Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

Một tấm gương

Viết tiểu thuyết ở tuổi 79
Tác giả   :    Hoàng Lan Anh

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nói viết văn là một cuộc vật lộn khổ ải, vậy nên sau bao nhiêu năm vất vả vì mưu sinh, ông dồn nén hết sức cho văn chương bởi ông biết cơ duyên của mình ở đó

Nổi danh với hai cuốn tiểu thuyết Hồ Quý Ly (Giải Mai Vàng 2001), Mẫu thượng ngàn, ở tuổi 79, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh tiếp tục cho ra mắt cuốn tiểu thuyết đồ sộ Đội gạo lên chùa, gây xôn xao làng văn.
“Chiếc áo không làm nên thầy tu”
Cuốn tiểu thuyết đồ sộ dày tới 866 trang mượn tứ từ câu ca dao đa nghĩa: Ba cô đội gạo lên chùa/Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư… để dẫn dắt người đọc vào một chuyến du hành kỳ lạ của hai chị em chú tiểu An, mồ côi cha mẹ sau trận càn của giặc Pháp. Chuyến du hành trải qua thăm thẳm bể dâu cùng lịch sử ngôi chùa làng Sọ và những con người gắn bó với ngôi chùa ấy.
Đó cũng là những con người kỳ lạ: Một vị sư già Vô Úy tĩnh tại, thấu hiểu vũ trụ hiền từ như một bồ tát; một vị sư bác Khoan Độ xuất thân từ lục lâm thảo khấu, tướng mạo hung ác mà đầy Phật tính; một bà vãi già Thầm suốt đêm chỉ nói chuyện với đom đóm – với những linh hồn đã khuất; một cô bé Rêu tinh khiết như thiên thần, khẽ vụt qua cuộc đời này…
Đội gạo lên chùa có nhân vật trung úy Bernard. Ngoài vai trò góp phần dẫn dắt câu chuyện, nhân vật này dường như còn có  ẩn dụ về hai nền  văn hóa  phương Tây  và  phương Đông.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh giải thích: “Bernard trong Đội gạo lên chùa là sản phẩm của mối tình giữa một người lính thực dân và một cô gái Việt. Do đó, trong con người Bernard là sự giằng xé, sự đấu tranh giành ảnh hưởng giữa người mẹ và người cha.
Nếu người mẹ thắng, đứa con sẽ đứng về phía ngoại. Nếu người cha giành giật được, đứa con sẽ trở thành kẻ chống đối lại bầu sữa đã nuôi nấng nó một cách điên cuồng, không từ thủ đoạn nào.
Bernard là một kẻ tạp chủng. Ngoài đời, một bà họ hàng của tôi ở Cổ Nhuế cũng lấy một người lính Pháp và sinh ra một người con như thế. Sự tàn ác ấy còn có hình mẫu của gã Tây lùn ở Thanh Trì, khét tiếng Hà Nội trong 9 năm kháng chiến”.

Trong truyện, nhân vật chính, chú tiểu An và vị sư thúc Vô Trần đều là những người “được chọn”, có cơ duyên với nhà Phật từ nhỏ nhưng cuối cùng họ đều hoàn tục. Còn những người tưởng như là những kẻ giết người bẩm sinh như sư bác Khoan Độ thì lại là những người suốt đời bảo vệ Phật pháp?

“Tôi dùng một đoạn trong bài phú Cư trần lạc đạo của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông làm đề từ cho cuốn sách. Cư trần lạc đạo thả tùy duyên là một đặc sắc của Phật giáo Việt Nam.
Đức Phật hoàng trước khi trở thành “Trúc Lâm đệ nhất tổ” cũng đã hai lần cầm quân đánh giặc. Thầy của ngài là Tuệ Trung thượng sĩ cũng là một cư sĩ. “Tùy duyên, lạc đạo”, ta tùy duyên sống theo hoàn cảnh nhưng đừng quên hai chữ lạc đạo. Không chấp chứa, đó là tính nhập thế của người Việt. Bởi thế dân gian có câu “Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tại chợ, thứ ba tại chùa…”.
Tôi vốn cổ xúy để Phật giáo trở thành một lối sống. Mà đã là lối sống thì ở đâu cũng có thể tu được. Bất cứ con người Việt nào cũng có chút Phật tính trong huyết quản qua lời ru, lời dạy của mẹ, của bà. Giống như con đom đóm tự phát sáng, dù yếu ớt thì vẫn có”- nhà văn phân tích.
Ông tâm sự mình mê Phật giáo. Từ lúc thanh niên, khoảng ba mươi tuổi, ông đã thích đi chùa. Người Tây phương cũng rất quan tâm đến đạo Phật. Một đạo giáo rất hiện đại, tin ở sức mạnh con người chứ không duy lý, phi khoa học.
Số phận sắp đặt
Câu chuyện gần 900 trang chữ này được nhà văn cho biết nó được khơi nguồn cảm hứng ở ông từ một lần nằm bệnh viện. “Quãng năm 1976-1977, nghi bị ung thư, tôi vào điều trị ở Bệnh viện E. Nằm cùng phòng có sư ông chùa Cả (Nam Định), sư lại có chú tiểu theo chăm sóc, chú tiểu nguyên là bộ đội, giải ngũ về thì vào chùa.
Suốt hơn một tháng, tôi đã rỉ rả tâm sự với hai người. Rút tỉa từ những câu chuyện đó cùng những câu chuyện của làng Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội) quê tôi, từ những người thân của tôi như ông bố vợ trong cải cách ruộng đất từng bị đi tù trên Tuyên Quang, nguyên mẫu sư ông là người họ hàng làng Cổ Nhuế, ông ấy cũng mới mất cách đây hơn chục năm thôi... Mất 4 năm, tôi mới hoàn thành Đội gạo lên chùa”- nhà văn Nguyễn Xuân Khánh kể.
Vừa ra mắt, Đội gạo lên chùa đã được dư luận chú ý, nhưng hỏi ông đã ưng ý cuốn tiểu thuyết mới nhất của mình chưa, nhà văn cho biết: “Cũng ưng ý tàm tạm, không phải là tuyệt đối.
Cuốn sách cũng đầy những nhược điểm chứ chưa hoàn thiện theo ý của mình. Bốn năm qua, tôi viết liên tục, viết mỗi ngày 300-400 chữ, hoàn toàn viết bằng tay trên giấy. Viết nhiều đau đầu lắm, nên nhiều khi cũng quên đi mất có một nhân vật bà vãi Thầm trong ngôi chùa làng Sọ. Chắc có lẽ cũng do già rồi, nên có nhiều cái mâu thuẫn. Viết cuốn này, tôi vừa muốn nó phải thật hoàn thiện nhưng cũng muốn nó xuất hiện cho xong đi”.
Nói về nghiệp viết văn của mình, ông tâm sự: “Tôi đến với văn chương như một định mệnh, không hề nghĩ một ngày mình sẽ lại ghé chân qua ngôi đền thiêng ấy. Số phận đã sắp đặt cho tôi trở thành một người viết, dù cả khi được đứng tên hay không được đứng tên trên tác phẩm của mình.
Viết văn là một cuộc vật lộn khổ ải, vậy nên sau bao nhiêu năm vất vả vì mưu sinh, tôi dồn nén hết sức cho văn chương bởi tôi biết cơ duyên của mình ở đó.
Trót theo cái nghề này thì không rời ra được. Tôi ấp ủ cuốn sách nào là ngày đêm nghĩ đến nó, có lúc đột nhiên có ý tưởng, phải vội vàng quơ tạm tờ giấy mà viết vào đó mấy ý. Nếu có điều gì đó khiến mình phải liên tục suy nghĩ, liên tục cầm bút thì đương nhiên nó rất quan trọng rồi.
“Con mọt sách”
Hỏi ông đã nghĩ đến việc bắt tay cho cuốn sách tiếp theo không, ông nói: “Không. Tôi mệt. Sau một cuốn sách, người tôi lúc nào cũng rỗng đi. Chưa biết sau này sẽ viết gì, giờ tôi đang lấy lại năng lượng bằng việc nghỉ ngơi, trước mắt thì cứ đọc sách hay cái đã.
Tôi ghiền sách lắm, cứ như mọt ghiền gỗ từ thuở còn thơ. Bây giờ, tuổi gần tám mươi, tôi vẫn là một con mọt sách, mỗi ngày phải dành vài giờ để đọc. Đọc đủ loại, từ chính trị - xã hội, triết học đến Phật giáo, cứ có sách hay để đọc là sướng. Tuổi già, chỉ có vậy là vui thôi”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét