Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

Nước Mỹ của sự thực dụng hay là chủ nghĩa thực tế

Nguyến Tâm Chiến


C
ái số mệnh may mắn được đi chỗ nhiều việc của tôi lại cho tôi một nhiệm kỳ công tác ngoại giao khác (nói chính thức là tôi được Đảng và Nhà nước cử đi); lần này là ở nước Mỹ, hay tên chính thức là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Tôi không có ý định kể nhiều chuyện về nước Mỹ vì điều đó quá sức mình. Nước Mỹ quá lớn, nhân dân Mỹ quá đa dạng, lịch sử bên trong cũng như quan hệ với thế giới bên ngoài, nhất là trong thời cận - hiện đại quá nhiều chuyện. Thêm lý do nữa là tôi đã ở Mỹ hơi lâu, những 6 năm, thấy và nghe nhiều nên cũng không thể nhớ hết được; vả lại mỗi người trong chúng ta có cách quan sát và tư duy của mình. Có người nói “chưa đến Mỹ chưa hiểu thế giới này”.Điều đó vừa hơi quá, vừa có phần đúng. Giáo sư người Pháp nghiên cứu về Mỹ, Jean Pierre Fichou có viết: “Ta không thể xem xét nền văn minh Hoa Kỳ như xem xét văn minh các nước khác”. Chỉ một câu khái quát vậy thôi nhưng đã kích thích nhiều cuộc tranh luận về nước Mỹ. Ai đó đồng tình, ai đó không đồng tình. Và nhất là trước những biến đổi của nước Mỹ và thế giới toàn cầu hóa sâu rộng trong thời hiện đại này, chắc sự nhìn nhận về nước Mỹ càng cần suy xét và tranh luận nhiều… Mỗi lần gặp bạn bè từ Mỹ, tôi thường được nghe họ nói: “Nước chúng tôi, dân tộc chúng tôi còn non trẻ, lịch sử nước Mỹ mới hơn hai trăm năm so với hàng ngàn năm của Việt Nam… “ Nghe thế, tôi thường nói lại rằng, ông cha các bạn chủ yếu từ châu Âu qua, mang theo trong người cả nền văn minh phương Tây đã tồn tại cũng hàng nghìn năm… Họ chỉ cười và tỏ nửa đồng tình.

Ở nhiều phương diện, nước Mỹ quá khác với các nước. Tôi nghĩ đó là sự thật. Ta thử lấy những biến đổi gần nhất để minh họa phần nào ý này. Mỹ là trung tâm phát triển nhất của thế giới về kinh tế-công nghệ nhưng chính khủng hoảng tài chính 2008 đã nổ ra trước tiên ở Mỹ, sau đó lan ra toàn cầu. Suốt từ sau Thế chiến II đến nay Mỹ là siêu cường về quân sự và là thùng vũ khí, bom đạn lớn nhất thế giới, chi phí quân sự hàng chục năm qua và cho đến nay vẫn chiếm khoảng 50-40% chi phí quân sự toàn cầu. Nước Mỹ có dân số tròn 300 triệu vào năm 2006 với đặc trưng nhất là bao gồm đủ loại tộc người từ khắp 5 châu 4 biển đến lập nghiệp: nào người da trắng (hiện chiếm khoảng 70%), da nâu (khoảng 10%), da đen (gốc nô lệ từ châu Phi qua từ giữa thế kỷ 17, chiếm gần 10%, đứng thứ ba), còn lại là người châu Á gồm người gốc Hoa (khoảng 5 triệu người), gốc Nhật, gốc Hàn, gốc Ấn, Phi-líp-pin; người gốc Việt ta có khoảng gần 2 triệu người... Riêng ở Thủ đô Oa-sing-tôn (mà người Mỹ thường nói gọn là “Đi-Xi”, phát âm theo tiếng Anh hai chữ “DC” - viết tắt tên gọi của quận Cô-lum-bia, nơi đóng đô của Hoa Kỳ), chỉ cần ngồi nghỉ ớ ghế đá dọc đường mươi phút, bạn có thể bắt gặp người qua lại đủ màu da. Trong số người da trắng, có người mang trong mình đến 8-10 giòng máu pha trộn qua nhiều thế hệ ông bà, cha mẹ từ các tộc người châu Âu: Anh, Ai-xơ-len, Ý, Đức, Hà-lan… Về mặt đa dạng chủng tộc có lẽ nước Mỹ là trường hợp độc đáo nhất. Cũng có vài vùng dân thuần chủng sống tập trung như người gốc “Nga xịn” ở Thành phố Chi-ca-gô, bang I-li-noi của ông O-ba-ma, người gốc Nhật ở Ha-oai-i, hay như người Việt ta ở Quận Cam, bang Ca-li-phóoc-nia… Tôi đã có dịp đến thăm một cộng đồng người A-mít, gốc Đức khá kỳ dị ở bang Pen-si-va-nhia. Họ qua Mỹ định cư từ hơn 100 năm trước song cho đến nay họ vẫn không sử dụng bất cứ sản phẩm nào của nền văn minh công nghiệp hiện đại! Giữa nước Mỹ phát triển bậc nhất mà vẫn tồn tại một nhóm người như vậy mới thật lạ kỳ! Họ sống riêng biệt một vùng, chỉ kết hôn giữa những người trong cộng đồng, nếu ai vi phạm xem như “bai bai”! Họ chỉ đi xe ngựa, đun nấu bằng củi, các công xưởng dùng sức đẩy của nước và khí tự nhiên; đốt sáng bằng đèn măng-xông, nuôi gà, vịt như ở nông thôn ta(nhưng chắc chắn không dùng thức ăn tăng trọng vì là sản phẩm hóa chất độc hại!)… Như chúng tôi hay nói đùa với nhau rằng, ở Mỹ “cái gì cũng có, to-nhỏ, đen-trắng, bình thường và kỳ lạ…”. Nghe đâu không biết vì sao người A-mít có khả năng đặc biệt là không sợ độ cao; vì vậy họ là chủ công trong cái nghề “leo cao” như lau mặt kính ngoài trời các tòa cao ốc ở Nữu-ước. Đấy là nói về chủng tộc. Còn về tôn giáo, lối sống… cũng vô cùng đa dạng và sự đa dạng ấy bộc lộ rất rõ nét, có thể nói là đập vào mắt chứ không như ở các nước khác. Về chính trị thì ở Mỹ cũng tồn tại rất nhiều trường phái, tư tưởng, tuy chỉ có hai Đảng chính trị lớn nhất thay nhau cầm quyền là đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ.
 Đối với người Việt Nam chúng ta đã từng trải qua “kinh nghiệm xương máu” của cuộc kháng chiến chống Mỹ thì rõ ràng trong lòng nước Mỹ ít nhất có hai nước Mỹ: một nước Mỹ thù nghịch và một nước Mỹ hữu nghị. Chúng ta không thể quên lịch sử, mặc dầu sẵn sàng “khép lại quá khứ nhìn về tương lai” để phát triển mối bang giao hữu nghị, hợp tác. Bác Hồ và Nhà nước Việt Nam non trẻ ngay từ ngày đầu thành lập đã phân biệt rõ ràng giữa giới cầm quyền và nhân dân Mỹ, và đã có bao nỗ lực để thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước từ những năm 40 của Thế kỷ trước nhưng đã không thành. Lịch sử không làm lại được nhưng tương lai quan hệ đang ở phía trước…
Hình như tôi cao số hay sao ấy. Tên là “Chiến” (nhưng Chiến đấu vì cái Tâm), nên ngay sau Chiến thắng tháng 4 năm 1975, tôi mới lên đường “đi Sứ” lần đầu tiên qua Liên Xô và gần 5 năm về nước đúng vào lúc xẩy ra chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Lần đi qua Nhật cuối năm 1992, đang chân ướt chân ráo thì Thủ tướng Mi-a-da-oa đổ và đó là lần đầu tiên sau mấy chục năm cầm quyền, Đảng Dân chủ Tự do Nhật bắt đầu khủng hoảng và phân hóa. Và trong nhiệm kỳ 3 năm của tôi ở Nhật, 4 đời Thủ tướng thay nhau lên cầm quyền thể hiện sự bất ổn chính trị chưa từng có trong lịch sử đất nước này từ sau Thế Chiến II. Còn lần này, đi qua Mỹ chưa đầy 3 tuần, thậm chí chưa kịp trình Thư ủy nhiệm thì “cuộc chiến “ghê gớm nhất giữa các lực lượng khủng bố và nước Mỹ bắt đầu! Và người Mỹ đã ra đòn”trả thù” trên quy mô toàn cầu với tiêu điểm là Áp-ga-ni-xtan và I-rắc. Cũng nhân dịp đó ông Bút-sơ dấy lên một cao trào mới định áp đặt mô hình dân chủ kiểu Mỹ và củng cố vị thế chiến lược của một siêu cường duy nhất trên thế giới!.
Vụ khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ đã xẩy ra chỉ ba tuần sau khi tôi tới nhiệm sở. Có thể nói không ngoa rằng, đó là một sự kiện “long trời chuyển đất” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, tạo ra bước ngoặt trong lịch sử chính trị Mỹ, là lần thứ hai sau trận “Trân Châu cảng” từ hồi Thế chiến II, nước Mỹ bị tiến công, nhưng lần này là lần đầu tiên bị tấn công từ bên trong.
Hôm đó tôi bỗng nghe đồng chí Bí thư Sứ quán hốt hoảng gọi:
- Anh Chiến ơi, anh ra xem ngay đi, có tiếng nổ to và khói um lên ở phía trung tâm Thủ đô đó!
Tôi vừa định chạy ra ngoài nhà xem sao thì ngay lúc đó trên màn hình Vô tuyến đã đưa hình ảnh và âm thanh náo loạn của dân Nữu Ước, cùng với cảnh hai tòa Tháp đôi Trung tâm Thương mại Quốc tế bốc cháy dữ dội như một bó đuốc rồi đổ gục dần xuống! Vài giây lại hiện cảnh hai máy bay dân dụng lần lượt lao vào “cắt cổ” hai Tháp đôi và nổ tung… chẳng khác nào phim Hô-li-út… Còn vụ cháy nổ ở trung tâm Oa-sinh-tơn là do chiếc máy bay thứ 3 đâm thẳng vào Lầu Năm góc - trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ, đánh sập luôn hầu như toàn bộ “Một góc” phía Tây của tòa nhà (và 186 nhân viên quân sự chết). Tham gia vụ đó còn một chiếc máy bay thứ 4 nữa, nhưng do hành khách trên đó đánh nhau với mấy tên khủng bố, nên không đến được mục tiêu dự kiến để tấn công là Nhà Quốc hội hay Nhà Trắng gì đó, và đã rơi ở bang Pen-xi-va-nhia, nằm giữa Nữu-ước và Oa-sinh tơn.
Cả nước Mỹ đều bàng hoàng chưa kịp hiểu điều gì đã xẩy ra. Tổng thống Bút-sơ lúc đó đang thăm một trường tiểu học, được trợ lý báo tin dữ trong khi ông đang vui vẻ trò chuyện với các cháu học sinh. Nhìn trên truyền hình thấy giây phút đó ông đã lặng đi và nét mặt biến sắc hẳn. Một cuộc khủng bố lớn chưa từng có tấn công ngay từ trong lòng nước Mỹ, điểm huyệt các trung tâm biểu tượng cho sức mạnh về kinh tế, chính trị, quân sự của siêu cường duy nhất! Còn tôi lúc đó thầm thốt lên “mình qua Mỹ nhầm ngày rồi!”. Tôi cảm nhận thấy sắp tới nước Mỹ chắc sẽ trải qua thời kỳ khó khăn và tôi lo trong nhiệm kỳ của mình liệu có thể làm gì được đây để góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước sau chấn động to lớn vừa xẩy ra. Lần đi công tác qua Mỹ như vậy càng chứng tỏ tôi cao số thật! Đến nước người những mong tìm kiếm khả năng hợp tác, thúc đẩy giao lưu, làm cho quan hệ Việt-Mỹ “bước sang giai đoạn mới thực sự” như tinh thần nội dung ghi trong Thư ủy nhiệm… thế mà nhà họ lại đang gặp đại họa, rối như tơ vò”! Chờ mãi đến ngày Mồng 10 tháng 10 năm 2001 tôi mới trình được Thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước ta lên Tổng thống Bút-sơ. Tôi nói vui với anh em cán bộ trong Đại Sứ quán rằng “Cũng còn điềm may là chính thức ra mắt Đại sứ đúng ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội ta”. Điều đó đem lại cho tôi một tia lạc quan le lói về sự mở đầu một nhiệm kỳ ngoại giao vất vả!

1 nhận xét:

  1. Cảm ơn anh đã đăng bài của anh Tâm Chiến.Hay hơn truyện Thủy Hử!

    Anh Tâm Chiến khoái thật,được thay mặt nhà nước ta sống toàn ở những nước đế quốc sừng sỏ.

    Trả lờiXóa