Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

KỂ CHUYỆN MYANMAR


Chu Công Phùng

4-Từ chính phủ quân sự Than Shwe sang chính phủ dân sự Thein Sein  

                                                      (1992 – 2010)

I. TỪNG BƯỚC ỔN ĐỊNH CHÍNH TRỊ
            Sau khi thay thế Thủ tướng Saw Maung làm Chủ tịch SLORC kiêm Bộ trưởng quốc phòng, với uy tín và thực quyền trong quân đội, Đại tướng Than Shwe đã được Hội đồng tướng lĩnh Myanmar tôn vinh lên vị trí Thống tướng (Senior General) – chức vụ cao nhất ở Myanmar từ trước tới nay -  nắm toàn quyền lãnh đạo quân đội và chính phủ.
Rút bài học kinh nghiệm của những người tiền nhiệm, sau khi nhậm chức, Thống tướng Than Shwe đã thực hiện một số chính sách tích cực mang tính cải cách nhằm thực hiện hòa giải dân tộc, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Việc làm đầu tiên là ra lệnh dỡ bỏ thiết quân luật ở hầu hết địa điểm nóng; tuyên bố trả tự do cho 1.100 người bị giam giữ vì lý do chính trị nay không còn gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, trong đó có cựu Thủ tướng U Nu. Riêng Aung San Suu Kyi và Tin U vẫn bị giam lỏng tại gia.

Các trường đại học và cao đẳng bị đóng cửa từ tháng 12 năm 1991 được mở cửa chiêu sinh. Ngày 15/9/1992, Thống tướng Than Shwe tuyên bố “quân đội sẽ trao quyền cho nhân dân vào thời điểm thích hợp”. Ngày 24/9/1992, Nội các được mở rộng, bổ sung thêm một số thành viên trong đó có Phó Thủ tướng Maung Maung Khinn.
Khác với Thủ tướng U Nu và Thủ tướng Ne Win, Thống tướng Than Shwe không vội thành lập đảng cầm quyền mà chủ trương thành lập tổ chức quần chúng để tập hợp lực lượng nòng cốt ủng hộ và thực thi đường lối chính sách của chính phủ. Ngày 15/9/1993, chính phủ Myanmar thành lập Hiệp hội đoàn kết và phát triển Liên bang - USDA (The Union Solidarity and Development Association)  gồm Trung ương hội, 17 Phân hội ở cấp Bang, Vùng, Thành phố; 66 Chi hội ở cấp Huyện, Xã. Tính đến năm 2010, USDA có khoảng 25 triệu Hội viên.
Ngày 15/11/1997, Hội đồng khôi phục trật tự và pháp luật quốc gia (SLORC)  đổi tên thành thành Hội đồng Hòa bình và Phát triển Liên bang - SPDC ((The State Peace and Development Council) do Thống tướng Than Shwe làm Chủ tịch. SPDC gồm 14 thành viên đều là các tướng lĩnh cao cấp thân cận với Thống tướng Than Shwe.
1. Lộ trình dân chủ 7 bước
Năm 2000, Ủy ban chữ thập đỏ quốc tế đến Myanmar điều tra tình hình thực tế nhân quyền tại các trại giam và công trường lao động ở Myanmar. Kết quả điều tra cho thấy trước đó thông tin của Phương Tây đã quá thổi phồng về vấn nhân quyền ở Myanmar. Sự kiện này đem lại danh tiếng tốt hơn cho chính phủ Than Shwe.
Đầu năm 2003, Thống tướng Than Shwe tiến hành cải tổ Nội các, bổ nhiệm Đại tướng Khin Nyunt – Bí thư thứ nhất SPDC làm Thủ tướng. Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Khin Nyunt thay mặt chính phủ Myanmar công bố “Lộ trình dân chủ 7 b­ước” hướng tới xây dựng một nhà n­ước Myanmar mới “Dân chủ có kỷ cương” bao gồm:
 B­ước 1,  Phục hồi triệu tập Đại hội quốc dân vốn bị đình trệ từ năm 1996.
Bư­ớc 2, Từng b­ước tiến hành những bước đi cần thiết cho việc xây dựng một chế độ dân chủ thực thụ và có kỷ cương.
B­ước 3, Soạn thảo một Hiến pháp mới dựa trên những nguyên tắc căn bản và chi tiết mà Đại hội quốc dân thông qua.
B­ước 4, Tổ chức cuộc trư­ng cầu dân ý để thông qua Hiến pháp mới.
B­ước 5, Tổ chức cuộc tổng tuyển cử tự do, dân chủ, công bằng để bầu ra Quốc hội theo quy định của Hiến pháp mới.
B­ước 6, Triệu tập họp Quốc hội theo quy định của Hiến pháp mới.
Bư­ớc 7, Xây dựng đất nư­ớc phát triển, hiện đại và dân chủ; lãnh đạo đất nư­ớc do Quốc hội bầu; chính phủ và các tổ chức trung ­ương do Quốc hội thành lập.
Cùng với việc công bố “Lộ trình dân chủ 7 bước”, chính phủ Myanmar cũng cho phép đảng NLD và Aung San Suu Kyi được khôi phục hoạt động. Tuy nhiên do những hoạt động quá khích chống chính phủ, ngày 30/5/2003, Aung San Suu Kyi lại bị chính quyền quản thúc tại gia với thời hạn 5 năm.
Ngày 19/10/2004, Thống tướng Than Shwe lại cải tổ Nội các. Thủ tướng Khin Nyunt bị bắt và cách chức với tội danh tham nhũng. Các tướng lĩnh thận cận với Khin Nyunt cũng bị vô hiệu hóa. Trung tướng Soe Win – Bí thư thứ nhất SPDC được cử làm Thủ tướng mới của Liên bang Myanmar. [1]
Ngày 6/11/2005, chính phủ Myanmar quyết định chuyển Thủ đô từ Yangon về Nay Pyi Taw. Tháng 2 năm 2006, tất cả các cơ quan Trung ương và Chính phủ hoàn thành việc chuyển trụ sở làm việc về Thủ đô Nay Pyi Taw.
Ngày 24/10/2007, Tướng Thein Sein – Bí thư thứ nhất SPDC được bổ nhiệm làm Thủ tướng thay cho Thủ tướng Soe Win qua đời vì bệnh nặng.
Tháng 8 năm 2007, do khó khăn kinh tế, chính phủ Myanmar buộc phải  tăng giá nhiêu liệu và hàng loạt nhu yếu phẩm. Sự kiện này gây bức xúc cho các tầng lớp dân nghèo dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình mới ở Yangon chống chính phủ sau đó lan rộng ra các thành phố khác với sự tham gia của nhiều sư sãi. Chính phủ Myanmar phải huy động quân đội trấn áp mới có thể ổn định được tình hình. Cuộc trấn áp biểu tình lần này của chính phủ Myanmar đã bị Liên Hợp Quốc, nhất là Mỹ, Anh và EU lên án mạnh mẽ và gia tăng các biệt pháp trừng phạt kinh tế.
Tình hình Myanmar sau đó lắng dịu dần. Ngày 3/9/1997, Đại hội quốc dân họp thông qua nguyên tắc cơ bản và chi tiết về soạn thảo Hiến pháp mới của Myanmar, hoàn thành bước thứ nhất của “Lộ trình dân chủ 7 bước”. Ngày 18/10/2007, chính phủ Myanmar thành lập Ủy ban soạn thảo Hiến pháp. Ngày 3/12/2007, Ủy ban soạn thảo Hiến pháp họp tại Thủ đô Nay Pyi Taw chính thức tiến hành soạn thảo Hiến pháp mới. Ngày 9/2/2008, Hội đồng Hòa bình và phát triển Liên bang tuyên bố sẽ trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới vào tháng 5 năm 2009 để tiến hành Tổng tuyển cử vào năm 2010. “Lộ trình dân chủ 7 bước”chuyển sang bước thứ 3.
Ngày 2/5/2008, siêu bão Nargis khủng khiếp đổ bộ vào Myanmar khiến hơn 100.000 dân chúng thiệt mạng, phá hủy nhiều làng mạc, thị trấn, tổng thiệt hại vật chất lên tới 12 tỉ USD, gây tổn thất quá lớn đối với xã hội và kinh tế Myanmar. Trước sức ép của quốc tế và sáng kiến của Hội nghị đột xuất các Ngoại trưởng ASEAN ngày 19/5/2008 tại Singapore, chính phủ Myanmar đã chấp nhận Cơ chế 3 bên (TCG) giữa ASEAN – Liên Hợp Quốc – Myanmar nhằm điều phối các hoạt động cứu trợ của quốc tế giúp Myanmar khắc phục hậu quả cơn bão Nargis. Cơ chế TCG sau hơn 2 năm hoạt động (5/2008 – 7/2010) đã phát huy tác dụng tích cực vừa trợ giúp có hiệu quả các vùng bị bão lụt tàn phá, vừa là đầu mối giúp cải thiện quan hệ giữa chính phủ Myanmar với Liên Hợp Quốc và quốc tế.
Sau cơn bão Nargis, ngày 24/5/2008, chính phủ Myanmar tiến hành trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới của Liên bang Myanmar. Ngày 26/5/2008, Ủy ban trưng cầu dân ý ra thông cáo tuyên bố: Hiến pháp mới đã được 27.288.100 cử tri bỏ phiếu thông qua, đạt 92,48% tổng số cử tri.
Một ngày sau khi công bố Hiến pháp mới, ngày 27/5/2008 chính phủ Myanmar cũng ra quyết định chính thức kéo dài thêm 1 năm lệnh quản thúc đối với Aung San Suu Kyi sau khi thời hạn quản thúc 5 năm sắp hết.
Ngày 17/3/2010, chính phủ Myanmar thành lập Ủy ban bầu cử Liên bang; tiếp đó công bố Luật bầu cử, cho phép các đảng phái chính trị đăng ký bầu cử. Ngày 14/9/2010, Ủy ban bầu cử Liên bang thông báo có 37 đảng phải hợp pháp gồm hơn 3.000 ứng cử viên được tham gia tuyển cử vào ngày 7/11/2010 để bầu ra 1.159 đại biểu Quốc hội; đồng thời công bố 5 đảng phái trong đó có đảng NLD bị giải tán vì không đăng ký bầu cử.
Trước tình hình đó, nội bộ đảng NLD phân hóa sâu sắc, lực lượng trẻ trong đảng NLD bất bình trước lập trường cứng rắn của Aung San Suu Ky đã tách khỏi NLD thành lập đảng Lực lượng dân chủ quốc gia (NDF) để tham gia tranh cử Quốc hội.
Ngày 29/3/2010, Thủ tướng Thein Sein cùng 24 Bộ trưởng trong chính phủ đồng loạt rút lui khỏi các chức hàm quân đội chuyển sang chức vụ dân sự để tham gia bầu cử.
Ngày 4/5/2010, chính phủ Myanmar thành lập đảng Đoàn kết và phát triền Liên bang  – USDP (The Union Solidarity and Development Party) trên cơ sở Hiệp hội đoàn kết và phát triển Liên bang (USDA), số đảng viên được tuyển chọn là hơn 10 triệu. Cùng ngày, USDA chính thức giải thể. Việc thành lập đảng USDP là bước đệm chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội mới năm 2010.
 Ngày 22/10/2010, chính phủ Myanmar quyết định đổi tên nước thành “Cộng hòa Liên bang Myanmar(The Repubic of the Union of Myanmar) và thay đổi Quốc kỳ trước khi tiến hành Tổng tuyển cử. 
 Theo Hiến pháp 2008, Liên bang Myanmar sẽ thực hiện chế độ Tổng thống, đa đảng và kinh tế thị trường. Quốc hội (Lưỡng viện) là cơ quan quyền lực cao nhất. Quốc hội bầu ra Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện, Tổng thống và các Phó Tổng thống. Tổng thống chỉ định các thành viên trong Nội các. Cũng theo Hiến pháp 2008 quy định, 25% số ghế trong Quốc hội sẽ giành cho quân đội và việc sửa đổi Hiến pháp cần phải có trên 75% nghị sĩ Quốc hội tán thành.
            Cũng theo quy định của Hiến pháp 2008, sau khi có Nội các mới, Hội đồng Hòa bình và phát triển quốc gia (SPDC) sẽ tự giải thể. Thay thế SPDC là Ủy ban an ninh quốc phòng.
2.Vấn đề hòa hợp dân tộc
            Đây là vấn đề phức tạp nhất trong nội bộ Myanmar cũng là vấn đề được quốc tế quan tâm nhiều nhất. Chính phủ Than Shwe đã xử lý vấn đề này bằng sách lược vừa mềm mỏng vừa cứng rắn.
2.1. Đối với đảng NLD và Aung San Suu Kyi
            Aung San Suu Kyi và đảng NLD được Mỹ và Phương Tây ủng hộ, là đối thủ chủ yếu đối với chính quyền quân sự Myanmar. Vì vậy, chính phủ Than Shwe đối xử linh hoạt nhưng rất cương quyết với họ.
            Tháng 7 năm 1995, sau khi ổn định tình hình đất nước, chính phủ Myanmar trả tự do cho Aung San Suu Kyi, khuyến khích bà tham dự các hoạt động của Quốc dân đại hội. Tuy nhiên, Aung San Suu Kyi coi hành động này của chính phủ là nhằm xoa dịu Phương Tây và thu hút đầu tư nước ngoài. Ngày 28/11/1995, Aung San Suu Kyi lại phát động cuộc đối đầu với chính phủ  bằng lệnh rút các đại biểu NLD ra khỏi Quốc dân đại hội. Dưới sự kích động của đảng NLD, tháng 12 năm 1996, sinh viên, học sinh lại biểu tình lớn tại Yangon, chính phủ Myanmar lại ra lệnh đóng cửa các trường đại học và trung học, dựng các chướng ngại vật trên đường đến nhà riêng của Aung San Suu Kyi tại Yangon.
Trong các năm 1996 – 2004, đảng NLD và Aung San Suu Kyi tiếp tục đối đầu với chính quyền Than Shwe. Tháng 9 năm 1998, NLD thành lập Ủy ban đại diện Nghị viện nhân dân gồm 10 Nghị sĩ, tuyên bố hủy bỏ các sắc lệnh do SLORC ban hành từ năm 1988; kêu gọi quân đội chống lại chính phủ; tẩy chay họp Đại hội quốc dân, kích động sinh viên thanh niên biểu tình chống chính phủ. Chính phủ Myanmar coi những hành động này là vi phạm pháp luật. Tháng 9 năm 1998, Aung San Suu Kyi lại bị quản túc tại gia; trụ sở NLD và nhà riêng các lãnh đạo NLD bị giám sát.
Tháng 10 năm 2000, chính phủ Than Shwe chấp nhận đối thoại chính trị với  Aung San  Suu Kyi và đảng NLD, tuy nhiên do lập trường hai bên khác biệt quá xa nên đối thoại không đạt kết quả. Tháng 5 năm 2002, sau cuộc thương lượng bí mật do Liên Hợp Quốc chủ trì với chính phủ Myanmar, Aung San Suu Kyi được thả tự do, được tự do du lịch và hoạt động chính trị. Một năm sau, ngày 30/5/2003, những hoạt động quá khích của NLD và Aung San Suu Kyi đã dẫn đến cuộc đụng độ đổ máu giữa quân đội, cảnh sát với những người biểu tình chống chính phủ, Aung San Suu Kyi lại bị bắt và giam lỏng trong thời hạn 5 năm (năm 2008 bị gia hạn thêm 1 năm), các văn phòng của NLD ở các địa phương bị đóng cửa.
Ngày 20/5/2009, Aung San Suu Kyi bị đưa ra Tòa án Yangon xét xử vì tội danh che giấu một công dân Mỹ - William Yettaw bơi qua hồ Inya đột nhập và lưu trú trái phép tại nhà riêng nơi bà đang bị quản thúc tại Yangon. Vụ án này khiến Aung San Suu Kyi bị kéo dài thời gian giam giữ vì theo thời hạn bà sẽ được trả tự do vào ngày 27/5/2009 sau 6 năm quản thúc tại gia.
Ngày 11/8/2009, Tòa án Yangon phán xử Aung San Suu Kyi 36 tháng tù giam, sau giảm xuống còn 18 tháng do lệnh ân xá của Thống tướng Than Shwe. Tòa án cũng phán xử công dân Mỹ William Yettaw 7 năm tù giam. Ngày 16/8/2009, Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb đến thăm Myanmar. Sau khi Jim Webb gặp trao đổi ý kiến với Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar và gặp riêng Aung San Suu Kyi, chính phủ Myanmar đã phóng thích William Yettaw không kèm theo điều kiện gì.
Tháng 3 năm 2010, sau khi Aung San Suu Kyi và đảng NLD không đăng ký và tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử 7/11/2010, căn cứ theo Hiến pháp 2008, Ủy ban bầu cử Myanmar lập tức tuyên bố đảng NLD không hợp pháp và đồng ý cho đảng Lực lượng dân chủ quốc gia (NDF) vừa tách khỏi NLD được tham gia ứng cử và bầu cử Quốc hội.
Ngày 13/11/2010, một tuần lễ sau bầu cử Quốc hội, chính phủ Myanmar lại trả tự do cho Aung San Suu Kyi lúc này đã 65 tuổi. Sự kiện này được dư luận quốc tế hoan nghênh, khích lệ.
Ngày 25/7/2011, hai ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN tại Bali – Indonesia, yêu cầu chính phủ mới ở Myanmar phải có lộ trình cụ thể về đối thoại hòa hợp dân tộc, tại Yangon đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Lao động Aung Kyi với Aung San Suu Kyi. Cuộc gặp tiếp theo là ngày 12/8/2011 với kết quả được công bố trên báo chí Myanmar "hai bên cam hết hợp tác tích cực vì lợi ích chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước, duy trì ổn định và phát triển của quốc gia, đáp ứng nhu cầu thực sự của toàn thể nhân dân và tránh các quan điểm xung đột. Khi vấn đề hợp tác được giải  quyết thì những vấn đề còn lại chỉ là phụ"
Ngày 19/8/2011, Tổng thống Thein Sein đã gặp và trao đổi ý kiến thực chất với Aung San Suu Kyi tại dinh Tổng thống ở Thủ đô Nay Pyi Taw. Theo người phát ngôn của đảng NLD, "cuộc gặp này là bước khởi đầu cho quá trình hòa giải dân tộc, và nếu hai bên đạt được thỏa thuận hợp tác, có thể sẽ tiến tới việc tháo bỏ cấm vận kinh tế và chính trị của các nước Phương Tây"
2.2. Đối với các đảng phái chính trị đối lập khác
Chính quyền Myanmar rất cương quyết đối với các đảng phái đối lập, tìm mọi cách cách hạn chế hoạt động chống đối của họ. Trong các năm 2003, 2006, 2008 chính quyền Myanmar đã ra lệnh đóng cửa các trụ sở của đảng đối lập trên toàn quốc và kiểm soát chặt chẽ thủ lĩnh của các đảng đối lập.
Ngày 17/3/2010, sau khi chính phủ Myanmar công bố Luật bầu cử, một số đảng đối lập và nhiều đảng phái chính trị mới thành lập đã đăng ký tham gia tranh cử. Đến cuối tháng 8/2010, có 46 đảng đăng ký tham gia tranh cử và gửi danh sách đảng viên cho Uỷ ban bầu cử, nhưng Ủy ban bầu cử chỉ phê duyệt 37 đảng đủ tiêu chuẩn tham gia bầu cử.
Trước và sau cuộc bầu cử Quốc hội 7/11/2010, đáp yêu cầu của Liên Hợp Quốc, Mỹ, EU và thể hiện thiện chí của mình, chính phủ Myanmar không chỉ đón tiếp các quan chức Liên Hợp Quốc, Mỹ, EU đến Myanmar đối thoại với chính phủ mà còn cho họ tiếp xúc tự do với Aung San Suu Kyi và các các đảng phải chính trị khác cùng đại biểu các nhóm vũ trang ly khai. Động tác này của chính phủ Myanmar được dư luận quốc tế ghi nhận và hoan nghênh.
Không kể đảng USDP của chính phủ và đảng NUP thân chính phủ, hiện Myanmar có 35 đảng chính trị hợp pháp đã tham gia bầu cử ngày 7/11/2010  và đang hoạt động.
Trong số các đảng trên chỉ có NDF, SNLD và WNDP  tương đối mạnh, còn các đảng khác đều nhỏ và yếu. SNLD và WNDP là những đảng khu vực, các đảng còn lại hoạt động trên toàn quốc.
2.3. Đối với các lực lượng vũ trang ly khai
Chính quyền Thống tướng Than Shwe không áp dụng các phương pháp của các chính phủ trước là sử dụng vũ lực buộc các lực lượng nổi dậy phải hạ vũ khí trước, sau đó chính phủ mới có trách nhiệm tái ổn định đời sống cho họ, mà áp dụng sách lược mềm dẻo hơn là thuyết phục các nhóm vũ trang ly khai quay về với chính phủ trước. Cả hai bên sẽ ngừng bắn và cho phép các nhóm vũ trang tiếp tục sở hữu vũ khí với điều kiện chỉ cần họ cam kết không chống lại chính phủ, chịu sự kiểm soát của chính phủ sẽ được tồn tại và được giao nhiệm vụ quản lý biên giới.
Thắng lợi lớn của chính phủ Than Shwe là cuối năm 1995 đã thuyết phục được được tướng phỉ Khun Sa – trùm buôn bán thuốc phiện – lực lượng phiến loạn lớn nhất Myanmar - dẫn 14.000 quân và hơn 9.000 vũ khí có cả tên lửa SAM – 7 ra đầu hàng chính phủ vô điều kiện. Sự kiện này tác động rất lớn tới các nhóm phiến quân ly khai còn lại.
      Đến năm 2010 đã có 40 nhóm vũ trang ly khai (17 nhóm lớn và 23 nhóm nhỏ) đồng ý ký Hiệp định hòa bình với chính phủ Liên bang, trong đó 15 nhóm đã từ bỏ vũ khí hoàn toàn. Trong 25 nhóm còn lại là thì 5 nhóm đã chuyển thành Lực lượng biên phòng (BGF) và 15 nhóm là Lực lượng dân quân. Đây là thành tựu chưa từng có của chính phủ Than Shew so với các chính phủ trước.
Các nhóm vũ trang ly khai đã đầu hàng và giao nộp vũ khí được chính phủ Myanmar cho hưởng chính sách khoan hồng, đãi ngộ, được cung cấp mọi trang thiết bị sinh hoạt; cho phép quản lý một khu vực địa lý hành chính và một số đặc quyền kinh tế. Một số nhóm cũng được phép giữ lại một phần vũ khí cá nhân để giữ an ninh khu vực quản lý hoặc được chính phủ trao cho qui chế “nhóm chống nổi dậy” hoặc “dân quân nhân dân” chịu sự chỉ đạo trực tiếp của các đơn vị quân đội chính phủ trong khu vực hành chính.
 Tuy nhiên, tính đến tháng 9 năm 2011, vẫn còn 2 nhóm vũ trang ly khai tuy đã ký Hiệp định ngừng bắn với chính phủ Liên bang nhưng chưa chịu giải giáp vũ khí và chuyển đổi thành lực lượng biên phòng. Đó là nhóm quân đội Độc lập Kachin – KIA/ KIO và nhóm quân đội Đảng Bang Mon mới – NMSP
Ngoài ra, Liên minh dân tộc Karen (KNU) là nhóm vũ trang duy nhất hiện nay ở Myanmar chưa ký thỏa thuận ngừng bắn với chính phủ.
2.4. Đối với vấn đề xung đột sắc tộc.
Vấn đề tộc người Hồi giáo Rohinga luôn là tâm điểm gây sự chú ý của cộng đồng quốc tế tại Myanmar, đặc biệt sau sự kiện hải quân Thái Lan xua đuổi những người tị nạn Rohinga ra biển vì cho rằng số người này từ Myanmar muốn nhập cư trái phép vào Thái Lan. Sau sự kiện này, cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ chính quyền Myanmar, cho rằng chính quyền Myanmar đã đàn áp và xua đuổi người Rohinga ra khỏi đất nước.
Chính quyền Myanmar luôn khẳng định, ở Myanmar không có tộc người nào có tên là Rohinga và càng không có chuyện chính quyền đàn áp dân tộc thiểu số và áp dụng chính sách kỳ thị dân tộc.
Dưới thời chính phủ Than Shwe, vấn đề xung đột sắc tộc đã giảm hẳn so với thời Chính phủ U Nu và Chính phủ Ne Win. Chính phủ Than Shwe đã thành lập 2 trường Cao đẳng dân tộc tại Mandalay và Yangon giành riêng cho con em các sắc tộc. Mỗi năm đào tạo hàng nghìn giáo viên, cán bộ kỹ thuật người dân tộc đưa về phục vụ tại các Bang, Vùng; đồng thời đưa một số cán bộ người dân tộc lên làm việc tại các Bộ, Ngành trung ương.
Chính phủ Myanmar còn áp dụng một số chính sách nâng cao đời sống cho nhân dân các dân tộc thiểu số như: xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống cho người dân tại 24 Khu hành chính đặc biệt nơi mà các nhóm vũ trang ly khai được đặc quyền quản lý. Hàng năm, Thống tướng Than Shwe và lãnh đạo cấp cao SPDC thường có các đợt thị sát tới nhiều khu vực nhạy cảm vùng biên giới, vừa thể hiện sự quan tâm của chính phủ đối với các sắc tộc, vừa tìm hiểu tình hình thực tế để tìm cách giải quyết.
2.5. Đối với vấn đề tự trị
Đến cuối năm 2010, Mynamar vẫn tồn tại 24 "khu tự trị" thực chất là 24 khu vực đặc biệt (special regions). Đây là "lãnh thổ riêng" của các nhóm vũ trang đã ký thoả thuận ngừng bắn với chính quyền, trước mắt vẫn được chính quyền Myanmar cho phép duy trì lực lượng vũ trang riêng để tự đảm bảo các vấn đề nội bộ trong giai đoạn chuyển tiếp. Tại mỗi khu vực này có nhiều sắc tộc sinh sống nhưng có một sắc tộc chiếm đại đa số, đứng đầu là một "lãnh chúa" có lực lượng vũ trang riêng.
Theo yêu cầu của chính phủ trung ương, sau khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc, các khu vực đặc biệt này phải tự giải tán lực lượng vũ trang, hợp tác và chịu sự quản lý của chính phủ trung ương.
Song song với việc sử dụng biện pháp trấn áp các lực lượng chống đối, chính phủ Myanmar chủ trương thúc đẩy quan hệ tốt với các nước láng giềng, coi đó là một biện pháp nhằm cô lập các nhóm sắc tộc đòi tự trị.
Trước yêu cầu chính đáng và cương quyết của chính phủ Myanmar, Thái Lan đã giảm bớt việc cung cấp đất thánh cho các nhóm ly khai KNU, SURA và các nhóm chống đối khác  Ấn Độ đã cung cấp cho Myanmar một số vũ khí hạng nhẹ, đạn dược, quân trang để chống các nhóm nổi dậy ở Bang Chin giáp với Ấn Độ. Bangladesh giúp Myanmar phá một số băng nhóm, tổ chức buôn lậu vũ khí vào Myanmar cung cấp cho các nhóm vũ trang tại Bang Rakhine v.v…
Ngày 1/9/2011, Quốc hội và Chính phủ mới Myamar nhất trí xúc tiến việc thành lập Ủy ban Hòa bình quốc gia và ghi nhận kiến nghị của một số Nghị sĩ quốc hội mời bà Aung San Suu Ky cùng một số thủ lĩnh sắc tộc thiểu số tham gia Ủy ban Hòa bình quốc gia. Dư luận nội bộ Myanmar và dư luận quốc tế đều hoan nghênh động thái hòa hợp dân tộc này của Quốc hội và Chính phủ mới Myanmar.
II. BƯỚC ĐẦU CẢI CÁCH KINH TẾ
Trong hơn 60 năm tồn tại và phát triển của Myanmar sau khi độc lập, thời kỳ chính quyền Than Shwe quản lý đất nước được coi là có nhiều thành tích nhất về cải cách và phát triển kinh tế. Đó là:
Về mô hình phát triển, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Coi trọng và khuyến khích lĩnh vực kinh tế tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân được hoạt động trong mọi lĩnh vực trừ 8 lĩnh vực thuộc độc quyền của nhà nước. [2]  Ưu tiên phát triển các ngành kinh tế thuộc thế mạnh của Myanmar như nông nghiệp, thủy hải sản, lâm nghiệp, khai thác dầu khí, đá quý… Trong lĩnh vực nông nghiệp, chính phủ Myanmar chú trọng xây dựng các công trình thủy lợi tưới tiêu, trợ cấp phân bón, thuốc trừ sâu cho nông dân. Từ năm 1996 trở đi, nhờ diện thủy lợi tăng gấp đôi năm 1988 nên mỗi năm Myanmar đều sản xuất được trên dưới 25 triệu tấn lương thực, xuất khẩu gần 1 triệu tấn gạo tuy chất lượng chưa cao. Năm 2010, chính phủ Myanmar đặt mục tiêu chiến lược cố gắng sớm khôi phục vị thế cường quốc xuất khẩu gạo của Châu Á như năm 1959 - 1960 của thế kỷ XX.
Về thương mại, chính phủ Myanmar cố gắng duy trì xuất siêu để bảo đảm dự trữ ngoại tệ và chống lạm phát. Đối phó với khó khăn thị trường xuất khẩu vì bị bao vây cấm vận, chính phủ Myanmar chủ trương gia tăng mậu dịch biên giới với các nước láng giềng, mở 18 cửa khẩu buôn bán biên giới (7 cửa khẩu với Thái Lan; 5 cửa khẩu với Trung Quốc; 4 cửa khẩu với Bangladesh; 2 cửa khẩu với Ấn Độ). Đồng thời áp dụng chính sách thanh toán linh hoạt bao gồm hàng đổi hàng hoặc sử dụng đồng tiền nội địa của nước khác (như đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc). Chính sách mậu dịch biên giới giúp Myanmar có thêm nguồn hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu sản xuất, giảm bớt khó khăn kinh tế do bị bao vây cấm vận.
Về thu hút đầu tư bên ngoài, ngày 1/12/1998, chính phủ Myanmar công bố “Luật đầu tư nước ngoài”.Bộ “Luật đầu tư nước ngoài” của Myanmar tuy có một số điểm chưa đáp ứng đòi hỏi của các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng được coi là bộ Luật tương đối cởi mở. Từ năm 1998 đến đầu năm 2011, Myanmar đã thu hút được hơn 35 tỉ USD đầu tư nước ngoài từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 430 dự án. Đáng chú ý là, những nước trực tiếp cấm vận, trừng phạt kinh tế đối với Myanmar như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý… cũng đầu tư vào Myamar với danh nghĩa các công ty tư nhân.
Tháng 1 năm 2011, chính phủ Myanmar đã ban hành "Luật về đặc khu kinh tế Myanmar"; đồng thời thành lập Ban quản lý các Đặc khu kinh tế. "Luật về đặc khu kinh tế Myanmar có nhiều điều khoản khá thông thoáng nhằm khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sản xuất tại các Đặc khu kinh tế mới thành lập của Myanmar, tăng xuất khẩu cho Myanmar.
III. TRANH THỦ GIÚP ĐỠ TỪ BÊN NGOÀI
            Trọng tâm chính sách đối ngoại của chính phủ Than Shwe là ứng phó với chính sách thù địch, bao vây, cấm vận và sức ép về dân chủ, nhân quyền từ Mỹ và Phương Tây. Vì vậy, Myanmar chú trọng cải thiện và phát triển quan hệ với Liên Hợp Quốc, 3 nước lớn Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và các nước láng giềng Đông Nam Á. Việc cải thiện và phát triển quan hệ với Trung Quốc đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX giúp Myanmar có thêm nguồn tài chính khắc phục khủng hoảng kinh tế và mua sắm được nhiều vũ khí, trang bị quốc phòng, tăng sức mạnh quân đội, trấn áp có hiệu quả các lực lượng phiến loạn. Nga không chỉ ủng hộ Myanmar trên các diễn đàn quốc tế mà còn cung cấp cho Myanmar nhiều loại vũ khí hiện đại và đào tạo cho Myanmar hàng vạn nhân viên khoa học kỹ thuật. Tuy không bằng Trung Quốc và Nga, nhưng Ấn Độ cũng hỗ trợ Myanmar về tài chính, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin và phối hợp với Myanmar ổn định tình hình biên giới hai nước.
Thắng lợi ngoại giao có ý nghĩa rất quan trọng của chính phủ Than Shwe là, trải qua nhiều khó khăn cản trở, ngày 23/7/1997 bất chấp sự phản đối của Mỹ và một số nước  phương Tây, Hiệp hội ASEAN đã kết nạp Myanmar là thành viên chính thức thứ 8 của Hiệp hội này, khởi đầu cho việc Myanmar hội nhập với khu vực và quốc tế.
Từ cuối năm 2008, tranh thủ thời cơ quốc tế trợ giúp Myanmar khắc phục hậu quả cơn bão Nargis, chính phủ Myanmar đã đón tiếp và đàm phán với các Trợ lý đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (một lần đón Tổng thư ký Ban Ki Moon). Các Đặc phái viên của EU, các Thượng nghị sĩ và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ lần lượt đến Yangon gặp gỡ các quan chức chính phủ Myanmar trao đổi ý kiến về "Lộ trình dân chủ 7 điểm" và các vấn đề nhạy cảm của Myanmar. Những cuộc đàm phán, trao đổi ý kiến đó là tiền đề quan trọng cho Liên Hợp Quốc, Mỹ, Phương Tây hiểu rõ hơn về tình hình thực tế của Myanmar và không tẩy chay kết quả cuộc bầu cử  ngày 7/11/2010 của Myanmar.
IV. CHUYỂN GIAO QUYỀN LỰC TỪ CHÍNH PHỦ QUÂN SỰ SANG CHÍNH PHỦ DÂN SỰ
1.  Bầu cử quốc hội và thành lập chính phủ mới
Ngày 7/11/2010, 29 triệu cử tri Myanmar hân hoan đi bầu cử Quốc hội tại 60.000 điểm bầu cử trong cả nước. Ngày 17/11/2010, Ủy ban bầu cử Liên bang công bố kết quả bầu cử. 11/37 đảng trúng cử ở Thượng viện và Hạ viện; 25/37 đảng trúng cử ở Nghị viện Bang, Vùng. Đảng USDP của chính phủ thắng cử áp đảo với 883 ghế trên tổng số 1.159 ghế quốc hội, chiếm 76%, trong đó có 259/330 ghế Hạ viện, 129/168 ghế Thượng viện và 495/661 ghế Nghị viện Bang, Vùng.
Từ 31/1 – 14/2/2011, Quốc hội mới Myanmar họp kỳ đầu tiên bầu ra các chức vụ chủ chốt của Quốc hội và Chính phủ, gồm:
- Chủ tịch Hạ viện: Thura Shwe Mann (nguyên Đại tướng, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Myanmar, nhân vật thứ 3 trong SPDC).
- Chủ tịch Thượng viện: Khin Aung Myint (nguyên Bộ trưởng Văn hóa).
- Tổng thống: Thein Sein (nguyên Đại tướng, Thủ tướng, nhân vật thứ 4 trong SPDC)
- Phó Tổng thống: Thiha Thura Tin Aung Myint Oo (nguyên Đại tướng, Bí thư thứ nhất SPDC, nhân vật thứ 5 trong SPDC)
- Phó Tổng thống: Sai Mauk Kham (Tiến sĩ khoa học, người dân tộc bang Shan).
Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội mới Myanmar và việc chuyển giao quyền lực êm thấm từ chính quyền quân sự Than Shwe sang chính phủ dân sự Thei Sein được dư luận trong và ngoài Myanmar rất quan tâm. Các nước ASEAN, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, một số Tổ chức quốc tế và một số nước có quan hệ tốt với Myanmar lần lượt có những tuyên bố với mức độ khác nhau, ghi nhận và hoan nghênh tiến trình dân chủ ở Myanmar, kêu gọi Mỹ, Phương Tây từng bước dỡ bỏ cấm vận, trừng phạt kinh tế đối với Myanmar.
             2. Những cải cách bước đầu của chính phủ Thein Sein
            Ngay sau khi thành lập, chính phủ dân sự của Tổng thống Thein Sein  đã bắt tay vào thực hiện bước thứ 7 trong "Lộ trình dân chủ 7 bước", trước hết là những việc cần làm ngay:
Thứ nhất, cải cách bộ máy Chính phủ.
Đề xuất của Tổng thống Thein Sein được Quốc hội chấp thuận là thành lập thêm 2 Bộ (Bộ Văn phòng Tổng thống và Bộ Phát triển công nghiệp) nhằm giúp Tổng thống quản lý và điều hành chính phủ hiệu quả hơn. Ngoài 2 Bộ Công nghiệp 1 và Công nghiệp 2 (Công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ), Bộ Phát triển công nghiệp sẽ giúp Tổng thống giải quyết các vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển các Đặc khu kinh tế.
            Thứ hai, đổi mới nhân sự, trọng dụng nhân tài.
            Tổng thống Thein Sein đã bổ nhiệm 18 Bộ trưởng mới trong tổng số 30 Bộ trưởng trong Nội các. Những Bộ trưởng mới đều đáp ứng yêu cầu: trẻ, có trình độ văn hóa, ngoại ngữ cao và năng lực phù hợp với chức vụ được giao. Đáng chú ý là, trong chính phủ mới có 5 Bộ trưởng dân sự được đề bạt thẳng từ địa phương lên. Đó là Bộ trưởng Bộ Thương Mại (nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp), Bộ trưởng Bộ Điện lực 2 (nguyên Cục trưởng Cục điện lực Yangon), Bộ trưởng Bộ Giáo dục (Tiến sĩ khoa học Đại học Yangon), Bộ trưởng Bộ Y tế (nguyên Hiệu trưởng Đại học Y khoa Yangon), Bộ trưởng Bộ Thể thao kiêm Bộ trưởng Bộ Du lịch & Khách sạn (nguyên Chủ tịch Công ty xây dựng ACE).
            Một số Bộ lớn trước đây chỉ có 1 Thứ trưởng phụ trách quá nhiều công việc, nay được bổ sung thêm 1 Thứ trưởng. Trừ Bộ Quốc phòng, các Thứ trưởng mới đều là dân sự gồm: Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông đường sắt, Bộ Giáo dục, Bộ Y tế. Riêng Bộ Phát triển công nghiệp có 2 Thứ trưởng dân sự.
            Tổng thống Thein Sein còn thành lập Ban cố vấn của Tổng thống gồm 9 chuyên gia giỏi về kinh tế, luật pháp, đối ngoại và an ninh quốc phòng. Sau khi gặp gỡ và trao đổi ý kiến với Ban cố vấn của Tổng thống Thein Sein, các vị khách quốc tế như Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Thượng nghị sĩ Mỹ và Phó trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đều có nhận xét chung là Ban cố vấn của Tổng thống Thein Sein đều là các chuyên gia giỏi, đa số ý kiến đề xuất của các cố vấn đều được được Tổng thống Thein Sein chấp nhận.
            Thứ ba, cải cách kinh tế để ổn định xã hội.
 Tổng thống Thein Sein giao nhiệm vụ cho các Bộ, Ngành kinh tế liên quan và Ban cố vấn Tổng thống khẩn trương sửa đổi Luật đầu tư nước ngoài, Luật Công ty và các quy định cũ về tỉ giá ngoại tệ, quản lý tài chính, cơ chế xin cho trong xuất nhập khẩu v.v…, để trình Quốc hội thông qua, nhằm tạo môi trường thông thoáng, minh bạch hơn trong thu hút đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh sản xuất và xuất khẩu.
Chính phủ Myanmar còn mời Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tháng 11 năm 2011 đến giúp đỡ Myanmar cải cách hệ thống tiền tệ, tài chính.
  Từ tháng 9/2011, Chính phủ Myanmar quyết định tăng lương cho 815.000 công chức, sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu; giao cho 8 Bộ khẩn trương thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế nông thôn, thực hiện mục tiêu giảm các hộ đói nghèo trong cả nước từ 26% năm 2010 còn 16% vào năm 2015.
            Thứ tư, khẳng định quyết hội nhập quốc tế
            Chính phủ mới Myanmar tham gia đầy đủ các diễn đàn ASEAN và các diễn đàn quốc tế để khẳng định vị thế mới của Myanmar sau bầu cử; quyết tâm thực hiện thành công SEA GAMES lần thứ 27 (năm 2013) và Chủ tịch luân phiên ASEAN (năm 2014); đồng thời điều chỉnh cân bằng hơn quan hệ với các nước lớn Trung Quốc, Nga, Ấn Độ.
            Đáp ứng yêu cầu của thế giới bên ngoài về vấn đề dân chủ nhân quyền tại Myanmar, Quốc hội và Chínhh phur mới Myanmar đã đón và thu xếp đầy đủ lịch trình làm việc, tiếp xúc của các quan chức cấp cao Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, các ngoại trưởng EU, Nhật, Úc… đến thăm Myanmar, cho phép họ gặp gỡ Aung San Suu Kyi và lãnh tụ các đảng phái chính trị, các nhóm vũ trang ly khai…
            Những cải cách bước đầu của chính phủ Thein Sein về đối nội và đối ngoại đã và đang được nhân dân Myanmar tin tưởng ủng hộ, được thế giới bên ngoài nhất là Mỹ, EU hoan nghênh khích lệ.
CCP   
                       



[1]  Tháng 6/2005, Thủ tướng Soe Win được phong quân hàm Thượng tướng
[2] 8 lĩnh vực đó gồm: khai thác và xuất khẩu gỗ Teak; trồng và bảo tồn rừng; thăm dò, khai thác, xuất khẩu dầu khí; khai thác, xuất khẩu các loại đá quý, kim loại quý; dịch vụ Bưu chính viễn thông; dịch vụ Ngân hàng và bảo hiểm; dịch vụ Phát thanh và truyền hình; sản xuất các sản phẩm có liên quan đến an ninh quốc phòng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét