Thứ Tư, 9 tháng 10, 2019

ĐẠI TÁ, NHÀ VĂN NHÀ BÁO QUÂN ĐỘI PHẠM QUANG ĐẨU NHẬN XÉT NGỤ CƯ


Mở đầu cuốn sách, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta những năm 1980 gặp rất nhiều khó khăn, ở một trường đại học nọ có giảng viên Bùi Khoái đang rất muốn thoát khỏi cảnh nghèo túng. Trong bộ môn của anh đã có 2 người “tự cứu” bằng cách nuôi lợn chui trong khu tập thể; 1 cuốn thuê xú-vôn-tơ; 3 lặng lẽ chuồn ra ngoài dạy thêm... Còn anh, tìm được bí quyết tạo ra sự gắn kết giữa cao su và tấm mành lưới đã hăng hái vay tiền mua máy ép nóng lập xưởng sản xuất lốp xe đạp. Cơ chế chính sách thời ấy chưa cho phép anh làm giàu kiểu như vậy, nên đã sớm “sập tiệm” và lâm vào cảnh nợ đầm đìa. Vợ sắp sinh, bố, rồi chị dâu ở quê đau yếu nặng đang cần tiền thuốc thang, để cứu nhà Bùi Khoái chỉ còn cách bỏ nghề, xuất khẩu lao động sang các nước XHCN Đông Âu. Và anh trở thành đội trưởng lao động ở một nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô thủ đô Pra-ha, nước Tiệp. Câu chuyện bươn trải kiếm đồng tiền bát gạo nơi xứ người bắt đầu từ đây. Ngay trong năm đầu lãnh trách nhiệm đội trưởng trong nhà máy, anh đã “chân ngoài dài hơn chân trong” buôn bán đủ thứ, giao du với đủ hạng người, được mất liên tiếp và có lúc còn suýt đánh đổi cả mạng sống của mình. Ở môi trường kinh doanh chụp dật như thế, anh phải làm lại từ đầu, học những bài sơ đẳng về kinh doang, đại loại như lời dạy dỗ của một cô công nhân người Hải Phòng đã đi xuất khẩu trước anh: “Làm ăn dễ thôi, mình có hàng thì đem bán. Bán có tiền lại đi ôm của người khác về. Cứ thế quay vòng cho vốn lớn lên”(Trang 61); hoặc: “Anh ngốc ạ, trong khi chưa gửi được về thì mình bán lại cho người ta. Miễn là có lãi. Để chất đống trong nhà làm gì. Bằng lòng ăn ít thôi nhưng nhanh được ăn, vốn mau tăng. Có vốn thì lại đánh được nhiều hàng.”(Trang 73)...Tác giả tả lúc anh “tân binh” ấy đi giao hàng lậu bằng những dòng khá sinh động, hóm hỉnh: “Bùi Khoái và Đình Dũng tiến đến ngồi xuống ghế, vẫn không ai nói gì, nghe rõ tiếng tim đập thình thịch trong ngực...đến khi mở cửa phòng rồi khép chặt cửa lại, cả hai mới thở phào và phá lên cười: Mẹ kiếp cứ như biệt động Sài Gòn ấy.”(Trang 88). Thế rồi trong hoàn cảnh liên tục gặp thất bát, tai bay vạ gió cũng làm anh ta khôn lanh lên nhiều, có lúc còn đứng ra lập hẳn một xưởng may quần bò jens đem bán xỉ hoặc đóng hàng gửi về nước. Đến khi anh tích cóp được một món tiền kha khá định để “mở rộng sản xuất” và gửi về nước trả nợ, thì bị bọn xã hội đen “khoắng” sạch. Choáng váng, tưởng như bị quỵ hẳn. Bạn bè xúm lại đỡ anh đứng dậy, họ giúp anh những lúc hoạn nạn vì thấy anh là người trọng tín nghĩa. Trước lúc đi xuất khẩu, Bùi Khoái đã phải đôn đáo vay nợ nhiều nơi, đều hứa sang nước người làm ăn có tiền sẽ sớm gửi về trả. Có ông bạn đồng nghiệp cùng trường láu cá, ra điều kiện “dễ dãi” là vay bao nhiêu đồng Việt Nam thì trả đúng bấy nhiêu đồng cu-run Tiệp chuyển đổi bằng hiện vật. Khi anh trả số nợ qua một người quen của tay láu cá ấy, dù biết mình bị mắc lỡm, một đồng cu- run ăn những bốn, năm đồng Việt và đã có người bày cho cách vẫn trả đủ bằng hiện vật, mà mình lại đỡ bị thiệt thòi, nhưng anh vẫn nhất quyết trả đúng bằng số cu-run như đã hứa. Chính vì trọng chữ “tín”, mà khi làm ăn ở Tiệp bị trắng  tay phải bán xới sang nước láng giềng là Ba Lan, Bùi Khoái lại có được thành công, lần này lớn hơn, vững chắc hơn. Nhờ sự giúp đỡ của một “soái” vốn là học trò từng tham gia vào công trình ép lốp xe đạp ở nhà, anh lập ra hợp tác xã mua bán, mở công ty buôn bán quần áo, mở nhà hàng ăn uống các món đặc sản Việt Nam, rồi cho thuê kho bãi, dịch vụ vận chuyển...Cũng có nhiều kẻ xấu định hại anh, cướp hàng, thậm chí còn định “xơi tái”, song trong quá trình hơn chục năm làm ăn ở xứ người anh có rất nhiều bạn tốt, cưu mang giúp đỡ trong lúc hoạn nạn. Nhân vật chính được tác giả dày công khắc họa là một con người tử tế, song không phải anh ta không có lúc mù quáng, mắc sai lầm, mà là sai lầm nghiêm trọng suýt đổ vỡ lâu đài hạnh phúc anh đã dày công vun đắp. Ấy là khi xuất hiện nhân vật “nữ quái” Minh Thúy. Lúc cô ta đang thất cơ lỡ vận, phải đứng trong tuyết bán hàng rong ngoài chợ thì tình cờ gặp “soái” Bùi Khoái. Tuy anh vốn không phải kẻ háo sắc, song lại “máu” có con trai nối dõi tông đường. Con gái anh đã lớn và Thanh, vợ anh thì ốm yếu. Trước một Minh Thúy “gái một con mòn con mắt” anh đã không cầm lòng và nhanh chóng đi đến quyết định lén lút qua lại với cô, cưu mang cô, biến cô thành bồ nhí. Đọc vị được đối tác và chớp thời cơ để mong thành bà chủ giàu có, cô ta đã lừa Bùi Khoái trong một màn kịch “hôn nhân giả”. Đến phút cuối, khi sắp sa chân xuống vực thì nhân vật chính của chúng ta mới sực bừng tỉnh. Đoạn kết của tấn bi hài ấy, anh đối thoại với Thanh, người vợ thủy chung, đôn hậu: “Cô chậm bước những bước dứt khoát đi vào trong phòng, tay run run cầm ra một chiếc phong bì đưa cho Bùi Khoái. Bùi Khoái mở phong bì, đứng chết lặng. Không đọc hết anh cầm lá đơn ly hôn xé vụn...”(Trang 395). Dù sao, tác giả cho nhân vật chính của mình “thoát hiểm” theo cái cách như thế, một cái kết có hậu như thế cũng là muốn người đọc không cảm thấy hụt hẫng, tiếc nuối như trong nhiều tiểu thuyết tâm lý xã hội thường khai thác bi kịch hôn nhân đổ vỡ  diễn ra trong các gia đình thời hiện đại.  Cái kết của cuốn sách là có hậu, như câu ngạn ngữ “ở hiền gặp lành”. Coi trọng chữ “Tín” là bản năng trong con người anh. Ngay cả sau này, khi Bùi Khoái đã trở thành một nhà kinh doanh có tiếng, tính cách ấy vẫn được nhận ra trong các tình huống. Đấy là dụng ý xuyên suốt khi xây dựng nhân vật Bùi Khoái của tác giả Thăng Sắc.

          “...Trong Ngụ cư có nhiều nhân vật tuy không là nhân vật chính, nhưng gây được ấn tượng đẹp trong lòng người đọc. Đó là cô Bích Ngọc xinh xắn và thông minh từng nhiều năm đồng hành, chia ngọt sẻ bùi với Bùi Khoái từ Tiệp sang Ba Lan, để rồi lặng lẽ “rút lui” khi thấy người bạn trai, có lúc là người tình gần gũi ấy có một gia đình hạnh phúc, một người vợ hiền lành rất mực yêu chồng và đứa con ngoan. Lê Văn Thành, Nguyễn Bách là những bạn hàng tận tâm giúp đỡ bạn bè và nhiều sáng kiến. Zdennech, anh bạn Ba Lan, một thành viên trong hội đồng quản trị Công ty Buikhoai S.C, mềm mại, khôn khéo khi xử lý các tình huống gay cấn cụ thể trong kinh doanh. Trung tá Bùi Khoai, anh ruột của Bùi Khoái là một quân nhân dũng cảm, mưu lược từ cuộc chiến giúp bạn Campuchia đánh đuổi bọn diệt chủng Pôn Pốt trở về, trong đời thường đôi khi ông lại quá nghiêm khắc với con cái và chậm hòa đồng với môi trường sống mới...
          Nhìn chung cách dựng nhân vật trong tác phẩm của tiểu thuyết Cư trú mang tính “đơn tuyến”. Mọi diễn biến trong một thời gian dài hàng chục năm, trong một không gian rộng của hai quốc gia Đông Âu, mà khi gấp lại gần 400 trang của tác phẩm người đọc không khỏi cảm thấy vẫn có một sự đơn điệu, thiếu hụt nào đó, chưa tương xứng với quy mô định mở ra của tác phẩm. Giá tác giả dầy công hơn, tạo dựng thêm những tuyến nhân vật khác nữa, khắc họa sâu thêm các nhân vật, ngoài Bùi Khoái thì tác phẩm  sẽ có sức hấp dẫn và sâu sắc hơn.
          Từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập toàn cầu, hình thành nên một cộng đồng người Việt sinh sống ở  nước ngoài, tập trung nhiều ở các nước Đông Âu. Cộng đồng này ngày càng trở nên đông đúc, phong phú, là một hình thái kinh tế- xã hội mới của người Việt Nam ở nước ngoài. Thời gian qua đã lẻ tẻ xuất hiện một số tác phẩm văn chương của các tác giả trong và ngoài nước, viết về thân phận người Việt sống trong xã hội lấy buôn bán kinh doanh để mưu sinh, tồn tại. Có thể kể ra những  tiểu thuyết về người Việt xuất khẩu lao động được bạn đọc chú ý, như Thương yêu của Trần Dũng(năm 1993); Quyên của Nguyễn Văn Thọ(2009) và gần đây là Con rối tha hương của nữ tác giả người Đức Karin Kalisa. Đến Ngụ cư của Thăng Sắc ra mắt bạn đọc trong năm 2017 này cho ta cái nhìn khá toàn diện, sâu sắc về con người Việt Nam thời hiện đại trong cuộc tha hương đầy gian truân nơi đất khách quê người.
          Tác giả Thăng Sắc, tên thật là Nguyễn Chiến Thắng vốn là một nhà ngoại giao kỳ cựu, ông từng là đại sứ ở Pháp, Angiêri và Campuchia. Ông còn có bằng thạc sĩ văn chương tại đại học Sorbonne, Pháp. Đến nay, ông đã có nhiều đầu sách là tiểu thuyết, truyện ngắn. Ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam sau khi tác phẩm Chú Tư con là ai(NXB Lao động 2009), tiểu thuyết về cộng đồng người Việt sống lênh đênh trên biển hồ Ton Lesap, Campuchia, đã được nhận giải thưởng văn học Mê Kông của các hội nhà văn ba nước Đông Dương, năm 2010. Vốn sống tích tụ trong nhiều năm là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, cộng với kỹ năng viết được đào tạo bài bản, nhà văn Thăng Sắc đã có những thành công nhất định khi đề cập tới một đề tài mới mẻ, còn ít tác giả đào xới. Và dường như sau khi nghỉ hưu ông có nhiều thì giờ hơn dành cho văn chương, ở tuổi bảy mươi ông cho ra đời liền hai cuốn tiểu thuyết Đi trong lốc xoáy(năm 2016); Ngụ cư(2017), đều lấy bối cảnh kinh tế xã hội đất nước thời đổi mới, hội nhập đã gây được sự chú ý của bạn đọc rộng rãi. Bút lực còn mạnh, vốn văn hóa dày dặn, hy vọng sắp tới sẽ còn được đón đọc những sáng tác mới có sức lan tỏa của nhà văn Thăng Sắc”.
                                                                          (Thời báo Kinh tế, 12/2017)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét