Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

LÊ NGUYỄN KỂ CHUYỆN NGOẠI GIAO - I


            Lều văn xin giới thiệu một số mẩu chuyện ngoại giao do Lê Nguyễn kể. Lê Nguyễn là bút danh, tuy nhiên qua những câu chuyện sinh động, giàu nội dung, giàu cảm xúc suy tư mà vẫn rất hóm hỉnh, những câu chuyện gợi nhớ lại khung cảnh của một thời ngoại giao còn khó khăn nhưng hăng hái và lạc quan, các đồng nghiệp ngoại giao và bạn bè khắp nơi chắc không khó gì để nhận ra anh là ai. Vâng, anh chính là một nhà ngoại giao, một vị Đại sứ tài ba, là người đã tham gia lãnh đạo Bộ Ngoại giao, là một trong những người anh gạo cội của nhiều đồng nghiệp một thời.
            Lều văn xin mời các bạn đọc cùng đọc và cùng đoán xem Lê Nguyễn là ai !



                    TỪ CÁI NGĂN KÉO BẰNG GỖ Ở MEXICO....

            Năm 1975, “Năm quốc tế phụ nữ” của Liên hiệp quốc được tổ chức ở thủ đô Mexico. Hơn 100 đoàn từ khắp thế giới tham dự. Riêng Việt nam có hai đoàn, một của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và một của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Mỗi đoàn của ta đều do Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ dẫn đầu. Đoàn miền Bắc còn có anh Đinh Nho Liêm, Đại sứ Hà Văn Lâu, miền Nam có Đại sứ Võ Anh Tuấn và Phan Minh Hiền (Đại sứ ở Tiệp Khắc).
            Lúc đó tôi đang công tác ở Cu-ba, được cử phục vụ đoàn và được giao trách nhiệm luôn có mặt ở hội trường hội nghị để theo giõi nội dung phát biểu của các đoàn khác. Buổi sáng thứ hai của hội nghị tôi ngồi giữa hội trường theo dõi phát biểu của một bà trưởng đoàn nào đó. Giọng bà nói sang sảng nhưng khổ nỗi không thấy rõ mặt vì người có phần “ngắn” và bị cái bục cao che lấp gần hết. Nhiều phóng viên nhiếp ảnh loay hoay tìm một vị trí thuận lợi để chụp ảnh nhưng rất khó khăn đành tản ra hành lang.
           Tôi chợt nghĩ đến việc trưởng đoàn ta sẽ phát biểu vào buổi chiều. Nếu cứ để tự nhiên thế này thì cũng sẽ rơi vào tình hình tương tự, hoàn toàn bất lợi. Thời điểm đó ta vừa giải phóng miền Nam, thế giới ngưỡng mộ nên cần thể hiện tư thế đàng hoàng, tự tin.
            Nghĩ là chuyện đơn giản tôi không báo cáo ý định mà chỉ xin phép lãnh đạo đoàn được lên hội trường sớm hơn trong phiên họp toàn thể buổi chiều. Tôi bắt taxi đến nơi họp, tìm cách làm quen một phóng viên nhà báo người địa phương. Sau câu chuyện vui vẻ, có phần thân mật, tôi mạnh dạn kéo anh ta vào cánh gà hội trường. Tôi nói rõ ý định của mình rồi nhờ anh ta tìm giúp một hoặc thậm chí hai cái ngăn kéo bàn để sẵn ở đó. Vài phút trước khi trưởng đoàn ta phát biểu tôi chỉ để anh ta đặt cái ngăn kéo vào chân bục. Xong xuôi tôi cám ơn anh ta rồi chạy xuống hội trường theo dõi. Nhờ cộng thêm độ cao của ngăn kéo (khoảng 20cm), trưởng đoàn ta đứng phát biểu trong tư thế đàng hoàng, các phóng viên thoải mái chọn góc độ thích hợp để bấm máy. Tôi cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái.
Sáng hôm sau, khi tôi đang uống nước ở hành lang, anh phóng viên tiến đến chúc mừng bài phát biểu của đoàn ta nhưng cũng không quên đề nghị tôi có tiền bồi dưỡng việc anh ta đã làm cho đoàn. Tôi hỏi bao nhiêu thì anh ta có vẻ ngần ngại nói : chỉ có 20 đô-la thôi mà !
Tôi hơi bất ngờ và bối rối nhưng cũng kịp nghĩ ra một giải pháp để xử lý. Tôi nói tôi nợ anh ta tiền thù lao nhưng anh ta cũng nợ tôi tiền sử dụng ảnh của trưởng đoàn để đăng báo, thế là hòa, một lần nữa cám ơn anh nhiều. Phóng viên cười hơi miễn cưỡng,  bắt tay tôi rồi đi. Sau đó tôi có kể lại cho anh Đinh Nho Liêm và anh Hà Văn Lâu câu chuyện này. May mà hai anh không phê phán gì nhưng lại cho một câu : “cậu hơi keo !”.
Hơn 35 năm sau, nhớ lại sự cố này, tôi cảm thấy vui vì đã góp phần tránh được tình huống nhạy cảm khi trưởng đoàn Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Tuy vậy cũng cảm thấy có chút áy náy vì đã xử lý mối quan hệ với phóng viên đã giúp đỡ mình có phần không được “fair play” lắm.
Nhưng làm sao được ? !! Vì lúc đó với loại cán bộ như chúng tôi chỉ được phát 30 xu đô-la mỗi ngày tiền tiêu vặt !!!

                            ĐẾN CÁI BỤC Ở NICARAGUA.

Từ câu chuyện cái ngăn kéo ở Mexico, tôi lại nhớ đến chuyện cái bục gỗ ở Nicaragua.
Chiếc IL-62, chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Văn Đồng hạ cánh xuống sân bay Managua, thủ đô Nicaragua vào lúc chập choạng một tối tháng 9/1979. Ngoài trời mưa khá to. Qua cửa sổ máy bay, tôi thấy các vị lãnh đạo Mặt trận giải phóng dân tộc Sandino trong quân phục màu xanh ô liu, các vị trong Chính phủ cách mạng lâm thời và một số quần chúng, hàng ngũ chỉnh tề chờ đón đoàn. Xung quanh sân bay, một số đơn vị quân đội trong tư thế sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ ( mới hơn một tháng sau giải phóng).
Cầu thang lên xuống đã tiếp cận máy bay, cửa máy bay đã mở nhưng hơn 5 phút trôi qua Thủ tướng và đoàn vẫn chưa được mời xuống. Rồi tôi thấy xuất hiện một ô tô tải nhẹ có chở hai người với hai bục gỗ tiến đến cầu thang máy bay. Thủ tướng và đoàn được mời xuống trong lúc cơn mưa vẫn tiếp tục. Không có 7 phát đại bác, không băng cờ khẩu hiệu, không hoa nhưng có đủ 9 thành viên ban lãnh đạo toàn quốc Mặt trận Sandino (tức Bộ chính trị) cùng các thành viên chính phủ Cách mạng lâm thời và các Ủy viên Trung ương Mặt trận Sandino chào đón Thủ tướng một cách nồng nhiệt và chân thành.
Hôm sau tôi mới biết đây là lần đầu tiên một chiếc máy bay của Liên xô hạ cánh xuống sân bay. Cửa của chiếc IL-62 cao hơn các máy bay khác của phương Tây nên cầu thang thường dùng ở sân bay không đạt được độ cao của cửa máy bay. Bạn phải đối phó bằng cách đặt lên đỉnh cầu thang 2 bục gỗ để tạo mặt bằng giữa cửa máy bay với cầu thang.
Gần một năm sau, cuối tháng 6 năm 1980, tôi trở lại Nicaragua nhận nhiệm vụ mở Đại sứ quán và làm Đại biện lâm thời. Trong hoạt động ngoại giao tôi có nhiều dịp gặp, làm việc với Mục sư Miguel de Escoto, Bộ trưởng Ngoại giao Nicaragua. Mỗi lúc gặp tôi thường chào và hỏi Bộ trưởng khỏe không ? Ông vui vẻ và có phần hóm hỉnh trả lời : anh hỏi làm gì nữa, không thấy tôi béo tròn trùng trục thế này rồi sao ! Trong một cuộc chiêu đãi tôi ngồi cùng bàn với Bộ trưởng. Đang lúc chuyện trò vui vẻ, Bộ trưởng hỏi tôi anh có nhớ và biết ai là người đặt 2 cái bục gỗ lên cầu thang máy bay để Thủ tướng và đoàn xuống không ?
Thực lòng không biết, tôi trả lời. Bộ trưởng nói : hôm nay tôi tiết lộ với anh một bí mật, người đó chính là tôi. Rồi Bộ trưởng kể tiếp cho tôi nghe việc tìm kiếm cái bục đó vất vả như thế nào.
Đó là một kỷ niệm đáng nhớ với Bộ trưởng Escoto và cả với tôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét