Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Cần làm rõ “nghi án” bao che ông Dương Chí Dũng

Bên lề phiên họp Quốc hội, TS. Cao Sỹ Kiêm (đại biểu tỉnh Thái Bình) - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thẳng thắn trao đổi về vụ khởi tố, truy nã Cục trưởng Cục Hàng hải, nguyên Chủ tịch HĐQT TCty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) Dương Chí Dũng.
Dư luận những ngày qua liên tục ngỡ ngàng với một loạt thông tin về sai phạm tại Vinalines, khởi tố Cục trưởng Cục Hàng hải, rồi tin ông Dũng bỏ trốn, bị truy nã quốc tế… Băn khoăn lớn nhất hiện nay là việc ông Dũng được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải chỉ 2 tháng trước khi vụ việc tại Vinalines vỡ lở, TCty đang bị thanh tra, thậm chí đã nhận được dự thảo kết luận về các sai phạm. Ông có cho rằng có nhiều “điểm mờ” trong việc bổ nhiệm cán bộ này của Bộ GTVT?

Việc đề bạt ông Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT có lý giải là không nắm được việc ông Dũng có sai phạm. Nhưng tôi cũng đặt vấn đến, tại sao không nắm được mà Bộ vẫn cứ đề bạt. Trong khi đó, ông Dũng rõ ràng đang nguy ngập rồi. Việc này là biểu hiện của trình độ quản lý, năng lực quản lý, trách nhiệm quản lý chưa tốt.
Xét lại chặng đường “thăng tiến” của ông Dũng, khi đang làm tại Tổng công ty đường thủy, sau đó lại lên làm Chủ tịch HĐQT Vinalines rồi đảm nhiệm vị trí Cục trưởng Cục Hàng hải. Phải chăng việc bố trí nhân sự ở đây có vấn đề?
Rõ ràng khâu quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát cán bộ không kỹ. Cũng cần tính hướng làm rõ vấn đề có lợi ích chi phối gì trong chuyện này không, có việc bao che, bảo vệ cho ông Dũng không? Cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ điều tra, kết luận nội dung này. Nhưng rõ ràng ở đây, để một cán bộ cấp dưới có nhiều sai phạm, chứng tỏ công tác quản lý lỏng lẻo, không sát, không sâu.
TS. Cao Sỹ Kiêm: “Tại sao không nắm rõ cán bộ mà Bộ GTVT vẫn đề đạt, bổ nhiệm?” (ảnh: Việt Hưng)
Việc ông Dũng “ngã ngựa” đi kèm với sự vỡ lở hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại Vinalines, trong đó có dấu hiệu làm trái các quy định về quản lý kinh tế, dễ dãi, lỏng lẻo trong quy trình huy động vốn, triển khai dự án… dẫn tới thất thoát, thiệt hại lớn tài sản nhà nước. Phải chăng chúng ta đang giao một nguồn vốn quá lớn trong tay một số cá nhân, mà điều kiện ràng buộc chỉ dựa vào niềm tin ở đạo đức của họ?
Đúng là như này thì rất rủi ro vì người trong sáng, liêm khiết đến đâu mà không có chế tài, không có quản lý chặt thì cũng dễ dẫn đến sai phạm. Cán bộ dù bản chất tốt, liêm khiết nhưng không có cơ chế ràng buộc trách nhiệm, quản lý tốt thì cũng dễ sa ngã. Do đó, nếu phát hiện sai phạm mà không xử lý nghiêm, kỷ cương sẽ bị giảm sút. Không có lý gì tài sản của xã hội, của nhiều người mà lại giao cho một người mà họ có quyền “thả tay” chi tiêu, kể cả tình huống đơn vị lỗ lớn mà bản thân cán bộ lãnh đạo vẫn được trả lương cao gấp hàng chục lần bình thường…
Nhưng chúng ta hiện đã có tầng tầng lớp lớp quản lý mà vẫn để xảy ra những sự việc như của ông Dũng ở Vinalines, ông Bình ở Vinashin và nhiều cán bộ lãnh đạo các DNNN tương tự?
Cơ chế quản lý hiện nay rõ ràng có nhiều lỗ hổng, lỏng lẻo nên có nhiều người lợi dụng… Đánh giá, quản lý cán bộ thì yếu kém. Phải chấn chỉnh, khắc phục được những lỗ hổng cơ chế này mới hạn chế được sai phạm.
Theo ông, hướng khắc phục như nào? Có ý kiến cho rằng cần phải công khai các ứng cử viên trong diện “quy hoạch” vào các vị trí lãnh đạo tập đoàn, TCty nhà nước?
Đúng là phải công khai vấn đề này. Giả sử chúng ta công khai việc bổ nhiệm ông Dũng thì chắc người dân, dư luận đã có cơ chế giám sát phản biện, làm rõ các sai phạm của ông Dũng trong các thời kỳ trước, không dễ gì không ai biết “bệnh” như vừa qua. Làm vậy sẽ lọc, loại được ngay các cán bộ không đủ điều kiện.
Vụ án tại Vinashin chưa kịp khép lại thì Vinalines tiếp tục “gây nổ” tương tự. Sau việc đổ bể tại một số DNNN, phải chăng việc chấn chỉnh các tập đoàn, TCty thời gian qua vẫn chưa tốt?
Việc tổng kết đánh giá các tập đoàn chưa được bài bản, chưa rõ. Đến giờ vẫn chưa xác định được thực trạng hoạt động của các đơn vị này đúng sai ra sao. Hơn nữa, việc tiếp cận, tiếp xúc cũng khác nhau, đánh giá khác nhau nên các giải pháp đưa ra cũng khác nhau. Muốn quản lý được phải nắm rõ được thực trạng của đơn vị. Ví dụ việc tái cơ cấu Vinashin vừa qua lại thành ra đẩy một cơ số nợ sang cho Vinalines trong khi thực chất lúc này Vinalines cũng đang khó khăn lắm rồi. Điều này chứng tỏ cơ quan quản lý chưa nắm rõ được thực trạng của các tập đoàn.
Xin cảm ơn ông!
Theo: Dân trí .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét