý thức dân tộc rõ ràng. Ông cho biết rất thích truyện Kiều của Việt Nam (chắc qua bản dịch tiếng Pháp), thích đọc lịch sử Việt Nam và các tác phẩm của Võ Nguyên Giáp.
Trong cuộc mít tinh đón chào Thủ tướng ta, ông dẫn theo cả vợ và hai con cùng dự.
Tại cuộc chiêu đãi Tổng thống Royo dành cho Thủ tướng ta có một sự cố nhỏ xảy ra.  Theo phong cách Mỹ Latinh, tại các cuộc chiêu đãi lớn thường không có diễn văn, chỉ có lời chúc rượu. Qua thăm dò lễ tân, phía Panama cho biết Tổng thống chỉ có vài lời chúc rượu thôi. Tin là như vậy nhóm anh em chúng tôi thuộc vụ khu vực (Cuba-Mỹ Latinh) đến dự chiêu đãi không chuẩn bị và mang theo giấy bút gì cả. Quá bất ngờ tại buổi tiệc Tổng thống đứng lên phát biểu. Chúng tôi đang lung túng không biết xử lý thế nào để ghi lại được nội dung phát biểu của Tổng thống. Chắc thấy được điều đó, Bộ trưởng Nguyên Có Thạch từ bàn trên chạy xuống cho một trận :” Các cậu vác d…đi chiêu đãi, còn giấy bút thì không mang theo !”.
Dự một buổi chiêu đãi lớn, sang trọng của Tổng thống là một vinh dự. Nhưng chúng tôi chưa kịp thưởng thức được món nào trên bàn tiệc thì được ăn ngay một trận mắng. Đó cũng là một bài học nhớ đời.
                                                                     *
                                                                   * *
Chặng cuối cùng của chuyến thăm là Jamaica. Đây là một hòn đảo ở vùng biển Caribe rất xinh đẹp, nước biển trong xanh và bãi biển cát vàng đượm, là đất nước của du lịch, nhất là du lịch từ Mỹ, và rất giàu quặng bốc-xít. Ông Manlay, Thủ tướng Jamaica lúc đó là một nhân vật tiến bộ, đấu tranh cho nền đọc lập dân tộc, nhất là kình tế, chống lại bóc lột của nước ngoài (các hầm mỏ bô-xít, nguồn tài nguyên giàu có của Jamaica lúc đó hầu như nằm trong tay tư bản nước ngoài).
Trong thời gian ở Jamaica, bạn chủ động xếp chương trình Thủ tướng ta tiếp lãnh tụ đảng đối lập lên đầu tiên, trước cả cuộc hội đàm với Thủ tướng Manlay. Có thể ý đồ của bạn là qua cuộc gặp này để Thủ tướng ta thuyết phục, hoặc nắm được thái độ của Đảng đối lập đối với việc  đoàn ta thăm Jamaica.
Qua cuộc tiếp ta cũng hiểu được thực chất con người và thái độ của Seaga Edward, thủ lĩnh đảng Công đảng đối lập đối với ta cũng như đối với chính phủ đương nhiệm. Đó là một con bài của Mỹ, là người phát ngôn của Mỹ. Trong cuộc gặp ông luôn chất vấn Thủ tướng ta về tình hình di tản (cả người Việt lẫn người Hoa) là vấn đề Mỹ và một số nước khác đang tìm cách vu cáo và chống ta lúc đó (1979). Dĩ nhiên ông ta cũng không dấu diếm gì thái độ chống lại chính quyền của Thủ tướng Manlay.
Trong buổi gặp gỡ lãnh đạo nội các và đảng cầm quyền Jamaica, Thủ tướng ta  đã có cuộc trao đổi ý kiến rất thân  tình, cởi mở. Đề cập đến thái độ chống đối của đảng đối lập, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói : “Tục ngữ Pháp có câu : chó cứ sủa, đoàn người cứ đi”. Anh phiên dịch tiếng anh của đoàn tỏ lúng túng, không phải anh không dịch được mà do hơi bất ngờ về cách nói ví von sâu xa của Thủ tướng. Thủ tướng liền nhắc lại câu đó bằng tiếng Pháp.
Kết thúc cuộc gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng chúc lãnh đạo và nhân dân Jamaica sẽ xây dựng Jamaica thành “Hòn đảo ngọc” ở vùng biển Caribe.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét