Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Chấm mút, cắt xén quyền lợi của dân, dân ắt phẫn uất!

Khẳng định sở hữu toàn dân về đất đai có thể giải tỏa những điểm nóng hiện nay? Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc khuyến nghị.
Ông Nguyễn Đình Lộc (ảnh) nói:Trước hết chúng ta phải nhìn vấn đề đất đai trong bối cảnh chung của đất nước là đi lên từ nông nghiệp, 90% đất đai là đất nông nghiệp. Trong khi đó Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa (CNH), đô thị hóa, hiện đại hóa (HĐH) cần rất nhiều đất đai để phát triển công nghiệp, phát triển đô thị. Vì vậy, đất đai đang trong tay nông dân sử dụng được thu hồi với số lượng lớn để phục vụ cho công cuộc phát triển này. Tất cả câu chuyện ấy tạo nên sự phức tạp rất lớn trong vấn đề đất đai.
Lợi ích nhóm làm lòng dân không yên


. Ông có nhận xét gì về các vụ việc cưỡng chế thu hồi đất mà người dân phản ứng rất mạnh xảy ra liên tục gần đây?
+ Điều này cho thấy tâm lý của người nông dân muốn được sở hữu ruộng đất mình sử dụng. Một khi Nhà nước còn làm chủ sở hữu thì nếu Nhà nước cần, Nhà nước sẽ thu hồi một cách dễ dàng và người dân cũng chỉ được nhận bồi thường theo ấn định của Nhà nước.
Tuy nhiên, vấn đề đất đai phức tạp ngoài khó khăn chung liên quan đến quyền sở hữu trước đây để lại một phần nhưng cũng với chính sách ấy, nếu thực hiện nghiêm, thực hiện đúng thì cũng không gây bức xúc nhiều cho người dân như vậy.
. Nghĩa là ở đây có cả việc lợi ích nhóm chen vào trong quá trình thực thi chính sách?
+ Rõ ràng đất đai đang là mảnh đất màu mỡ cho nhiều cá nhân, tổ chức chấm mút trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Hiện nay người có quyền ra quyết định thu hồi đất là ông ủy ban. Ông ủy ban thu hồi đất nông dân đang sử dụng đi cấp cho DN. Nông dân chịu mất mát, không còn đất để làm ăn và chỉ nhận về một khoản bồi thường nào đó, còn DN thì lại sinh lợi rất nhiều từ đất đai này.
Có một thực tế khi chính quyền vận động người dân để thu hồi đất thì hứa hẹn rất nhiều nhưng đến lúc triển khai thực hiện thì tìm cách bớt đi các quyền lợi của người dân. Vì vậy mà người dân tìm mọi cách để đòi hỏi những quyền lợi chính đáng của mình, không chỉ một người mà hàng trăm, hàng ngàn người cùng đòi. Lúc bấy giờ trở thành vấn đề phức tạp.
Nếu việc tính toán giữa chính quyền và người dân được thỏa đáng thì việc thu hồi đất sẽ đạt được nhiều thuận lợi. Trong ảnh: Thu hồi đất xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM. Ảnh: HTD
Nhiều lúng túng về sở hữu đất
. Theo ông, cần sửa đổi chính sách đất đai như thế nào để tháo gỡ tình hình phức tạp hiện nay?
+ Sửa đổi chính sách về đất đai là vấn đề rất khó. Có một số người bảo thôi quốc hữu hóa, thôi sở hữu toàn dân về đất đai. Nhưng như vậy thì ai được sở hữu đất đai, người đang có quyền sử dụng đất đai được làm chủ sở hữu có được không? Thực tế hiện nay có những người đang sử dụng hàng chục hecta, thậm chí nhiều hơn, vậy cho họ làm chủ sở hữu luôn hay sao? Họ có phải mất tiền để làm chủ không? Còn nông dân, người bức xúc nhất bây giờ, thì được gì? Được một ít ruộng đất đang cày cấy hay sao?
Một số ý kiến cho rằng để hạn chế tình trạng bất cân xứng này thì dùng chính sách hạn điền quy định tối đa mỗi người có quyền làm chủ sở hữu bao nhiêu đất. Nếu quá mức quy định thì phải mua hoặc Nhà nước phải thu hồi lại cho người khác. Cũng có ý kiến cho rằng chủ yếu vẫn sở hữu toàn dân nhưng một số ít thì sở hữu tư nhân. Nhưng vấn đề số ít đấy là ai trong toàn dân hơn 80 triệu người? Chẳng hạn như đất ở, ai đang có nhà thì được sở hữu đất ấy nhưng bây giờ có những người có cả chục cái nhà thì giải quyết sao… Đấy là cái lúng túng của chúng ta hiện nay.
Vẫn sở hữu toàn dân nhưng có sửa đổi
. Hội nghị Trung ương 5 đã tái khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Ông nhận xét gì về quyết định này?
+ Chính vì có quá nhiều ý kiến lo ngại như vậy và hậu họa thì rất khó lường nên việc Hội nghị Trung ương 5 khẳng định đất đai sở hữu toàn dân là một định hướng dứt khoát, rõ ràng để thoát khỏi tình trạng lúng túng hiện nay. Điều này cũng thể hiện tính ổn định trong chính sách đất đai của Nhà nước hơn 20 năm qua, tránh những xáo trộn, bất ổn mà đáng lo ngại nhất là những tranh chấp, xung đột trong nhân dân. Khi đã có định hướng rõ ràng rồi thì người dân sẽ có kế hoạch làm ăn ổn định trên mảnh đất mình đang sử dụng.
Tuy tái khẳng định đất đai sở hữu toàn dân nhưng không phải giữ nguyên hiện trạng như hiện nay mà sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp để khắc phục những tồn tại vừa qua. Điều này còn phải trông chờ vào QH sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai trong thời gian tới.
Trọng dân chứ đừng chỉ thu hồi phứt cho xong
. Như ông nói gốc rễ của vấn đề đất đai là câu chuyện sở hữu và người dân đang muốn được sở hữu đất đai mình sử dụng. Tiếp tục khẳng định sở hữu toàn dân về đất đai thì liệu lòng dân có yên được không, thưa ông?
+ Rõ ràng chúng ta thấy cứ để như hiện nay thì sẽ làm khổ nhau, nông dân cũng khổ, anh quản lý cũng khổ. Chỉ có một số kẻ tìm sơ hở của chính sách để lách luật hoặc lạm dụng luật để tư lợi về mình thì thích thú. Qua đó cũng cho thấy trong quá trình thực hiện thu hồi đất, chính quyền ít quan tâm đến dân mà cứ thực hiện thu hồi cho được việc.
CNH, HĐH để đất nước phát triển là một chủ trương đúng nhưng quá trình thực hiện thu hồi đất để CNH, HĐH lại động chạm nhiều đến lợi ích và đời sống của người dân. Nếu thực hiện có tính toán thỏa đáng giữa lợi ích chung và lợi ích riêng của người dân thì sẽ không có vấn đề gì. Còn một khi người quản lý và người thực hiện, kể cả DN, cứ tìm cách né tránh lợi ích của người dân, bớt được chừng nào hay chừng đấy, cứ chấm mút vào đấy thì nhân dân phẫn uất nhất là chuyện này.
Trong một số trường hợp cụ thể, hành xử của chính quyền nhiều khi không trọng người dân lắm. Vì vậy, với chính sách đất đai vẫn là sở hữu toàn dân như hiện nay đòi hỏi chính quyền phải biết trọng dân hơn, biết gạt bỏ lợi ích nhóm qua một bên, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân, thực hiện những gì đã hứa với dân đến nơi đến chốn. Có làm được như vậy thì người dân sẽ không bức xúc nhiều như hiện nay.
. Xin cảm ơn ông.
THU HẰNG thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét