Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014

Có cực đoan không ?!

Vũ Đức Tâm
Mới đầu năm Giáp Ngọ mà thành ngữ « Mã đáo thành công » đã được sử dụng quá nhiều, đến độ sáo mòn. Trên lịch, trong bài viết, trên báo chí, thư từ trao đổi trên mạng... Khi gặp nhau ai ai cũng chúc nhau: « Mã đáo thành công ! ». Nghe mãi, nhàm tai, mình thử hỏi rất nhiều người hiểu thế nào về thành ngữ này. Đại đa số bảo thấy mọi người chúc nhau như vậy thì cũng bắt chước, hiểu đại khái là một câu chúc nhân năm Ngọ, chứ chả biết nghĩa thực sự nó là gì. Hóa ra, đa số chúng ta là những con vẹt, cứ lặp lại điều người khác nói mà chả hiểu nghĩa của nó.

Cách đây cũng khá lâu, mình cũng đã là một con vẹt như vậy. Vớ được thành ngữ này, nghe có vẻ oai oai thế là có dịp là dùng chả mảy may tự hỏi nó thực sự nghĩa là gì.
Một lần bị một ông anh truy « mã đáo thành công » nghĩa là gì. Mình lúng túng bảo là..., là... ngựa đến thành công. Sao ngựa đến thì thành công, ông cật vấn tiếp. Mình ngớ ra, tịt.Lúc ấy, ông mới bảo đó là một điển tích Tầu. Xưa kia, trên các bình nguyên rộng lớn ở phía Bắc nước Tầu có nhiều ngựa hoang. Người ta thường thả ngựa nuôi ra để chúng dụ ngựa hoang. Nếu ngựa nuôi quay về mà lại có thêm ngựa hoang về theo nghĩa là thành công. Cũng có thể hiểu, ngựa trước đây được dùng làm phương tiện đi lại trong giao thương, trận mạc. Đi buôn bán xa xôi, ra trận mạc hiểm nguy mà quay về là thành công. Mình không còn là vẹt nữa, nhưng lại tự hỏi liệu có nên tiếp tục lạm dụng thành ngữ này nữa không.

Thế rồi, ngoài « Mã đáo thành công », những năm gần đây, mỗi khi tết đến, xuân về, người ta có xu hướng dùng những từ ngữ có phần cầu kì mang hơi hướng Tầu như : « Cung chúc Tân xuân », « An khang » « Tân niên lai đáo đa phú quí »,« Hồng phúc mãn đường », « Vạn sự cát tường »… để thay thế cho những lời chúc bình dị, dễ hiểu với đa số như : chúc mừng năm mới, dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, bình yên, mọi sự may mắn… Hình như nói như thế mới sang, mới chứng tỏ ta…sành điệu ?

Tại sao người Việt mình gặp nhau dịp Tết, thay vì chúc nhau bằng ngôn ngữ gần gũi, dễ hiểu, thân thương lại cứ lặp đi lặp lại những thành ngữ, điển tích Tầu xa lạ. Chả nhẽ tiếng Việt của chúng ta nghèo nàn đến thế ư ? Thời toàn cầu hóa, xu hướng « tiếp biến văn hóa » (acculturation) giữa các nước là tất yếu và góp phần làm giàu cho văn hóa mỗi nước. Nhưng tiếp biến đến mức có nguy cơ làm mất bản sắc dân tộc thì hại nhiều hơn lợi.

Hà Nội, 06/01/2014
VĐT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét