Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

Sứ thần Việt - Hoa khi xưa giao tiếp bằng cách nào?

  Nguồn :   SGGP, 18/10/2006.
  Tác giả : LÊ ANH MINH

Hỏi : Ngày xưa, cha ông ta học chữ Nho, tức là chỉ học nghĩa Hán-Việt của những từ Hán, chứ không học cách phát âm của người Trung Quốc (nói theo cách học ngoại ngữ ngày nay, là đọc sách được chứ không nói được). Vậy, tại sao lại có chuyện những trạng nguyên, sứ thần…của ta sang Trung Quốc có thể đối đáp, ứng đối tài tình với vua, quan Trung Quốc?
(Câu hỏi của độc giả Trần Lương Dân)

Đáp:
Ngày xưa quả thật tổ tiên ta chủ yếu học chữ Nho và đọc theo âm Hán-Việt. Giỏi Nho như Phan Bội Châu (1867-1940) mà khi gặp nhà cách mạng Trung Hoa là Lương Khải Siêu (1873-1929) vẫn phải dùng cách bút đàm (viết chữ Hán) thay cho lời nói. Việc đối đáp trực tiếp giữa sứ thần hai nước Việt-Hoa mang nhiều tính chất văn chương chỉ nên xem là giai thoại chứ không phải tín sử vì phần nhiều được thêm thắt theo sự truyền khẩu trong dân gian, có lắm tích truyện lại trùng lắp với những ghi chép trong sách vở Trung Hoa.



Vì các sứ thần không thể đối đáp trực tiếp bằng tiếng Trung Quốc nên triều đình mỗi nước phải lo bổ dụng các chuyên viên phiên dịch (thông ngôn). Bên Trung Quốc, từ đời Tần (thế kỷ 3 trước Công nguyên) đã có chức quan gọi là yết giả trực thuộc yết giả đài, chuyên trông coi việc tiếp đãi quốc khách và đi sứ. Có lẽ bộ phận này phụ trách luôn việc thông dịch.
Theo Charles O. Hucker (A Dictionary of Official Titles in Imperial China, Taipei, 1985, tr. 577), các yết giả dưới quyền các quan bộc xạ. Đầu đời Hán, các yết giả được tuyển trong số thái giám, từ năm 29 TCN trở đi họ được tuyển chọn trong số quan lại.

Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư, quyển 2, kỷ nhà Triệu (207-110 TCN), chép rằng ngay năm đầu tiên vừa lên ngôi (179 TCN) Hán Văn Đế đã sai Lục Giả đi sứ nước ta và chọn một yết giả làm phó sứ.

Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của Nội các triều Nguyễn (các quyển 128, 129, 130) chép rõ những quy định bang giao, thí dụ: thể thức đi sứ, lễ phẩm, lễ vật, hộ tống, thể thức tiếp sứ, v.v… Trong đó còn quy định rõ phải có một chuyên viên gọi là thông ngôn sứ, đảm trách việc phiên dịch giữa hai bên sứ thần và triều đình (Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, NXB Thuận Hóa, Huế 1992, tập 8, tr. 305, 309, 324, 327, 330, 347, 348).

Tóm lại, xưa nay việc ngoại giao ở mọi nước đều phải có các phiên dịch (interpreters) chuyên nghiệp.

Cũng nên lưu ý rằng các quan và sứ thần không được ở sát vua khi triều kiến, mà phải quỳ ở bên dưới và cách xa bệ rồng, do đó hai bên không thể đối thoại trực tiếp. Lời tấu lên vua hay lời vua ban xuống đều được truyền đạt qua trung gian của các quan phụ trách nghi lễ.

Thật vậy, nhìn vào tranh khắc đồng Nguyễn Huệ khiển điệt Nguyễn Quang Hiển nhập cận tứ yến chi đồ (ảnh - ảnh tài liệu của Nguyễn Duy Chính), ta thấy các sứ thần Việt Nam đang quỳ ở dưới và cách xa bệ rồng của vua Càn Long nhà Thanh. Càn Long cho vẽ tranh này minh họa việc tiếp đãi phái bộ Việt Nam vào cuối năm 1789, nhân dịp vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) sai cháu là Nguyễn Quang Hiển sang Yên Kinh triều kiến.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét