MỘT BẤT NGỜ THÚ VỊ
Sau sự cố ở
Abudabi (đã kể trong bài trước), tôi tiếp tục có chuyến công tác tới khu vực Bắc
Phi và ở đây tôi lại gặp một bất ngờ thú vị. Chuyện này xẩy ra ở Algeria năm
1999.
Hầu như trong suốt
thập kỷ 90, tình hình Algeria vô cùng phức tạp. Các hành động bạo lực, khủng bố
liên tục diễn ra trên phạm vi toàn quốc làm cho an ninh, trật tự xã hội rối loạn,
kinh tế khó khăn và đối ngoại bị ảnh hưởng. Từ năm 1999, ông Bouteflika trúng cử
Tổng thống lên nắm quyền, bắt đầu thực hiện chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc,
tình hình trong nước bắt đầu có chuyển biến theo hướng tích cực : an ninh từng
bước được cải thiện, hoạt động chính trị, kinh tế dần dần ấm lên. Bạn cũng rất
chú ý triển khai hoạt động đối ngoại nhằm khôi phục hình ảnh, vị trí của
Algeria ở châu Phi.
Cũng thời gian
đó, Liên hợp quốc tạm ngừng lệnh cấm vận đã áp dụng trước đó do vụ Lockerbie,
Lybya cũng bắt đầu có những cử chỉ mới về đối ngoại nhằm tranh thủ quan hệ với
nước ngoài phục vụ cho xây dựng kinh tế và giảm bớt sự bao vây, cô lập.
Trong bối cảnh
đó, bộ Ngoại giao chủ trương quan tâm hơn nữa và có bước đi thích hợp để hâm
nóng lại và từng bước khôi phục quan hệ với hai nước này sau gần 10 năm bị đình
trệ. Thực hiện chủ trương đó, cuối tháng 6 năm 1999, tôi dẫn đầu đoàn Bộ Ngoại
giao thăm Lybya và Algeria. Do việc tạm ngừng cấm vận mới được thực hiện nên đường
bay đến Lybya còn rất hạn chế, khó khăn. Từ Dubai phải quá cảnh Athen (Hy Lạp),
rồi đến Malta phải dừng lại một đêm mặc dù từ Malta vào Tripoli chỉ mất 25 phút
bay.
Thế rồi từ
Tripoli vào Algerie chúng tôi đi ô tô vượt biên giới Tunisia đến Djerba, một trung tâm du lịch nổi tiếng của
nước này, rồi từ đó mới đạp máy bay đến Algeria với một lần hạ cánh ở Tunis, Thủ
đô Tunisia. Ngồi trên máy bay tôi vẫn bị ám ảnh bởi tình hình an ninh của
Algeria, đặc biệt sau vụ một cán bộ ngoại giao của sứ quán ta bị bọn khủng bố
giết chết tại sân bay quốc tế ở ngay thủ đô nước này. Tuy nhiên khi bước xuống
sân bay, không khí khá yên tĩnh và được ông Salaoundji, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại
giao đón tại chân cầu thang, tôi thấy yên tâm.
Tổng thư ký Bộ
Ngoại giao hội đàm và ký Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao, và sau
đó Bộ trưởng bộ Ngoại giao, ông Attaf, tiếp tôi rất nhiệt tình ngay trong phòng
khách của Phủ tổng thống. Theo thủ tục lễ tân bình thường, một Thứ trưởng nước
ngoài đến thăm được Quốc vụ khanh đón ở sân bay, Tổng thư ký (Thứ trưởng) hội
đàm, ký văn bản hợp tác và Bộ trưởng Ngoại giao tiếp là quá đầy đủ và được coi
trọng rồi. Chúng tôi cảm thấy chuyến thăm như vậy là đạt kết quả tốt đẹp. Nhưng
thật bất ngở, sang hôm sau 1/7, tôi được thông báo Ngài Tổng thống sẽ tiếp.
Khi đến Phủ Tổng
thống, bộ trưởng Ngoại giao đã chờ ở sảnh và dẫn tôi vào phòng khách ngồi nói
chuyện khoảng 10 phút rồi đích thân đưa tôi vào phòng tiếp khách của Tổng thống.
Lần đầu tiên tôi gặp ông, một vị Tổng thống trông rất giản dị, rất cởi mở, và rất
thân tình. Ông mời tôi ngổi đối diện (có Bộ trưởng ngoại giao cùng dự) và bắt đầu
cuộc nói chuyện. Dĩ nhiên tôi xin phép được thưa chuyện trước. Tôi bày tỏ niềm
xúc động được tổng thống dành thời gian tiếp, trân trọng chuyển lời thăm hỏi của
Chủ tịch Trần Đức Lương và đặc biệt là bức thư của Phó chủ tịch nước Nguyễn thị
Bình gửi Tổng thống. Tôi cũng bày tỏ sự vui mừng thấy quan hệ hữu nghị, hợp tác
giữa Việt Nam-Algeria tiếp tục phát triển tốt đẹp đồng thời hoan nghênh những
chuyển biến tích cực gần đây trong chính trị đối nội cũng như đối ngoại ở
Algeria, đặc biệt hoan nghênh sáng kiến và các biện pháp của Tổng thống về hòa
hợp dân tộc, lập lại hòa bình ở Algeria.
Sau khi hoan nghênh chuyến thăm của đoàn Bộ Ngoại
giao Việt Nam, Tổng thống dừng một lát đọc thư của Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bình
rồi bắt đầu nói đến hai cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân ta, nhắc đến
Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…Tổng thống cho rằng
“Thắng lợi vĩ đại của Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế
quốc là một di sản văn hóa và văn minh của nhân loại trong thế kỷ 20 và là tấm
gương cho các dân tộc về sự phi thường và bất khuất”.
Tổng thống vui vẻ
nhắc đến 3 kỷ niệm sâu sắc với Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bình : ông đã được bà
Bình tặng cái bút mà bà đã dùng để ký Hiệp định Paris, được bà Bình tặng thang
thuốc bắc cổ truyền của Việt Nam và hướng dẫn ông tập yoga để duy trì sức khỏe.
Tổng thống cũng rất thoải mái và đùa : bà Bình có món nợ với tôi, tôi phạt bà
Bình vì khi tôi được bầu làm Tổng thống bà không sang thăm Algeria. Hình phạt của
tôi bằng cách trân trọng mời bà Bình sang thăm Algeria. Ông hy vọng sẽ được đón
tiếp Phó Chủ tịch với tư cách một người bạn gần gũi, vừa trên cương vị Tổng thống
Algeria.
Cuộc tiếp bắt đầu
từ 10 giờ và kết thúc lúc 12 giờ kém 15 phút. Tôi xiết chặt tay, cám ơn Tổng thống
đã dành cho tôi một cuộc tiếp đặc biệt với những tình cảm thật nồng ấm, chân
thành.
Lại một bất ngờ
nữa đến với tôi.
Tổng thống không
chia tay mà dẫn tôi ra đến cuối tiền sảnh, lúc đó ở dưới sân đã có khoảng 30
phóng viên ảnh, báo chí, truyền hình chờ sẵn. Tổng thống giới thiệu rồi nhường
lời cho tôi giao lưu với báo chí. Suốt trong buổi họp báo này, Tổng thống vẫn đứng
cạnh tôi, nhưng không nói gì. Tôi hiểu Tổng thống muốn các nhà báo được nghe trực
tiếp những lời nói chân thành, khách quan từ vị khách đến từ Việt Nam. Hiểu ý Tổng
thống, tôi tập trung nhấn mạnh và đề cao những chuyển biến tích cực trên nhiều
lĩnh vực của Algeria thời gian gần đây, đặc biệt ca ngợi, đánh giá cao chủ
trương của Tổng thống về hòa hợp dân tộc, hòa bình, tái thiết đất nước…
Rời Phủ Tổng thống
tôi thấy hơi lâng lâng, bay bổng như vừa trải qua một giấc mơ đẹp.
“Một sự kiện”,
“Một chuyến thăm thành công”, đó là đánh giá của phóng viên Algeria có mặt tại
buổi tiếp quá hơn 1 giờ theo dự kiến mà Tổng thống Bouteflika dành cho đoàn Bộ
Ngoại giao Việt nam do Thứ trưởng Nguyễn Văn Ngạnh dẫn đầu (TTXVN-Algeria 4/7).
Cũng theo nguồn trên, các phóng viên chuyên đưa tin tại Phủ Tổng thống cho biết,
ít khi Tổng thống Bouteflika tiếp khách, kể cả với nguyên thủ quốc gia, lại quá
hơn dự kiến nhiều như thế. Khác với lệ thường, tổng thống Bouteflika đã tiễn đoàn
ra tận cửa, ôm hôn Thứ trưởng và bắt tay từng thành viên trong đoàn.
Bộ trưởng Ngoại
giao bạn tiếp tôi lần nữa tại trụ sở Bộ và nhận xét :”Tổng thống đã dành cho
đoàn Việt nam cả trái tim, nỗi xúc động và tình cảm chân thành”.
Không hiểu sao Tổng
thống lại dành cho tôi tình cảm quý giá như vậy ?
Phải chăng vì tình cảm với Việt
Nam, vì quá yêu quý và ngưỡng mộ Việt Nam mà Tổng thống muốn qua tôi để chuyển
đến nhân dân Việt nam tất cả những nỗi niềm sâu lắng đó ? Và phải chăng chuyến
thăm được Tổng thống đánh giá cao vì chúng tôi đã đến với Algeria đúng thời điểm
bạn còn bao nhiêu khó khăn, phức tạp sau gần 10 năm khủng hoảng nghiêm trọng-thể
hiện Việt Nam luôn gần gũi, đoàn kết, ủng hộ Algeria ?
Tôi có may mắn
được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều vị nguyên thủ, cũng như người đứng đầu chính phủ
của nhiều nước. Mỗi người đều để lại trong tôi một ấn tượng khác nhau. Nhưng
con người Bouteflika và cuộc gặp gỡ, chuyện trò với ông trong chuyến thăm
Algeria năm 1999 để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc khó quên hơn cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét