Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Cái Ngáp Của Nền Kinh Tế

Đào Tuấn
Năm 2009, khi nhận danh hiệu “Người giàu nhất Việt Nam” với tổng tài sản lên tới hơn 12.000 tỷ , doanh nhân Đoàn Nguyên Đức “khiêm tốn”: “Dù khủng hoảng có qua hay không qua thì chắc chắn tôi sẽ trở thành tỷ phú đô la trong năm 2010”. Và “Nếu tài sản của tôi là 1 tỷ USD thì tài sản của Công ty sẽ là 2 tỷ USD”. Bấy giờ, không ai nghi ngờ sự “khiêm tốn” của ông cả. Chí ít, ông cũng là người “chơi” máy bay đầu tiên ở Việt Nam, từng tuyên bố mua lại cổ phần của CLB Asenal…Nhưng đến năm ngoái, giấc mơ tỷ phú đô la của ông Đức bị một cú nốc ao khi số tiền “trong két” chỉ còn lại 4.348 tỷ đồng, mất trắng 70% trong chỉ 1 năm do giá cổ phiếu HAG giảm thảm hại. Đến hôm qua, những thông tin chính thức cho thấy Hoàng Anh Gia Lai nợ tới 15.493 tỷ đồng, tương đương với 63% tổng tài sản. (Để tiện so sánh, xin nhắc lại là khoản nợ khiến đại gia thủy sản Bình An phải “đi nước ngoài chữa bệnh” chỉ 1.200 tỷ).

Thực ra, “sức khỏe” của HAGL được coi là có vấn đề khi ngành thuế công bố khoản “thuế vặt” hơn 160 tỷ mà DN này phải nợ, đúng hơn là chấp nhận phạt để “được nợ”.
Nhắc đến khoản nợ nần khổng lồ của một trong những tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam, của người 4-5 năm liền nằm trong top 2 những người giàu nhất trên sàn chứng khoán chỉ để thấy đó là chuyện “bình thường” khi mà số DN “đắp chiếu” 2 năm qua đã ngót con số 100.000. Chưa tính đến số “đã chết nhưng chưa báo tử”.
Thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp được giãn, thuế khoán, môn bài, tiền thuê đất được giảm, phí được lùi…Gói giải pháp, có thể gói gọn trong 3 chữ “Giãn, giảm, lùi” mà Chính phủ đã công bố hôm qua có vẻ sẽ là liều thuốc bổ đối với những DN “chưa chết” như HAGL.
Có điều, cái khó của DN không chỉ là chuyện thuế, hoặc nói như TS Lê Đăng Doanh là “Chúng ta đang ở trong tình cảnh “DN đã “chết” và “chết lâm sàng” nhiều hơn là DN “sống”. Đã chết, đã kiệt sức thì lấy đâu ra doanh thu, ra lợi nhuận mà nói chuyện giãn hay giảm.
Tuổi trẻ hôm qua đã căng to tướng trên trang bìa hình ảnh cái “ngáp ngắn ngáp dài” của những cô gái bán hàng khi mà hàng hóa giảm giá liên tục nhưng “cả ngày không một người khách”. Sức mua của người dân đang ở vào tình trạng trì trệ trong phạm trù tiêu dùng xã hội suy thoái nghiêm trọng. Và sự ì trệ này đang tạo ra những cái chết rất cay đắng: Ôm đống hàng hóa mà chết vì nợ. Cái ngáp của những cô gái bán hàng, vì thế, không đơn thuần chỉ là sự chán nản của người bán hàng, mà ẩn chứa sau nó sự tuyệt vọng của không ít doanh nghiệp, của cả nền kinh tế.
Cái khó của các DN giờ nằm ở cả 3 khâu: Nguồn vốn- vừa thiếu vừa đắt. Chi phí đầu vào, trong đó gánh nặng là các loại “phí như thuế” – tăng liên tục. Và hàng hóa- làm ra rồi chất đống trong kho vì không tiêu thụ được. Trong bối cảnh nền kinh tế chung, được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định là “Đang rất xấu, suy giảm đã rất rõ rồi, giảm phát đã rất rõ rồi”.
Tuy nhiên, trong đúng ngày Chính phủ công bố gói cứu giúp DN, trong đó có giải pháp lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ để đỡ đi khoảng 3.000-3.200 tỷ đồng chi phí, thì thật nực cười, Bộ Công thương lại đề xuất thêm phí “điều tiết điện lực”. Không hiểu sao chính trong những thời điểm “rất xấu”, trong giai đoạn suy giảm, giảm phát quá ư tồi tệ này, lại có quá nhiều loại “phí như thuế” liên tục được nghĩ ra để bổ đầu dân chúng.
Có lẽ, gói giải pháp “giãn, giảm, lùi” chỉ thực sự có ý nghĩa khi các loại phí đánh vào túi người dân, làm tăng chi phí giá thành sản xuất phải được xem xét cân nhắc trên quan điểm khoan thư sức dân. Cũng như giải pháp “giãn, giảm, lùi” phải được thực hiện song song với việc kích thích sức mua.
Muốn gỡ khó cho sản xuất, phải gỡ khó cho người mua trước đã.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét