SGTT.VN - Tôi tình cờ đọc được blog của A.H., một cô
gái trẻ đang làm việc tại một công ty PR tại TP.HCM. Qua blog của mình,
A.H. kể về trải nghiệm của chính cô trong việc cố gắng thu xếp chi tiêu
trong mức tối thiểu 2 triệu đồng trong vòng 20 ngày, hay là 100.000
đồng/ngày. Một chuyện tưởng chừng quá đơn giản, vậy mà cuối cùng A.H. đã
phải thú nhận mình thất bại.
H. chỉ đi lại bằng xe gắn máy, không mua sắm gì, cố
gắng thường xuyên ăn cơm ở nhà thay vì tham gia vào các hoạt động xã hội
sôi nổi đầy ắp của một cô gái năng động. Khi phải ăn ở văn phòng, hoặc
cô mua cơm bình dân (thường là thiếu giá trị dinh dưỡng) hoặc là đem đồ
ăn ở nhà đi. Các chi phí khác (có thể có) như điện, nước, điện thoại,
tiền nhà... chưa được tính ở đây. Ngay cả như vậy, cho đến cuối cuộc thử
nghiệm A.H. đã chi tiêu tổng cộng 2,5 triệu đồng!
Làm thế nào để xoay xở cuộc sống với mức thu nhập không
tăng trong khi mọi chi phí sống đều tăng không còn là chuyện của người
nghèo với đồng lương tối thiểu nữa, mà cả giới trung lưu thành thị.
Mới đây thôi trong nhà ngoài phố tôi còn nghe thấy
chuyện đầu tư cổ phiếu, chuyện kiếm tiền nhanh chóng, chuyện “tiền ở đâu
mà lắm thế nhỉ?!” Còn thời gian này, tôi cũng nghe những câu chuyện về
tiền, nhưng là làm sao để tiết kiệm chi tiêu, cái gì cũng tăng giá, cắt
giảm chỗ nào.
Rất nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ, công chức văn phòng,
nhân viên cấp quản lý ở các doanh nghiệp vì nhu cầu cuộc sống và công
việc mà chọn mua xe hơi riêng hoặc đi taxi. Chỉ trong vòng khoảng hai
năm trở lại đây, sau vài lần giá xăng tăng, phí taxi cũng đã tăng khoảng
40%. Nhiều người đã quen đi xe hơi đành phải quay lại với xe gắn máy để
tiết kiệm chi phí. Những người đi xe riêng thì đành “hạ cấp” đi taxi.
Một chị bạn tôi kể: “Tiền lương tài xế, tiền xăng, bảo hiểm, tiền đỗ xe,
bảo dưỡng… mỗi tháng cũng hơn 10 triệu đồng. Như vậy thì chi phí đi
taxi dù đã cao vẫn còn thấp hơn sở hữu một chiếc xe hơi. Nhưng nhà có
con nhỏ, phải đưa các cháu đi học thì phải chấp nhận chi phí ngày càng
cao như vậy”.
Dịch vụ xe ôm “on call” đã trở nên phổ biến với những
người giỏi xoay trở. Biên tập viên một tờ báo lớn ở TP.HCM có một bác xe
ôm kiêm “trợ lý” hàng ngày vừa chở đi đây đó, vừa giúp nhiều việc vặt
như đưa thư tín, vận chuyển hàng hoá, đi trả tiền hoá đơn… đủ thứ việc
không tên như một trợ lý thực thụ. Cô kể, giá cả thấp hơn nhiều so với
việc chính mình phải trực tiếp đi làm những việc vặt đó. Đó cũng là một
cách giảm chi phí.
Cơ cấu chi tiêu của tầng lớp trung lưu, những người ở
bậc gần cao nhất trong kim tự tháp về thu nhập, khác rất nhiều so với
những người có thu nhập dưới đáy xã hội. Các nhà kinh tế học tính toán
rằng, với những người thu nhập thấp, khoảng 80% chi phí hàng tháng của
họ là dành cho những nhu cầu thiết yếu, họ có rất ít tiền, hoặc gần như
không có khả năng chi trả cho những nhu cầu khác như giải trí, ăn uống
nhà hàng, đi du lịch, mua sắm thời trang v.v. Có nghĩa là khi giá lương
thực tăng, cuộc sống của người có thu nhập thấp ngay lập tức bị ảnh
hưởng.
Thế còn giới trung lưu thì sao? Với những người có thu
nhập được cho là cao, chi phí vào thực phẩm chỉ chiếm khoảng 20% trong
tổng thu nhập của họ. Nhưng họ lại có đủ thứ chi tiêu khác: tiền thuê
nhà hoặc trả nợ vay mua nhà, chi phí giao tế, chi phí đi lại (xe hơi,
taxi), chi phí mua sắm quần áo mới…
T., giám đốc nhãn hiệu của một công ty thời trang, kể:
“Mỗi bữa đi ăn trưa ở nhà hàng không bao giờ dưới 200.000 đồng. Nhưng
nhiều khi không đi không được: các cuộc gặp gỡ ở quán càphê hay ăn trưa
là một phần không thể thiếu trong việc duy trì các quan hệ công việc và
xã hội”. Buổi tối cuối tuần, T. thường đi chơi tiệc tùng với bạn bè,
nhưng cô cũng đã phải cắt giảm dần việc tham gia vào các cuộc vui, vì ở
các quán bar thời thượng ở thành phố hiện nay, giá một món đồ uống cũng
trên dưới 10 USD. Trong khi thu nhập không tăng, mọi thứ đều trở nên đắt
đỏ hơn. T. là người yêu thích thời trang nhưng cô kể rằng đã nhiều
tháng nay, cô chỉ cho phép mình mua sắm hàng giảm giá. Nhưng cho dù thu
nhập trên 30 triệu đồng nhưng cuối mỗi tháng, T. kể, cô không tiết kiệm
được bao nhiêu.
Có lẽ chỉ trừ giới cực giàu và những người kiếm tiền
quá dễ dàng là không cắt giảm tiêu xài, còn đa số mọi người trong thời
gian qua đều thắt lưng buộc bụng. Nếu hiện tượng này khó nhìn thấy từ
quan sát hàng ngày, thì hãy thử viện đến kinh tế học và các chỉ số: chỉ
số lạm phát những tháng qua liên tục giảm (may quá!); hàng hoá tồn kho
chất cao như núi (tin không tốt); sản xuất đình đốn, hàng loạt doanh
nghiệp phá sản, nhiều nhà máy cắt giảm sản xuất (thật đáng lo ngại!).
Tiến sĩ kinh tế Võ Trí Thành, tại một cuộc hội thảo
kinh tế, chia sẻ: “Lần đầu tiên Việt Nam thừa điện vào mùa nóng, Hà Nội
bật đèn đường đến sáng”. Câu chuyện mang tính hài hước nhưng thực ra lại
nói đến những dấu hiệu đáng lo ngại của nền kinh tế, khi tình trạng
giảm phát đe doạ đến sức khoẻ của nền kinh tế. Tỷ lệ xoay vòng của đồng
tiền trên thị trường giảm từ mức 2,5 lần xuống còn 0,8 lần. Đồng tiền
càng ít được quay vòng thì kinh tế càng sa sút. Tiêu thụ giảm, đầu tư
giảm dẫn đến giảm phát và đình đốn, và nếu kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng
thất nghiệp hàng loạt. Mọi người đều không sung sướng. Và như vậy, đây
là lúc mà các doanh nghiệp và các nhà kinh tế mong muốn người dân chi
tiêu nhiều hơn – chi tiêu để nền kinh tế không bị rơi vào tình trạng
giảm phát.
Nhưng chi tiêu như thế nào? Cuối cùng, đây lại là một
câu hỏi còn bỏ ngỏ. Chi tiêu như thế nào để phù hợp với tình hình tài
chính của mỗi người, mỗi gia đình lại là một chuyện khác và tuỳ thuộc
vào khả năng xoay trở của mỗi cá nhân.
Lan Anh
http://sgtt.vn/Tieu-dung/163753/Nao-ta-cung-xoay.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét