Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Mùa xuân Ả Rập đưa Trung Đông về đâu?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai


Từ cuối năm 2010 những cuộc nổi dậy của người dân ở khu vực Trung Đông, hay còn gọi là Mùa Xuân Ả Rập đã bùng nổ bắt đầu tại Tunisia khi chàng thanh niên Mohammed Bouazizi, 26 tuổi bán hàng rong trên đường phố ở thủ đô Tunis tự thiêu đề phản đối cảnh sát tịch thu chiếc xe đẩy hàng, nguồn kiếm sống duy nhất của mình. Việc làm của Mohammed Bouazizi là giọt nước tràn ly dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối chính phủ với sự tham gia của hàng triệu người trên khắp đất nước, buộc Tổng thống Zine Al-Abidin Ali, cầm quyền từ 1987 phải rời bỏ quê hương.

Ngọn lửa chống chính phủ nhanh chóng lan rộng ra nhiều nước thuộc khu vực Trung Đông. Các chính quyền lần lượt sụp đổ.
Ngày 25/1/2011, tại Ai-cập, hàng triệu người đổ ra đường phố thủ đô Cai-rô tràn về quảng trường Al-Tahrir tố cáo Tổng thống Husni Mubarak độc tài, tham nhũng. Ngày 11/2, Tổng thống Husni Mubarak cầm quyền từ 1979 đã phải tuyên bố từ chức và tạm thời trao lại quyền lực cho quân đội. Ngày 16/2, các cuộc biểu tình đã lan sang nước láng giềng Libya và bùng nổ thành một cuộc nội chiến. Ngày 9/8/2011, Mỹ, Anh và các nước đồng minh NATO mở chiến dịch quân sự buộc người đứng đầu đất nước Libya Muammar Qaddafi sau 42 năm cầm quyền phải ra đi, sau đó ông đã bị các lực lượng nổi dậy bắt và giết ngày 20/10/2011.
Tại Yemen, các cuộc nổi dậy cũng đã buộc Tổng thống Ali Abdullah Saleh phải từ bỏ quyền lực, trao lại cho phó Tổng thống Abd Rabbuh Mansour Hadi. Các cuộc nổi dậy đã bùng phát tại một loạt các nước khác trong khu vực như Bahrain, Syria, Iraq, Algeria, Jordan, Morocco, Sudan....
Như vậy, chỉ trong vòng sáu tháng, bản đồ chính trị khu vực Trung Đông  đã thay đổi căn bản trên một vùng lãnh thổ rộng lớn trải dài từ Tunisia đến Ai-cập, từ Syria đến Yemen. Nhiều nhà nghiên cứu chính trị khi đó cho rằng Mùa Xuân Ả Rập sẽ thổi một làn gió dân chủ vào khu vực Trung Đông và sẽ lan rộng trở thành một cơn bão làm sụp đổ hàng loạt các chế độ độc tài, mở ra một kỷ nguyên mới cho các dân tộc ở khu vực này. Tuy nhiên, đến nay đã gần ba năm trôi qua, cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, tranh giành quyền lực giữa các phe phái, sự can thiệp từ bên ngoài, đặc biệt là các nước lớn đã đẩy khu vực Trung Đông vào một vòng xoáy bạo lực mới, làm rối loạn tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của các nước này.
Sau khi các chế độ độc tài, chuyên chế, cha truyền con nối, tham nhũng, không được lòng dân bị lật đổ.... lẽ ra các đảng phái, các phe nhóm chính trị, tôn giáo và tất cả những người yêu nước cần đoàn kết với nhau tìm cách khắc phục những tàn dư, hậu quả của chính quyền cũ để lại, giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội của đất nước, nguyên nhân chính làm bùng nổ các cuộc biểu tình, thì họ lại tập trung vào việc tranh giành quyền lực thông qua các cuộc bầu cử dân chủ. Và kết cục là các lực lượng hồi giáo cực đoan lên ngôi.
Tại Tunisia, sau cuộc cách mạng năm 2010, một chính phủ Hồi giáo được thành lập do ông Rached Ghannouchi, lãnh tụ của Đảng Hồi giáo An-Nahda làm Thủ tướng. Nhóm Ansar Al-Sharia là nhóm Hồi giáo cực đoan nhất ở Tunisia, đứng đầu là Saifalah Benahssin đã từng chiến đấu bên cạnh Al-Qaida ở Afghanistan. Nhóm này hiện đang nổi lên và muốn đóng vai trò rộng lớn hơn. Tại Libya, sau khi lật đổ chế độ Muammar Qaddafi, hàng chục nhóm Hồi giáo, phần lớn là các tổ chức Hồi giáo cực đoan, trong đó có nhóm Ansar Sharia, Tổ chức Anh em hồi giáo Libya (LMB), Mặt trận Cứu nguy dân tộc Libya (NFSL), Phong trào Tập hợp hồi giáo (IRM)... đã tăng cường hoạt động. Chính các nhóm này đã tấn công vào Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Bengazi, giết chết đại sứ Christopher Stevens ngày 12/9/2012. Trên thực tế, đến nay Hội đồng quốc gia quá độ (NTC) vẫn không quản lý được toàn bộ đất nước.
Tình hình tại Ai-cập cũng tương tự với tổ chức Anh em Hồi giáo đã giành được đa số trong các cuộc bầu cử Quốc hội và ông Mohammed Mursi, thủ lĩnh đảng Tự do và Công lý của tổ chức này đã được bầu làm Tổng thống. Ông chủ trương đưa Ai Cập trở thành một quốc gia theo chủ nghĩa Hồi giáo chính thống. Ở Yemen và Syria,  các lực lượng hồi giáo thân Al-Qaida đang ngóc đầu dậy chống lại chính quyền của các nước này. Trước việc gia tăng các hoạt động khủng bố, chủ yếu nhằm vào Mỹ, chính quyền Mỹ đã buộc phái đóng cửa 19 đại sứ quán của mình tại khu vực Trung Đông trong những ngày lễ Hồi giáo sau Tháng ăn chay Ramadan.
Một diễn biến đáng chú ý khác ở khu vực Trung Đông là quá trình thay đổi nhân sự cấp cao ở Iran. Ông Hassan Rouhani, giáo sĩ theo đường lối ôn hòa mới đây đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Iran, sau khi được lãnh đạo Tối cao Ali Khamenei phê chuẩn. Ông Rouhani đã từng giữ chức chủ tịch tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược (CSR) và là trưởng phái đoàn.
Các nhà phân tích đánh giá tân Tổng thống Iran có xu hướng thực dụng vì  ngay trong bài diễn văn đầu tiên trên cương vị Tổng thống, ông Rouhani cho biết trọng tâm trong thời gian nắm quyền của mình gỡ bỏ những chế tài của phương Tây đối với Iran và vực dậy nền kinh tế yếu kém. Ông nhấn mạnh, Iran mong muốn đạt được sự ổn định trong mọi lĩnh vực, xóa bỏ tất cả những quan ngại và nút thắt cổ chai mà Tehran phải đối mặt, nhất là các lệnh cấm vận của Mỹ, EU.
Ngay sau khi ông Rouhani thắng cử, Nhà Trắng lập tức có lời chúc mừng tân Tổng thống Iran. Washington kêu gọi lãnh đạo của Tehran “lắng nghe ý muốn của người dân Iran và những lựa chọn có trách nhiệm”, đồng thời ghi nhận Mỹ vẫn mở đối thoại trực tiếp với Iran.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, ông Rouhani bây giờ có cơ hội để giữ lời hứa của mình để người dân Iran “khôi phục và mở rộng quyền tự do cho tất cả người Iran”. Tuy nhiên cũng có ý kiến khác. “Vị trí Tổng thống Iran có thể thay đổi nhưng mục tiêu của chính phủ thì không đổi” là phản ứng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - quốc gia Trung Đông duy nhất có vũ khí hạt nhân và cũng là thù địch của Iran. Trong khi đó, Nga thông báo rằng Tổng thống Putin có thể sẽ thăm Iran vào thời gian tới để thảo luận với tân Tổng thống Rouhani về việc tái khởi động đàm phán hạt nhân của nước này và cung cấp cho Iran hệ thống tên lửa đạn đạo Antey-2500 thay cho hệ thống tên lửa phòng không S-300 đang bị trì hoãn chuyển giao.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, những gì đang xảy ra tại Trung Đông dường như nằm ngoài những toan tính của Mỹ. Mỹ đã quá hy vọng rằng Mùa Xuân Ả Rập sẽ thổi vào khu vực một làn gió dân chủ mà không thấy được những đặc điểm của một khu vực Hồi giáo, không tính hết những khả năng có thể xảy ra thời kỳ hậu Mùa Xuân Ả Rập.  Các chế độ cũ sụp đổ đã để lại một khoảng trống quyền lực và đây là mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động của các lực lượng Hồi giáo và các tư tưởng chống Mỹ nảy mầm.
Trước đây Mỹ cũng cho rằng việc dùng quân sự lật đổ chính quyền Taliban ở Afghanistan năm 2001 và Saddam Husein ở Iraq năm 2003 sẽ đem lại hoà bình, dân chủ và thịnh vượng cho các đất nước này, nhưng đã hơn 10 năm trôi qua, nhân dân ở đây vẫn phải sống trong ác mộng.
Có lẽ do hiểu được tình hình phức tạp ở các quốc gia theo đạo Hồi, Mỹ đang tỏ ra thận trọng hơn trong vấn đề Syria và Iran. Từ chỗ ủng hộ mạnh mẽ các lực lượng đối lập, kêu gọi quốc tế can thiệp quân sự lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad, mặc dù còn nhiều bất đồng, đầu tháng Tám vừa qua, tại cuộc họp 2+2 tại Washington, Mỹ đã phải đồng ý với Nga để triệu tập hội nghị quốc tế tại Geneva nhằm tìm ra một giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột tại Syria. Trong quan hệ với Iran, thay vì dùng sức mạnh quân sự, Mỹ cũng đang cố gắng để tìm ra một cách tiếp cận mới ôn hoà hơn để giải quyết vấn đề hạt nhân của nước này.
Mùa Xuân Ả Rập sẽ đưa khu vực Trung Đông đi về đâu? Có thể nói cho đến nay Mùa Xuân Ả Rập mới chỉ phản ánh được khát vọng của người dân Ả Rập về một xã hội tốt đẹp hơn, nhưng khát vọng đó đang tàn lụi theo thời gian. Mùa Xuân Ả Rập đang đưa Trung Đông đến một tương lai mù mịt, khó lường.
           

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét