Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Các loại phí phương tiện giao thông: Gánh nặng cho dân


Lao Động online, Thứ Sáu, 23.3.2012 | 08:09 (GMT + 7) 
"Bộ GTVT không nên tính toán theo kiểu thu càng nhiều loại phí đối với phương tiện giao thông của người dân là có nhiều tiền tái đầu tư cơ sở hạ tầng, do cuộc sống của người dân VN vẫn còn vất vả và nghèo khó. Thay vào đó, Nhà nước nên đầu tư xây dựng đường sá thật tốt để thúc đẩy kinh tế phát triển, từ đó góp phần làm tăng thêm nguồn thu cho ngân sách để tái đầu tư hạ tầng. Nếu cùng lúc đưa ra nhiều loại phí áp dụng đối với các phương tiện giao thông đường bộ sẽ tạo hiệu ứng cộng hưởng những khó khăn cho người dân. Khi có quá nhiều loại phí được áp dụng, nó sẽ tạo ra lực phản mạnh đối với tốc độ phát triển KT-XH."

Ngày 22.3, Hiệp hội Vận tải Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2012. Sau lời khai mạc của ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch hiệp hội, nội dung xuyên suốt của hội nghị là góp ý về các loại phí phương tiện giao thông sắp ban hành và đang được đề xuất.
Quỹ bảo trì đường bộ: Cân nhắc mức thu

Từ lãnh đạo Hiệp hội Vận tải đến các doanh nghiệp (DN) phát biểu sáng 22.3 đều ủng hộ việc ban hành Nghị định 18 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, mức thu và phương thức thu sẽ được Bộ GTVT và Bộ Tài chính đưa ra là vấn đề gây băn khoăn cho các DN vận tải.


Ông Trịnh Xuân Nhật – Giám đốc Cty vận tải Nhật Thiên Hương cho biết: “Năm nay DN vận tải đang gặp nhiều khó khăn. Vừa qua giá xăng dầu tăng, chúng tôi đã không tăng được giá cước do ký hợp đồng theo năm với khách hàng. Vì vậy tôi kiến nghị lùi thời hạn thu phí và giảm bằng 60% theo mức đề xuất của Bộ GTVT”.
Càng nhiều loại phí thu đối với xe taxi người dân càng chịu thiệt.    Ảnh: trần phan
Càng nhiều loại phí thu đối với xe taxi người dân càng chịu thiệt. Ảnh: trần phan
Theo ông Nhật, hiện DN vận tải đã phải chịu quá nhiều loại thuế, phí chưa kể các trạm thu phí trên đường QL. Khi thu phí bảo trì đường bộ, dù bỏ các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước thì vẫn còn rất nhiều trạm BOT. Chi phí đầu vào, chi phí sản xuất tăng sẽ khiến DN phải tính toán lại thời gian khấu hao cũng như nhiều loại chi phí khác.

Còn ông Hoàng Quang Ngọc – GĐ Cty vận tải Hoàng Hà cho rằng thiếu công bằng trong việc thu phí theo đầu phương tiện: “Đâu phải xe nào chúng tôi cũng chạy 30/30 ngày trong khi vẫn phải chịu mức phí 1,44 triệu đồng/tháng. Đây là gánh nặng vô cùng lớn đối với DN vận tải”.


Hiệp hội Vận tải Hà Nội đưa ra ví dụ cụ thể về khó khăn của DN nếu thực hiện ngay việc thu phí bảo trì đường bộ theo mức đề xuất. Như Cty Giang Anh ở Hải Phòng có 120 đầu xe container nếu phải đóng phí ở mức 1,44 triệu đồng/tháng cho 6 tháng còn lại của năm 2012 số tiền sẽ là hơn 1 tỉ đồng. Tương tự, Cty Hoàng Hà ở Thái Bình có số đầu xe là 300 sẽ phải đóng hơn gấp đôi.


Phí chồng phí


Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Văn Thanh – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam bảo lưu quan điểm không đồng tình với đề xuất phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân của Bộ GTVT. Theo ông Thanh, chỉ nên áp dụng phí lưu thông phương tiện vào trung tâm TP giờ cao điểm. Còn về phí hạn chế phương tiện, ông Thanh khẳng định: “Đây thực sự là phí chồng lên phí. Anh đã thu phí hạn chế tôi vào nội đô rồi còn thu thêm nữa, thà anh cứ cấm luôn tôi không đi ôtô”. Ông Thanh đề nghị trước khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề án của Bộ GTVT nên lấy ý kiến rộng rãi của dư luận xã hội.


Từ góc độ người dân, bà Trần Thị Hường (P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TPHCM) cho rằng: Khi mua xe ôtô người dân đã phải chịu rất nhiều loại thuế và phí (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, phí trước bạ, phí đăng ký biển số, phí thu qua xăng dầu...), và những loại thuế, phí này đều nộp vào ngân sách để đầu tư, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng. Bây giờ, Bộ GTVT lại đề xuất thu hàng loạt loại phí nữa đánh vào các phương tiện giao thông cá nhân thì có khác nào tận thu đối với người dân.


Trong báo cáo mới nhất về phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, Bộ GTVT cũng gộp xe ôtô dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải vào loại hình xe cá nhân. Dù trước đó, tại văn bản số 3092/BTC-HCSN Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ GTVT loại trừ thu đối với xe của doanh nghiệp, tổ chức.


Ông Trần Quốc Khải – Chủ nhiệm HTX vận tải taxi Nội Bài cho rằng như vậy là không công bằng. Bởi lẽ, ở một số nước xe buýt và taxi được Nhà nước trợ giá vì được coi như loại hình vận tải công cộng nhưng ở VN lại đánh đồng xe taxi là xe cá nhân. Ông Khải cho biết việc đầu tư ban đầu kinh doanh taxi rất lớn do mỗi đầu xe phải chịu thuế cao, bên cạnh đó là nhiều loại phí kể cả phí bến bãi cũng tăng cao nếu thêm nhiều loại phí nữa thì không hiểu sẽ kinh doanh như thế nào. Ông Khải đặt câu hỏi: “Chính sách cho xe kinh doanh chưa đồng nhất. Tại sao phí cấp biển số cho xe kinh doanh taxi thấp hơn xe cá nhân, nhưng các loại thuế và phí khác lại đánh đồng với xe cá nhân?”.


Về loại phí này, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết: “Đây mới là đề xuất của Bộ GTVT, các mức thu và phương pháp thu chưa hợp lý. Thẩm quyền thu loại phí này thuộc quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, hiện thời hiệp hội chưa phản biện vấn đề này”.    


Tuy nhiên, Bộ GTVT khi trả lời ý kiến của Bộ Tư pháp về vấn đề phí chồng lên phí giữa phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ với phí sử dụng đường bộ, bộ này khẳng định: Hai loại phí này khác nhau hoàn toàn về mục tiêu thu, đối tượng thu. Cụ thể, phí sử dụng đường bộ thu để tạo nguồn quản lý bảo trì đường bộ (đối với đường do Nhà nước đầu tư) và hoàn vốn đầu tư, chi quản lý bảo trì (đối với đường đầu tư theo hình thức BOT).

 Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ được Bộ GTVT giải thích nhằm hạn chế sự gia tăng số lượng phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông và giảm thiểu TNGT; tạo nguồn chi đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và đầu tư các công trình đảm bảo ATGT. Về đối tượng thu phí cũng có sự khác biệt, phí đường bộ thu với tất cả phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, còn phí hạn chế chỉ thu với một số đối tượng.
TS Nguyễn Hữu Nguyên (Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam): Không thuyết phục. Bộ GTVT đề xuất các loại phí trên nhằm thực hiện mục tiêu giảm ùn tắc giao thông và có thêm nguồn thu cho việc đầu tư xây dựng, duy tu cơ sở hạ tầng cầu - đường bộ. Tuy nhiên, cả 2 mục tiêu này không đủ luận chứng để thuyết phục. Lâu nay, ngân sách nhà nước phân bổ kinh phí cho ngành GTVT để đầu tư xây mới và duy tu cầu đường, thực ra đó cũng là tiền từ người dân đóng thuế.

Bộ GTVT không nên tính toán theo kiểu thu càng nhiều loại phí đối với phương tiện giao thông của người dân là có nhiều tiền tái đầu tư cơ sở hạ tầng, do cuộc sống của người dân VN vẫn còn vất vả và nghèo khó. Thay vào đó, Nhà nước nên đầu tư xây dựng đường sá thật tốt để thúc đẩy kinh tế phát triển, từ đó góp phần làm tăng thêm nguồn thu cho ngân sách để tái đầu tư hạ tầng. Nếu cùng lúc đưa ra nhiều loại phí áp dụng đối với các phương tiện giao thông đường bộ sẽ tạo hiệu ứng cộng hưởng những khó khăn cho người dân. Khi có quá nhiều loại phí được áp dụng, nó sẽ tạo ra lực phản mạnh đối với tốc độ phát triển KT-XH.   
  Trần Phan (ghi)
Minh Phong - Vinh Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét