Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

Những nỗi sợ thường ngày



Thăng Sắc 

Phần đông chúng ta bây giờ có một số nỗi sợ hãi trong ngày thường. Ở vào hoàn cảnh khác thì những nỗi sợ hãi này đã có thể là niềm vui, niềm hạnh phúc, nhưng ở ta bây giờ không phải thế.

Nỗi sợ ngày nào cũng sợ, ai cũng sợ bây giờ là tham gia giao thông. Nói sợ tham gia giao thông thì cụ thể là ai sợ ai ? Nếu biết được ai sợ ai thì có lẽ tham gia giao thông đã là một niềm vui, ví dụ người tham gia giao thông biết sợ luật thì đã chẳng nên chuyện. Đằng này, trong thực tế, không ai sợ ai thành ra ai cũng đều sợ, sợ lẫn nhau. Đừng nói ta chỉ sợ có xe bus, xe điên, xe công nông…Những loại xe này cũng sợ xe máy, xe đạp, người đi bộ đến kinh hồn bạt vía. Không phải chỉ người vi phạm luật mới sợ cảnh sát mà cảnh sát cũng đủ kiểu sợ người vi phạm luật. Nói tóm lại là sợ lẫn nhau sinh ra hệ quả là chẳng anh nào sợ anh nào thành ra hỗn độn. Trong Táo Ai-đồ cuối năm 2010, ông Táo giao thông đã phải kêu lên ai oán “ối dân ôi là dân” thì đủ biết đã bất lực rồi. Ai cũng nói ra đường bây giờ sợ quá, nhưng đố ai không ra đường tham gia giao thông đấy.


Một nỗi sợ khác là ốm, phải đi bệnh viện. Không phải sợ chết, nếu tới số thì cách gì cũng chết. Sợ là sợ trả tiền bệnh viện. Những người có tiền thì chưa biết cảm giác sợ hãi này. Những người ít tiền thì coi chừng, một trận ốm có thể làm bay cả sản nghiệp. Có điều lạ là bác sĩ, y tá thì năm nào cũng được đào tạo, bệnh viện thường được nâng cấp, xây thêm mà người ốm thì cứ ngày một nhiều, bệnh hiểm nghèo ngày một lắm nên lúc nào, ở đâu bệnh viện cứ đông nghìn nghịt. Tuy vậy xin đố những người ít tiền dám cuộc là mình sẽ không ốm !
Đi khám bệnh là một nỗi sợ thường ngày(ảnh trên mạng)
 Nỗi sợ thứ ba là nỗi sợ có con đi học. Đáng ra có con đi học luôn là niềm vui nhưng bây giờ với nhiều người nó đã trở thành một nỗi sợ hãi. Sợ hãi vì đua chen, vì lúc nào cũng lo làm thế nào để con mình phải chuyên, phải chọn, phải ưu tú, phải thiên tài…Sợ hãi vì lo giữ con, đưa đón, bảo vệ làm thế nào để nó khỏi…dính. Rất nhiều ông bố bà mẹ mỗi khi thấy con mình qua được một chặng thi cử thì thốt lên : sợ thật đấy !

Một nỗi sợ nữa là đạo tặc. Đạo tặc nói nôm na có nghĩa là trộm cắp, cướp phá. Trước đây trong chiến tranh người dân phải chịu không tặc, nghĩa là chu bom giặc dội xuống, đã đành. Nay hòa bình đã gần 40 năm rồi mà vẫn nhiều đạo tặc qua, từ lâm tặc, tin tặc đến dâm tặc, đinh tặc…Các loại đạo tặc cứ nhan nhản thì khó mà hiểu nổi. Trộm cắp có khắp nơi. Người xưa nói “bần hàn sinh đạo tặc”. Bây giờ tiêu chuẩn bần hàn so với trước đây đã khác nên đạo tặc nó tình vi và bạo liệt hơn, nhiều trường hợp người ta cướp phá không phải vì miếng cơm ăn manh áo mặc mà vì muốn giàu sang hơn nữa. Cái thời mọi người ra khỏi nhà cứ để cửa toang hoang đã là thời trong chuyện cổ tích rồi. Kỹ thuật chống trộm cướp bây giờ tuy có tân tiến nhưng cũng không xóa được nỗi nơm nớp đạo tặc.
Nỗi lo 'ra đường gặp cướp' ở Sài Gòn
Một tên cướp bị tóm trên đường phố (Ảnh trên mạng)
 Những nỗi sợ hãi kể trên hiện giờ là hiển nhiên, hàng ngày ai cũng thấy, cũng nói, nhiều người từng trải nghiệm. Những nỗi sợ hãi ấy làm cho người dân thấy thiếu an ninh, cảm thấy như mình không được bảo vệ, che chắn, từ đó suy giảm, thậm chí mất đi niềm tin. Tình cảm này phản ánh một thực trạng tinh thần và xã hội đa chiều phức tạp, hoàn toàn mâu thuẫn với một đất nước đã có gần 40 năm hòa bình kể từ năm 1975.

Quả thật chúng ta đã có gần 40 năm thái bình, về cơ bản đó là thời gian xây dựng và phát triển. Đất nước đã thay đổi rất nhiều, người dân đã có cơm ăn áo mặc. Tuy vậy, những nỗi sợ hãi kể trên vẫn làm cho người dân không yên, bởi vì đó không phải là nỗi lo sợ về mưu sinh.

Nó là những nỗi sợ hãi của một thời không thịnh trị. Hóa ra có thái bình cũng chưa hẳn đã có thịnh trị.

Đang chuyện này xọ sang chuyện kia, thật dây cà ra dây muống !


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét