Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Chả lẽ đạo đức xã hội đã đến mức này sao?

Bùi Hoàng Tám (Dân trí)
(Dân trí) - Nếu như không ngăn chặn và làm tốt công tác giáo dục thì khi có người mua, liệu có xảy ra tình trạng bán hài cốt cha ông không nhỉ? Và chả lẽ đạo đức xã hội đã bi đát đến mức này sao?
Việc dỡ đình lấy gỗ sưa bán tại thôn Cựu Quán, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội đang gây sự phẫn nộ không chỉ của những người dân trong làng mà của cả dư luận xã hội.

Theo phản ánh từ báo chí, tối 2/3, một phần ngôi đình thờ lục vị Đại Vương có lịch sử lâu đời này bị tháo dỡ một số thanh gỗ sưa trọng lượng 127,5kg để bán cho thương lái với giá 10 triệu đồng/kg.
Đây là sự việc nghiêm trọng không chỉ bởi giá trị vật chất mà hơn thế, nó biểu hiện sự suy thoái của đạo đức xã hội trước ma lực của đồng tiền.


Việc làm này dù với bất cứ lý do gì thì cũng không còn là “bắn súng lục” mà là “nã đạn pháo” vào lịch sử vì từ trong tâm thức người Việt bao đời nay, đình đền miếu mạo là những nơi thiêng liêng. Trong đó, đình có vị trí đặc biệt bởi đây là chốn hội họp của dân chúng đồng thời cũng là nơi thờ thành hoàng của làng.

Đó là những tướng tài, danh nhân văn hóa… những người có nhiều công lao với đất nước hoặc là người có công lập nên làng đó.

Đã bao đời nay cha ông ta không ngừng góp công, góp của để xây dựng đình chùa bởi đây còn là niềm kiêu hãnh, tự hào của làng xã. Đình làng còn là biểu tượng sống trong tâm thức của những người con xa quê luôn nhớ về quê cha, đất tổ.

Trong quan niệm đạo Phật thì việc dày phúc nhất là cứu người và thứ hai là góp công, góp của xây dựng đình chùa và ngược lại, sát nhân và phá hoại đình chùa miếu mạo là những trọng tội không chỉ bị trừng phạt mà còn bị đời sau nguyền rủa.
 
Thế nhưng con cháu giờ đây một khi đã dỡ cả đình ra để bán thì có lẽ không có gì mà họ không bán. Họ sẽ bán, bán và bán không từ một thứ gì.

Trong thư điện tử (comment) gửi về Dân trí, bạn Thaidum@gmail.com viết: “Đến của đình chùa cũng bán thì không biết họ có bán luôn cả lăng mộ ông bà nhà mình luôn không nhỉ. Hết biết!”.

Bạn Ngo Quang Phuc quangku@gmal.com thì chua chát hơn: “Mấy anh cán bộ này liều thật. Chắc quan tài chôn bố các anh ấy bằng gỗ sưa chắc các anh ấy cũng dám đào lên đem bán”.

Còn bạn Phạm Thu Hà Thuhahp@yahoo.com thì phẫn nộ: “Chả phải là mả tổ mà khéo mả bố mẹ họ cũng bán”…

Những lời nguyền rủa nặng nề trên đã cho thấy sự phẫn nộ của người dân trước hành động này như thế nào.

Tháng 8/2013, khi nạn mua lá điều, rễ hồi, rễ tiêu, gốc tiêu, rồi cây sắn và móng trâu bò tràn lan, Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã từng chua chát cảnh báo trền Fb “Lão Khoa” của mình: “Cũng may, cánh thương lái Trung Quốc không thu mua hài cốt. Nếu họ thu mua, khéo có người đào cả mổ mả, tổ tiên đem bán cho họ rồi”.
Tiếc thay giờ đây, điều cảnh báo xót xa của Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã… gần thành hiện thực.
Nếu như không ngăn chặn và làm tốt công tác giáo dục thì khi có người mua, liệu có xảy ra tình trạng bán hài cốt cha ông không nhỉ?
Và chả lẽ đạo đức xã hội đã bi đát đến mức này sao?
Bùi Hoàng Tám
--

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét