Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

Trò chuyện với ông Vũ Khoan - Phần I

Lều văn Thăng Sắc mới có cái may mắn được chuyện trò với anh Vũ Khoan. Những câu chuyện của anh thật cởi mở, là chuyện kể của một người anh hơn là của một người đã từng giữ nhiều trọng trách trong Lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Những câu chuyện anh kể không chỉ gợi lại kỷ niệm của một thời làm Ngoại giao mà còn là sự chia sẻ những kinh nghiệm nghề nghiệp quý báu. Ở những câu chuyện anh Vũ Khoan kể, người ta thấy ngồn ngộn những chiêm nghiệm cuộc sống để từ đó có thể rút ra bao nhiêu là suy ngẫm và bài học. Vẫn bằng lối nói giàu hình ảnh, giản dị và khúc chiết  vốn có thỉnh thoảng lại pha chút hóm hỉnh tới mức rất “chua”, vẫn bằng lối nói vo mà không cần giấy tờ dàn ý, bởi vì vẫn như mọi khi, nội dung ý tứ đã ở sẵn trong đầu anh hết rồi, anh Vũ Khoan đã bắt đầu câu chuyện bằng những chia sẻ về nghề “thông ngôn” và hứa sẽ lần lượt nói về các công việc khác của nghề Ngoại giao, như là lễ tân,  lãnh sự, nghiên cứu, đàm phán…
Được anh Anh đồng ý, Lều văn Thăng Sắc xin giới thiệu lại những cuộc chuyện trò với anh Vũ Khoan.

                   I- NGHỀ “THÔNG NGÔN”.

Lều văn Thăng Sắc :

- Thưa anh, trước khi anh giữ những trọng trách trong Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại và sau này là Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, anh đã là một người lính lăn lộn trong nghề ngoại giao, bắt đầu từ nghề phiên dịch mà anh gọi đùa là nghề “thông ngôn”. Vậy anh đã có bao nhiêu năm trong nghề này ?

Anh Vũ Khoan :

- Mình lăn lộn trong ngành ngoại giao trong 45 năm trời, từ năm 1955 đến năm 2000; nếu kể cả thời gian sang Bộ Thương mại (một phần cũng làm ngoại giao kinh tế) và tham gia lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng được phân công phụ trách công tác đối ngoại thì trọn cả đời làm ngoại giao. Riêng cái nghề thông ngôn thì đến năm 1982 mới có thể coi là hết “cái kiếp” phiên dịch. Qua 4 lần công tác ở ĐSQ nước ta ở Liên Xô minh chuyên dịch cho các ông Đại sứ; ở Bộ thì ngồi ở Phòng Phiên dịch, đi dịch cho lãnh đạo Bộ và các vụ, phục vụ các đoàn, lúc đầu dịch cho tùy tùng, kể cả các ông đầu bếp của các đoàn, sau dịch cho các đoàn viên rồi mới tới dịch cho các vị lãnh đạo. Mình đã vinh dự có những lần được dịch cho Bác Hồ, còn dịch cho các ông Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…thì nhiều.

Thời bọn mình cái nghề này nó bạc bẽo lắm, chịu làm và theo được cái nghề này rất khó.  Dưới thời Pháp thuộc, người ta gọi  phiên dịch là ông thông, chuyên bám gót ông Tây bà đầm, do đó người dân coi là tay sai của thực dân và rất khinh rẻ. Dưới chế độ ta, tuy người ta không còn nghĩ như vậy song thực ra cũng chẳng coi trọng lắm, có người còn cho là nghề này có khó gì đâu, người ta nói sao cứ dịch ra làm vậy là được, phiên dịch chỉ ăn theo nói leo, nhiều khi chỗ ăn chẳng có, chỗ ở cũng không, khi khách ăn mình phải dịch, giờ nghỉ có khi ngồi ngoài gốc cây, bờ biển, đường thăng tiến chẳng có!

Nói vậy chứ mình quan niệm cái nghề này rất quan trọng, thực sự phiên dịch là cầu nối với các nước khác. Nếu cái cầu ấy ọp ẹp, bấp bênh,  ván lát rơi ra thì quan hệ quốc tế có thể “thụt chân” chứ chẳng chơi. Cái cầu ấy mà vững chắc, qua lại thông thoáng thì sự giao lưu giữa các dân tộc tốt đẹp hơn. Đấy là đối với xã hội.
Còn đối với bản thân, cái nghề này cũng rất hay. Một là, anh có được một công cụ rất quan trọng để tiếp cận với văn hóa, với nền văn minh của các dân tộc khác. Hai là, anh có điều kiện tiếp xúc với rất nhiều giới khác nhau, tiếp cận với rất nhiều vấn đề khác nhau. Người ta chuyện trò với nhau có cố định về một vấn đề nào đâu; có thể là chuyện kinh tế, chuyện chính trị, chuyện đời thường…Ba là, anh có dịp đi thăm nhiều nơi, nhiều nước, mở rộng tầm nhìn; có dịp tiếp xúc với nhiêu VIP theo cách nói bây giờ. Bản thân mình đã có dịp phục vụ và quen biết với tất cả các nhà lãnh đạo đất nước thuộc “thế hệ lập quốc” và học hỏi được  nhiều điều. Có thể nói không ngoa rằng, sở dĩ mình tiến bộ được một phần quan trọng là do điều này. Mình được gập mặt, “bắt tay” với nhiều nhân vật như tất cả các Tổng Bí thư ĐCS Liên xô từ Khut-sôp cho tới Brê-giơ-nép, An-đrô-pốp, Tréc-nhen-cô, Góoc-ba-chốp; tuy không dịch tiếng Trung nhưng do đi theo các đoàn cấp cao nên đã từng gặp mặt Mao Trạch-đông, Lưu thiếu-kỳ, Chu Dức, Chu Ân-lai…và cả “bè lũ bốn tên” nữa! Rối Kim Nhật Thành, Fidel, Che, Raoul của Cuba, các nhà lãnh đạo Đông Âu và phong trào cộng sản công nhân quốc tế…
Muốn làm được việc đó thì  đầu tiên là phải học cái đã.

Lều văn Thăng Sắc :

- Xin anh chia sẻ với mọi người về cái cách mà anh đã học ?

Anh Vũ Khoan :

- Thời bọn mình chưa có khái niệm đào tạo phiên dịch chuyên nghiệp, chỉ dậy ngoại ngữ mà thôi. Cá nhân mình cũng không học chuyên về phiên  dịch mà chỉ học tiếng Nga. Năm 1954 khi bọn mình đang học ở Khu học xá Nam Ninh thì bỗng có lệnh lấy 100 người sang học tiếng Nga bên Liên Xô để chuẩn bị làm việc với chuyên gia Liên Xô sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc.

Lúc bấy giờ chưa có sách giáo khoa, chưa có từ điển. Các bà giáo dắt tay bọn mình đi khắp lớp học kiêm luôn ký túc xá, truyền miệng cho bọn mình: đây là cái trần này, đây là cái cửa này, đây là cái bàn, đây là cái ghế này, đây là cái sàn này….Mọi người cứ học theo cách truyền miệng như thế. Đến khi những vật dụng cụ thể đã học hết rồi, phải học các khái niệm khác ở trường không có, nhất là các khái niệm trìu tượng thì làm thế nào ? Các bà giáo đã áp dụng hai cách : một là làm hiệu bằng tay; hai là mang đến những quyển sách tranh của trẻ con, chỉ cho bọn mình: đây là con chó, đây là con mèo, đây là con bò, con voi, con ngựa…. Trong bọn mình có một số anh chị em biết chút ít tiếng Trung quốc, tiếng Pháp nên được trao nhiệm vụ tra từ điển để tìm ra những khái niệm trìu tượng. Đúng là bọn mình đã trải qua quá trình  “vỡ lòng” đúng theo nghĩa của từ đó.

Muốn làm phiên dịch thì trước hết phải có vốn từ ngữ càng phong phú càng hay; nếu không chịu khó nghiền từ thì chả làm sao dịch được. Lúc bấy giờ bọn mình chịu khó lắm, có những bạn một ngày nghiền hơn một trăm từ, có khi một trăm hai mươi-ba mươi từ một ngày.

Nhân đây mình kể chuyện Cụ Hồ học ngoại ngữ. Sau này, có một lần mình lên Phủ Chủ tịch dịch cho Bác Hồ gặp phóng viên báo Nô-voe Vre-me, tức là báo Thời đại mới của Liên Xô. Trong lúc chờ phóng viên đến mình thấy Cụ rút thuốc lá ra hút. Cùng với thuốc lá Cụ rút ra một mẩu giấy rồi lẩm nhẩm đọc. Tất nhiên mình không dám hỏi đó là cái gì nhưng nghe kỹ thì thấy Cụ nhẩm tiếng Nga nên mình mạnh dạn hỏi :”Thế Bác vẫn học tiếng Nga à ?”. Bác nói :”Bác vẫn phải học chứ, tiếng Nga Bác quên nhiều rồi. Bác ghi vào mảnh giấy này 20 từ, một ngày Bác hút 20 điếu, mở hộp ra 20 lần, mỗi lần lẩm nhẩm như thế có rơi vãi cũng còn được 10 từ”. Khiếp thật! Ông Cụ đã cao tuổi lại đã biết gần một chục tiếng nước ngoài, ở cương vị cụ lúc nào cần đều có phiên dịch thế mà cụ vẫn chịu khó học như vây! Bây giờ người ta nói học tập và làm theo gương Bác Hồ, nhưng mình nghĩ cả nước 85 triệu người liệu có ai học Cụ Hồ cách học ngoại ngữ này không. Như vậy rõ ràng là từ vựng phải học đầu tiên.

Bọn mình học ở trường như thế, đến khi ra Sứ quán cũng không có ai dậy. Mình theo gương ông Nguyễn Thương, lúc bấy giờ là Bí thư thứ ba của Sứ quán, tuy đã từng tốt nghiệp Trường Luật (luật hẳn hoi chứ không phải các vị có bằng luật bây giờ đâu), rất giỏi tiếng Pháp nhưng tiếng Nga ông ấy còn phải học theo cách dùng một quyển sách tra tự điển từ đầu chí cuối rồi học theo. Theo gương ông , mình lấy quyển Chính trị kinh tế học tiếng Nga ra, vừa đọc vừa tra chữ, từ trang đầu đến trang cuối, mỗi ngày lai rai một ít, cứ thế mà học thêm từ đồng thời học luôn cả về chính trị kinh tế học. Còn một cách học từ nữa là dịch các bài báo để làm bản tin của Sứ quán. Lúc đầu bà thư ký người Nga chữa cho đỏ lòm, không còn chữ nào là của mình. Cứ chịu khó như thế rồi những chữ chữa đỏ cũng giảm dần đi. Như vậy, việc đầu tiên là học từ vựng, nếu không có cái vốn từ đó thì không thể nào làm phiên dịch tốt được.

Việc thứ hai là học cái hồn của thứ tiếng mình học, cụ thể đối với bọn mình là tiếng Nga. Đâu có thể chỉ học từ vựng và ngữ pháp rồi chắp với nhau thì thành văn như người Nga nói và viết được? Vấn đề là cái hồn ngôn ngữ; vẫn những chữ, những quy tắc văn phạm ấy nhưng phải nắm bắt được cách người Nga nói và viết, nếu không sẽ là tiếng Nga “giả cầy” hay tiếng Việt chuyển ngữ sang tiếng Nga. Muốn thấm được cái hồn ngôn ngư thì chỉ có cách là đọc, mà đọc thì phải đọc tiểu thuyết của người ta, ví dụ như đọc văn thơ Pu-sơ-kin, Tôn-xtôi, Tuốc-ghê-nhép, Léc-măng-tốp…, cũng như các nhà văn hiện đại như là Pau-tôp-xki, Gorki…Phải đọc rất nhiều, để cái hồn văn Nga nó thấm vào người anh, có như thế sau nói mới chuẩn. Để nâng cao khả năng cần cố gắng học nghĩ bằng tiếng Nga chứ đừng nghĩ bằng tiếng Việt rồi chuyển ngữ sang tiếng Nga.

Đấy là việc thứ hai, tức là phải thấm cái hồn văn, cái văn hóa của cái ngữ đó vào người anh. Cái thứ ba là phải học nghe, học nói. Nói thì dễ, có bao nhiêu từ thì anh nói bấy nhiêu, nhưng nghe người ta nói mới gay vì người ta có nể anh đâu. Cần gì người ta cứ nói chứ mắc gì đến mình. Vậy mình học theo hai cách. Một là la cà nói chuyện. Lúc đó trong Sứ quán có bà thư ký, ông lái xe, ông quét sân, bà liên lạc…Qua nói chuyện với người ta mình vừa tập nghe, vừa tập nói. Muốn thạo chỉ có cách là “nói bừa”, đừng ngượng, nói dở tiếng nước ngoài có hề hấn gì đâu? Còn một cách nghe khác nữa: lúc bấy giờ ở Nga ra-đi-ô cũng vẫn chưa phổ biến đâu, cả Sứ quán có một cái đài, ti vi cũng chỉ có một cái nhỏ téo, màn hình chỉ bằng quyển vở thôi.

Lều văn Thăng Sắc :

- Anh còn nhớ đó là cái ti-vi hiệu gì không ?

Anh Vũ Khoan :

- Nhãn hiệu cái ti vi ấy là Lê-nin-grat, cái màn hình bé tí, chỉ bằng quyển vở học trò thôi, nhỏ tí ấy mà, nhưng cái thùng lại rất to. Anh chị em trong SQ nhiều người không biết tiếng Nga, bọn mình biết tiếng phải đóng vai trò dịch TV, dịch phim; điều đó cũng giúp nâng cao trình độ dịch tuy lúc ấy cũng chỉ dịch sơ sơ được thôi, nhiều khi còn phải “bịa” ra là đằng khác!

Lúc bấy giờ phổ biến ở Nga là cái loa truyền thanh thành phố. Mình nằm trên giường, nghe rồi dịch đuổi theo. Những đoạn tin thì dễ nghe, mình làm chính trị nên nghe cái đó là chính. Lúc đầu có hiểu gì đâu, sau rồi vỡ dần, vỡ dần ra. Làm phiên dịch ở Sứ quán lúc bấy giờ sợ nhất là nghe điện thoại, nhỡ người ta nói mình không hiểu hoặc hiểu sai thì chết. Mà qua điện thoại đâu có hỏi đi hỏi lại được? Cái sợ nữa là dịch khám bệnh, nhất là cho phụ nữ. Trẻ măng lại học bập bõm như vậy nên nhiều từ y có biết đâu. Có lần dịch cho một chị ( mình phải quay mặt vào tường!?), bác sỹ hỏi về kinh nguyệt có đều không, mình chẳng hiểu gì về chuyện đó nên đành chịu cứng, làm cho bà bác sỹ Nga nổi đóa lên.

Lều văn Thăng Sắc :

- Bây giờ ở một số Sứ quán của ta vẫn còn có cán bộ sợ nghe điện thoại đấy.

Anh Vũ Khoan :

- Sợ lắm, tại vì người nói điện thoại không biết mình là ai, không chiếu cố gì đến mình cả, người ta cứ nói bình thường. Bình thường của người ta nhưng đối với mình là rất khó. Nếu anh nghe nhầm, người ta hẹn ở chỗ này anh lại báo cáo chỗ khác thì chết dở. Do đó cái nghe cũng quan trọng lắm.

Như vậy, mình đã nói là phải học từ vựng, học nói, học viết, học nghe. Giờ nói dịch xuôi. Xưa, lúc mới về Phòng phiên dịch cũng còn ít việc, mình lấy quyển Lịch sử quan hệ quốc tế ra dịch từ A đến Z, sau này ở trường dậy theo quyển đó. Qua đấy mình biết thêm về quan hệ quốc tế. Như vậy muốn làm phiên dịch tốt thì khâu đầu tiên là phải học tốt nhiều cái. Đấy là mình chưa nói phải học lịch sử, học văn hóa của đất nước người ta và cả ngôn ngữ, văn hóa nước mình nữa chứ. Anh giỏi tiếng nước ngoài nhưng không thạo tiếng nước mình thì dịch làm sao được? Kiến thức của phiên dịch là không có biên giới, người đối thoại mà anh phục vụ nói nhiều vấn đề có giới hạn gì đâu, nếu anh không biết thì làm sao dịch nổi.
Nói tóm lại, muốn làm phien dịch tốt chí ít phải có hai điều kiện: có năng khiếu ngoại ngữ và phải chịu khó học. Thế hệ bọn mình không được học đến nơi dến chốn nên phải mầy mò theo cách trên; thế hệ ngày nay có điều kiện học hành tử tế nhưng có lẽ những “thủ thuật” nói trên cũng hữu ích. Bản thân mình về sau này tự học tiếng Anh cũng vận dụng một số kinh nghiêm khi học tiếng Nga.

Đấy là kinh nghiệm khi học. Khi đi làm lại lại tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm để có thể làm tốt cái nghề phiên dịch. Không có sách lý luận nào nhưng qua cuộc đời mình thấy có mấy câu chuyện thế này kẻ lại cho các bạn nghe.

 Một là anh phải cố nắm được vấn đề. Phải nắm trước xem buổi tiếp xúc ấy sẽ nói về đề tài gì để chuẩn bị. Thời ấy, bọn mình hay nói về việc thực hiện Hiệp định Geneve, đấu tranh chống những việc vi phạm Hiệp định Geneve…để chuẩn bị. Cái chính là thường xuyên phải ham mê tìm hiểu những vấn đề chính trị đối ngoại; điều đó có ích rất nhiều trong cong tác phiên dịch. Suốt đời, từ khi làm phiên dịch, sau làm nghiên cứu cho đến khi giữ các cương vị lãnh đạo, mình thấy chuyện nắm được vấn đề là điều cốt tử của người phiên dịch. Anh có thể hiều ngôn ngữ nhưng anh không nắm được vấn đề thì cũng không dịch được đâu, chưa kể khi về còn phải ghi lại biên bản tiếp xúc nữa. Khi mình đã lên làm lãnh đạo rồi, đi dự các hội nghị quốc tế, có khi anh em phiên dịch tuy giỏi ngoại ngữ hơn mình nhiều vẫn phải hỏi xem người ta nói gì; anh em làm báo cáo có khi không chuẩn xác, mình lại phải chữa lại.

Thứ hai là phải nắm được con người. Mỗi người có một đặc tính riêng, nếu anh không nắm được phong cách và cách nói của người ta thì sẽ rất lúng túng. Thí dụ trước đây mình có dịch cho ông Ung Văn Khiêm, lúc bấy giờ coi như Thứ trưởng Thường trực của Bộ vì Bộ trưởng là ông Phạm Văn Đồng có mấy khi đến Bộ đâu. Dịch cho ông Ung Văn Khiêm anh phải biết ông ấy hay nói dây cà ra dây muống. Sau này cũng có nhiều người có cách nói như thế, nghĩ đến đâu nói đến đấy khiến người dịch không biết họ nói gì, không biết dịch ra sao. Trong trường hợp ấy anh phải nắm ý chính rồi dịch theo ý chứ đừng câu nệ chữ. Hay là dịch cho ông Lê Duẩn chẳng hạn. Ông ấy có đặc điểm là tư duy rất sâu, thường rất trìu tượng; tư duy của ông ấy thường đi trước cả ngôn ngữ, có khi cái ngôn ngữ của ông ấy chỉ thể hiện một nửa hoặc một phần ba cái suy nghĩ của ông ấy mà thôi. Nhưng anh dịch thì anh không thể nói với ông Brê-giê-nhép là ông Duẩn chỉ nói một phần ba ý được. Anh phải nói đủ để ông Brê-giê-nhép hiểu là ông Duẩn muốn nói gì. Ông Phạm Văn Đồng có lối nói chuẩn xác nhưng đôi khi bóng bẩy, câu chữ của ông ấy dùng rất cân nhắc, hàm ý rất sâu sắc, nếu anh không chọn được từ đúng với phong cách của ông Đồng thì không dịch được cho ông Đồng. Hay ông Trường Chinh thì tính chuẩn xác lại rất cao, nói rất đơn giản nhưng tính chuẩn xác rất cao, dùng từ phải rất chuẩn, kể cả tiếng Việt. Khi dịch xuôi sang tiếng Việt mà dùng những từ Hán-Việt không chuẩn là ông ấy nhắc ngay. Thí dụ anh dùng chữ vinh quang là không được, phải quang vinh mới đúng, hoặc đảm bảo là không được, phải bảo đảm mới đúng. Còn Bác Hồ nói cũng rõ ràng, đơn giản nhưng ông Cụ đôi khi hay ví von, rất khó dịch, thường phải “đánh vòng”, dịch nghĩa vậy. Mình nhớ có lần khi đề cập tới sự viện trợ của nước anh em Cụ nói: “Cho trâu thì phải cho cả trão”, mình bí quá đành giải thích vòng vo để bạn hiểu. Như vậy cái kinh nghiệm thứ hai của người làm phiên dịch là biết vấn để rồi nhưng còn phải biết con người mình phục vụ. Bên cạnh đó lại còn phải nắm con người đối thoại nữa. Việc này thật khó vì anh có biết được người ta đâu, thí dụ ngày xưa phía Liên Xô chẳng hạn, khi dịch mà vớ được ông Mi-côi-an, từng là ủy viên BCT ĐCS LX lâu năm, có thời là Phó Chủ tịch HĐBT rồi Chủ tịch Đoàn Chủ tịch XVTC thì thôi rồi, ông ấy là người Ác-mê-ni nói tiếng Nga, nói lùng bùng trong cổ, nghe khó lắm. Ông Brê-giê-nhép khi cao tuổi đeo răng giả, khi nói có khi hàm răng giả lỏng ra thành thử nghe thật không dễ. Người của phía mình còn biết được, người nước ngoài thì khó bề nắm được đặc điểm của người ta..


Tóm lại, khi dịch thì phải biết chuyện, biết người, biết người mình rồi lại phải cố biết người người ta. Cái thứ ba là cần không ngừng mở rộng kiến thức, càng rộng càng hay. Trước tiên phải biết nước mình. Tại sao phải biết nước mình ? Vì anh đi với người ta, ngồi trên xe với người ta có khi mấy chục, mấy trăm cây số, người ta hỏi về đất nước mình mà không biết gì thì thật ngượng. Người ta có hỏi thủ trưởng đâu, người ta hỏi anh phiên dịch chuyện nọ, chuyện kia thì anh cũng phải biết chứ!  Thế rồi phải biết nước người. Mình đi với lãnh đạo ta sang Liên Xô và các nước Đông Âu cũ, các cụ hỏi chỗ đó là thế nào chẳng hạn thì mình cũng phải biết để giới thiệu chứ. Không chỉ biết địa lý, lịch sử, văn hóa…mà còn phải biết nội tình người ta nữa. Ví dụ có lần ông Đồng hỏi tôi cái ông lãnh đạo ấy của bạn là thế nào, liệu có lên giữ cương vị cao nữa không? Nhờ nắm được nội tình của bạn mình đã trả lời rằng, không có khả năng ấy vì lẽ này, lẽ kia. May mà quả nhiên đúng như vậy ! Nhưng nếu quả là anh không biết thì phải nói là không biết.Sau đó  phải cố mà biết cái điều anh chưa biết. Tuy vậy cái  cần biết  là vô cùng, làm sao một con người có thể biết được mọi chuyện. Cái thủ thuật của mình là thế này : cố tìm hiểu, dù chỉ lớt phớt trước khi “vào trận” để đỡ tẽn tò. Khi đoàn đi thăm nhà máy ô tô chẳng hạn thì trước đó mình phải tìm hiểu những từ có liên quan đến ô tô, những khái niệm liên quan đến sản xuất ô tô. Có chuyện mình nhớ đời là có lần đi với ông Nguyễn Văn Hiếu, lúc bấy giờ là Đại diện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng thăm các nước XHCN vì Chính phủ Cách mạng Lâm thời chưa ra đời. Mình được cử đi giúp đoàn. Sau  khi thăm Liên Xô thì thăm Mông Cổ, vào một cái viện bảo tàng, họ giới thiệu những con thú của Mông Cổ. Mình làm sao mà biết những con thú nào là con thú nào vì nhiều con thú lắm. Ông Hiếu lại biết vì ông ấy là giáo sư, ông ấy giảng giải cho mình. Mình cũng ngượng nhưng ông ấy cũng thông cảm, ông ấy bảo làm sao mà anh biết hết được. Từ đấy mình mới rút ra kinh nghiệm là trước khi đến một hoạt động gì thì anh phải cố tìm hiểu những từ liên quan đến cái chỗ mà anh đến tham quan, tìm hiểu đến mức tối đa có thể được. Cái đó rất khó chứ không dễ đâu.

Cái thứ tư là phải biết biến bác. Người phiên dịch thường gặp những tình huống rất bất ngờ. Anh không biến bác được thì những lúc ấy không ứng xử được, rất lúng túng. Có những người đã ngất đi đấy, vì gặp toàn những nhân vật quan trọng cả. Không nắm được vấn đề, không đáp ứng được yêu cầu, hoảng loạn là xỉu đi thôi. Hồi ông Chu Ân Lai sang thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên năm 1956, người phiên dịch vừa ra đã xỉu, phải đưa vào trong. Có lẽ trông thấy Bác Hồ, biết Cụ tiếng Hán rất giỏi, nên  khiếp. Một lần chiêu đãi tại Sứ quán Liên Xô, Bác Hồ  cũng đến, các vị lãnh đạo khác cũng đến, người phiên dịch đứng như trời trồng thôi, không dịch được. Sau đó ông Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) bảo Khoan lên dịch đi. Như vậy người phiên dịch thần kinh phải rất vững và phải rất biến bác. Nói biến bác là vì thế này : có lần mình dẫn một đoàn Đảng của Hung-ga-ri do ông Fox dẫn đầu, sau ông này làm Thủ tướng, xuống thăm Hải Phòng. Lúc bấy giờ là vào năm 1967, Mỹ ném bom ghê lắm nên đoàn phải đi rất sớm. Mít tinh chào mừng tổ chức ở nhà máy cơ khí Duyên Hải – lá cờ đầu của ngành cong nghiệp lúc ấy. Ông giám đốc nhà máy cầm một quyển vở đọc diễn văn chào mừng đoàn. Mình đứng đằng sau ông ấy, ông Lê Thanh Nghị cũng đứng đằng sau, thấy ông giám đốc nói thao thao bất tuyệt mà quyển vở thì trắng trơn, không có chữ nào cả.  Thế mà ông ấy đọc một bài diễn văn hoàn chỉnh mới giỏ chứ! Chỉ có điều, đón đoàn Hung nhưng ông ấy toàn nói về chuyện Ba-lan. Bây giờ mình dịch thế nào? Dịch theo ông ấy thì buồn cười quá vì đón đoàn Hung mà lại cứ nói toàn chuyện Ba-lan, đoàn Hung người ta có thể hiểu lầm. Vậy là mình phải biến bác đi thành chuyện Hung, mặc ông ấy muốn nói gì thì nói, mình cứ chuyện Hung mình nói. Đến lúc mít tinh xong, ông Lê Thanh Nghị  trách ông giám đốc tại sao đón đoàn Hung mà anh toàn nói chuyện Ba-lan là thế nào. Ông giám đốc bảo : báo cáo thủ trưởng, Hải Phòng chúng em chỉ hay đón thủy thủ Liên Xô và Ba Lan thôi, chúng em chả biết Hung là cái gì (!?) Nếu trường hợp ấy anh không biến bác thì chết.
Hay là có một lần mình đi với một vị khác, ông này quên béng mất diễn văn ở đâu đấy. Ông này nửa đùa nửa thật bảo bây giờ tôi cứ đọc chuyện Kiều, còn anh liệu đường mà nói. Đấy, những chuyện như thế có lúc xẩy ra đối với người phiên dịch. Anh phải biết biến bác, tình huống bắt anh phải biến bác. Tất nhiên biến bác  làm sao không hại tới ai cả, thường nói đùa với nhau là không ảnh hưởng gì tới hòa bình thế giới. Chỉ biến bác điều tốt thôi, nói hữu nghị thôi, và phải vận dụng cái kiến thức của anh có về quan hệ với nước bạn. Nói như vậy là lại quay về kinh nghiệm trên là phải có kiến thức, không có kiến thức thì lúc bấy giờ anh nói gì được?
Phiên dịch thì phải nhớ. Có người nói thao thao bất tuyệt, quên cả phiên dịch; anh lại không ngắt lời được, đành phải cố nhớ thôi. Mỗi người có một cách nhớ: có người ghi thì nhớ, có người tập trung thì nhớ…Thủ thuật của mình là chăm chú nghe, nhớ lấy ý chính, bấm độn ngón tay để nhớ có bao nhiêu ý; khi dịch “thanh lý” dần theo các ngón tay. Nếu mình ghi là quên tiệt! Nói tóm lại mỗi người phải tìm ra thế mạnh riêng, Bẩm sinh mình có tư duy tổng hợp, nắm bắt được ý chính rồi xếp đặt trong óc, khi cần diễn đạt thì theo trình tự xếp sẵn trong óc.

Còn một bài học tiếp theo là anh phải biết cư xử đúng cương vị của anh. Người phiên dịch thì đừng có choi choi, bao giờ cũng phải khiêm tốn, né mình, đứng đằng sau. Sau này lên làm lãnh đạo, mình thường nhắc anh em phiên dịch là đừng che cái ca-mê-ra của người ta…

Lều văn Thăng Sắc :

- Bây giờ xem vô tuyến thấy một vài cán bộ lễ tân cũng vậy, nhiều khi đứng ở những vị trí rất không phải của mình…

Anh Vũ Khoan :

- Bây giờ tôi cũng thấy có cán bộ lễ tân, cán bộ phiên dịch cứ đi trước cả lãnh đạo, muốn rơi vào màn hình. Cái đó tuyệt nhiên là không nên.

Ngay chuyện ăn anh cũng phải khiêm tốn. Cái thủ thuật ăn là anh phải cắt miếng  nhỏ chứ đừng bao giờ ăn miếng to, phòng khi cần là anh có thể nuốt luôn được. Hay anh nhằm lúc nào mà ăn, đây là câu chuyện cũng do kinh nghiệm thôi chứ lý luận gì thì cũng rất  khó.  Hay là có khi người ta nói sai thì đừng có cải chinh, đó không phải là việc của anh. Nếu cải chính anh sẽ đặt người ta vào tình thế khó. Mình gặp một trường hợp coi là bài học nhớ đời. Lần đó được đi với ông Phạm Văn Đồng  thăm nhà máy ZIL là nhà máy sản xuất ô tô của Liên Xô. Nhà máy có làm một cái tủ ảnh giới thiệu quan hệ Việt Nam-Liên xô để đón đoàn. Ông giám đốc chỉ vào một cái ảnh nói đây là đồng chí Phạm Văn Đồng. Mình thấy không phải, bèn láu táu nói: đấy là ông Dương Bạch Mai, TTK Hội Việt-Xô hữu nghị.. Lúc bấy giờ ông ấy cũng rất là  ngượng. Khi về Sứ quán, ông Phạm Văn Đồng bảo: Khoan ơi, mình ra vườn nói chuyện đi. Khi ra vườn đi dạo, ông Đồng nói những chuyện khác, rồi ông ấy nói : này có chuyện này tôi muốn nói với Khoan.. Lúc ở nhà máy ấy mà, những chuyện như thế đừng cải chính, có chết ai đâu, làm cho người ta khó ra. Những chuyện như thế thì cứ lờ đi thôi, có hại gì đâu.

Ở đây mình học được hai cái. Một là cách ứng xử của ông Đồng. Ông ấy không mắng mình, không nói trước mặt anh em. Ông ấy lôi ra một góc để tâm tình. Thực ra ông ấy hoàn toàn có quyền mắng mình, nếu không mắng thì nhận xét mình trong cuộc họp. Thế mà ở chỗ có người ông ấy không nói gì, lại rủ mình đi ra và chuẩn bị tinh thần cho mình, chứ không độp vào ngay. Ông ấy nói chuyện thân mật, làm cho mình rất thoải mái, rồi sau như vô tình nhắc. Bài học mình rút ra là đừng có choi choi, dù là phiên dịch hay cán bộ gì thì cũng đừng choi choi, khách người ta có lỡ lời gì thì anh đừng cải chính. Thứ hai là cách ứng xử với con người của ông Phạm Văn Đồng.

Nói những chuyện phiên dịch thì muôn hình vạn trạng. Không phải bây giờ mình nói để động viên lớp trẻ đâu, bản thân mình cảm nhận thấy nghề phiên dịc không tồi, một cái nghề rất đáng làm và nếu làm tốt thì rất là có ích cho đất nước và bản thân học được rất nhiều điều, cả kiến thức lẫn cách làm người. Lại rất lý thú nữa! Phải nói rằng sở dĩ mình trưởng thành lên một phần do làm phiên dịch.  Không phải ngẫu nhiên mà lãnh đạo Bộ Ngoại giao thế hệ chúng mình làm phiên dịch rất nhiều: Anh Cầm, Lê Mai, Dy Niên rồi tiếp theo là Nguyễn Đình Bin,Lê Công Phụng, Chu Tuấn Cáp… Điều đó nói lên rằng chính những anh em phiên dịch có điều kiện để trưởng thành. Tất nhiên điều kiện bây giờ khác.

Lều văn Thăng Sắc :

- Thưa anh, các thế hệ sau này cũng rất nhiều người trưởng thành lên từ nghề phiên dịch, trở thành các Đại sứ hoặc các Vụ trưởng.

Anh Vũ Khoan :

- Nói chuyện làm nghề thì còn nhiều chuyện lý thú nữa nhưng khoanh lại thì làm nghề phiên dịch chính là một cái cầu để trưởng thành trong lĩnh vực ngoại giao đấy, một cái cầu rất tốt đấy. Không đơn thuần chỉ là cái cầu nối giữa các dân tộc mà còn là cái cầu cho bước đường tiến bộ, không phải cá nhân tôi đâu mà còn nhiều anh em khác, là cái bậc thang rất là tốt đấy.

Chỉ có một cái còn trăn trở, đó là chính sách đối với phiên dịch cho đến nay vẫn không có. Khi mình làm lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Đảng thì cũng có cố gắng, đôi lần thử để làm thay đổi, trong đó có cái chính sách gọi là phụ cấp ngoại ngữ. Nhưng cái sức cản là cơ chế, “kẻ thù cơ chế” đâu cũng xuất hiện! Người ta hỏi tại sao anh phiên dịch lại được, chúng tôi nghề khác lại không được. Hay là thang bậc lương của nước mình nó chỉ có đến thế thôi. Thế là thôi. Thành ra mình cho đến nay chưa có người phiên dịch giỏi tầm cỡ quốc tế. Phiên dịch thì vẫn có nhưng ở tầm cỡ quốc tế thì chưa có. Vì chưa có chính sách đào tạo, đãi ngộ.  Phải có trướng lớp đào tạo chuyên, nếu cần thì cử đi học ở các trường phiên dịch danh tiếng ở nước ngào, thậm chí gửi các cháu nhỏ học ở nước ngoài, ném họ vào phiên dịch ở các tổ chức quốc tế. Đâu có phải là cứ biết ngoại ngữ là làm được phiên dịch? Nhớ lại hồi mình còn làm ở Phòng phiên dịch, lúc bấy giờ ở Bộ có phòng Liên Xô nên tiếng Nga chẳng có mấy việc. Mình mới nói với một vị ở Vụ Tổ chức cán bộ là chúng tôi ngồi buồn quá, đề nghị chuyển sang việc gì khác cũng được. Vị này bảo nếu không có tài liệu tiếng Nga thì dịch tiếng Anh tiếng Pháp cũng được chứ gì (?!) Mình chỉ còn biết trố mắt, giơ tay lên trời chịu thua mà thôi.

Lều văn Thăng Sắc :

- Lúc bấy giờ ai là Trưởng phòng Phiên dịch ?

Anh Vũ Khoan :

- Là ông Nguyễn Văn Huyên, ông Huyên có mái tóc bạc trắng, nguyên trước dậy toán, có thời đã làm Giám đốc Đài phát thanh, tiếng Anh, tiếng Pháp đều giỏi nhưng chỉ thiên về dịch viết. Ông là người cực kỳ hiền lành, cực kỳ chịu khó, cực kỳ tỉ mỉ, ngồi chữa lẩn mẩn từng chữ rất là tốt. Phòng Phiên dịch lúc bấy giờ có tổ tiếng Anh, tiếng Pháp. Tiếng Pháp có mấy cụ Việt kiều về như cụ Tương, bà Dy Dy, ông Thông, tiếng Anh có ông Phương.

Lều văn Thăng Sắc :

- Về sau này đến lượt các anh Dy, anh Diệm, anh An, Đức Hùng, Đức Tâm, các chị Hồi, chị Ninh, chị Nga, chị Huyền, anh Thạch…?

Anh Vũ Khoan :

- Sau, sau lắm. Thời mình thì tổ tiếng Nga có anh Quang Xồm, anh Tước và mình. Tiếng Trung có anh Phách, chị Khang, cô Vi là người Việt Kiều ở Vân Nam về. Những người kể trên thuộc thế hệ những năm 80, khi mình đi công tác nước ngoài rồi chuyển sang các đơn vị khác nên không biết.

Sau này mình có dịp so sánh người phiên dịch của Việt Nam với người phiên dịch của Trung Quốc, thấy phía phiên dịch Trung Quốc tiến bộ hơn rất nhiều. Mình thử mới xem vì sao như thế? Mình có hai nhận xét: một là, người Trung Quốc họ chịu khó hơn người Việt Nam rất nhiều, phiên dịch của họ đi đâu, cái gì họ cũng ghi, rất tỉ mỉ, rất cẩn thận. Thí dụ ngồi ăn chẳng hạn, khi mình đối thoại với phía bạn thì người phiên dịch không bao giờ ăn cả mà cứ ghi ghi chép chép mặc dù bên cạnh có người ghi biên bản rồi. Bên Việt Nam mình thì rất ít khi thấy ghi chép như thế. Qua đấy mình thấy tính chịu khó của phiên dịch Trung Quốc nó khác. Cái thứ hai là chính sách dùng phiên dịch của họ có nhiều cái hay. Thí dụ mình hỏi anh em phiên dịch Trung Quốc thì biết họ trả bồi dưỡng cho phiên dịch rất cao, có phân biệt, nếu anh dịch cho Thứ trưởng thì được bao nhiêu Nhân dân tệ, dịch cho Bộ trưởng thì được bao nhiêu, dịch cho lãnh đạo toàn quốc như Tổng Bí thư, Thủ tướng thì bồi dưỡng cao nữa. Ta thì không phân biệt như thế. Hay là ở các Hội nghị quốc tế mình thấy trong đoàn Trung Quốc cán bộ trẻ rất đông, không biết họ đến có việc gì mà đông như thế. Hóa ra họ cho đi đào tạo, cứ thả anh vào đấy thôi. Tác dụng trước mắt có khi không sờ thấy nhưng mà lâu dài họ quen với môi trường, nắm được vấn đề, quen giao tiếp, tất cả những cái đó thấm vào người họ. rồi họ trưởng thành thôi. Mình không có chính sách đó có thể do không có nhiều tiền nhưng cái chính là chưa có chính sách. Nhiều đoàn đi mang theo những người không làm được cái việc gì cả, theo kiểu “chính sách”, “cho đi mọt chuyến cho biết”, còn những người cần đào tạo như cán bộ nghiên cứu cũng như cán bộ phiên dịch thì không được mang theo. Người ta khác, họ mang theo những anh không làm việc nhưng để đào tạo. Hai cái approches (cách tiếp cận)  hoàn toàn khác nhau, thế làm sao mình có người tài được ? Như vậy nói chung, về quan điểm ở tầm quốc gia  đối với công tác phiên dịch, một lĩnh vực rất quan trọng, thì chưa có.

Lều văn Thăng Sắc :

- Xin cám ơn anh Khoan.
Những ai quan tâm tới việc học ngoại ngữ nói chung và nghề phiên dịch nói riêng chắc chắn sẽ thấy ở câu chuyện của anh nhiều bài học bổ ích.

Những anh chị em đã làm ở Phòng Phiên dịch nếu đọc chia sẻ này chắc cũng nhớ lại nhiều kỷ niệm, nhớ tới nhiều đồng nghiệp một thời. Khi đọc chia sẻ này của anh Vũ Khoan mà anh chị nào có ý muốn trao đổi, bổ sung hoặc cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm xưa thì Lều văn Thăng Sắc xin rất hoan nghênh.

6 nhận xét:

  1. Cám ơn anh Xương, tôi xin đăng lại nhận xét của anh để mọi người cùng đọc.


    "Anh Thang than men,

    Bau cu xong ve la xem den het trang tin cua anh. Rat hay,va rat chuyen nghiep! Theo toi, bai nay co the dang tren Bao Viet nam va the gioi duoc,nhu mot dong gop cho kho tang kinh nghiem lam nghe Ngoai giao. Dung,lam "nghe ngoai giao "anh a,vi day la mot nghe that su,co hoc moi lam duoc hay moi lam tot duoc! Toi rat cam kich truoc su ghi chep cong phu,nghiem tuc va chat luong cao cua anh day. Sau nay ,khi den luot minh,dong gop duoc gi toi cung se co gang(Di nhien khong phong phu duoc nhu Bac Khoan...). Kinh chuc anh tiep tuc dong gop cho nganh,cho nghe ,va cho doi ....nhe. Than ai, XUONG"

    Trả lờiXóa
  2. Phien dich trong tuong lai:
    http://www.youtube.com/watch?v=oyRQnflIv6Y&feature=player_embedded

    Trả lờiXóa
  3. Anh Thạc Dĩnh nói :

    Toi doc xong , toi cang cam phuc Anh Vu Khoan ma toi coi la than tuong (idol). Mong Anh Thang tiep tuc gui cac bai ve Than tuong cua toi nua nhe.

    Trả lờiXóa
  4. Y tưởng hay vô cùng khi phỏng vấn bác Vũ Khoan .
    Chẳng ai nói hay, súc tích và đầy nhiệt thành như Bác Khoan.
    PHAN Thuy Thanh ( Mme)
    Ancien Ambassadeur en Belgique et auprès de l' Union européenne.
    Déléguéé générale pour Vietnam -Laos -Cambodge
    L'Institut de Coopération Europe- Asie - Afrique et Amérique latine ( ICE3AL) N°18,LO A-PHO VINH PHUC - BA DINH , HANOI, VIETNAM

    Trả lờiXóa
  5. Tôi nghĩ blogger Thăng Sắc đang khai thác đúng mỏ vàng rồi đó!

    Trả lờiXóa
  6. From: Hang Truong

    Tối qua cháu đọc một "nèo" hết bài của Chú. Cháu kính nễ Chú quá ! Cháu đọc đến đoạn Cụ Hồ vừa hút thuốc vừa tranh thủ học từ vựng, nghĩ thầm: À, tháng này họp Chi bộ cháu có câu chuyện để kể về " học tập và làm theo tấm gương đạo đức của HCM rồi đây... Còn đoạn chú dịch ở nhà máy cơ khí Duyên Hải, cái ông GĐ phát biểu thuộc lòng, tiếp đoàn Hung mà nói về toàn là Ba lan mới buồn cười Cô nhỉ !
    Những kinh nghiệm của Chú thật là quí báu cho thế hệ sau. Cháu đã chuyển cho các bạn cùng xem để nhân rộng kiến thức cho mọi người.
    Chú đừng để "thất truyền" những "bí kíp" để thành công nha Chú. Chú hãy kể thêm nữa cho bọn cháu và mọi người cùng biết, để học tập và truyền dạy cho đời sau của chúng ta.

    Trả lờiXóa