Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Kể chuyện Myanmar - 12


Giáo dục ở Myanmar
1. Chất lượng giáo dục
Hệ thống giáo dục của Myanmar dựa trên hệ thống giáo dục của Vương quốc Anh áp dụng tại Myanmar gần một thế kỷ. Tiếng Anh được dạy như ngôn ngữ thứ hai từ cấp mẫu giáo.
Năm 1948 sau khi giành lại độc lập, chính phủ Myanmar rất coi trọng phát triển ngành giáo dục và tin tưởng kết quả đào tạo của ngành giáo dục sẽ góp phần đưa sớm Myanmar trở thành con rồng Châu Á như quốc gia này đã đề ra. Cuối thập kỷ 50 của thế kỷ XX, chất lượng đào tạo của các trường đại học Myanmar thuộc nhóm đầu thế giới.[1]

Tuy nhiên, cuộc đảo chính quân sự năm 1962 đã làm đứt gãy sự phát triển của ngành giáo dục Myanmar. Tất cả các trường học bị quốc hữu hóa khiến chất lượng giáo dục đi xuống. Năm 1965, Luật Giáo dục Đại học mới được ban hành, tiếng Anh không còn được dùng làm phương tiện giảng dạy tại các trường đại học mà thay bằng tiếng Miến Điện, khiến trình độ tiếng Anh của sinh viên Myanmar bị giảm sút. Mãi đến năm 1982 tiếng Anh mới lại được dùng làm phương tiện giảng dạy tại các trường học.
Nhưng chỉ 6 năm sau, “sự kiện 8888” khiến tất cả các trường đại học tại Myanmar lại bị đóng cửa trong 2 năm. Đến năm 1990, chính phủ quân sự áp dụng hệ thống giáo dục mới và quyết định các trường đại học, cao đẳng khai giảng vào thời gian khác nhau, nhưng bị sinh viên phản đối. Những cuộc biểu tình liên tục của sinh viên khiến các trường đại học và cao đẳng tiếp tục bị đóng cửa trong 3 năm từ 1996-1998.
Năm 1999, chính phủ Myanmar cho phép các trường đại học, cao đẳng mở cửa trở lại, nhưng phân tán các trường đại học về các Bang, Vùng khác nhau. Hệ thống giáo dục có một số điều chỉnh mới, chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng được cải thiện  Năm 2005, Bộ Ngoại giao Myanmar chính thức thông báo chất lượng giáo dục của 156 trường đại học và cao đẳng Myanmar đã đạt chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, do kinh tế kém phát triển, ngân sách giáo dục hạn chế [2], cộng với chính trị xã hội không ổn định suốt thời gian dài; các trường đại học cách nhau quá xa, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, thiếu thông tin kết nối với quốc tế …khiến chất lượng giáo dục của Myanmar đã tụt hậu nhiều so với chuẩn quốc tế. Ngoài ra, chất lượng đào tạo của sinh viên Myanmar bị giảm sút còn do họ bị hạn chế trong việc nói, viết và trình bày quan điểm một cách tự do.
Vì vậy, theo đánh giá của Văn phòng UNDP của Liên Hợp Quốc tại Yangon, chất lượng giáo dục của Myanmar hiện tại tuy chưa đạt chuẩn quốc tế, nhưng vẫn được xếp vào loại trung bình ở Châu Á, đặc biệt trình độ tiếng Anh của sinh viên Myanmar sau khi tốt nghiệp đại học tốt hơn nhiều so với sinh viên nhiều nước Châu Á khác.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục Myanmar, tỷ lệ biết chữ năm 2010 của cả nước là 94,95%. Trong khi đó theo thống kê của CIA Factbook Hoa Kỳ thì tỷ lệ biết chữ của Myanmar năm 2006 là 89.9% (nam: 93,9%, nữ: 86,4%).                   
2. Mục tiêu giáo dục
+ Ở bậc phổ thông
- Tăng tỷ lệ nhập học đối với trẻ đến tuổi tới trường.
- Cập nhật và nâng cao chương trình giảng dạy ở cả ba cấp trong hệ thống giáo dục cơ bản.
- Bỏ hệ thống kiểm tra, đánh giá cũ khuyến khích học thuộc lòng, thay thế bằng quy trình đánh giá mới hợp lý hơn, khuyến khích khả năng tư duy, kĩ năng giải quyết vấn đề.
- Tăng cường thành lập các phòng học đa phương tiện có sử dụng máy chiếu, thiết bị điện tử và sử dụng máy tính để hỗ trợ giảng dạy.
- Nâng cao chất lượng cơ sở đào tạo giáo viên và đội ngũ giáo viên.
+ Ở bậc đại học:
- Tăng cường chất lượng giáo dục.
- Giới thiệu và ứng dụng công nghệ thông tin vào trường học.
- Nghiên cứu chuyên sâu.
- Phát triển một xã hội học tập suốt đời và tăng cường liên kết đào tạo quốc tế.
3. Luật giáo dục
Luật Giáo dục mới của Myanmar được ban hành năm 1973, quy định mọi công dân đều có quyền được đi học và được giáo dục cơ bản như đã quy định trong Hiến pháp và các văn bản luật của Nhà nước.
Luật Trẻ em Myanmar có hiệu lực từ tháng 7/1993. Trong đó, chương IV ghi rõ:
(a) Mọi trẻ em đều có cơ hội được tới trường; có quyền được hưởng nền giáo dục cơ bản (cấp tiểu học) miễn phí tại các trường công lập.
(b) Bộ Giáo dục phải thực hiện một hệ thống giáo dục cơ bản miễn phí và bắt buộc; các biện pháp cần thiết để duy trì trẻ tới trường thường xuyên và giảm tỷ lệ bỏ học; thu xếp cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được đi học tại các trường công lập.
Về nguyên tắc, giáo dục bắt buộc bao gồm 5 năm đầu tiên trong hệ thống giáo dục cơ bản (từ lớp mẫu giáo đến lớp 4).
4.  Ngân sách giáo dục
Ở Myanmar, tất cả các trường học được Nhà nước cấp ngân sách và chịu sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, tỷ trọng chi cho ngành giáo dục đào tạo trong GDP khá thấp, dưới 1,5% GDP.
Riêng ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo chưa có trường học công lập, chính quyền địa phương tại những khu vực này đã huy động nguồn lực tư nhân để xây dựng trường học với cam kết dần dần sẽ chuyển thành trường công lập. Các trường học loại này phải trực thuộc một trường công lập và được gọi là “trường trực thuộc”. Khoảng 90% nguồn thu của trường trực thuộc dùng để trả lương cho giáo viên. Năm học 1987 - 1988, có khoảng 5.000 giáo viên dạy trong hệ thống các trường học trực thuộc. Trường học không phải mất tiền thuê đất do chủ đất hỗ trợ.
Tại các trường công lập, Hội phụ huynh học sinh đóng góp tài chính cho trường. Quỹ của phụ huynh học sinh đóng góp nhằm để xây dựng phòng học mới; mua mới, sửa chữa trang thiết bị dạy học; phần thưởng cho học sinh xuất sắc, các hoạt động ngoại khóa như thể thao, nghệ thuật, thi viết tiểu luận  v.v...
Theo thống kê của Phòng Nghiên cứu giáo dục Myanmar, trung bình hàng năm Hội phụ huynh các địa phương trong cả nước đã cung cấp 21,2% chi phí xây dựng phòng học, 63% chi phí mua thiết bị, 63,4% chi phí sửa chữa, nâng cấp và 87,7% các chi phí phát sinh khác. Gần đây, tổ chức Hội phụ huynh ngày càng lớn mạnh và đóng góp tích cực vào các hoạt động giáo dục. Khối trường trung học phổ thông nhận được nhiều nhất đóng góp của Hội phụ huynh.
Trên cở sở Hội phụ huynh, chính phủ Myanmar cũng thành lập Ban Quản trị nhằm phối hợp các các lực lượng khác trong xã hội để xây dựng nguồn quỹ giáo dục. Quỹ này sẽ giúp phần giải quyết những yêu cầu bức xúc của nền giáo dục hiện nay như xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và phúc lợi xã hội. Trong năm 2000, những lực lượng trên đã đóng góp 3,182 tỷ kyat và 170.000 USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng và mua sắm các trang thiết bị dạy học hiện đại.
5. Hệ thống giáo dục
+ Giáo dục cấp nhà trẻ
Cấp nhà trẻ dành cho trẻ từ 3 - 5 tuổi, đây là cấp học không bắt buộc với mục đích hình thành tư duy cho trẻ, tạo những thói quen, tập tính ngay trong giai đoạn này. Cấp học nhà trẻ được chính thức đưa vào chương trình từ năm học 1998 - 1999.
+  Giáo dục phổ thông
Giáo dục cơ bản kéo dài 11 năm và được chia thành 3 cấp: tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

a)      Cấp tiểu học

Cấp tiểu học bắt đầu từ  5 tuổi đến hết 10 tuổi. Cấp tiểu học gồm có 5 trình độ, từ mẫu giáo đến lớp 4 và được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn một gồm lớp mẫu giáo, lớp 1 và lớp 2. Giai đoạn hai gồm lớp 3 và lớp 4. Đây là cấp học phổ cập, bắt buộc đối với mọi học sinh. Để kết thúc bậc tiểu học tiếp tục lên cấp trung học cơ sở, học sinh phải trải qua một kỳ thi với các môn cơ bản – kỳ thi lớp 4.

b)     Cấp trung học cơ sở

Gồm 4 trình độ, từ lớp 5 đến lớp 8, bắt đầu từ 11 tuổi đến 14 tuổi.  Hết trung học cơ sở, học sinh phải trải qua kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở – kỳ thi lớp 8.

c)      Cấp trung học phổ thông

Trung học phổ thông gồm 2 trình độ lớp 9 và lớp 10, bắt đầu từ năm 15 đến 16 tuổi. Cuối lớp 10 học sinh phải trải qua kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông – kỳ thi lớp 10. Căn cứ vào kết quả thi tuyển mà học sinh sẽ được nhận bằng tốt nghiệp loại A hay B. Những học sinh đạt được bằng tốt nghiệp loại A sẽ được tiếp tục học lên các trường đại học và cao đẳng.
Ở cấp tiểu học và trung học tại Myanmar đều không có sự đào thải, chỉ khi đến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng mới có sự phân loại và đào thải.
Cấp trung học phổ thông phân thành 2 Ban: Tự nhiên và Xã hội. Học sinh cả 2 Ban đều phải học tiếng Myanmar, tiếng Anh và Toán học. Ngoài ra, Ban tự nhiên học thêm 3 môn: Hóa học, Vật lý và Sinh học, Ban xã hội sẽ học thêm Địa lý, Lịch sử và Kinh tế. Sự phân Ban này sẽ quyết định môn thi của học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng sau này.
Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, học sinh sẽ tham gia kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học do Hội đồng tuyển sinh Myanmar tổ chức hàng năm vào giữa tháng 3. Những học sinh các trường quốc tế hoặc dân lập không được thi vào các trường cao đẳng và đại học công lập. Những học sinh đạt điểm suất sắc nhất (500/600 điểm) sẽ được vào học tại một trong những trường đại học Y khoa hoặc đại học Dược Myanmar.
Một năm học tại Myanmar bao gồm 36 tuần và được chia làm hai học kỳ.

+ Giáo dục sau phổ phông

a)      Trung cấp, dạy nghề 

Những học sinh không đủ điều kiện vào các trường đại học và cao đẳng thì có thể theo học chương trình dạy nghề do Sở Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề phụ trách.
Hiện Myanmar có khoảng 10 trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề do Sở Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề quản lý, bao gồm các khóa học: ngắn, trung và dài hạn với các ngành nghề như nuồi trồng thủy hải sản, nghề cá; nghề thủ công truyền thống; nghề sửa chữa cơ khí, đồ gia dụng v.v
Ngoài ra, còn có những chương trình vừa học vừa làm như lớp học nghề buổi tối, lớp học kỹ thuật công nghiệp (ETEC). Những lớp học này dành cho cán bộ, công nhân viên các cơ quan nhà nước muốn bổ túc, nâng cao tay nghề. Ngoài ra, các trường dạy nghề còn có các khóa học ngắn hạn (từ 1-3 tháng) và trung hạn trên 3 tháng giành cho những thanh thiếu niên ở khu vực nông thôn, miền núi có hoàn cảnh khó khăn.

b)     Đại học

Theo số liệu của Bộ Giáo dục Myanmar, năm 2006 cả nước có 156 trường đại học và cao đẳng với tổng số 42.800 sinh viên và 11.252 giảng viên các loại.
Chương trình bậc đại học của Myanmar kéo dài từ 3 đến 6 năm tùy theo từng ngành học. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên được cấp bằng đại học với các tên gọi như: cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ. Ngoài ra, dưới sự hướng dẫn của Trung tâm phát triển nguồn nhân lực quốc gia, các trường cao đẳng và đại học cũng tổ chức những khóa học ngắn hạn (từ 3 – 9 tháng). Học sinh hoàn thành khóa học sẽ được cấp chứng chỉ.
Tất cả các trường đại học và cao đẳng tại Myanmar do chính phủ điều hành. Chương trình học và bằng cấp do các Bộ tương ứng cấp và quản lý. Ví dụ, Bộ Y tế sẽ điều hành và quản lý Học viiện Y dược I, II và Học viện Y học nha khoa; Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý Học viện khoa học và công nghệ,  Đại học công nghệ Yangon và Mandalay; Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi  quản lý trường Đại học Nông nghiệp; Bộ Văn hóa quản lý Đại học văn hóa  v.v...
Phân bố các trường đại học và cao đẳng tại Myanmar
STT
Bang/Vùng
Trường Đại học & Cao đẳng
1
Vùng Ayeyawady
12
2
Vùng  Bago
9
3
Bang Chin
1
4
Bang Kachin
8
5
Bang Kayah
3
6
Bang Kayin
4
7
Vùng Magway
14
8
Vùng Mandalay
32
9
Bang Mon
5
10
Bang Rakhine
4
11
Vùng Sagaing
12
12
Bang Shan
12
13
Vùng Taninthayi
7
14
Vùng Yangon
34

TỔNG CỘNG
156
Nguồn: Bộ Giáo dục Myanmar - 2010 
Ngoài các trường cao học, đại học trong nước, học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có thể theo học chương trình liên kết đào tạo quốc tế giữa trường đại học, cao đẳng của Myanmar với tổ chức đào tạo nước ngoài như các Tổ chức TAA của Hàn Quốc, một số trường của Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Malaysia  v.v...
+. Giáo dục sau đại học
Thạc sĩ: Các sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, có nhu cầu học cao học và vượt qua kỳ thi tuyển sinh cao học hằng năm sẽ được tham dự các khoá đào tạo cao học để nhận bằng Thạc sĩ. Thời gian đào tạo thường là 2 năm, có thể dài hơn hoặc ngắn hơn phụ thuộc vào quy định của chuyên ngành và của cơ sở đào tạo.
Tiến sĩ: là bậc đào tạo cao nhất ở Myanmar hiện nay. Tất cả các cá nhân tốt nghiệp cao học đều có quyền làm nghiên cứu sinh với điều kiện phải vượt qua kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh hàng năm. Thời gian làm nghiên cứu sinh thường là 5 năm. Sau khi hoàn thành và bảo vệ thành công luận án, các nghiên cứu sinh sẽ được cấp bằng Tiến sĩ.
+  Giáo dục dân lập
Tại Myanmar, ngoài hệ thống trường học quốc lập được Nhà nước cấp kinh phí, còn có hệ thống trường dân lập với số lượng ngày càng tăng, đặc biệt là những Trung tâm đào tạo ngoại ngữ, tin học, kế toán và một số ngành kinh tế khác.
Với xu hướng tự do hóa nền kinh tế và tăng cơ hội tìm việc làm, nhiều thanh niên trẻ đã chuyển sang lựa chọn các khóa học của các trường dân lập. Các trường dân lập có nhiều lợi thế trong cạnh tranh với các trường công lập về các lĩnh vực trên vì các trường dân lập dễ dàng cập nhật thông tin, cơ sở vật chất tốt và có điều kiện để thuê đội ngũ giáo viên giỏi đáp ứng được yêu cầu của học sinh.
Tại Yangon và các thành phố lớn khác của Myanmar, trường dân lập là nhu cầu thiết yếu đối với con em tầng lớp quan chức và giới thượng lưu. Thông thường, sau khi tốt nghiệp các trường phổ thông trung học dân lập, các học sinh con nhà khá giả sẽ có vốn kiến thức và tiếng Anh tốt dễ dàng đi du học tiếp ở những nước có nền giáo dục cao hơn Myanmar.
+  Giáo dục đặc biệt
            Giáo dục đặc biệt tại Myanmar thuộc sự quản lý của Ban chính sách xã hội (DSW) trong Bộ Phúc lợi xã hội. Ngoài ra, các tổ chức phi chính phủ cũng tổ chức các lớp học cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ khuyết tật, trẻ có khó khăn về điều kiện kinh tế, trẻ em lang thang đường phố, nạn nhân của tệ buôn người, trẻ em bị mắc bệnh HIV v.v…
            Myanmar hiện có một số Trường và Trung tâm giáo dục, đào tạo đặc biệt dành cho trẻ em khiếm thị, khiếm thính, khuyết tật… do Bộ Phúc lợi xã hội quản lý và do các Tổ chức phi chính phủ tài trợ.
+ Giáo dục không chính quy và giáo dục cho người trưởng thành
Ngoài hệ thống giáo dục chính quy, Myanmar còn có hệ thống Tu viện Phật giáo tồn tại từ nhiều thập kỷ qua giành cho con em các gia đình nghèo. Hệ thống Tu viện Phật giáo đóng một vai trò quan trọng trong nền giáo dục Myanmar. Vào những năm 1960, các Tu viện này bị Nhà nước quốc hữu hóa. Hiện nay, có khoảng 93.000 học sinh theo học tại 1.500 Tu viện trong phạm vi cả nước.
Học sinh của các Tu viện thường là trẻ em của những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn không thể theo học các trường công lập và dân lập. Tuy nhiên, các Tu viện Phật giáo thường bị hạn chế về số lượng phòng học và cơ sở vật chất khác. Hiện nay chính phủ Myanmar chưa có văn bản hướng dẫn công nhận bằng cấp, chứng chỉ của các Tu viện, nhưng hệ thống các Tu viện vẫn tồn tại kể ở các làng bản, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa nơi chưa có trường học chính quy.
Chương trình giáo dục giáo dục không chính quy gồm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 là giáo dục cơ bản nhằm dạy cho người dân biết đọc, viết và thực hiện những phép tính cơ bản. Giai đoạn 2 là đào tạo hướng nghiệp nhằm trang bị kiến thức cho người dân với mục tiêu: nâng cao thu nhập; cải thiện chất lượng cuộc sống; định hướng tương lai cho thế hệ trẻ.
Với sự đồng ý của chính phủ Myanmar, các tổ chức phi chính phủ đã thành lập các Trung tâm học tập cộng đồng (CLC) tại các làng bản chưa được tiếp cận với các trường công lập. Mô hình CLC được chính quyền địa phương và người dân tích cực hưởng ứng bởi tính ưu việt của nó. Đến năm 2010, nhiều Trung tâm CLC được thành lập trong cả nước.
Bộ Giáo dục Myanmar đã triển khai thí điểm chương trình giáo dục điện tử nhằm  tư vấn cho học sinh và phụ huynh học sinh lớp 9 lựa chọn môn công nghệ thông tin – IT cùng với 8 môn cơ bản khác trong trường trung học phổ thông hoặc chương trình định hướng cho học sinh trước khi thi vào các trường đại học và cao đẳng, chương trình bồi dưỡng tiếng Anh trong khi chờ kết quả kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Ngoài ra, giáo dục điện tử cũng giúp cho giáo viên nâng cao chất lượng bài giảng. Các khóa học nâng cao nghiệp vụ sư phạm, bồi dưỡng tiếng Anh cho giáo viên Trung học cơ sở được thiết kế theo hình thức bài giảng điện tử.
Tháng 3 năm 2010, Bộ Giáo dục Myanmar thành lập “Trung tâm xóa mù chữ” (MLRC) dưới sự quản lý của Phòng nghiên cứu giáo dục. Ngoài mục tiêu cung cấp giáo dục cơ bản cho nhân dân, MLRC còn đào tạo cho họ một ngành nghề nào đó để nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống. Kết quả của dự án “Giáo dục cho mọi người” (EFA) là giảm được tỷ lệ mù chữ ở người trưởng thành từ 22% năm 1990 xuống 11% vào năm 2000. 
Một trong chương trình được chính phủ Myanmar quan tâm đầu tư phát triển là chương trình giáo dục cho người trưởng thành tại các khu vực biên giới. Với chủ trương một quốc gia đa dân tộc cần được công bằng trong giáo dục, tạo điều kiện cho tất cả các dân tộc đều có điều kiện tiếp cận với nền giáo dục quốc gia, đặc biệt là khu vực biên giới là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục. Vì vậy, các Bộ, Ban, Ngành đã tổ chức những khóa học khác nhau cho người dân vùng biên giới. Các lớp xóa mù chữ được tổ chức vào những dịp nghỉ hè. Để triển khai có hiệu quả những lớp học này, Bộ Giáo dục Myanmar đã xuất bản sách giáo khoa bằng tiếng dân tộc.
6. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học
+  Cơ sở vật chất
            Ở Myanmar, hệ thống trường quốc lập từ trung học đến cao đẳng, đại học và các trường trung cấp dạy nghề v.v... đều do Nhà nước và các Bang, Vùng xây dựng cơ sở hạ tầng và trực tiếp quản lý. Riêng hệ thống trường tiểu học do chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh xây dựng và quản lý, Nhà nước chỉ hỗ trợ phần nào.
 Vì vậy, các trường tiểu học thường được xây dựng đơn giản do thiếu nguồn tài chính. Theo báo cáo của Tổ chức giáo dục - MERB năm 1992 cho biết vật liệu xây dựng của ½ số trường tiểu học được lấy từ thiên nhiên như tre, nứa, gỗ  v.v...
+  Sách giáo khoa
Hội đồng sách giáo khoa quốc gia chịu trách nhiệm biên soạn và cung cấp toàn bộ sách giáo khoa cho cấp giáo dục cơ bản. Nội dung sách giáo khoa được thống nhất trong cả nước. Sở Giáo dục các Bang, Vùng chịu trách nhiệm in sách. Học sinh được mua sách giáo khoa với giá ưu đãi. Chính quyền cấp Quận, Huyện sẽ mua sách từ Sở Giáo dục phân phối lại cho các trường. Hội đồng  sách quốc gia đã biên soạn được 22 đầu sách cho bậc tiểu học. Mỗi cuốn giá từ 55-170 kyat tùy từng cấp học.
7. Đội ngũ giáo viên
Năm học 1997 - 1998 tại Myanmar có 2 trường Đại học sư  phạm, 5 trường Cao đẳng và 14 trường trung cấp sư phạm đào tạo ra đội ngũ giáo viên các cấp. Các trường đại học đào tạo đội ngũ giáo viên dạy trường Trung học phổ thông, khóa học kéo dài 4 năm và tốt nghiệp với bằng cử nhân. Sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng sư phạm sẽ trở thành giáo viên các trường Trung học cơ sở.
Năm học 2010 - 2011, không kể 11.252 giáo viên đại học và cao đằng, số lượng giáo viên các cấp phổ thông của Myanmar là 271.194 người, trong đó có 180.233 giáo viên tiểu học, 64.371 giáo viên trung học cơ sở và 26.590 giáo viên trung học phổ thông. Tỷ lệ giáo viên/học sinh trung bình năm học 2010 -2011 là 1/30, đạt mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á. [3]
CCP




[1]  Năm 1958, Đại học Yangon được quốc tế xếp thứ 19 thế giới về quy mô và chất lượng đào tạo. Nguồn: Bộ Giáo dục Myanmar
[2] Do kinh tế kém phát triển, tỷ trọng chi cho ngành giáo dục đào tạo trong GDP khá thấp, khoảng 1,1 - 1,3%/GDP/năm.

[3] Nguồn: Bộ Giáo dục Myanmar -2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét