Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

LÊ NGUYỄN KỂ CHUYỆN NGOẠI GIAO- 12

XIN QUÝ KHÁCH TẠM NGỒI TẠI CHỖ TRONG GIÂY LÁT ĐỂ MỜI ĐẠI SỨ VIỆT NAM RA TRƯỚC.

Lúc tôi làm Đại sứ thường trú ở Mexico thì đồng thời kiêm nhiệm ở Colombia. Tôi thu xếp công việc để đi Colmbia trình Quốc thư vào mùa xuân năm 1989. Trước khi đi tôi có cuộc gặp Đại sứ Colombia ở Mexico, vừa chào xã giao, vừa tìm hiểu tình hình và thủ tục lễ tân ở nước bạn. Đại sứ hứa sẽ báo cáo về nước sớm và hỏi tôi bay bằng hãng hàng không nào, có ai cùng đi. Tôi nói đã mua máy bay của hàng không Colombia và chỉ đi một mình.
Khi máy bay vừa dừng lại ở nhà ga sân bay Bogota, qua hệ thống phát thanh trên máy bay, tôi nghe thông báo : “Xin quý khách tạm thời ngồi tại chỗ trong giây lát để mời Đại sứ Việt Nam ra trước”.
Suy nghĩ theo logic thông thường, lễ tân Bộ Ngoại giao bạn vào khoang  hạng nhất và thương gia đón tôi. Một lát sau không tìm thấy nên mới xuống khoang hạng phổ thông khi tôi đứng dậy bắt tay và chào bạn. Khi đó người hành khách ngồi bên cạnh cùng hàng ghế mới biết tôi là Đại sứ nên thốt lên : thì ra ông này là Đại sứ thế mà suốt chặng đường dài không ai biết, sao Đại sứ lại ngồi đây ?
Không phải chỉ hành khách mà cán bộ lễ tân Bộ Ngoại giao cũng ngạc nhiên vì hiếm khi thấy Đại sứ các nước khác đến Colombia trình quốc thư lại ngồi hạng ghế phổ thông.
Mãi sau này, vào đầu những năm 2000 trở đi ở nước ta mới có chế độ Đại sứ và phu nhân (hoặc phu quân) được ngồi khoang thương gia khi đi nhận nhiệm vụ cũng như khi kết thúc nhiệm kỳ. Thế là Đại sứ sau này được may mắn hơn chúng tôi hồi đó !
Thủ tục trình quốc thư ở Colombia diễn ra cũng tương tự như ở các nước khác. Nhưng có câu chuyện hơi lạ xẩy ra ở buổi trình quốc thư của tôi. Tại buổi lễ nhận quốc thư, phía Colombia chỉ có Tổng thống và Bộ trưởng Ngoại giao cùng dự. Các thủ tục chính thức xong xuôi, tổng thống nói với Bộ trưởng Ngoại giao là ông muốn nói chuyện riêng với tôi. Bây giờ trong phòng chỉ còn lại tôi và Tổng thống. Tổng thống đặt một tập hồ sơ dày cộp lên bàn rồi bắt đầu câu chuyện, đại thể là : Qua mấy chục năm tồn tại, kênh đào Panama đã đóng một vai trò rất quan trọng, góp phần rút ngắn đường biển từ Đại tây dương qua Thái bình dương và ngược lại. Hàng ngày một khối lượng lớn hàng hóa và hàng trăm con tàu qua lại kênh đào này. Do nhu cầu hàng hải và lượng hàng hóa qua lại ngày càng tăng, đến lúc nào đó kênh đào sẽ quá tải, không thể đảm nhận hết. Từ tình hình đó Colombia có ý tưởng xây dựng một con đường sắt nối hai bờ Đại tây dương-Thái bình dương với chiều dài trên dưới 80 km, tương tự như kênh đào Panama. Con đường này có chức năng vận chuyển (hình thức tăng bo) hàng ở cảng trên bờ Thái bình dương sang cảng trên bờ Đại tây dương và ngược lại. Cách vận hành này thuận lợi và nhanh chóng hơn phải qua kênh đào, giá thành cũng có thể rẻ hơn.
Vừa giải thích Tổng thống vừa cho tôi xem tập thiết kế ý tưởng của con đường sắt tương lai. Tôi hỏi nếu hình thành con đường đó mất khoảng bao nhiêu tiền, Tổng thống dự tính khoảng 3 đến 4 tỷ đô la (năm 1989). Cuối cùng Tổng thống chốt lại : đề nghị Đại sứ báo cáo về nước để chính phủ xem xét tham gia dự án khi phía Colombia triển khai xây dựng.
Tôi cám ơn Tổng thống tin cậy Việt Nam, hứa báo cáo để chính phủ nghiên cứu. Có lẽ trong quá trình nói chuyện say sưa, tổng thống đã nhầm tôi là người Nhật chăng ?! Hoặc là cái ông Việt Nam này cũng là người châu Á, láng giềng với Nhật nên cũng giàu có như Nhật !? Dù giả thiết nào thì việc đặt vấn đề như thế cũng là điều vinh dự cho Việt Nam.
Phó vụ trưởng Lễ tân Bộ Ngoại giao Colombia tiễn tôi ra sân bay trở lại Mexico. Hoàn toàn khác với các nước, ở sân bay Bogota người ta kiểm tra hành lý qua ba bước : tại cửa chính vào nhà ga, trước khi cân hành lý và khâu cuối cùng quan trọng nhất là trước khi đưa hành lý lên giây chuyền. Đây là lần thứ hai đến Colombia nên tôi hiểu và thông cảm khâu kiểm tra an ninh chặt chẽ của họ vì Colombia là sào huyệt sản xuất và xuất khẩu ma túy của thế giới. Nhưng chuyện lạ kỳ là khi tôi rời phòng VIP lễ tân sân bay chuẩn bị bước vào đường ống dẫn lên máy bay, tôi bị chặn lại để cho béc-giê ngửi cặp xách tay và quần áo, giầy dép trước sự chứng kiến của Phó vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao và Đại sứ Cuba ra tiễn. Có phần bất ngờ và hơi bực mình, tôi quay lại hỏi Đại sứ Cuba sao có chuyện lạ thế này. Đại sứ Cuba nhẹ nhàng nói : với chúng tôi, tất cả các đại sứ thường trú tại Colombia khi ra vào sân bay Bogota đều phải qua thủ thục an ninh đó, không riêng đồng chí đâu, chúc đồng chí thượng lộ bình an !

1 nhận xét:

  1. Không biết tuyến đường sắt mà Colombia nói có thực hiện được không bác Thắng nhỉ? Và thực hiện thì có sự giúp đỡ gì từ phía VN mình không hả bác? Cháu tò mò quá! :D

    Trả lờiXóa