GẶP GỠ “ANH HÙNG CỦA NHỮNG NGƯỜI ANH HÙNG”
(Tiếp theo “Những thử thách đầu đời” đăng 4/3/12)
Chuyến thăm Mexico dự kiến vào ngày 10/9 phải chậm lại hai hôm do ở Cuba bị mưa, lụt lớn, máy bay không cất cánh được. Hôm đó Thủ tướng cho gọi vào phòng riêng ở khách sạn để tôi báo cáo tình hình Mexico và các nước sắp đến thăm. (Chuyến thăm bắt đầu từ Mexico)
Thủ tướng bảo cháu cho Bác nghe tóm lược về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa…của Mexico. Chốc chốc Bác ngắt lời tôi để hỏi cụ thể hơn một số vấn đề. Trong một thời gian khoảng hơn 2 giờ, tôi thấy Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến lịch sử và văn hóa nước bạn. Bác hỏi tôi khá cặn kẽ về nền văn hóa At-tê-ca (azteca), mai-a (Maya) và so sánh các nền văn hóa đó với nền văn hóa của các nước sắp đến thăm tiếp theo.
Cuối cùng, với tình cảm rất trìu mến, Thủ tướng ân cần dặn tôi :”Mình đến thăm nước người ta, điều đầu tiên và tối thiểu phải hiểu biết lịch sử, văn hóa nước họ. Văn hóa là sự biểu hiện ra bên ngoài của bản chất, bản sắc dân tộc, bản sắc dân tộc luôn được thể hiện trong văn hóa. Nói chuyện với người ta mà mình nói lên được sự hiểu biết của mình về lịch sử, văn hóa của họ thì họ đánh giá mình là người có văn hóa, coi trọng nước họ, do đó họ coi trọng ta. Các cháu làm ngoại giao phải biết điều đó, phải đọc, phải biết lịch sử, văn hóa của người ta”.
Thủ tướng hỏi chuyện nhẹ nhàng, thân mật. tuy vậy những vấn đề Thủ tướng quan tâm lại rất sâu sắc, vừa tổng quát (về tình hình), vừa chi tiết, cặn kẽ (về lịch sử, văn hóa). Nếu không có những kiến thức được nghiên cứu, tích lũy qua những năm đầu khi mới vào ngành và thực tế qua những chuyến công tác ở Cuba chắc tôi khó vượt qua được cuộc “kiểm tra” gay go đó của Thủ tướng.
Trong quá trình làm việc, tôi có báo cáo Thủ tướng biết là do Thủ đô Mexico ở độ cao 2450m, không khí rất loãng nên khó thở nếu đi nhanh và mạnh, xin Thủ tướng khi xuống sân bay và duyệt đội danh dự hãy đi nhẹ và chậm. Nhưng tại sân bay Mexico, khi duyệt đội danh dự Thủ tướng vẫn đi nhanh và rất khí thế, tôi rất lo. Tối hôm đó tôi có nhắc lại câu chuyện về độ cao như đã báo cáo ở Cuba. Thủ tướng nói ngay Bác vẫn nhớ, nhưng đây là thể diện quốc gia, mình phải luôn luôn cố gắng thể hiện tư thế đàng hoàng của dân tộc, nhất là trước con mắt của thế giới.
Với Nicaragua, Thủ tướng không hỏi nhiều về lịch sử mà tập trung hỏi tình hình thực tại, đặc biệt yêu cầu tôi cung cấp thông tin khá chi tiết về nội bộ và những con người cụ thể trong Ban lãnh đạo toàn quốc Mặt trận Giải phóng dân tộc Sandino (như Bộ chính trị của Đảng).
Khoảng 30 phút sau khi chuyên cơ rời Mexico đi Nicaragua, anh Quốc Dũng gọi tôi và nói : “Cậu vào báo cáo trực tiếp với Thủ tướng, tớ muốn đẩy cậu xuống nước để chóng biết bơi”. Tôi hiểu ý tốt của anh Dũng muốn tạo cơ hội thực tế để tôi chóng trưởng thành. Khi bước vào phòng riêng của chuyên cơ dành cho Thủ tướng, tôi thấy Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng đang ngồi ở đó. Thủ tướng bảo tôi ngồi xuống và hỏi : “Các cháu đã chuẩn bị xong lời phát biểu ở sân bay Nicaragua chưa, đọc cho Bác nghe ?”. Tôi đọc xong bài chuẩn bị dài gần hai trang, Thủ tướng cười to : “Cháu không biết viết ! Lời phát biểu ở sân bay mà nghe như diễn văn ở mít tinh”. Tôi vô cùng bối rối, xin lỗi Thủ tướng vì lần đầu tiên viết bài phát biểu như vậy. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch liền mắng : chưa biết thì phải hỏi, sao cứ nhắm mắt mà làm ! Tôi hiểu đây là một cách đỡ lời để cứu tôi khỏi tình huống khó xử. Trở về chỗ ngồi ở khoang sau, tôi cố gắng rút bài phát biểu xuống còn ½ trang rồi quay lại báo cáo Thủ tướng.
Nguyên văn bài phát biểu ngắn như sau :”Chúng tôi rất cảm động và tự hào được thăm Nicaragua, Tổ quốc quang vinh của Augusto Cesar Sandino, đất nước của một dân tộc anh hùng tuyệt vời vừa làm nên thắng lợi huy hoàng nhất trong lịch sử của mình, đưa Nicaragua tới Mặt trời tự do. Chúng tôi xin gửi đến các chiến sĩ Sandino kiên cường và toàn thể anh chị em Nicaragua anh hùng lời chào đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị thắm thiết nhất của nhân dân Việt nam. Chúng tôi đến đây để chia sẻ với các bạn niềm vui thắng lợi và bày tỏ sự đoàn kết, ủng hộ mạnh mẽ nhất của nhân dân Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng bách thắng của Nicaragua, đồng thời để tăng cường quan hệ hữu nghị và tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Nicaragua”.
Lần này nghe đọc xong Thủ tướng khen là có tiến bộ. Tôi nhẹ nhõm quay lại chỗ ngồi đúng lúc máy bay giảm độ cao để chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Sandino, Thủ đô Managua-Nicaragua. Chiếc IL 62M, chuyên cơ chở Thủ tướng và đoàn hạ cánh xuống sân bay lúc chập choạng tối 13/9/1979. Ngoài trời mưa khá to. Qua cửa sổ máy bay tôi thấy các vị lãnh đạo Mặt trận Giải phóng dân tộc Sandino trong quân phục màu xanh ô liu, Chính phủ xây dựng đất nước hàng ngũ chỉnh tề chờ đón đoàn. Xung quanh sân bay một số đơn vị quân đội trong tư thế sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ. (Tình hình an ninh còn khá phức tạp vì mới hơn một tháng sau giải phóng).
Cầu thang lên xuống đã tiếp cận máy bay, cửa máy bay đã mở nhưng hơn 5 phút trôi qua thủ tướng và đoàn vẫn chưa được mời xuống. Rồi tôi thấy xuất hiện một ô tô tải nhẹ chở 2 người với mấy cái bục gỗ tiến đến cầu thang máy bay. Họ tìm cách nâng 2 bục gỗ lên đỉnh cầu thang ngang tầm với cửa máy bay. Hôm sau tôi mới biết đây là lần đầu tiên một máy bay Liên xô hạ cánh xuống sân bay Nicaragua. Chiếc máy bay IL62 có cửa cao hơn cái cầu thang lâu nay vẫn thường dùng nên phải kê thêm 2 cái bục gỗ mới xuống được.
Thủ tướng và đoàn bước xuống sân bay trong lúc cơn mưa vẫn tiếp tục. Không có 7 phát đại bác, không có duyệt đội danh dự, không băng cờ biểu ngữ, chỉ có những cái bắt tay nồng nhiệt, những cái ôm hôn thắm thiết của 9 thành viên ban lãnh đạo toàn quốc Mặt trận Sandino (9 Ủy viên Bộ chính trị), của các thành viên chính phủ và nhiều Ủy viên Trung ương Mặt trận dành cho Thủ tướng.
Đây không phải là một lễ nghi ngoại giao bình thường. Vượt lên trên các lễ nghi thong thường, đây là một cuộc đón tiếp đặc biệt của những người đồng chí, anh em ở Tây bán cầu dành cho người anh em chí thiết đến từ Đông bán cầu. Trời tối lắm, đường phố Thủ đô Managua lúc đó chỗ có điện chỗ không. Trên đường có các đơn vị chiến sĩ Sandino canh gác, bảo vệ. Do yêu cầu an ninh nghiêm ngặt, một số lái xe không được biết địa chỉ của đoàn ở đâu, phải đi theo chỉ dẫn qua bộ đàm của người có trách nhiệm. Một số xe bị lạc lung tung, trong đó có xe chở nhóm chúng tôi, nhờ bộ đàm hoạt động liên tục mới về được chỗ ở. Trời vẫn tiếp tục mưa, không khí nóng và ẩm, nhà chúng tôi ở (nhóm cán bộ phục vụ) không có điện, phải dùng đèn ắc quy. Đêm đó hầu như chúng tôi chỉ chợp mắt được vài giờ.
Sáng hôm sau một cuộc mít tinh quần chúng lớn được tổ chức tại Quảng trường 19/7 để chào mừng Thủ tướng với sự có mặt của toàn bộ Ban lãnh đạo Toàn quốc Mặt trận Giải phóng dân tộc Sandino và khoảng 50 ngàn chiến sĩ, nhân dân. Một cuộc mít tinh sục sôi khí thế cách mạng của các chiến sĩ Sandino và nhân dân Nicaragua-những người vừa thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng vang dội ở lục địa châu Mỹ (sân sau của chủ nghĩa đế quốc) cách đó hơn một tháng, để chào đón những người anh em đại diện cho một dân tộc anh hùng đến từ châu Á, những người cũng vừa làm nên chiến thắng vĩ đại 30/4/1975.
Bài phát biểu rất dài, vừa đậm đà tình cảm vừa thể hiện sâu sắc tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Nicaragua của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại cuộc mít tinh được các hãng thông tấn, báo chí truyền hình trong nước và quốc tế phát khắp thế giới.
Thay mặt nhân dân và Mặt trận Sandino, đồng chí Carlos Nunez, ủy viên Ban lãnh đạo toàn quốc Mặt trận Sandino, sau này trở thành Chủ tịch quốc hội Nicaragua có bài phát biểu đánh giá cao chuyến thăm của Thủ tướng và sự đóng góp to lớn của cách mạng Việt Nam đối với cách mạng thế giới. Trước hàng chục nghìn người tham dự mít tinh và trước các hãng truyền thông, truyền hình thế giới đồng chí Carlos hô lớn :”Nhân dân Sandino anh hùng xin gửi lời chào nồng nhiệt đến nhân dân Việt Nam một nghìn lần anh hùng!”.
Khoảng 30 phút sau khi trở lại nhà khách, Thủ tướng gọi tôi vào phòng và nói : cháu thêm cho bác vào bài diễn văn một số ý. Tôi bất ngờ và khá bối rối, chưa hiểu có chuyện gì liền thưa với Thủ tướng là toàn bộ diễn văn đã được phát trực tiếp tại mít tình và bản dịch cũng đã được trao cho các hãng truyền thông và báo chí cả rồi. Thủ tướng bảo không sao, cháu cứ sửa và chuyển cho lãnh đạo bạn.
Trong phần mở đầu của diễn văn có đoạn :”…xin gửi đến Mặt trận Giải phóng dân tộc Sandino và nhân dân Nicaragua anh hùng lời chào…”, Thủ tướng bảo tôi thêm vào sau chữ “anh hùng” năm chữ “của những người anh hùng”. Câu hoàn chỉnh sau khi được sửa là :”…Xin gửi đến Mặt trận giải phóng dân tộc Sandino và nhân dân Nicaragua anh hùng của những người anh hùng lời chào…”.
Thật tuyệt vời, thật kỳ diệu ! Chỉ thêm vào có 5 chữ đã làm cho nội dung và ý nghĩa của lời chúc trở nên sâu sắc gấp nhiều lần !
Cuộc hội đàm giữa hai đoàn không diễn ra tại dinh Tổng thống hay phủ Thủ tướng mà được tiến hành ngay tại phòng khách đơn sơ của ngôi nhà nơi đoàn ở. Tất cả ngõ ngách dẫn đến vùng chung quanh ngôi nhà được hàng trăm chiến sĩ vũ trang Sandino canh gác, kiểm soát nghiêm ngặt. Không bàn hội đàm, không hoa, không micro, các thành viên hai phía ngồi quây quần trên các bộ sa-lông đơn giản sẵn có trong phòng khách. Toàn bộ ban lãnh đạo toàn quốc Mặt trận Sandino có mặt ở buổi hội đàm đều trong bộ quân phục màu xanh ô liu.
Có lẽ trong trường hợp này không nên dung chữ hội đàm vì nó không có lễ nghi như bất cứ một cuộc hội đàm nào khác mà tôi được chứng kiến hoặc trực tiếp tham dự. Đúng hơn đây là một cuộc gặp gỡ, chuyện trò, tâm tình hết sức chân thành, ấm cúng, cởi mở và tâm huyết giữa nhưng người đồng chí, anh em. Thường thường trong các cuộc hội đàm giữa các đoàn chỉ có trưởng đoàn mỗi bên thay mặt đoàn mình phát biểu và trả lời. Ở cuộc hội đàm này, về phía bạn hầu hết các thành viên đều tham gia hoặc bày tỏ cảm xúc của mình hoặc nêu vấn đề, thậm chí “chất vấn” thủ tướng Phạm văn Đồng, làm cho cuộc hội đàm trở nên sôi nổi, ấm áp. Tôi nhớ trong không khí chân thành và rất tin cậy đó, lãnh đạo Sandino đã nêu với Thủ tướng ta một câu hỏi : nước B và một số nước Xã hội chủ nghĩa khác có thực lòng và dám ủng hộ , giúp đỡ cách mạng Nicaragua không ? Bạn cũng không e ngại đề nghị Thủ tướng khi có dịp gặp gỡ hãy nói thẳng với lãnh đạo nước B và một số nước Xã hội chủ nghĩa khác về thắc mắc đó.
Sau này tôi có dịp tham dự nhiều cuộc hội đàm giữa các đoàn cấp cao nước ta với nước ngoài, nhưng không có bất cứ cuộc hội đàm nào giống như cuộc hội đàm diễn ra ở Nicaragua, kể cả hình thức lẫn nội dung. Chuyến thăm Nicaragua của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1979 là một chuyến thăm đặc biệt, và cuộc hội đàm giữa hai đoàn lại càng đặc biệt hơn.
Thủ tướng xiết chặt tay và ôm hôn thắm thiết từng đồng chí lãnh đạo Mặt trận và Chính phủ Sandino. Cuộc chia tay đầy lưu luyến. Thủ tướng rời Nicaragua với niềm xúc động hiện rõ trên nét mặt.
Ngày 3/9/1979, tức trước chuyến thăm mấy ngày tại La Habana-Cuba, Việt Nam và Nicaragua ký tuyên bố chính thức lập quan hệ ngoại giao.(Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch ký với Ngoại trưởng Escoto). Mấy tháng sau Chính phủ ta quyết định lập Đại sứ quán tại Thủ đô Managua-Nicaragua (1980).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét