Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

Ngoại giao - nghề lao tâm khổ tứ

Bích Diệp, báo Người Lao động

Qua những câu chuyện người thật, việc thật, cuốn sách Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao vừa ra mắt độc giả đã khắc họa phần nào công việc hết sức gian nan nhưng đầy thú vị này

Nhà ngoại giao Vũ Khoan, nguyên phó Thủ tướng Chính phủ, cho biết những tác giả của Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao như Nguyễn Văn Ngạnh, Nguyễn Tâm Chiến, Hồ Thể Lan, Đỗ Ngọc Sơn, Nguyễn Chiến Thắng, Nguyễn Thị Hồi, Nguyễn Đức Hùng hay bản thân  ông đều không phải là nhà văn nhưng đều biết viết. “Một nhà ngoại giao là phải có 10 kỹ năng: Biết nhìn, biết nghe, biết ăn, biết nói, biết mặc, biết đi, biết đứng... Trong đó, kỹ năng viết rất quan trọng” - ông tiết lộ.
 
Ông Vũ Khoan (bìa phải, hàng ngồi) và nhóm tác giả Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao. (Ảnh tư liệu)
Hứng chịu áp lực
Theo ông Vũ Khoan, nhóm tác giả cuốn sách đều đã từng tôi luyện cách viết. Tuy nhiên, họ không thể viết như kiểu văn thơ được mà thường xuyên phải thảo văn kiện, tuyên bố. Khi đã về nghỉ hưu, họ muốn thử sức trong một thể loại mới là viết về những trải nghiệm của mình qua quá trình công tác nhưng không phải với mục đích viết lại lịch sử, giáo trình hay hồi ký. Họ chỉ muốn góp phần khiêm tốn sao cho lớp người sau lượm lặt được đôi điều bổ ích. 
Ông Khoan tâm sự muốn làm nhà ngoại giao tốt, phải biết viết tốt. Ý nghĩ sâu đến đâu mà viết dở sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. “Hồi làm ở Bộ Ngoại giao, anh em hay phàn nàn sao tôi cứ ngồi chữa từng chữ, từng dấu phẩy; sao không viết “vinh quang” mà cứ chữa thành “quang vinh” hay sao “cứu cánh” lại mang ý nghĩa khác…?” - nhà ngoại giao nhớ lại. Ông cho rằng mình may mắn học được những cách viết đúng nghĩa từ các bậc tiền bối như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng…
Ông Vũ Khoan nhận xét nhà ngoại giao chuyên nghiệp phải hứng chịu biết bao áp lực từ bàn đàm phán về lợi ích quốc gia, đồng bào, dân tộc, lịch sử… Ông cho biết có những thời khắc tưởng như mình không trụ được. Năm 2000, trong quá trình đàm phán với Mỹ để ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA), ông đã phải lao tâm khổ tứ để gạt bỏ được những bất đồng giữa hai bên.
“Tôi báo cáo về nước rằng phía Mỹ yêu cầu ngày mai phải trả lời “yes” hay “no” để có thể đi đến ký kết nhưng ở nhà không có động tĩnh gì. Tôi thức trắng cả đêm nhấp nhổm chờ câu trả lời. Sốt ruột quá, tôi gọi điện cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm để nhờ hỏi ý “các cụ” thế nào. Anh Cầm bảo: “Đi vắng hết rồi”. Tôi phát hoảng: “Thế thì chết, anh gọi điện yêu cầu họp gấp đi, nếu không sẽ gây ra bê bối quốc tế ghê lắm”. May quá, đến gần sáng thì anh Cầm trả lời: Đồng ý ký. Lúc đó, người tôi như cất được một tảng đá luôn đè nặng” - ông nhớ lại.
Nhà ngoại giao kỳ cựu thẳng thắn: “Làm ngoại giao không phải là lên xe xuống ngựa, không phải diện quần áo, dự tiệc tùng đâu. Đó chẳng qua là bề ngoài hão huyền thôi. Bên trong nhiều khi rất cơ cực, nhất là lúc ra mặt trận mà sau lưng không nhất trí. Đây là trường hợp khó khăn nhất. Nếu đằng sau có sự chống lưng vững chãi thì mình không bao giờ nao núng trước đối phương”.
Phải luôn làm mới mình
Theo ông Vũ Khoan, trong quá trình đàm phán ngoại giao với đối tác nước ngoài, trước hết phải khẳng định ngay thái độ và lập trường, sau đó mới có cách xử lý thích hợp. “Phải biết dựa vào nội dung đàm phán để có thái độ thích hợp, luôn chân thành, cởi mở nhưng đôi lúc phải khéo léo hoặc mạnh mẽ. Bác Hồ dạy: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, trong đó cái “bất biến” là ta phải bảo vệ lợi ích của mình, còn “vạn biến” là phải biết uyển chuyển để bằng mọi cách bảo vệ được lợi ích dân tộc” - ông giải thích.
“Ngoại giao là luôn đi trên dây, mà ngoại giao Việt Nam lại thường xuyên đi trên dây. Tôi xin được thêm một từ là xiếc ngoại giao - ngoại giao là làm xiếc” - ông Vũ Khoan hóm hỉnh. Theo ông, ngoại giao thời chiến và thời bình rất khác nhau. Thời chiến thì tùy đối tượng, nội dung mà ứng xử nhưng thời bình thì phải biết hòa hiếu. “Nếu áp dụng không khí ngoại giao thời chiến vào thời bình, lúc nào cũng căng thẳng thì sẽ không thể thành công” - ông khẳng định.
Tuy nhiên, ông Vũ Khoan cho rằng muốn có được thái độ hòa hiếu, lịch lãm trong ứng xử thì nhà ngoại giao phải “chịu chơi”. Không còn thời chiến tranh hay bị cô lập, nhà ngoại giao phải biết làm mới mình bằng các hoạt động văn - thể - mỹ như phải biết hát karaoke, chơi golf…
Chuyện đến với sân golf của ông Vũ Khoan mang lại nhiều suy ngẫm về ngoại giao thời bình. Trong những cuộc họp SOM trong khối ASEAN do ông làm trưởng đoàn, theo nguyên tắc của ASEAN, các đoàn phải đạt được sự đồng thuận trước khi ký kết nhưng trưởng đoàn các nước lại hay có bất đồng và rất khó dàn xếp. Do đó, họ thường  sử dụng hình thức không chính thức để dàn xếp những vấn đề gay cấn.
Lần ấy, có một thỏa thuận trong nội bộ ASEAN không nhất trí được nên dừng lại. Sáng sớm hôm sau, các trưởng đoàn đi đánh golf. Ông Vũ Khoan lúc này chưa biết gì về golf nên không tham gia. Sau đó, các trưởng đoàn đi đến thỏa thuận cuối cùng tại sân golf và ông nhận được câu trả lời thẳng của họ rằng không biết đánh golf là lỗi của ông. “Ngoại giao thời bình là phải chịu chơi. Chịu chơi nhưng phải giữ được mình chứ đánh mất bản thân thì nguy hiểm lắm” - ông tâm sự.
Ông Vũ Khoan cho rằng ở thời nào cũng vậy, lợi ích quốc gia rất khác nhau, có thể nảy sinh mâu thuẫn. “Trong ngoại giao cần phải ứng xử với những vấn đề mâu thuẫn bằng giải pháp mềm chứ không cần giải pháp cứng” - ông đúc kết.
 
Đối nội tốt mới đối ngoại giỏi
Ông Vũ Khoan từng kinh qua nhiều công việc, phiên dịch, lễ tân, nghiên cứu rồi thăng tiến dần trong các hàm ngoại giao. Trong Bộ Ngoại giao, ông từng làm vụ trưởng Vụ Tổng hợp, tổng hợp kinh tế rồi thứ trưởng, thứ trưởng thường trực. Sau đó, ông được cử làm bộ trưởng Bộ Thương mại rồi phó Thủ tướng.
Thông điệp mà ông Vũ Khoan đưa ra là: “Muốn làm ngoại giao tốt, phải làm đối nội tốt. Không hiểu rõ trong nước thì không bao giờ làm ngoại giao tốt. Vì thế, phải để ý các chuyện trong nước vì nó sẽ giúp ta làm ngoại giao tốt”.
Kỳ tới: Giữa hai “làn đạn”
BÍCH DIỆP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét