Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

KỂ CHUYỆN MYANMAR

Chu Công Phùng

II-NHỮNG MỐC LỚN TRONG LỊCH SỬ MYANMAR
Như nhiều nước Châu Á khác, lịch sử phát triển của đất nước Myanmar [1] cũng trải qua các thời kỳ thăng trầm của xã hội phong kiến, bị thực dân phương Tây cai trị và đấu tranh giành độc lập. Tuy nhiên, lịch sử Myanmar có những mốc lớn đáng chú ý gắn liền với truyền thống và tinh thần dân tộc của con người Miến Điện.

 I. THỜI KỲ PHONG KIẾN
Chế độ phong kiến ở Miến Điện được hình thành từ rất sớm. Các tài liệu lịch sử và khảo cổ học của Miến Điện đã chứng minh, từ thế kỷ thứ I trước Công nguyên, các nhóm dân tộc di cư từ dãy núi Hymalaya, cao nguyên Tây Tạng,  từ phía Xiêm La …đến Miến Điện đã tạo lập nên các vương triều phong kiến rực rỡ và có vai trò quan trọng trong tiến trình hình thành đất nước Miến Điện. Đó là các tộc người Mon, người Miến, người Pyu, người Shan, người Rakhine… Họ xây dựng quốc gia riêng và không ngừng tiến hành các cuộc viễn chinh giành giật lãnh thổ của các dân tộc khác.
 Đến đầu thế kỷ thứ XVI, trên lãnh thổ Miến Điện hình thành 4 trung tâm quyền lực mang đậm chất chủng tộc: phía Tây là quốc gia Rakhine của người Rakhine; phía Bắc là quốc gia Inwa của người Shan; phía Nam là quốc gia Bago của người Mon và phía Đông là quốc gia Tangoo của người Miến.
 Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Chu Công Phùng, tác giả của loạt bài Kể chuyện Myanmar, đang phát biểu trong lễ đón Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm Sứ quán
        
Lịch sử ghi nhận thời kỳ phong kiến của Miến Điện được đánh dấu bằng 3 cột mốc lớn, đó là 3 đế chế phong kiến hùng mạnh.

1. Thời kỳ đế quốc Miến Điện lần thứ nhất - Triều đại Bagan (1044-1287) và 3 lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông.
Năm 849,  người Miến đã thiết lập khu vực định cư nhỏ của riêng mình và lấy Bagan là nơi đóng đô của họ. Suốt hai thế kỷ sau, các triều đại không ngừng tiến hành các cuộc chiến tranh để tranh giành quyền lực. Từ năm 1044, vua Anawrahta đã mở ra một thời kỳ huy hoàng trong lịch sử Miến Điện
Trong 33 năm trị vì, vua Anawarahta đã chinh phục các quốc gia của người Mon, tiến quân sang Nam Chiếu (Vân Nam,Trung Quốc) để biểu dương sức mạnh, quy phục các thủ lĩnh tộc Shan, thống nhất toàn bộ vùng đất ngày nay là Miến Điện. Triều đại của vua Anawarahta được coi là đế quốc Miến Điện thứ nhất với tư cách một quốc gia thống nhất về chính trị, các vương quốc nhỏ chịu quy phục Miến triều.
Trong thời kỳ cuối triều đại Bagan, đã xảy ra 3 cuộc chiến tranh Miến – Nguyên kéo dài suốt 24 năm (từ 1277 – 1301)
Lần thứ nhất, sau khi triều đình Mông Cổ thôn tính xong vương quốc Nam Chiếu vùng Vân Nam Trung Quốc vào năm 1253, đế quốc Nguyên Mông đòi triều đình Miến Điện phải cống nạp.  Năm 1273, sứ giả Nguyên Mông là Khất Giác Thoát Nhân đến chiêu phục Miến Điện với thái độ ngạo mạn và bị vua Miến Điện Naratgugapate từ chối. Tháng 3 năm 1277 quân Nguyên từ Vân Nam, Trung Quốc do tướng Hôt Đô dẫn đầu tiến vào vào lãnh thổ Miến Điện. Hai bên xung đột ác liệt ở khu vực  biên giới, quân Nguyên buộc phải rút lui.
 Lần thứ hai, năm 1282, vua Nguyên là Kublai Khan (Hốt Tất Liệt) cử đoàn sứ giả 10 người cùng đoàn hộ tống hùng hậu đến kinh đô Bagan đòi triều đình Miến Điện cống nạp. Vì quá ngạo mạn, cả đoàn sứ thần nhà Nguyên bị vua Miến Naratgugapate ra lệnh giết hết. Sự kiện này khiến Hốt Tất Liệt nổi giận quyết tâm báo thù. Mùa thu năm 1283, Hốt Tất Liệt điều một đạo quân lớn từ Vân Nam do tướng Tương Ngô Hợp Nhi chỉ huy tiến sang trừng phạt Miến Điện. Chiến sự diễn ra quyết liệt ở phòng tuyến sông Bhamo phía Bắc Miến Điện. Trước sức tấn công ồ ạt của quân Nguyên, quân Miến Điện phải rút lui,  nội bộ Hoàng cung Miến Điện bất hoà, chia rẽ. Quân Nguyên tiến sát đến kinh đô Bagan.
Năm 1287, vương triều Miến Điện không thể trụ vững trước sự tấn công ồ ạt của quân đội Nguyên Mông. Bagan thất thủ, đế quốc phong kiến Miến Điện lần thứ nhất bị diệt vong. Triều đình Nguyên Mông tuyên bố vùng lãnh thổ phía Bắc và miền Trung của Miến Điện là 2 tỉnh của đế quốc Nguyên Mông trên đất Miến Điện. Các vị vua người Miến tiếp theo đều cam chịu làm chư hầu của triều đình nhà Nguyên ở Bắc Kinh.
Sau khi tàn phá Bagan, quân Nguyên Mông rút về phía Bắc Miến Điện, đất nước Miến Điện rơi vào thời kỳ hỗn loạn. Mười năm sau, năm 1297, “ba anh em người Shan” (bố là người Shan, mẹ là người Miến) do Axamkhaya làm thủ lĩnh nổi lên tập hợp dân chúng khởi nghĩa, kiểm soát miền Trung Miến Điện chống lại sự đô hộ của quân Nguyên Mông. Lực lượng khởi nghĩa của "ba anh em người Shan" không ngừng lớn mạnh đã đánh đuổi quân Nguyên đến gần biên giới Vân Nam. [2]
Lần thứ ba, đầu năm 1301, triều đình nhà Nguyên cử tướng Mang Ngột Đô Lỗ Mê Thất dẫn 12.000 quân sang Miến Điện dẹp loạn nhưng bị lực lượng quân đội Miến Điện do Axamkhaya lãnh đạo chống trả quyết liệt, quân Nguyên Mông bị thương vong nhiều vì chiến trận và bệnh tật. Tháng 3 năm 1301, Mang Ngột Đô Lỗ Thất buộc phải xin hòa để rút quân về Trung Quốc, chấm dứt cuộc chiến tranh Miến - Nguyên. Sau khi thất bại trở về nước, các tướng Nguyên Mông bị Hốt Tất Liệt trừng trị với các hình phạt khác nhau, kể cả tử hình.

2. Thời kỳ đế quốc Miến Điện lần thứ hai – Triều đại Tangoo (1551 - 1752) và các cuộc chiến tranh chinh phạt Thái Lan.
Sau hơn 3 thế kỷ bị phân chia thành những quốc gia nhỏ lẻ, đến thế kỷ XVI vương triều Tangoo ở phía Đông vượt lên thành vương triều hùng mạnh nhất trên toàn  Miến Điện. Các vị vua của Tangoo tiến hành nhiều cuộc chiến tranh mở rộng bờ cõi và thống nhất đất nước. Năm 1541, người Miến dưới sự lãnh đạo của vua Tabinshwehti – vị vua trẻ tài giỏi đã tấn công chiếm đóng Inwa -  kinh đô của người Shan. Sau đó, tiến hành các cuộc chinh phạt thành công ở phía Nam, bắt vua của người Mon và chuyển thủ đô về Bago.
Tháng 10 năm 1548, vua Tabinshwehti chỉ huy chiến dịch tấn công Thái Lan (lúc đó gọi là Agyuthagia) giành lại dải đất cực Nam là Taninthayi, tuy bắt được con trai vua Thái nhưng quân Miến bị tổn thất nặng nề, năm 1549 phải rút về nước. Năm 1550, vua Tabinshwehti chết, vương quốc Tangoo đứng trước nguy cơ tan rã trước sự nổi dậy cát cứ của người Mon và người Shan.
Cùng năm đó, Bayinnaung, em rể của vua Tabinshwehti đồng thời cũng là người kế vị, lên ngôi vua tiếp tục sự nghiệp tái thống nhất Miến Điện. Chỉ trong 2 năm, vua Bayinnaung đã đoạt lại các vùng đất bị cát cứ rồi tấn công lên phía Bắc, sang phía Tây, phía Đông, chiếm lại Inwa, chinh phục các quốc gia của người Shan ở phía Bắc. Năm 1557, giành lại dải đất Taninthayi từ tay người Thái. Uy danh của vương quốc Tangoo chấn động các nước láng giềng.
 Năm 1563, vua Bayinnaung trực tiếp đưa quân vượt sông Xittaung tấn công Thái Lan, đánh chiếm Chaing Mai và chiếm được kinh đô Ayuthaya của người Thái, bắt sống vua Agiyuthagia cùng toàn bộ triều đình Thái và nhiều tù binh, thợ thủ công, vàng bạc... đưa về Miến Điện.
Năm 1567, vua Thái Lan Agiyuthagia xin phép vua Bayinnaung về nước thăm các thánh đường Phật giáo, sau đó phát động dân chúng Thái khởi nghĩa chống lại sự cai trị của người Miến. Vua Bayinnaung tiến hành cuộc viễn chinh lần thứ hai sang Thái Lan. Chỉ trong 10 tháng lại chinh phục được Thái Lan.
Năm 1569, quân Miến tiến sang Lào nhưng bị thất bại. Năm năm sau (1574), vua Bayinnaung mở cuộc xâm lấn lần thứ hai và chinh phục được Lào.
Một đế quốc rộng lớn nhất khu vực Đông Nam Á được hình thành. Bayinnaung tự xưng là “vua của các vua”.
Xã hội phong kiến Miến Điện bước vào thời kỳ phát triển rực rỡ lần thứ hai. Các quốc gia khác ở vùng biên giới Miến Điện - Trung Quốc và vùng Manipur (nay thuộc Ấn Độ), đều phải triều cống vua Miến Điện.

3. Thời kỳ đế quốc Miến Điện lần thứ ba – Triều đại Konbaung (1752 - 1885) và 4 lần đánh đuổi quân Thanh.
Năm 1752,  nhân cơ hội triều đình Tangoo lục đục, suy yếu, được sự giúp sức của người Pháp, người Mon đã chiếm được kinh đô Inwa và cố sức kiểm soát toàn bộ Miến Điện.
Tuy nhiên, người Miến không dễ dàng từ bỏ quyền lực. Aung Giaeya – một quan võ tài ba người Miến đã tập hợp người Miến đánh đuổi người Mon. Một năm sau, năm 1753, ông đã giành lại được Inwa, ông xưng vua lấy hiệu là Alaungpaya -  nghĩa là “Phật tương lai”, đặt Hoàng cung ở Shwebo. Hoàng thành gọi là Konbaung. Konbaung cũng là tên triều đại.
            Không những thế, chỉ bảy năm sau, năm 1755 vua Alaungpaya đã giành lại Pyay, chinh phục các quốc gia Shan. Năm 1755, chiếm Dagon (nơi ông đã đặt tên là Yangon – nghĩa là “kết thúc thù hận”) , hơn nữa chiếm được cả kinh đô Bago của người Mon vào năm 1757. Sau 8 năm chinh chiến, vua Alaungpaya đã thống nhất được đất nước và lập ra Vương triều Konbaung. Đế chế thứ ba và cũng là đế chế phong kiến cuối cùng của Miến Điện được hình thành.
Trước tình hình người Mon chạy sang nương nhờ lãnh thổ Thái rồi tấn công trở lại Miến Điện, năm 1760, vua Alaungpaya đã tiến hành chinh phạt thu hồi dải đất Taninthayi rồi tiến công vây hãm kinh đô Thái là Ayuthaya.
            Năm 1760, vua Hsinbyushin – con trai vua Alaungpaya – được mệnh danh là “chúa voi trắng” rất giỏi dùng binh, ông tiếp tục sự nghiệp của cha, từ năm 1760 đến năm 1763 liên tiếp tiến hành các cuộc chinh phạt, mở mang bờ cõi. Năm 1767, vua Hsinbyushin đã giành lại được dải đất Taninthayi, tấn công Thái, san phẳng kinh đô Ayuthaya, buộc người Thái phải chuyển kinh đô về Bangkok. Chiến thắng này đã đem về cho Miến Điện nhiều vũ công, nhạc sĩ, nhà chiêm tình, thợ thủ công và vô số tù binh người Thái để phục vụ cho công cuộc chấn hưng Miến Điện. Nhiều nghệ sĩ Thái sau đó đã cống hiến tài năng góp phần làm phục hưng văn học, nghệ thuật Miến Điện. [3]
Trong thời gian trị vì của triều đại Konbaung , nhà Thanh -Trung Quốc dưới triều đại Càn Long đã 4 lần xâm lược Miến Điện và đều bị quân dân Miến Điện đập tan.

Lần thứ nhất, năm 1765, mượn cớ một người Trung Quốc bị giết chết trong bữa tiệc rượu ở Keng Tung của Miến Điện giáp biên giới Trung Quốc, chính quyền nhà Thanh ở Vân Nam sau khi chiêu nạp các thủ lĩnh người Shan từ Miến Điện sang hàng, đã huy động lự lượng quân đội hùng hậu tràn sang lãnh thổ Miến Điện để  “hỏi tội” viên thủ lĩnh Keng Tung. Quân Thanh bị quân dân Keng Tung đánh trả quyết liệt. Ngay sau đó, một cách quân Miến Điện từ kinh đô Inwa lên phối hợp với quân Keng Tung truy đuổi quân Thanh đến tận biên giới Vân Nam. Quân Thanh thua chạy tan tác.

Lần thứ hai, năm 1766, Thái thú Vân Nam là Dương Ứng Cơ đích thân cầm quân vượt biên giới tiến đánh chinh phục các quốc gia Shan rồi thẳng tiến xuống Kaungton thì bị quân đội Miến chặn lại. Các cánh quân Miến từ Inwa, Bhamo và Kaungton tạo thế gọng kìm truy quét quân Thanh sang tận lãnh thổ Vân Nam, chiếm luôn 8 tiểu vương quốc ở Vân Nam. Quân Thanh bị giết chết hơn một vạn người buộc phải cầu hòa. Dương Ứng Cơ bị vua Càn Long xử tội chết.

Lần thứ ba, tháng 10 năm 1767, Thái thú mới Vân Nam là Minh Thụy – con rể vua Càn Long đích thân dẫn một đạo quân lớn vượt biên giới đánh chiếm Hxenuy, đánh lui hai đạo quân Miến đến cứu viện rồi thẳng tiến đến khiêu chiến kinh đô Inwa. Sau 3 tháng cầm cự, mùa xuân năm 1768, các đạo quân Miến tổng phản công, giết chết 15.000 quân Thanh, tướng tiên phong của quân Thanh phải thắt cổ tự tử. Minh Thụy chờ quân cứu viện tới để rút lui, nhưng đội quân ứng cứu từ Vân Nam sang bị quân Miến đánh tan. Đội quân xâm lược của Minh Thụy bị tấn công từ nhiều hướng, tan tác tháo chạy về Vân Nam.

Lần thứ tư, năm 1769, vua Càn Long lệnh cho Thái thú Vân Nam là A Lý Cổn thu thập thêm quân tình nguyện lưu vong người Miến, người Shan, bổ nhiệm Phó Hoằng làm chủ tướng, chia thành 3 đạo quân tiến đánh Miến Điện bằng đường thủy và đường bộ để rửa hận. Vua Hsinbyushin điều động 4 đạo quân nghênh chiến.
Sau các cuộc giao tranh ác liệt trên bộ và trên sông, quân Thanh vượt sông đánh chiếm Bhamo, dựng pháo đài lớn giữa Bhamo và Kaungton, dùng thủy quân xuôi thuyền bắn phá Kaungton.
Từ kinh đô Inwa, thủy quân Miến ngược dòng tiêu diệt toàn bộ chiến thuyền quân Thanh, ba đạo quân khác của Miến Điện chặn đánh các tuyến liên lạc của địch rồi vây chặt pháo đài quân Thanh. Quân Thanh bị kẹp giữa vòng vây trùng điệp, bị đói khát và bệnh tật hoành hành, các tướng Thanh buộc phải xin hàng. Tổng chỉ huy quân Miến là Maha Thihathura chấp thuận, hai bên ký Hiệp ước hòa bình với các nội dung:
- Trung Quốc giao nộp tất cả các phần tử phản loạn người Miến trốn trong lãnh thổ Vân Nam.
- Trung Quốc cam kết tôn trọng chủ quyền của Miến Điện đối với các quốc gia Shan.
- Hai nước trao đổi tù binh.
- Hai nước duy trì quan hệ buôn bán, trao đổi thường kỳ các sứ đoàn, quà tặng hữu hảo.
Quân Thanh chất đống đại bác đốt cho nóng chảy trước mặt quân Miến rồi rút về nước. Trên đường về, nhiều binh lính Thanh chết vì đói khát, kiệt sức và bệnh tật. Tuy nhà Thanh sau đó lật lọng,  không chịu trao trả tù binh nhưng từ đó không dám nghĩ tới cuộc viễn chinh thứ năm.
Vua Hsinbyushin không hài lòng với việc tướng Maha Thihathura tha bổng quân Thanh, ông ra lệnh đày tướng Maha Thihathura lên vùng cao nguyên Shan, các chỉ huy khác thì bị phạt đứng phơi nắng ở cổng Tây cung điện suốt 3 ngày.
Bốn cuộc kháng chiến thắng lợi chống xâm lược Thanh được coi là một trong những trang sử vẻ vang nhất của nhân dân Miến Điện.

II. THỜI KỲ ĐẾ QUỐC THỰC DÂN CAI TRỊ
1. Chiến tranh Anh – Miến lần thứ nhất (1824 – 1826) và Hiệp ước Yandabo
Năm 1819, Anh chiếm xong Singapore, năm 1820 Anh thôn tính Nepal. Miến Điện trở thành đối tượng xâm lược của Anh. Căng thẳng giữa vương triều phong kiến Miến Điện với Anh ngày một gia tăng sau khi xảy ra tranh chấp giữa hai bên tại đảo Xahpuri giữa sông Naaf – biên giới tự nhiên giữa bang Rakhine (Miến Điện) và Vùng Bengan (thuộc địa Anh).
Ngày 5/3/1824, quân đội thực dân Anh gây hấn và tuyên chiến với Miến Điện. Quân Anh từ các hải cảng Ấn Độ bất ngờ đổ bộ đánh chiếm Yangon và các khu vực xung quanh. Quân đội Miến Điện trang bị bằng súng trường thô sơ và súng đại bác chế tạo từ thế kỷ XVII không thể chống trả súng máy, đại bác hiện đại và tàu chiến của quân Anh. Thừa thắng, đầu năm 1825 quân Anh ngược dòng sông Ayeyarwady tràn vào Rakhine, sau đó tiến đến Yandabo chỉ cách kinh đô Inwa 80 dặm. Miến Điện thua trận. Ngày 24/6/1826 buộc phải chấp nhận ký kết với Anh Hiệp ước Yandabo, nhượng cho Anh các vùng lãnh thổ Rakhine, Taninthayi và Atxam.

2. Chiến tranh Anh – Miến lần thứ hai (1852 - 1853) và các Hiệp ước 1862, 1867
Tháng 8 năm 1851, trước sự lộng hành của các thương gia người Anh, vua Pagan Min chấp thuận đề nghị của Thủ hiến Yangon bắt giam 2 viên thuyền trưởng người Anh về tội giết người. Lúc này thực dân Anh đã bình định xong người Sikh ở Ấn Độ, coi đây là cơ hội thuận lợi để tấn công Miến Điện.
Ngày 18/1/1852, Lambert - Phó tư lệnh hải quân Anh gửi tối hậu thư cho triều đình Miến Điện đưa ra những đòi hỏi trắng trợn và phi lý. Vua Pagan Min biết rõ sự thua kém về quân sự của Miến Điện nhưng không thể nhịn nhục, đành chấp nhận chiến tranh.
Từ tháng 2 năm 1852, bộ binh Anh và lính đánh thuê Ấn Độ được hải quân và đại bác yểm trợ liên tục mở các chiến dịch tấn công chiếm đóng Yangon, Bassein, Bago rồi theo dòng sông Ayeyarwady tấn công về phía kinh thành Miến Điện.
Giữa lúc đó, triều đình Miến Điện xảy ra binh biến giữa phái chủ chiến và phái chủ hòa. Thái tử Mindon cầm đầu phái chủ hòa thắng thế. Mindon lên ngôi vua. Ngày 31/3/1853, triều đình Miến Điện đàm phán với Lambert. Hai bên thỏa thuận tạm ngừng chiến sự vào ngày 30/6/1853. Cuộc chiến tranh lần thứ hai tự kết thúc.
 Trong cuộc chiến tranh lần hai, thực dân Anh mở rộng vùng đất chiếm đóng tới toàn bộ Yangon, Taungoo và vùng đồng bằng Irriawaddy rộng lớn. Về phía Miến Điện không chỉ gặp phải đối thủ có vũ khí và tàu chiến hiện đại, có nhiều kinh nghiệm chinh phạt mà quan trọng hơn là nội bộ triều đình Miến Điện lục đục, thiếu một vị minh quân tài ba như các vị vua trước đây.
Sự hèn kém nhu nhược của triều đình Miến Điện khiến đất nước và nhân dân Miến Điện phải trả giá đắt bởi các Hiệp ước bất bình đằng năm 1862 và năm 1867, trong đó người Anh không chỉ được hưởng nhiều quyền lợi ưu đãi về buôn bán và còn được hưởng quyền “bất khả xâm phạm” trên lãnh thổ Miến Điện.

3. Chiến tranh Anh – Miến lần thứ ba (1885)
Sau khi chuyển kinh đô về Mandalay năm 1857, vua Thibaw Min - vị vua cuối cùng của vương triều Miến Điện lên nắm quyền năm 1878 nhưng trên thực tế quyền kiểm soát đất nước lại nằm trong tay các sứ quân cát cứ. Bất lực, vua Thibaw Min tìm đến sự giúp đỡ của người Pháp nhưng không thành.
Lợi dụng tình hình rối loạn ở Miến Điện và lo sợ sự can thiệp của Pháp sẽ ảnh hưởng đến độc quyền về gỗ Teak, tháng 10 năm 1885 toàn quyền Anh ở Ấn Độ là Dufferin lợi dụng cuộc tranh chấp giữa Miến Điện với một công ty gỗ của Anh khi chính quyền Miến Điện buộc tội công ty này khai thác gỗ bất hợp pháp, kiếm cớ tấn công vào kinh đô Mandalay.
Với lực lượng quân đội hùng hậu và trang bị hiện đại, từ ngày 17/11/1885, chỉ sau 2 tuần giao tranh quân Anh đã chiếm được Mingla, Bagan, Myingan. Ngày 27/11/1885, vua Thibaw Min ra lệnh đầu hàng. Ngày 28/11/1885, quân Anh tràn vào kinh đô Mandalay. Ngày 29/11/1885, vua Thibaw Win cùng hoàng hậu và gia quyến bị quân Anh đưa lên tàu thủy lưu đày sang Ấn Độ. Cuộc chiến tranh Anh – Miến lần thứ 3 kết thúc nhanh chóng. Thực dân Anh hoàn thành kiểm soát nốt Mandalay và miền Bắc Miến Điện.
Chiến thắng lần thứ 3 này của người Anh không chỉ đảm bảo cho thực dân Anh quyền xuất khẩu gỗ Teak, gạo, đá quý, dầu khí mà còn giúp thực dân  Anh hoàn tất việc áp đặt cai trị trên toàn bộ lãnh thổ Miến Điện.
Năm 1886, thực dân Anh sát nhập Miến Điện thành một Bang của Ấn Độ thuộc Anh (người Miến gọi đó là “thuộc địa của thuộc địa”).

III. ĐẤU TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP (1886 -1948)
            Hơn nửa thế kỷ dưới ách thống trị của thực dân Anh, nhân dân Miến Điện đã sử dụng 2 hình thức đấu tranh Nghị trường và đấu tranh vũ trang để giành độc lập dân tộc. Những sự kiện đáng chú ý trong thời kỳ này là:
            Sau nhiều năm kiên trì đấu tranh trên Nghị trường, ngày 1/4/1937, thực dân Anh phải đồng ý tách “Bang Miến Điện” ra khỏi Ấn Độ, Miến Điện được thành lập một chính phủ riêng dưới sự quản lý của Toàn quyền Anh. Tuy chỉ độc lập trên danh nghĩa hành chính, nhưng việc Miến Điện tách ra khỏi Ấn Độ đã chấm dứt thời kỳ “thuộc địa của thuộc địa” và được coi là một thắng lợi tinh thần quan trọng của nhân dân Miến Điện trong cuộc đấu tranh chống lại ách thống trị của thực dân Anh.
Ngày 28/12/1941, sau khi quân đội Nhật Bản đổ bộ vào cực Nam Miến Điện tuyên chiến với quân  Anh, quân đội quốc gia Miến Điện (Burma National Army) được thành lập dưới sự chỉ huy của tướng Aung San và các đồng đội được đào tạo quân sự tại Nhật Bản. Quân đội quốc gia Miến Điện phối hợp với quân Nhật vừa dẫn đường vừa tấn công, truy kích quân Anh. Cuối tháng 5 năm 1942, chỉ sau nửa năm giao chiến, quân đội Nhật Bản và BNA đã đánh đuổi quân Anh, Ấn và quân Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch ra khỏi Miến Điện.
Trước tình hình Phát xít Nhật lật lọng, không trao trả độc lập cho Miến Điện, ngược lại còn thực hiện chính sách thống trị dã man và vơ vét tài nguyên của Miến Điện. Ngày 6/8/1944, Quân đội quốc gia Miến Điện và các lực lượng yêu nước khác thành lập “Liên đoàn nhân dân chống phát xít” –APFL - do tướng Aung San làm Chủ tịch tiến hành khởi nghĩa chống Nhật và hợp tác với quân Đồng Minh cùng đánh đuổi quân Nhật. APFL ra điều kiện và được quân đội Anh chấp nhận “cam kết trao độc lập cho Miến Điện ngay sau khi kết thúc chiến tranh”. Ngày 12/8/1945 quân Nhật đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện và rút khỏi Miến Điện.
Với sự đấu tranh khôn khéo và cương quyết của tướng Aung San chống lại âm mưu của thực dân Anh muốn tiếp tục thống trị Miến Điện, ngày 27/1/1947, Anh buộc phải ký với Miến Điện Hiệp ước Aung San – Attlee, công nhận nội các Aung San là chính phủ Miến Điện lâm thời có quyền lực của một Nội các tự trị.
Thực dân Anh hy vọng vẫn giữ được ảnh hưởng ở Miến Điện và từng bước chuyển giao chính quyền trong vòng 10 năm, nhưng đầu tháng 4 năm 1947, trước sự ngỡ ngàng của người Anh, Miến Điện đã tổ chức bầu cử Quốc hội lập hiến, tuyên bố Miến Điện từ bỏ Khối cộng đồng Anh. Tướng Aung San được Quốc hội bầu làm Thủ tướng chính phủ lâm thời
Trong khi cả đất nước Miến Điện đang háo hức chờ đợi ngày độc lập thì ngày 19/7/1947, Thủ tướng Aung San cùng 7 Bộ trưởng trong tân Nội các bị ám sát. Cả đất nước Miến Điện choáng váng. Năm đó Aung San mới 32 tuổi và Aung San Suu Kyi - con gái út của ông mới 2 tuổi. Nghi phạm phía sau vụ ám sát Thủ tướng Aung San và 7 Bộ trưởng là lực lượng đối lập trong Quốc hội do U Saw là thủ lĩnh. Năm 1948, trước sự công phẫn của nhân dân Miến Điện, U Saw bị nhà cầm quyền Anh xử án, kết tội và treo cổ.
Sau khi Aung San chết, Thống đốc Anh mời chủ tịch Quốc hội U Nu đứng ra lập Nội các mới. Ngày 24/9/1947, Hội đồng lập pháp Miến Điện thông qua Hiến pháp mới, đặt tên nước là “Liên bang Miến Điện”.
Về vấn đề độc lập của Miến Điện, sau các cuộc hội đàm kéo dài, ngày 17/10/1947, Hiệp ước giữa chính phủ Anh và nội các Miến Điện đã được hai Thủ tướng Attlee và U Nu ký kết , tại London, trong đó Anh công nhận Miến Điện là quốc gia hoàn toàn độc lập, có chủ quyền.
Ngày 4/1/1948, vào lúc 4 giờ sáng – giờ Hoàng đạo theo các nhà chiêm tinh Miến Điện chọn – trước khi mặt Trời mọc, dưới ánh sáng lung linh huyền ảo tỏa ra từ chùa vàng Shwe Dagon ở Thủ đô Yangon, nhân dân Miến Điện hân hoan đón chào lễ độc lập. Lá cờ Anh từ từ hạ xuống sau gần một thế kỷ ngạo nghễ tồn tại, thay vào đó là quốc kỳ Miến Điện từ từ lên cao đón gió tung bay, mở đầu kỷ nguyên độc lập thật sự của đất nước Chùa Vàng.
Từ đó trở đi, các chính phủ Miến Điện dù là dân sự hay quân sự đều lấy ngày mồng Bốn tháng Một hàng năm là Ngày Độc lập của Miến Điện.

CCP





[1] Từ năm 1989, quốc hiệu Miến Điện đổi thành Myanmar. Để tôn trọng lịch sử,  khi viết về Myanmar trước năm 1989, chúng tôi xin dùng quốc hiệu "Miến Điện"
[2] Hiện nay tại Bagan vẫn còn tấm bia đá ghi công “ba anh em người Shan” do Axamkhaya làm thủ lĩnh có công lớn trong việc đánh đuổi quân Nguyên Mông.
[3] Theo sử sách Miến Điện, trong lịch sử thời phong kiến, giữa Miến Điện và Thái Lan đã xảy ra 32 cuộc chiến tranh lớn. Phía Miến Điện chỉ chịu thua 1 lần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét