Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

Ba lãnh đạo khiến người dân ‘thù ghét’ ‘kính nể’ ‘ngỡ ngàng’

Chu Công Phùng

Nhiều người dự đoán Thống tướng Than Shwe sẽ hành xử như lãnh tụ một số nước Châu Á là "được bầu làm Cố vấn" cho đảng cầm quyền hoặc cho chính phủ mới theo kiểu "buông rèm nhiếp chính". Nhưng ông chọn nghỉ hưu. Nhiều người chuyển thái độ từ "thù ghét" sang "kính nể". Dư luận quốc tế ngỡ ngàng.

LTS (VNnet): Gần đây, những thay đổi chóng mặt đã diễn ra tại Myanmar, từ cải cách chính trị, tổ chức Seagame 27 và giờ là Chủ tịch luân phiên ASEAN 2014.
Từng là đại sứ VN tại Myanmar trong một thời kỳ có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, ông Chu Công Phùng đã có những phân tích kỹ lưỡng về đất nước này. Hiện, ông vẫn theo dõi những diễn biễn mới, và  nhìn nhận sự phát triển của Myanmar trong tương quan thế giới. Xin trân trọng giới thiệu góc nhìn của ông.
Thống tướng Than Shwe và lộ trình 7 bước
Nhân tố chủ yếu dẫn đến sự thay đổi sâu sắc và toàn diện tại Myanmar suốt 3 năm qua là yếu tố con người bao gồm vai trò cá nhân lãnh tụ và vai trò tập thể nhân dân. Về vai trò cá nhân, bài viết này sẽ điểm lại 3 nhân vật góp phần tạo ra thay đổi "ngoạn mục" tại Myanmar.

Trước tiên là Thống tướng Than Shwe - người đứng đầu CP quân sự Myanmar có nhiều "tai tiếng" kể từ năm 1992 đến 2010. Tuy nhiên, vị Thống tướng này cũng để lại nhiều quyết sách tích cực mang dấu ấn lịch sử. Đó là việc ông chèo chống vất vả để đi tới quyết định Myanmar gia nhập Tổ chức ASEAN (tháng 7/1997), tiếp đó "nín nhịn" không để Myanmar làm Chủ tịch luân phiên ASEAN mỗi khi đến dịp. Trong những năm cuối cầm quyền, Thống tướng Than Shwe có 2 quyết sách quan trọng đem lại nhiều "tiếng thơm". Đó là:
- Năm 2004, Thống tướng Than Shwe quyết định ban hành và thực hiện "Lộ trình dân chủ 7 bước" dự kiến thực hiện trong 7 năm. Khi đó dư luận quốc tế và dân chúng Myanmar không tin, có người còn cho rằng đó là "trò hề mị dân" của CP quân sự. Thống tướng Than Shwe đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện quyết sách này. Sau 7 năm, ngày 7/11/2010, Myanmar đã tiến hành cuộc bầu cử toàn dân bầu ra QH hợp hiến và thành lập CP dân sự, mở đầu cho một kỷ nguyên mới của Myanmar.
Myanmar, thay đổi, dân chủ, xã hội, chính trị, phương Tây
Tướng Than Shwe. Ảnh: The Telegraph
Sau khi bàn giao quyền lực cho CP dân sự (ngày 30/3/2011), nhiều người dự đoán Thống tướng Than Shwe sẽ làm như lãnh tụ một số nước Châu Á là "được bầu làm Cố vấn" cho Đảng cầm quyền hoặc cho CP mới theo kiểu "buông rèm nhiếp chính". Nhưng ông đã dứt khoát lựa chọn con đường nghỉ hưu, không xuất hiện trước công chúng, không tiếp khách nước ngoài. Quyết định này của ông được các tầng lớp dân chúng Myanmar đánh giá rất cao, nhiều người chuyển thái độ từ "thù ghét" sang "kính nể". Dư luận quốc tế cũng ngỡ ngàng. Những bài viết của phóng viên nước ngoài về Thống tướng Than Shwe không còn nặng nề như trước năm 2010 mà đã thêm phần thiện cảm.
Riêng tôi khi đang công tác tại Myanmar đã có nhiều dịp trao đổi ý kiến với các quan chức trong CP dân sự mới của Myanmar. Có vị nói rất thật: "nếu Thống tướng mà làm "cố vấn" thì Tổng thống Thein Sein nói riêng và chúng tôi sẽ rất khó làm việc..."
Đánh giá về "công" và "tội" của một lãnh tụ quốc gia như Thống tướng Than Shwe là điều không dễ.
Tổng thống Thein Sein và cuộc hòa giải lịch sử
Nhân vật thứ hai là Tổng thống Thein Sein, vốn là Thủ tướng của chính quyền quân sự Myanmar trong gần 4 năm kể tháng 10/2007 đến khi bầu chính phủ dân sự 30/3/2011.
Tuy là nhân vật xếp thứ tư trong chính quyền quân sự, nhưng ông Thein Sein được đa số nghị sĩ QH bầu làm Tổng thống chính quyền dân sự. Có nhiều nguyên nhân khiến ông Thein Sein giành được sự ủng hộ, trong đó nổi bật là sự liêm khiết cũng như sự mẫn cán.
Myanmar, thay đổi, dân chủ, xã hội, chính trị, phương Tây
Tổng thống Myanmar U Thein Sein gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters
Ông  xuất hiện nhiều trong các diễn đàn khu vực và tiếp khách đối ngoại. Thủ tướng Thein Sein là người hiểu rõ những khó khăn của Myanmar trong những năm dài bị bao vây cô lập. Những phát biểu đúng mức và mềm dẻo của ông thu hút được nhiều thiện cảm của dư luận.
Với cương vị là Tổng thống hợp hiến của CP dân sự, sau 2 tháng kể từ ngày nhậm chức, ông Thein Sein đã có những quyết sách quan trọng được tuyệt đại đa số nhân dân Myanmar ủng hộ và quốc tế đánh giá rất cao.
Về đối nội:
- Ngày 16/5/2011, Tổng thống Thein Sein bất ngờ ký lệnh giảm án và đại ân xá cho 14.758 tù nhân, trong đó có hơn 200 tù chính trị. Sau nhiều lần Tổng thống Thein Sein ký lệnh đặc xá, đến ngày 31/12/2013, CP Myanmar công bố với thế giới đã thả hết tù nhân chính trị.
Tổng thống Thein Sein cũng ban lệnh cho phép và hoan nghênh tất cả Miến kiều trước đây bị cấm nhập cảnh do bất đồng chính kiến được về nước hội nhập và tham gia xây dựng quê hương. Một quyết sách mạnh bạo nữa là tháng 9/2013 ông đã ra lệnh công khai hóa sự kiện 8888 (sự kiện xung đột đàn áp đổ máu lớn nhất tại Yangon ngày 8/8/1988)
Ngày 19/8/2011, Tổng thống Thein Sein chủ động mời gặp và trao đổi ý kiến với bà Aung San Suu Kyi, mở đầu sự hòa giải sau 20 năm đối đầu quyết liệt giữa CP và đảng cầm quyền (đảng Đoàn kết phát triển - USDP) với bà Aung San Suu Kyi và đảng Liên đoàn dân chủ quốc gia -NLD. Dư luận Myanmar và quốc tế đánh giá rất cao cuộc gặp gỡ hòa giải lịch sử này giữa "2 con gà" (Thein Sein và Aung San Suu Kyi đều sinh năm Ất Dậu 1945). Báo chí Myanmar hy vọng "2 con gà" sẽ cất vang tiếng gáy báo hiệu thời kỳ hòa hợp dân tộc ở Myanmar đã đến.
Trong 2 năm tiếp theo, Tổng thống Thein Sein còn trực tiếp đàm phán và ký thỏa thuận hòa giải ngừng bắn giữa CP Trung ương với các nhóm vũ trang ly khai còn lại trong lãnh thổ Myanmar. Tiếng súng nội chiến ở Myanmar suốt hơn nửa thế kỷ cơ bản chấm dứt.
Nhân dân Myanmar đánh giá rất cao những quyết định cứng rắn của Tổng thống Thein Sein trong 3 năm qua đã cách chức miễn nhiệm 3 Bộ trưởng và một loạt Thứ trưởng trong CP vì các tội danh tham nhũng và không thực thi có hiệu quả chính sách của Tổng thống về cải cách kinh tế và mở cửa đối ngoại.
Myanmar, thay đổi, dân chủ, xã hội, chính trị, phương Tây
Bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: Reuters
Về đối ngoại:
Tổng thống Thein Sein có 2 quyết sách quan trọng trong xử lý quan hệ với TQ và Mỹ. Đó là:
1/ Ngày 30/9/2011, theo đề nghị của QH và nguyện vọng của dân, Tổng thống Thein Sein tuyên bố ngừng xây dựng dự án thủy điện khổng lồ Myitsone trên sông Irrawaddy - bang Kachin trị giá 3,6 tỉ USD do TQ đầu tư để bảo vệ môi trường sinh thái thượng nguồn dòng sông thiêng Irrawaddy - được người dân Myanmar ví như sông Hằng của Ấn Độ.
Lần đầu tiên trong hơn 20 năm Myanmar công khai nói "không" với TQ, gây tiếng vang rất lớn.
2/ Để đột phá quan hệ băng giá với Mỹ, ngày 30/11/2011, CP Myanmar mời Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thăm chính thức Myanmar. Đây là "chuyến thăm lịch sử" sau 55 năm lạnh nhạt giữa hai nước. Ngày 1/12/2012, Tổng thống Thein Sein tiếp và trao đổi ý kiến sâu rộng với Ngoại trưởng Hillary Clinton. Cùng ngày QH Myanmar thông qua "Luật biểu tình hòa bình", mở đầu cho thời kỳ dân chủ hóa ở Myanmar.
Sau chuyến thăm lịch sử của Ngoại trưởng Hillary Clinton, Mỹ quyết định nâng  quan hệ ngoại giao với Myanmar lên cấp Đại sứ. Sau khi tái trúng cử nhiệm kỳ 2, cuối năm 2012 Tổng thống Obama đã thực hiện chuyến xuất ngoại đầu tiên tới Myanmar và có cuộc hội đàm "lịch sử" với Tổng thống.
Biểu tượng dân chủ Aung San Suu Kyi
Nhân vật thứ ba là bà Aung San Suu Kyi.
Là "nạn nhân" của CP quân sự Myanmar, chịu cảnh tù đày, giam lỏng suốt hơn 20 năm, nhưng vì đại nghĩa hòa hợp dân tộc, vì tương lai phát triển, bà đã quên "thù riêng", chấp nhận hòa giải với CP và hợp tác có hiệu quả với Tổng thống Thein Sein. Những phát ngôn của bà  trong 3 năm qua có tác dụng rất lớn trong việc thuyết phục Mỹ và Phương Tây từng bước tháo bỏ bao vây cấm vận và bình thường hóa quan hệ. Các đảng phái đối lập và các nhóm vũ trang ly khai ở Myanmar vì thế cũng theo gương bà thực hiện hòa giải, ngừng bắn và hòa hợp với CP TƯ.
(Còn nữa)
  • Chu Công Phùng

 


1 nhận xét:

  1. Đó là những người thưc sự vì dân tộc của họ. Ở ta chủ yếu là vì nồi cơm nhà mình.

    Trả lờiXóa