Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Thế nào là những giá trị Trung Hoa ?


Tác giả Joschka Fischer nguyên Bộ trưởng Bộ ngoại giao và Phó Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức từ 1998 tới 2005.
 Phạm Gia Minh dịch từ Project-Cyndicate 

Có thể đang tồn tại một nỗi nghi ngại nhỏ nhưng  không phải là thiếu căn cứ rằng Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sẽ thống trị thể giới trong thế kỷ 21. Bằng chứng cho nhận định  này là tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc dân cao, tiềm năng chiến lược, thị trường nội địa khổng lồ , đầu tư rất lớn vào hạ tầng, giáo dục, nghiên cứu & phát triển đồng thời với việc tăng cường đáng kể lực lượng vũ trang. Điều đó có nghĩa là,  đứng về phương diện chính trị và kinh tế,  chúng ta đang bước vào một thế kỷ của Đông Á và Đông-Nam Á.

Vì sợ rằng chúng ta có thể quên nên cần  phải nhớ rằng  kết cục của thế giới này sẽ tồi tệ hơn rất nhiều nếu như con đường đi lên của Trung Quốc thất bại.  Tương lai của thế giới này rồi sẽ ra sao ? Chúng ta có thể thấy trước thế lực nào sẽ định hình môi trường  địa-chính trị của thế giới , thế  nhưng   các giá trị nào sẽ làm nền móng cho cách hành xử của thế lực đó ?
Chủ thuyết chính thức về “ bốn hiện đại hóa” ( bao gồm công nghiệp, nông nghiệp, quân sự và khoa học-công nghệ ) làm trụ cột cho sự trỗi dậy của Trung Quốc từ cuối những năm 1970 đã không thể trả lời câu hỏi nêu trên , bởi lẽ còn thiếu mất một “ hiện đại hóa thứ năm” nữa  đó là sự nổi lên của dân chủ và pháp quyền. Quả thực, quá trình  hiện đại hóa về chính trị đang gặp phải sự chống đối toàn diện và mạnh mẽ từ phía ĐCS Trung Quốc vì đảng này không muốn từ bỏ vị thế độc tôn của mình. Hơn nữa , giai đoạn quá độ sang một hệ thống đa nguyên sẽ khởi nguồn mà không ngăn chặn những xung đột chính trị có thể mang tính rủi ro , mặc dù rủi ro cũng sẽ gia tăng khi sự nắm quyền chỉ bởi một đảng vẫn được duy trì  dài lâu hơn ( và nạn tham nhũng tràn lan cùng đồng hành với nó) .
Về mặt tư tưởng, việc các lãnh tụ Trung Quốc chối bỏ nhân quyền, dân chủ và pháp quyền dựa trên luận điểm bất đồng cho rằng  những giá trị hiện nay dù giả sử là mang tính toàn cầu đi chăng nữa, thì chẳng qua cũng chỉ là bình phong bảo vệ quyền lợi của Phương Tây và từ chối chúng phải được coi là việc biết  tự trọng . Trung Quốc sẽ không bao giờ phải quy phục Phương Tây về quân sự cho nên cũng sẽ không  cần quy phục các quy chuẩn khác của Phương Tây .
Bây giờ chúng ta sẽ quay trở lại với luận thuyết về “ những giá trị Á Châu” được phát triển ban đầu ở Singapore và Malaysia. Tuy nhiên cho đến ngày hôm nay sau ba thập niên, thì ý nghĩa của luận thuyết đó vẫn còn chưa được sáng tỏ. Về bản chất, luận thuyết này được dùng để biện minh cho sự cầm quyền theo kiểu độc đoán tập thể ( một hình thức của một ông vua tập thể- ND) nhưng biết cách hòa hợp với các truyền thống và văn hóa bản địa, với sự  khẳng định ý thức tự lập theo cách nhấn mạnh những nét riêng đặc thù , có nghĩa là khác biệt với Phương Tây và những giá trị của nó. Như vậy thì “ các giá trị Á Châu” không phải là những chuẩn mực mang tính phổ quát toàn cầu , mà  đúng hơn , đó chỉ là  chiến lược tự bảo toàn nhằm phục vụ cho các mục tiêu chính trị.
Nhìn vào lịch sử của chủ nghĩa thực dân Phương Tây ở Châu Á thì ý nguyện gìn giữ sự khác biệt về bản sắc là điều dễ thông cảm và chính đáng cũng như niềm tin ở nhiều quốc gia Á Châu và trước tiên là Trung Quốc là đã đến lúc phải thanh toán những món nợ cũ. Tuy nhiên nỗ lực bảo toàn quyền lực , nhu cầu về một sự khác biệt mang “ bản sắc Á Châu” và ý nguyện thanh toán những món nợ lịch sử sẽ không thể giải  quyết vấn đề có tính quy phạm được đặt ra khi Trung Quốc trỗi dậy với tư cách là một thế lực vượt trội trong kỷ nguyên này.
Trả lời cho câu hỏi này như thế nào có ý nghĩa quyết định bởi lẽ điều này sẽ xác định đặc tính của thế lực toàn cầu , và cả cái cách mà thế lực đó hành xử với các quốc gia khác yếu hơn.  Quốc gia trở thành một thế lực toàn cầu khi mà ý nghĩa chiến lược và tiềm năng của nó đạt tới tầm cỡ toàn thế giới. Và theo quy luật, những quốc gia này khi đó sẽ cố gắng bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách áp đặt tính vượt trội ( bá chủ, lãnh đạo) của chúng . Điều này dẫn tới những xung đột nguy hiểm nếu chỉ có ép buộc mà đi thiếu một sự hợp tác .
Sự thích nghi của cộng đồng quốc tế đối với cơ cấu lãnh đạo toàn cầu ( mà trong đó các thế lực toàn cầu đảm bảo một trật tự quốc tế  ) đã sống qua được qua thời Chiến tranh lạnh. Về mặt tư tưởng , Liên Xô chưa từng là thế lực chống Phương Tây bởi lẽ chủ nghĩa Cộng sản    chủ nghĩa Xã hội đều là những sáng tạo của Phương Tây, tuy nhiên Liên Xô chống Phương Tây về phương diện chính trị. Liên Xô đã sụp đổ không chỉ bởi nguyên do kinh tế mà còn bởi cách hành xử trong nước và quốc tế dựa trên ép buộc mà không phải là sự ưng thuận.
Trái ngược lại, mô hình kinh tế, chính trị của Mỹ và Phương Tây với quyền con người và một xã hội mở đã chứng tỏ là thứ vũ khí sắc bén nhất trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Hoa Kỳ chiếm ưu thế không phải vì tính hơn hẳn về quân sự mà bởi quyền lực mềm của mình và còn bởi vì sự lãnh đạo của Hoa Kỳ  không dựa trên  ép buộc ( mặc dù cũng có những trường hợp như vậy) , nhưng chủ yếu vẫn là tự nguyện.
Vậy thì Trung Quốc sẽ chọn con đường nào ? Khi mà Trung Quốc  không thay đổi nền văn hóa lâu đời và đáng khâm phục của mình thì  để có được vị thế  phục hưng như ngày nay nó vẫn phải biết ơn việc đi theo mô hình hiện đại hóa Tây Phương – và đó chính là thành tựu vĩ đại của Đặng Tiểu Bình , người đã đưa đất nước lên con đường phát triển hôm nay cách đây hơn ba thập kỷ. Tuy  nhiên  câu hỏi quyết định về  hiện đại hóa chính trị  vẫn chưa được trả lời.
Rõ ràng là quyền lợi quốc gia và đôi khi là quyền lực đơn thuần có vai trò trong  cách thức mà  Hoa Kỳ và các nước Phương Tây khác áp dụng  những giá trị như nhân quyền, pháp quyền , dân chủ và đa nguyên. Nhưng những giá trị đó không phải là thứ hàng hóa để trưng bày tủ kính nhằm phục vụ lợi ích của Phương Tây; thực tế chúng không có ý nghĩa như vậy , và quả thực đó là những giá trị chung của nhân loại , nhất là trong kỷ nguyên của toàn cầu hóa mọi mặt hiện nay.
Sự đóng góp của Châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng vào quá trình phát triển tập hợp những giá trị chung của nhân loại  hãy còn là điều  chưa thể dự đoán hết được, thế nhưng điều này nhất định sẽ xảy ra nếu như  công cuộc “ hiện đại hóa thứ năm” dẫn dắt Trung Quốc tới một sự chuyển hóa về chính trị. Tiến trình của Trung Quốc với tư cách là một thế lực toàn cầu sẽ được xác định chủ yếu phụ thuộc vào cách mà quốc gia này trả lời cho câu hỏi vừa nêu.

Thăng long-Hà nội 3/5/2012
Phạm Gia Minh dịch từ Project-Cyndicate 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét