Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Canh bánh đa

Truyện ngắn


Vào một sáng sớm mùa thu, khi mà sương mờ còn buông trắng mặt nước phà Rừng, có một người khách tách khỏi đám đông vừa sang ngang để đi về phía đê vắng vẻ. Người này đi chậm rãi, vừa đi vừa hít thở sâu, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn dòng sông nước bạc, ý như muốn lượng xem cái khoảng cách giữa hai bờ. Nhìn từ xa thì người này có dáng trẻ trung, đến gần mới hay đó là một cụ già có chòm râu bạc lơ phơ trước gió. Ngoài cái kính mắt tròn giống như cái kính của ông đồ ngồi vẽ chữ trong tranh ngày tết, mọi cái còn lại trên người cụ đều rất tây. Cụ thong thả đi tới một cái quán trên mặt đê thì dừng lại.
Gọi là quán nhưng thực ra chỉ là năm sáu tấm liếp lá được dựng lên nhờ mấy cái cọc tre khẳng khiu. Những cái quán kiều này hiện còn đầy ở các chợ nhà quê. Chủ quán là một phụ nữ có dáng ưa nhìn. Chị vừa đặt gánh hàng xuống là đã nhanh nhẹn bỏ ra cái bếp dầu rồi châm lửa và đặt lên nồi canh đã nấu sẵn từ trước. Nồi canh sôi trở lại, bốc hơi thơm. Cụ già hít hít rồi hỏi:
- Canh cua hả bà?
Chủ quán chăm chú bày lên cái chõng bé tí các thứ bát đĩa linh tinh, không nhìn cụ già nhưng vẫn đon đả:
- Ấy chết, sao cụ lại gọi con bằng bà ! Con chỉ đáng tuổi cháu cụ thôi, vất vả quá nên trông nó già tã ra thế này đấy.
- Chị bỏ quá. Có phải canh cua không hả chị?
Lúc này chủ quán mới ngẩng lên:
- Cụ dáng không phải người vùng này! Cụ có ăn không mà hỏi lắm thế!
Cụ già vẫn đứng.
- Nếu là canh bánh đa cua thì tôi ăn.
- Cũng chỉ có có thứ ấy thôi cụ ạ. Bán cho lũ học trò mất dạy trong làng với mấy người phu phà nghèo kiết xác thì làm sao mà có phở bò với bún ngan. Ấy chết, để cháu lấy ghế mời cụ ngồi.
- Tôi ngồi xổm cũng được.
- Ai lại thế, cụ già có tuổi thì phải mời cụ ngồi.
Cụ già kéo quần ngồi xuống chiếc ghế đòn chủ quán vừa quăng ra. Chủ quán đưa ghế cho rồi ngồi xổm bán hàng. Nồi canh cua càng sôi càng thơm ngào ngạt. Rổ bánh đã được trần rồi nay tơi ra trông thật hấp dẫn.
- Canh bánh đa chị nấu vẫn kiểu ngày xưa à ?
- Bây giờ cháu phải thêm mấy viên giò sống.
- Chị cứ làm canh cua cho tôi, đừng cho giò vào nhé.
- Cụ buồn cười nhỉ, người khác lại đòi thêm giò.
- Tôi ăn canh bánh đa cua chứ không ăn giò.
Một lũ học trò đến vây xung quanh. Đứa nào cũng đòi một bát một nghìn. Trong khi chờ, chúng nó trêu ghẹo nhau chí choé. Nghe chúng nó chửi bậy cụ già hơi nhíu mày.
- Cụ ăn bao nhiêu?
- Chị hãy cho tôi bằng với các cháu đã.
Chủ quán đưa cụ bát canh. Cụ trân trọng đỡ bằng hai tay, đặt lại xuống chõng rồi thong thả đưa từng thìa lên miệng.
- Canh chị nấu đậm lắm.
- Bát của cụ cháu cho gấp đôi mì chính mà lị.
- Ừ phải, ngày xưa bà cụ tôi nấu làm gì có mì chính. Bà cụ tôi đệm rau dút chứ không phải rau cải.
- Bây giờ mùa rau cải còn đúng vị đấy. Cách đây một tháng rặt rau muống cụ ạ. Quên không hỏi cụ có làm tí không?
Cụ già ngẩng lên ngạc nhiên :
- Làm tí gì hả chị?
- Rượu.
- Rượu thì không. Nhưng chị làm cho tôi một bát nữa, thật nóng vào.
Mải nói chuyện, cụ già không biết có một người đàn ông vừa tới ngồi xổm bên cạnh. Người này cất tiếng oang oang:
- Cụ này không phải người đây.
Cụ già hơi giật mình quay sang.
- A, cụ nhìn tôi thì cụ thấy tôi thế nào?
- Ông để ngôi giữa, tóc xoã dài sang hai bên. Mắt ông sáng, giọng ông khoẻ, ông mặc tươm tất, chắc ông phải là người sang.
- Cụ nhầm rồi, tôi hèn nhất. Tôi là ăn mày. Hôm nay thấy mệt, không thèm đi xin nữa mới lên bờ đê.
Cụ già giật mình thật sự, mặt hơi biến sắc.
- Làm sao lại có thể thế được?
- Làm sao lại không thể thế được? Vợ tôi nó chê tôi nghèo, nó bỏ đi với người khác. Con trai tôi vượt biên, nó vượt biên một mình, bỏ lại vợ nó có thai. Vợ nó đẻ cho tôi đứa cháu trai nội đích tôn nhưng từ gần chục năm nay suốt ngày dặt dẹo, hết sốt lại đến ỉa chảy. Ngày xưa tôi còn vào rừng lấy củi, bây giờ củi lấy ra không bằng tiền đi xin.
Cụ già im lặng. Rồi cụ kín đáo lấy trong túi ra 4 tờ năm mươi nghìn đưa cho người tự nhận là ăn mày.
- Tôi khấm khá hơn ông. Ông cầm lấy dùng tạm.
- Tôi có xin đâu mà cụ cho.
- Đấy là tôi chia sẻ với ông thôi.
- Cụ cho thì tôi xin cụ.
Câu chuyện lặng đi một chút. Bỗng người ăn mày nói với chủ quán:
- Còn đợi gì nữa mà không làm cho bát ba nghìn! Không thấy là tôi có tiền đấy hay sao? Tôi đã bảo mà, có ngày tôi ăn cả bát chứ không phải xin một miếng.
Người ấy lại quay sang cụ già:
- Tôi cũng giống cụ, thèm canh bánh đa. Hàng ngày qua đây, ngửi mùi canh muốn ăn quá, nó biết mà nó không mời lấy một miếng.
- Thì hôm nay bát người khác có 3 miếng giò, bát anh những 7 miếng.
Có tiếng chửi tục trong đám thanh niên đã quây lại nghe câu chuyện từ bao giờ :
- Việc đ. gì phải mời. Không có tiền thì ra ngoài kia mà ăn xin!
Người ăn mày vẫn điềm nhiên ăn hết bát canh rồi thủng thẳng nói:
- Cụ thấy không, thật đúng như người xưa nói, khi mà trẻ không kính già, trò không trọng thầy, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn lan, sĩ phu ngoảnh mặt, tức là mạt đấy.
Nói rồi hắn đứng dậy, không chào không cám ơn, đi thẳng ra bến phà.
Cụ già sửng sốt nhìn theo, không nói được lời nào. Chủ quán nói:
- Nó hấp đấy. Thế mà ngày xưa cũng là nhà giáo.
Cụ già đứng lên, trả tiền chủ quán rất hậu hĩnh rồi đi tiếp. Cụ rẽ xuống đê, đi về phía làng của mình, nơi mà cụ đã xa cách hàng nửa thế kỷ nay. Nghĩ tới khi nãy người ta bảo cụ không phải người vùng này, nghĩ tới cái quán canh bánh đa với người ăn mày quái gở, cụ thấy đau tê tái trong lòng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét