Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

Bức tượng đài của tình hữu nghị

Nguyễn Khánh Hòa


Bắt đầu từ ngày 17/12/2008, tại Thủ đô Mexico tươi đẹp, bên Đại lộ 20 tháng 11 - một trong những trục đường chính dẫn đến Quảng trường Hiến pháp  Zocalo thuộc Trung tâm Lịch sử của Thành phố và chỉ cách Zocalo tám ngã tư, xuất hiện một địa danh mới mang tên Vườn hoa Tự do của các dân tộc mà mọi người thường gọi là Vườn hoa Việt Nam. Giữa hoa viên rợp  bóng cây xanh rộng một ngàn năm trăm mét vuông này, Bức tượng đồng toàn thân Chủ tịch Hồ Chí Minh tọa lạc trang trọng.


Những người bạn Mexico tập hợp xung quanh Viện Hữu nghị và Hợp tác Mexico - Việt Nam là những người đi đầu và có nhiều đóng góp tích cực thúc đẩy Chính quyền Thủ đô xúc tiến đề án có ý nghĩa này; đồng thời cũng là những người đầu tiên có sáng kiến chọn bức ảnh Hồ Chủ tịch đọc báo trong Vườn hoa Phủ Chủ tịch để dựng tượng Người. Ông Virgilio Caballero, Chủ tịch Viện đã tâm sự: “Là một vĩ nhân, một nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đề cập đến rất nhiều từ các góc độ. Một trong những phẩm chất cao quí của Người là sự giản dị. Sự vĩ đại của Hồ Chí Minh là ở chỗ: Bằng sự giản dị của mình, Người đã nâng những người dân bình thường lên một tầm cao mới xứng đáng với vị trí chủ thể xã hội. Vì vậy, chúng tôi muốn có một pho tượng Người gần gũi với đời thường ở giữa Thủ đô Mexico. Và bức ảnh này đã thể hiện được điều đó”. Cao đẹp thay chủ nghĩa nhân văn trong con người Hồ Chí Minh! Tấm gương đạo đức đó đã được quốc tế đánh giá cao và làm xúc động bao tấm lòng bè bạn. Chợt nhớ đến những vần thơ của Nhà thơ lớn Tố Hữu nhắc lại câu nói của Marat, lãnh tụ Cách mạng Pháp (1789): “Người ta lớn bởi ta quì xuống/ Hỡi nhân dân hãy đứng thẳng lên”. Hai con người, một tư tưởng: một người kêu gọi nhân dân đứng dậy, một người nâng nhân dân lên.

Pedro Ramirez Ponzanelli, nghệ sĩ điêu khắc Mexico đã được chọn để thực hiện công trình. Sinh năm 1973 tại Thành phố Mexico trong một gia đình gốc Italia giàu truyền thống hoạt động nghệ thuật. Ông là hậu duệ của gia đình nghệ sĩ Ponzanelli danh tiếng - nhiều thành viên nhà Ponzanelli đã tham gia sáng tác  các tượng thánh cho Nhà thờ Carrara ở Italia vào những năm 20 của thế kỷ trước và tham gia dựng nhiều pho tượng đẹp trên Đại lộ La Reforma và Cung Mỹ thuật của Thủ đô Mexico.  Biết cầm cọ từ rất sớm, năm 14 tuổi cậu bé Ponzanelli đã từng đạt Giải thưởng Hội họa quốc gia trong cuộc thi dành cho thiếu niên. Ở tuổi 35 trẻ trung và tràn đầy sức sáng tạo, nghệ sĩ đã “sở hữu” trong tay nhiều tác phẩm sáng giá, trong đó, một phần đáng kể là tượng các danh nhân nổi tiếng: Benito Juarez - Anh hùng dân tộc Mexico, José Marti - Anh hùng dân tộc Cuba, Tướng quân Emiliano Zapata - Nhà cách mạng Mexico lừng danh …

Chúng tôi được mời đến thăm xưởng của ông khi ông chuẩn bị hoàn thành phác thảo tượng Hồ Chí Minh. Bước vào xưởng, không ai bảo ai, tất cả chúng tôi đều đứng sững lại trước pho tượng Bác với kích thước tự nhiên được đặt ở giữa sảnh. Lặng người xúc động không chỉ vì pho tượng được thể hiện giống Bác như trong suy nghĩ thân thuộc của chúng tôi, mà còn vì ở đó, toát lên thần thái ung dung giản dị của một bậc hiền triết từ ánh mắt, đến chòm râu, vầng trán… điều mà các bạn Mexico mong muốn được chiêm ngưỡng. Trong nghệ thuật, chìa khóa thành công là truyền tải được cái thần của nhân vật muốn thể hiện. Điêu khắc không phải là ngoại lệ. Đối với nghệ sĩ nước ngoài, với một đề tài  mới lạ như Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều này lại càng khó. Nhưng Ponzanelli đã làm được.

Để đi đến thành công này, trong những ngày qua, nghệ sĩ đã làm việc say mê, miệt mài và nghiêm túc. Trên bức tường phía sau, treo la liệt các bức ảnh Bác qua các thời kỳ hoạt động cách mạng: từ Nguyễn Ái Quốc ở Đại hội Tua, từ Tống Văn Sơ ở Hương Cảng, đến Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, vị Chủ tịch “ung dung yên ngựa” trên đường công tác trong kháng chiến chín năm, vị Tư lệnh tối cao “chống gậy lên non xem trận địa” trong Chiến dịch Biên giới, Bác Hồ tăng gia sản xuất, Bác Hồ với các anh hùng dũng sĩ miền Nam, Bác Hồ với các cháu thiếu niên nhi đồng… Phải quan sát tỷ mỉ nhân vật ở nhiều góc độ và thời điểm khác nhau với sự tinh tế đặc biệt của nghệ sĩ để trong một khắc thăng hoa mà nhà Phật gọi là sát na bắt được cái hồn nhân vật. Bằng giọng trầm ấm, ông chỉ vào một bức ảnh chụp Hồ Chí Minh đang giơ tay vẫy chào như chuẩn bị bước vào cõi vĩnh hằng mà nói: “Điều đặc biệt ở đây là ngón tay trỏ của Hồ Chí Minh trội hẳn lên so với các ngón khác trong bàn tay. Người ta bảo rằng xưa kia, bàn tay Đức Chúa Jesus cũng vậy”. Ông quan tâm hỏi chúng tôi các chi tiết rất nhỏ có liên quan trong bức ảnh: bộ bàn ghế mây, hộp thuốc lá đặt trên thảm cỏ, tập tài liệu  trên bàn… để thể hiện vào tác phẩm. Một cô thư ký trẻ đứng bên cạnh lia bút rất nhanh ghi lại các thông tin đó. Tôi hiểu: Nghệ sĩ đã tìm tòi, khám phá, sáng tạo và gửi gắm vào pho tượng tất cả  tình yêu của mình đối với Việt Nam, sự ngưỡng mộ và tấm lòng kính trọng của mình đối với Hồ Chí Minh. Ông bảo mình đã có may mắn được giao phó thể hiện một vĩ nhân - người đã thức tỉnh và làm xúc động biết bao con tim khối óc của nhân lọai, trong đó có nhân dân Mexico. Cơ may hiếm hoi đó, thử hỏi  đã có mấy ai gặp được trong đời. Quả là các bạn Mexico đã biết “chọn mặt gửi vàng” vì người được chọn đã không phụ lòng tin và niềm kỳ vọng.

Sau đó, chúng tôi lại có dịp đến thăm Xưởng đúc khi thực hiện việc đúc tượng Bác. Ngổn ngang trong nhà ngoài sân là các loại tượng với đủ cỡ kích khác nhau, tất cả đều được chế tác từ  đồng. Thông thường, tượng đồng được làm bằng một hợp kim pha chế theo tỷ lệ khoảng 85% đồng, 5% kẽm, 5% thiếc và 5% nhôm. Những thỏi đồng vàng óng  được cắt nhỏ ra và bỏ vào lò ngùn ngụt lửa để luyện. Khi đồng đã nóng chảy, người ta bỏ vào nồi một loại bột thủy tinh để loại các tạp chất rồi rót hợp kim vào các khuôn đã chuẩn bị sẵn. Nếu pha chế theo đúng tỷ lệ, tượng đồng sẽ không bao giờ bị rỉ. Bình thường, sau một thời gian, tượng đặt ở ngoài cánh đồng sẽ ngả sang màu cà phê, tượng đặt ở thành phố sẽ ngả màu đen, tượng đặt ở gần biển sẽ có một lớp sét màu xanh phủ ở bên ngoài. Ponzanelli cho biết: “Khi hoàn tất, tượng Hồ Chí Minh sẽ được phủ ngoài một lớp sáp màu nâu để tạo nên một cảm giác ấm áp”. Ở khoảng nằm gần như vuông góc với tượng Hồ Chủ tịch, ông đặt thêm một chiếc ghế để trống, với hàm ý về tấm lòng rộng mở của Hồ Chí Minh, rằng như Bác luôn sẵn sàng tiếp đón khách quí - đồng bào chiến sĩ yêu mến của Người hay bạn bè thân thiết đến từ năm châu bốn biển.

Ai đã từng một lần đặt chân đến Thủ đô Mexico đều nhận thấy sự hiện diện của nhiều công viên và tượng đài ở Thành phố khổng lồ này. Nhưng tượng đài về các danh nhân nước ngoài, nhất là các danh nhân ngoài châu lục Mỹ La tinh  không nhiều. Đến nay, đối với  châu Á, trước khi đặt tượng Hồ Chí Minh, chỉ có duy nhất tượng Mahatma Gandhi của Ấn Độ. Trung tâm Lịch sử của Thủ đô nổi bật bởi rất nhiều công trình đẹp, có giá trị về văn hóa, lịch sử và kiến trúc nên từ trước đến nay, khu vực này luôn được chính quyền và nhân dân nâng niu, gìn giữ. Người ta đã lên qui hoạch tổng thể rất kỹ lưỡng với các yêu cầu nghiêm ngặt để sửa chữa, nâng cấp Trung tâm. Các yêu cầu càng khắt khe hơn đối với mọi việc xây dựng ở đây các công trình mới. Vì vậy, chỉ riêng việc Vườn hoa Việt Nam - với tượng Hồ Chí Minh được đặt ở một vị trí trang trọng này, cũng đủ nói lên sự quí trọng của chính quyền và nhân dân Thủ đô Mexico đối với Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tháng chạp dương lịch ở đây giống như tháng chạp âm lịch ở ta. Khắp nơi bừng lên không khí cuối năm nhộn nhịp và đầy màu sắc. Trên các đường phố chính, bên cạnh dòng người náo nức đi mua sắm, người ta đang hối hả chỉnh trang Thành phố để đón Giáng sinh, Năm mới và hướng về Lễ kỷ niệm lần thứ 200 Ngày Độc lập của Mexico sẽ đến vào năm 2010. Cũng như các dân tộc đã từng đổ máu để giành độc lập tự do cho Tổ quốc, vượt qua bao thử thách khắc nghiệt, Mexico đang hướng về Lễ kỷ niệm sự kiện trọng đại đánh dấu sự hồi sinh của dân tộc mình bằng các nỗ lực mới, thành quả mới. Vậy là từ nay, Thủ đô Mexico sẽ có thêm một Công trình mới - Vườn hoa Việt Nam phục vụ cho nhân dân Thủ đô. Như các vị lãnh đạo Thành phố Mexico đã nói trong các dịp gặp gỡ hữu nghị các đoàn Việt Nam: “Năm 2010 được Thủ đô Mexico chào đón không chỉ để kỷ niệm 200 năm Ngày độc lập của Mexico mà còn để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Hai dân tộc, hai Thủ đô luôn gắn bó với nhau suy nghĩ và việc làm. Với   tình cảm đó, Công viên Việt Nam là bông hoa đẹp của quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống Mexico - Việt Nam, là tượng đài kết tinh tấm lòng yêu mến và ngưỡng mộ của chính quyền và nhân dân Mexico bè bạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Xin cám ơn, cám ơn Mexico!

                                                                      TP. Mexico
                                                       Những ngày đầu tháng chạp 2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét