Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Trò chuyện với ông Vũ Khoan - Phần III

BẾP NÚC NGHIÊN CỨU ĐỐI NGOẠI

Lều văn Thăng Sắc :Thưa anh, trong các buổi trước hai anh em ta đã trao đổi về hai lĩnh vực thuộc nghiệp vụ ngoại giao là phiên dịch và lễ tân. Tuy là hai lĩnh vực nghiệp vụ hẹp song xem ra cũng có nhiều người quan tâm. Hôm nay mong anh chia sẻ những suy nghĩ của mình về một lĩnh vực ít được đề cập và có phần buôn tẻ là công tác nghiên cứu.
Anh Vũ Khoan: Nếu ví hoạt động ngoại giao như một cái cây thì những chuyện tác nghiệp ngoại giao như tiếp xúc, tuyên bố, trao đổi văn bản, đàm phán, ký kết, lễ tân, lãnh sự, phiên dịch…là những cái cành hoa lá xum xuê mọi người đều thấy, còn cái gốc chính là công tác nghiên cứu. Do nằm chìm dưới đất, ít ai nhìn thấy, chẳng khoe sắc, tỏa hương được, lại phải gồng mình hút nhựa sống trong lòng đất để nuôi cả cái cây nên ít ai đam mê công việc nặng nhọc này. Khốn nỗi toàn bộ hoạt động ngoại giao lại bắt đầu từ đây. Rễ thối thì làm sao cây có thể sống được?
          Cũng vì sự buồn tẻ của công tác nghiên cứu nên câu chuyện của hai anh em ta hôm nay chắc không hấp dẫn lắm đối với nhiều người, nhưng nếu ai muốn tìm hiểu thực chất hoạt động ngoại giao là gì thì trước hết hãy chịu khó ngó vào cái bếp này.
          Trong “cái bếp” ấy, người ta nấu ba món chính. Món thứ nhất là nghiên cứu động thái, tức là phân tích, đánh giá những sự việc diễn ra hàng ngày trên thế giới để bầy tỏ thái độ, định đoạt chính sách. Muốn nấu món này cho ngon thì phải dựa vào hai loại thực phẩm cao cấp hơn; đó là nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu chiến lược.
Nghiên cứu cơ bản” là thu tập, phân tích, tổng hợp những thông tin cơ bản về các quốc gia, các tổ chức quốc tế, về các vấn đề lớn của thế giới. Về các quốc gia thì cần thu thập, phân tích những thông tin về điều kiện địa lý, thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, các lực lượng và thể chế chính trị, chính sách và sự phát triển kinh tế-xã hội…của từng nước. Về các tổ chức quốc tế lại cần thu tập những thông tin về quá trình hình thành, cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động, phân bổ và sự hợp tác-đấu tranh giữa các lực lượng…Còn về các vấn đề lớn (ví dụ vấn đề giải trừ quân bị, luật biển chẳng hạn) thì cần có thông tin về nội hàm của những vấn đề đó, quá trình hình thành, diễn biến, lập trường và sự đấu tranh giữa các nước trên vấn đề đó…
Bạn có thể hỏi: những chuyện đó thì có sẵn trong sách báo, ngày nay thông tin loại này đầy trên mạng, cần gì phải nghiên cứu? Nghĩ vậy thì nhầm, nếu anh cứ sơi nguyên những gì người ta bưng ra thì có khi đầy bụng, thậm chí ngộ độc đấy vì thông tin nào cũng ẩn chứa trong đó tính chủ quan và ý đồ của người cung cấp; muốn dùng được phải khổ công phân tích, chọn lọc xem cái gì sài được, cái gì phải kiêng!
          Không nghiên cứu cơ bản cho tốt thì khó bề nghiên cứu động thái tốt, từ đó làm sao có chủ trương đúng được? Ví dụ, để hiểu được những diễn biến ở Trung Đông, Bắc Phi hiện nay thì trước hết phải hiểu rõ vị trí địa lý, tài nguyên, lịch sử hình thành và phát triển của các quốc gia, lực lượng chính trị, văn hóa, các giáo phái… ở đây. Hay để hiểu những diễn biến trên biển Đông hiện nay thì cũng phải có được những công trình nghiên cứu cơ bản về các vấn đề trên biển nói chung và về bản thân biển Đông nói riêng cũng như về toàn bộ các khía cạnh như lịch sử, văn hóa, kinh tế, nhu cầu tài nguyên, tình hình và chính sách đối nội, đối ngoại của các nước liên quan chứ.
Việc nghiên cứu động thái còn liên quan tới món thứ ba cực kỳ quan trọng là “nghiên cứu chiến lược” theo hai hướng chính: một là nghiên cứu những xu hướng lớn, cơ bản, lâu dài của thế giới và hai là, nghiên cứu chiến lược của các nước hữu quan, nhất là các nước lớn. Trở lại câu chuyện Trung Đông, Bắc Phi: làm sao có thể hiểu đúng và dự báo chuẩn xác diễn biến ở đây để có quyết sách đúng đắn nếu không nghiên cứu sâu chiến lược của các nước lớn trên toàn cầu và ở khu vực này được? Đối với vấn đề biển Đông cũng vậy thôi.
Cả ba món này có mối liên hệ mật thiết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau, muốn có bữa ăn ngon và đủ chất thì phải sào nấu cho ngon và thưởng thức cả ba món, ví như ăn cơm Âu thì thường phải ăn món khai vị trước rồi đến món súp, sau đó mới là món chính và kết thúc bằng món điểm tâm.

Lều văn Thăng Sắc ::Theo cách diễn tả của anh ví công tác nghiên cứu như nấu ăn thì điều kiện tiên quyết  là gì để có được bữa ăn ngon?
Anh Vũ Khoan: Trước hết phải có người đầu bếp đẳng cấp! Tức là cần có người đầu đàn, người lãnh đạo tương xứng. Điều kiện thứ hai là cần có những người phụ bếp yêu nghề, chịu thương chịu khó, ở đây là các cán bộ đam mê và có khả năng làm công việc này. Điều kiện thứ ba là biết cách nấu, tức là có phương pháp nghiên cứu đúng. Bạn có thể vặn hỏi: anh nói thế thì em chịu, đó là chân lý muôn thủa rồi, trong việc nào chẳng thế; thế trong nghiên cứu ngoại giao thì cụ thể là gì?
          Mình rút ra điều này là qua trải nghiệm cá nhân chứ không phải qua sách vở nào. Mình vào ngành ngoại giao từ giữa những năm 50 thế kỷ trước, lúc đầu bản thân không làm công tác nghiên cứu mà làm nghề “ăn theo nói leo”, tức là làm phiên dịch thôi, sau làm công tác nghiên cứu ở ĐSQ ta tại Liên Xô và Vụ Liên Xô- Đông Âu; cuối những năm 70 mới tham gia Nhóm nghiên cứu chiến lược của Bộ do anh Nguyễn Cơ Thạch lúc đó còn là Thứ trưởng lập ra. Trước đó các vụ cũng có nghiên cứu nhưng thật ra chưa sâu và chưa mang tầm chiến lược; về nghiên cứu cơ bản thì chủ yếu chép từ các cuốn bách khoa toàn thư của nước ngoài, về các động thái thì nhiều khi chỉ cần hỏi các ông anh Liên Xô, Trung Quốc rồi định liệu là xong ! Nguyên nhân của tình trạng ấy thì có nhiều song một trong những nguyên nhân là không có đầu đàn. Nhân đây mình cũng muốn chia xẻ với bạn rằng, sở dĩ nghiên cứu khoa học cả tự nhiên lẫn xã hội ở nước ta ngày nay có vẻ ít sự đột phá một phần quan trọng là do thiếu đầu đàn trầm trọng.
       Phẩm chất cần có của người đầu đàn trước hết là bản thân phải nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, bản thân phải đam mê và trực tiếp làm việc này. Là Thứ trưởng (lúc ấy hiếm hoi và cao xa lắm, toàn các vị vào tù ra tội dưới chế độ thực dân và lăn lộn trên các chiến trường, địa bàn khác nhau trên các cương vị khu ủy cả) bản thân ông quyết gạt mọi công việc sự vụ, thậm chí không đi nước ngoài, tự đọc sách, tự mầy mò tư liệu, quần bọn mình suốt ngày dài đêm thâu, lật đi lật lại hàng chục lần một vấn đề, tranh luận tới số.
        Phẩm chất thứ hai là biết đặt món, nghĩa là chọn trúng vấn đề cần tập trung nghiên cứu và món ăn nấu xong phải được thực khách thưởng thức, tức là công trình phải thiết thực, được sử dụng vào mục tiêu cụ thể. Đầu những năm 70, trước và sau khi ký Hiệp định Paris ông Thạch bắt bọn mình tập trung nghiên cứu chiến lược của các nước lớn, nhất là Mỹ, Xô, Trung để dự báo xem chính sách của họ đối với cuộc chiến Việt Nam ra sao; sau Hiệp định, nếu ta tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam thì họ sẽ có thái độ thế nào: Mỹ có quay trở lại không? Hai ông anh sẽ phản ứng ra sao? Về sau mới biết mục tiêu như vậy chứ lúc đó kín như bưng, bọn mình chỉ biết chúi mũi, chúi tai đi sâu nghiên cứu chứ chẳng biết mục đích thật sự là gì cả đâu. Giữa những năm 80 ông lại bắt bọn mình (lần này với thành phần khác, riêng mình tham gia cả hai trận) nghiên cứu sâu vấn đề lạm phát trên thế giới để góp phần xử lý lạm phát ở nước ta lúc đó lên tới 7-800%. Nếu người đầu đàn không có phẩm chất ấy thì lính khó đam mê lắm! Phẩm chất là một chuyện, điều quan trọng nữa là người đầu đàn phải biết nêu ra những vấn đề, những khúc mắc cần tìm tòi, đi sâu.
          Phẩm chất thứ ba của người đầu đàn là dám cho anh em tự do suy nghĩ, phát biểu chính kiến miễn là không được phá chay mà phải “nói có sách, mách có chứng”. Khi nghiên cứu chiến lược bọn mình đã phải đào bới lịch sử hàng chục, thậm chí hàng trăm năm để tìm ra quy luật hành động của các ông lớn. Về Mỹ thì dễ chứ đụng đến những “vùng cấm” như ĐCS Liên Xô, Trung Quốc, Quốc tế Cộng sản, các nhà lãnh đạo như Lê-nin, Xta-lin, Mao Trạch-đông…thì không phải dễ đâu! Ngay trong lãnh đạo Bộ lúc bấy giờ cũng lăn tăn lắm, có vị phản đối khá quyết liệt song ông Thạch vẫn khuyến khích bọn mình tìm tòi tư liệu xác thực để rút ra những đánh giá chuẩn xác, bất luận nhiều vấn đề coi như đã an bài trong tài liệu chính thống và trong quan niệm của nhiều người. Cụ thể thế nào sẽ nói ở phần sau.
Nhân đây mình muốn nói rằng, nhiều kết luận gây sốc lúc ấy về sau này hóa ra là đúng khi các tài liệu mật của Liên Xô được công khai và nhiều sách báo của Trung Quốc xác nhận; đó là chưa kể sách báo phương Tây.
       Phẩm chất thứ tư là người đầu đàn phải đưa ra được phương pháp nghiên cứu đúng. Thôi chuyện này cũng xin nói sau!
          Về điều kiện thứ hai liên quan tới đội ngũ thì cũng giống như trong mọi việc khác, cần những con người đam mê và có năng  khiếu. Như mình đã nói ở trên, công tác nghiên cứu luôn lặng lẽ, buồn tẻ, ẩn mình đằng sau sân khấu nên không đam mê thì khó làm lắm. Mình không biết người khác thế nào chứ bản thân mình rất sung sướng mỗi khi phát hiện ra điều gì đó mới mẻ và lý thú; đó là chưa kể khi cảm thấy công việc mình làm khá quan trọng không chỉ của cơ quan mà còn của đất nước nữa…Ngoài niềm đam mê cá nhân, nhân tố người đầu đàn biết chọn vấn đề, có phương pháp đúng, sản phẩm làm ra được sử dụng vào mục đích cao cả và thiết thực, tập thể đồng lòng cuốn vào việc sẽ càng làm cho niềm đam mê ấy mãnh liệt hơn. Nói một cách khác, môi trường làm việc là một nhân tố khuyến khích cán bộ hăng say và có hiệu quả. “Thời thế tạo anh hùng” mà!
Ngày nay mình thấy có tình trạng các công trình nghiên cứu (ở đây là về khoa học xã hôi), thậm chí ở cấp Nhà nước, tốn hàng tỷ, hàng chục tỷ đồng chẳng được ai dùng, nghiệm thu xong bèn cất ngăn kéo. Như vậy thì người làm nghiên cứu làm sao hăng say, đam mê được? Bọn mình lúc đó một xu bồi dưỡng cũng chẳng có, cuối mỗi đợt chỉ được đi nghỉ ở Thịnh long (Nam định) mấy ngày, phải ăn cơm trong màn vì quá nhiều ruồi đã là ưu ái lắm rồi.
          Bên cạnh sự đam mê, năng lực bẩm sinh của người làm công tác nghiên cứu là điều kiện không thể thiếu được. Con người do tạo hóa sinh ra có những năng lực khác nhau, có người thiên về suy tư trừu tượng, có người thiên về động chân động tay chứ có giống nhau cả đâu. Bố trí những người không có thiên hướng nghiên cứu vào công việc này thì vô vọng! Tiếc rằng ở ta nhiều khi bố trí người vào những nơi không đúng sở trường  của họ nên hỏng việc hoặc chí ít cũng gây ra sự trì trệ.

Lều văn Thăng Sắc : Vậy cái cốt tử trong điều kiện thứ ba là phương pháp nghiên cứu ngoại giao là gì?
Anh Vũ Khoan: Có lúc anh Thạch đã nêu nhiệm vụ, thậm chí lập một nhóm để nghiên cứu “về phương pháp luận nghiên cứu ngoại giao” nhưng không thành. Theo mình, phương pháp nghiên cứu ngoại giao cũng là phương pháp nghiên cứu khoa học nói chung và khoa học xã hội nói riêng áp dụng vào lĩnh vực ngoại giao. Ơ ta phổ biến là phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Thôi những chuyện mênh mông ấy để cho các nhà “ný nuận” đào bới thêm. Ơ đây mình chỉ chia sẻ những việc cụ thể thôi.
       “Có bột mới gột nên hồ”. Khâu đầu tiên bảo đảm cho công tác nghiên cứu có chiều sâu và chuẩn xác là việc thu tập tư liệu. Đã nghiên cứu thì không thể “ăn ốc nói mò” mà phải “nói có sách, mách có chứng”. Thời bọn mình cái món thông tin hiếm lắm. Sách báo trong nước thì nghèo nàn, một chiều. Sách báo các nước XHCN cũng không khác mấy, khó bề mò ra thông tin xác thật lắm; vả lại cũng ít vì không có tiền mua. Thông tin từ các nước tư bản thì hầu như không có, chỉ xin được mấy tờ báo, tạp chí của các cơ quan đại diện ngoại giao và phóng viên nước ngoài ở Hà nội đọc xong cho Bộ Ngoại giao như tờ Le Monde hay Le Monde Diplomatique của Pháp, Newsweek, Time của Mỹ…Đó là chưa kể nhiều khi thông tin của họ lại theo chiều khác. Thời ấy còn cấm nghe “đài địch”, ở Bộ có bộ phận mang tên huyền bí là “TTTG” (trois TG) do ông Mạnh phụ trách có trách nhiệm nghe “đài địch” như BBC, VOA,RF rồi in rô-nê-ô ra thành bản tin cung cấp cho lãnh đạo (cán bộ lèng xèng như bọn mình không được đọc đâu, tin tham khảo đặc biệt của TTX cũng vậy). Bộ có Phòng nghiên cứu tư liệu song tài liệu ở đó cũng nghèo nàn lắm, chỉ có ít sách báo cũ nát nhầu.
          Khi đi vào nghiên cứu chiến lược bọn mình đã phải mầy mò thông tin như thể tìm kim dưới đáy biển ấy. Ơ Bộ có anh Lưu Đoàn Huynh là một người “nghiện” tư liệu. Có lợi thế thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh và ít nhiều tiếng Nga, anh ta lẩn mẩn tìm kiếm đủ thứ tư liệu nước ngoài, lọc cọc đánh máy vào các “phiếu”, xếp theo vấn đề, theo từng nước và theo thời gian, cất kỹ trong chiếc hòm gỗ buộc trên porte-bagage xe đạp, đi đâu cũng đèo theo, không cho ai động vào nhưng sẵn sàng chia xẻ, khi tranh luận về một vấn đề gì anh ta liền lôi đống phiếu đó ra, cãi cho bằng được với “nhân chứng, vật chứng” hẳn hoi, khó bề phản bác.
          Ngày nay mình chưa gập bất kỳ “nhà nghiên cứu” nào như vậy. Có lẽ họ cậy có nhiều sách báo, thông tin, nhất là internet chăng? Theo mình, nếu vậy thì sai lầm vì hai lẽ: một là, chính trong quá trình thu tập, xếp loại thông tin trong đầu đã nẩy sinh sự phân tích, so sánh ý tưởng sơ bộ rồi; hai là, việc thu tập và xếp loại thông tin một cách có trật tự sẽ giúp người nghiên cứu đỡ mất thời giờ tìm kiếm khi cần. Khi đã giữ các cương vị lãnh đạo khác nhau và đến tận nay mình vẫn tự thu tập, xếp sắp thông tin theo từng nước, từng chuyên đề, chỉ có khác là ghi trong máy tính thay vì ghi thành phiếu.
          Khi thu tập tư liệu cần xếp thành “đại sự ký”, tức là ghi chép các tư liệu theo thời gian để khi nghiên cứu có thể hình dung dòng chẩy của các sự kiện trong mối quan hệ qua lại của chúng.
          Bên cạnh những tư liệu riêng lẻ, các công trình nghiên cứu của thiên hạ (sách hoặc các bài viết) là một nguồn thông tin cực kỳ quan trọng. Chúng cung cấp cho mình nhiều ý tưởng, nhiều tư liệu mà đôi khi phải cất nhiều công chưa chắc đã phát hiện được. Chỉ có điều khi sử dụng loại tài liệu này thì luôn luôn phải có đầu óc phê phán xem cái gì chuẩn xác, cái gì không.
          Trong ngoại giao, tiếp xúc là một nguồn thông tin hết sức quý giá. Đây là lợi thế lớn của ngành ngoại giao song nhiều khi chưa được tận dụng đúng mức. Thời bọn mình việc tiếp xúc với người nước ngoài rất hạn chế, thậm chí khi ở Đại Sứ Quán muốn đi phố cũng phải đi hai người! Bên cạnh đó tiền chẳng có thì đi đâu? Làm sao có thể thết khách, dù chỉ là tách cà-phê để moi tin được? Đó là chưa kể nhiều cán bộ đối ngoại lại chẳng thông thạo ngoại ngữ nữa. Tất cả chuyện đó tạo nên tâm lý tự ty, né tránh giao tiếp. Ngày nay tình hình đã khác song dân Việt Nam ta vẫn chưa thạo việc này.
          Có thông tin rồi, việc xử lý thông tin là khâu tiếp theo và có ý nghĩa quyết định. Ơ Vụ mình (Vụ LX-ĐA) có cậu Lê Xuân Liểu (sau có thờì làm Đại sứ ở Ô-xtrây-lia bị ung thư mất sớm) “nghiện” thu thập thông tin về nhân sự Liên Xô. Cậu ta ghi ghi chép chép sự điều chuyển cán bộ Đảng, chính quyền, quân đội Liên xô từ cấp tỉnh, quân khu lên cấp Trung ương song chẳng biết rút ra để đánh giá tình hình nội bộ bạn. Có một ông bạn nữa cũng suốt ngày ghi chép thông tin đầy các cuốn sổ nhưng không biết xử lý nên cũng chỉ “ngủ trên đống tư liệu” mà thôi.
          Vậy xử lý thông tin là thế nào? Trước hết cần chọn ra mọi thông tin liên quan tới vấn đề mình nghiên cứu, sau đó cần phân biệt thông tin đó thật giả tới đâu. Cái ác trong ngoại giao là nhiều khi tuyên bố, phát ngôn được đưa ra cốt để che đậy ý đồ thật. Để phân biệt thật giả phải so sánh, đối chiếu tuyên bố, phát ngôn của nhiều nhân vật, nhiều nước khác nhau, nhất là phải đối chiếu với hành vi thực tế, sự kiện cụ thể để từ đó rút ra những đánh giá cần thiết, nếu chưa chắc chắn thì cần đưa ra một số giả thiết xếp theo mức độ chuẩn xác khác nhau.
          Để dễ hình dung phương pháp nghiên cứu, mình xin tập trung giới thiệu cách bọn mình nghiên cứu chiến lược các nước lớn - một nhân tố quan trọng để hiểu được những gì diễn ra trên thế giới và xử lý công việc của mình vì Việt Nam luôn có mặt trong chiến lược các nước lớn suốt mấy thập niên qua. Đây là “niềm vinh dự” nhưng cũng là “nỗi khổ” của dân tộc mình!
          Vậy chiến lược (đối ngoại) của một nước là gì? Theo mình, cái quan trọng hàng đầu là xác định xem cái mục tiêu lớn họ đặt ra là gì. Kế đến, cần xem xét xem họ xếp sắp lực lượng trong và ngoài nước như thế nào: cái gì là nhân tố bảo đảm trong nước, ai là đối tượng và ai là đồng minh, họ định đoạt phương hướng hay địa bàn chiến lược ở đâu.
Tiếp đó là làm rõ các công cụ và thủ đoạn chiến lược họ sử dụng: các biện pháp chính trị là gì, sức mạnh quân sự dùng tới đâu, chủ bài kinh tế thế nào, ngày nay còn cần phân tích cả công cụ “sức mạnh mềm” nữa. Trong chiến lược đối ngoại thì việc lợi dụng mâu thuẫn và phân hóa đối phương ra sao, tập hợp lực lượng đồng minh thế nào là những công cụ đắc lực thường được sử dụng rộng rãi lắm.
Những bước đi trong việc triển khai chiến lược cũng là điều quan trọng cần nghiên cứu.
          Khi đi vào nghiên cứu những chuyện này cần lần mò xem họ xếp sắp ưu tiên thế nào trong thế “động”, nghĩa là uyển chuyển điều chỉnh chứ không cứng nhắc: mục tiêu gì là chủ yếu và lâu dài, xuyên suốt, mục tiêu gì là cụ thể với từng đối tượng, địa bàn và trước mặt (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn); về đối tượng của họ thì ai là chủ yếu, ai là thứ yếu; về đồng minh cũng vậy. Trong các biện pháp chiến lược thì cần xem họ sử dụng quân bài nào là chính, quân bài nào bổ trợ. Về phương hướng và địa bàn chiến lược cũng vậy.
          Để đánh giá được chính xác những chuyện ấy cần có quan điểm tổng thể, nghĩa là phải gắn với tình hình và chính sách đối nội của nước mình nghiên cứu, xem xét các lực lượng, các nhóm lợi ích khác nhau trong từng nước; chính sách đối ngoại và mối quan hệ quốc tế của họ; môi trường khu vực và thế giới trong thời điểm nhất định. Đó là nhìn tổng thể theo chiều ngang. Như thế chưa đủ mà còn cần phải nhìn tổng thể theo chiều dọc, nghiã là lần theo chiều dài lịch sử xem họ đối nhân xử thế ra sao trong những trường hợp tương tự, thậm chí đi sâu xem văn hóa ứng xử của họ thường thế nào.
Điều quan trọng hàng đầu là xác định cho trúng lợi ích chiến lược của họ nằm ở đâu? Chính đó là mục tiêu chiến lược của họ đó! Trong đối ngoại thì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc luôn đóng vai trò quyết định như Palmerston đã nói là đối với nước Anh, không có kẻ thù vĩnh viễn, không có bạn bè vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn! Khi nghiên cứu cần phân biệt đâu là lợi ích chủ yếu, đâu là lợi ích thứ yếu, đâu là lợi ích trước mắt, đâu là lợi ích lâu dài. Đó là chưa kể phải phát hiện được đâu là lợi ích thật, đâu là lợi ích “giả”. Ngày nay người ta phân chia các lợi ích ra thành các loại khác nhau như cơ bản, cốt lõi, sống còn…Ơ ta chưa có sự tiếp cận này trong nghiên cứu cũng như trong việc hoạch định chính sách.
Để lần mò được cái lợi ích, cái mục tiêu chiến lược đích thực, chủ yếu của một nước thì cần đi sâu vào lịch sử để xem trong những thời điểm then chốt, họ chọn cái gì, quy luật hành xử của họ thế nào? Bọn mình từng tranh luận gay gắt về sự kiện: vì sao Anh, Mỹ và cả Pháp De Gaulle vốn chống Cộng lại đi với ông trùm Cộng sản là Liên Xô để chống Đức-Ý-Nhật? Tương tự như vậy, Mỹ đã từng quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Diên an và khi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vượt sông Dương tử hạ phóng Giang Nam, Đại sứ Mỹ lại ở lại Nam Kinh và Mỹ không ra tay cứu Tưởng Giới-thạch? Lạ hơn nữa là Đại sứ Liên Xô Rotchin lại không ở lại Nam Kinh mà đi xuống Quảng Đông? Vì sao hai nước XHCN hùng mạnh nhất là Liên Xô và Trung Quốc lại hục hặc nhau suốt, thậm chí đánh nhau năm 1969 cho dù cùng lý tưởng, cùng giai cấp? Việt Nam độc lập từ 1945 nhưng sao mãi đến 1950 mới được các nước XHCN công nhận cho dù bạn biết rõ Bác Hồ là ai? Trong quan hệ quóc tế còn nhiều chuyện như vậy lắm. Xem ra, cuối cùng thì cái lợi ích thiết thân trên bàn cờ lớn vẫn đóng vai trò quyết định! Đương nhiên khi xem xét những vấn đề như vậy phải có quan điểm lịch sử và cụ thể chứ không nên áp đặt, võ đoán.
Và ở đây lại nẩy sinh hai phương châm nữa trong công tác nghiên cứu: một là, trong nghiên cứu không nên có “vùng cấm” và nhiều khi cần đa nghi như Tào Tháo, mạnh dạn xem lại những lý giải, kết luận tưởng như đã an bài; và hai là, cần chọn ra những sự kiện gay cấn, rất không lô-gic để xem thực chất ở đâu. Chỉ qua những bước ngoặt, những vụ việc gay cấn ấy mới hiểu được thực chất của thiên hạ.
Còn một phương châm cốt tử nữa là, nghiên cứu gì thì gì cuối cùng cũng phải rút về Việt Nam, trả lời cho được vị trí của Việt Nam trên bàn cờ đó, chiến lược các nước ảnh hưởng gì tới mình và mình phải xử lý, hóa giải ra sao: tận dụng cơ hội gì, ứng phó với thách thức ra sao.
Thôi, chắc cậu nghe mãi cũng ngán rồi vì quá trừu tượng, quá buồn tẻ. Thật ra trong nghiên cứu có nhiều chuyện hay lắm song kể ra thì dài lắm. Để dịp khác vậy.

Lều văn Thăng Sắc : Cảm ơn anh, hôm nay ta tạm dừng ở đây. Hy vọng rằng anh em ta sẽ còn nhiều dịp gập nhau để trao đỏi thêm về bếp núc ngoại giao.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét