Anh Nguyễn Văn Hưng, hướng dẫn viên du lịch chia sẻ: “Du khách nước
ngoài thường xuyên phải trả giá cắt cổ cho dịch vụ mà họ sử dụng. Một
chuyến taxi từ phố Lò Sũ đến Ngô Quyền lẽ ra chỉ hơn 10.000 đồng nhưng
lái xe chạy lòng vòng khắp nơi rồi lấy vài trăm nghìn là bình thường.
Lập lờ giữa tiền đồng và USD cũng là cách các lái xe taxi qua mặt du
khách nước ngoài để lấy tiền. Chẳng hạn, đồng hồ bấm cước hiện 50.000
đồng nhưng lái xe chỉ bấm số 50 nên du khách nghĩ cước phí cho chặng
đường hết… 50 USD”. Và đương nhiên với cách “móc túi” khách du lịch như
vậy, chắc chắn họ sẽ không quay trở lại Việt Nam.
Mới đây, một du khách đi taxi từ phố Hàng Hành tới đường Giải Phóng. Khi trả tiền, do bất đồng ngôn ngữ và không hiểu giá trị tiền Việt, nên lái xe ra hiệu vị khách này đưa ví cho anh ta lấy tiền. Sau đó, người lái xe đã lấy hơn 4 triệu đồng trong ví của khách phóng đi mất. Cách đó chưa lâu, anh Chen Ang Dani và chị Than Sha Pen, Quốc tịch Singapore, là khách mời dự Kỳ họp Đại hội đồng Interpol diễn ra tại Hà Nội cũng bị lái xe taxi “chặt chém”, chiếm đoạt tài sản bỏ quên trên xe. Sau quãng đường hơn 10km từ phố Phan Bội Châu đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình, Từ Liêm, lái xe này đã lấy của khách 200 USD, 100 SGD. Thậm chí, chiếc iPhone 4 khách bỏ quên trên xe cũng bị lái xe lấy mất. Ngay sau đó, cơ quan công an đã bắt giữ được lái xe taxi này.
Anh Alper Dereli, du khách đến từ Tây Ban Nha đã khiến tôi tròn mắt ngạc nhiên khi xua tay nói: “No motorbike, no taxi, no xichlo” (không xe máy, không taxi, không xích lô). Khi tôi thắc mắc hỏi: “Có phải vì giao thông ở Việt Nam quá tệ?”, anh Alper trả lời: “Vì những người lái xe toàn “chặt chém” khách du lịch không thương tiếc”. Anh Alper kể lại: “Đầu tuần trước tôi đi taxi từ phố Hàng Khay đến Lăng Bác. Mặc dù nhìn bản đồ, tôi thấy quãng đường đến đó chỉ chừng 2km, nhưng lái xe taxi đã đưa tôi đi lòng vòng tới 30 phút và bảo tôi phải trả 400.000 nghìn đồng. Đã vậy, anh ta còn không bật đồng hồ chỉ cây số. Tôi thấy rất khó chịu khi bị lừa như vậy. Nhưng do không nói được tiếng Việt nên tôi đành trả tiền cho xong. Tôi nghĩ nếu các bạn không sớm dẹp nạn “chặt chém” này thì hình ảnh Việt Nam sẽ khó cải thiện trong mắt khách du lịch”.
Bác Nguyễn Thanh Lương, hành nghề “xe ôm” hơn 10 năm quanh khu vực hồ Gươm cho biết: “Tôi mới trò chuyện với một đồng nghiệp “xe ôm”. Anh ta kể, mấy hôm trước vừa chở một khách du lịch người Nhật từ đường Ngô Gia Tự, quận Long Biên đến khu vực hồ Tây mà “chém” họ tới 800.000 đồng khiến vị khách người Nhật, tức quá khóc giữa đường. Bởi vậy, người nước ngoài đến Việt Nam rất sợ đi “xe ôm”.
Bao giờ văn hoá dịch vụ mới… nâng tầm
Rất nhiều du khách nước ngoài đến Hà Nội thích được đi dạo bằng xích lô quanh các khu phố cổ, nhưng họ lại sợ vì không ít trường hợp đã phải trả tiền triệu cho một cuốc xích lô quanh khu phố cổ. Thậm chí, các chủ quán hàng rong, vỉa hè, đặc biệt ở những nơi như phố “tây”, hàng rong mọc lên như nấm để phục vụ khách du lịch, nhưng thực chất là để bắt chẹt du khách. Một chủ quán trên phố phố Lò Sũ, quận Hoàn Kiếm thừa nhận: “Người nước ngoài thì thiếu gì tiền. Họ toàn tiêu tiền “đô” nên chúng tôi có “chém” thì cũng đâu có thiệt thòi gì nhiều”. Chính vì cách nghĩ thiển cận của vị chủ quán này đã khiến nhiều du khách phát hoảng, một đi không trở lại.
Anh Nguyễn Hoàng Hải, ở quận Hai Bà Trưng nhận xét: “Tôi đã có dịp đến các nước châu Á như Singapore, Nhật Bản và không thấy tình trạng nâng giá đối với du khách nước ngoài. Ngược lại, các nước này còn giảm giá, miễn thuế, kèm theo ưu đãi cho những người trình hộ chiếu du lịch để họ có dịp tham quan cảnh đẹp, tận hưởng mua sắm để quảng bá cho bạn bè, người thân. Theo tôi, những địa điểm tập trung khách du lịch đến tham quan nên có những bản chỉ dẫn đường từ địa điểm đó đến các địa danh lân cận, thông tin lộ trình xe buýt, hoặc ít nhất là cập nhật giá xe taxi, giá vé các chương trình du lịch tham quan cụ thể, dễ nhìn, đặt ở vị trí thuận tiện cho khách du lịch”.
Theo công an phường những địa bàn tập trung đông khách du lịch như Lý Thái Tổ, Hàng Gai, Hàng Bông… rất ít khi họ nhận được phản ánh của khách du lịch về tình trạng nâng giá taxi, chặt chém, tính tiền sai quy định… Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc điều tra, xử lý các đối tượng lái xe có hành vi lừa dối khách hàng. Hơn nữa, do ngôn ngữ bất đồng nên nhiều khi khách nước ngoài cũng đành bỏ qua bởi họ không biết tìm đến đâu để trình báo và nhận được sự giúp đỡ…
Ông Võ Đình Hải - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: “Để phát triển du lịch lâu dài, bền vững cần có cơ chế, hệ thống chính sách, văn bản pháp luật đủ mạnh, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan. Bên cạnh đó, cần có chế tài nghiêm khắc, đủ sức răn đe với những hành vi đeo bám và “chặt chém”, thậm chí có thể truy tố nếu đủ dấu hiệu vi phạm hình sự. Đối với những lái xe taxi chặt chém, lừa đảo du khách, cần sớm lập hồ sơ và làm thẻ cho từng cá nhân. Qua đó, các cơ quan chức năng dễ dàng xử lý những lái xe taxi giả hoặc lái xe có hành vi chèn ép du khách. Ngoài ra, các công ty du lịch khi đưa khách đến Hà Nội cũng phải có trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho du khách trong suốt quá trình lưu trú, tham quan”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét