Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Cái duyên ca trù

 Từ trái sang phải : Chị Nguyễn Thị Hồi, anh Vũ Đức Tâm và Giáo sư Tô NgọcThanh
Trước đây tôi cứ nghĩ là mình biết về ca trù, ai hỏi đến là bật ngay ra câu Hồng Hồng Tuyết Tuyết, mới ngày nào còn chưa biết cái chi chi…!! Thế nhưng đến tối hôm qua, 18/7/2011, khi được gặp Giáo sư Tô Ngọc Thanh tại nhà anh Vũ Đức Tâm, nguyên Đại sứ-Đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, và cũng tại đây được nghe Giáo phường Thăng Long trình diễn ca trù, thì té ra là mình chưa biết gì cả. Lúc này càng thấy khâm phục anh Tâm. Khẩu phục thì từ trước rồi nhưng có lúc tâm còn chưa phục hẳn. Bây giờ thì hoàn toàn, cứ tự hỏi không biết cái duyên nào đưa anh đến ca trù. Trách nhiệm thì không phải, nghỉ hưu rồi làm gì còn trách nhiệm ! Có một cái gì hơn thế, một cái gì thật đằm thắm bạn bè, thật đằm thắm một tình yêu dành cho môn nghệ thuật truyền thống Việt Nam này. Trong khung cảnh thân mật tại nhà riêng, tôi thấy anh lại hiện nguyên hình là một nhà ngoại giao làm ngoại giao văn hóa, cũng vẫn y nguyên niềm đam mê như ngày còn làm văn hóa ở UNESCO.
 Anh Tâm đang say sưa nói về ca trù, phía sau là phu nhân Phương Mai
 Giáo sư Tô Ngọc Thanh và chị Ngân Hà trao đổi về ca trù
Ở tuổi 80, Giáo sư Tô Ngọc Thanh quả thật là một ông già mạnh mẽ. Mạnh mẽ ở cơ bắp còn săn chắc, ở dáng điệu nhanh nhẹn, ở cử chỉ dứt khoát và đặc biệt mạnh mẽ ở những ý tưởng văn hóa khúc triết và sâu sắc. Ông đã giảng cho chúng tôi về ca trù, ngắn gọn nhưng rành mạch, hướng dẫn cho chúng tôi cách thưởng thức giọng ca của nghệ sĩ-ca nương Phạm Thị Huệ, tìm hiểu tiếng trống quan viên, tiếng phách và tiếng đàn mà ông gọi đó là sự tương phản của các loại âm sắc khác nhau, là cuộc nói chuyện của những tâm tình phù hợp với nhau, được thể hiện thành những âm sắc khác nhau, nó là cuộc đối thoại của âm thanh (dialogue) chứ không phải sự hòa âm như những thể loại ca nhạc khác (melodie). Sau khi nghe ca nương, tức ả đào, ca bài Lời ru, ông lại hát cho chúng tôi nghe cũng bài Lời ru nhưng là lối ca của dân gian, như thế là để minh họa cho cái ý ông nói từ dân gian đi vào ca trù thì cả lời cả nhạc đã được gọt dũa chau chuốt nhiều lắm. Không ai có thể nói vị giáo sư đang giảng giải về ca trù kia đang ở tuổi tám mươi, thì ra cái sự trẻ về thân xác phụ thuộc rất nhiều vào cái sự trẻ trung của tâm hồn người ta là vậy.
 Nghệ sĩ-ca nương Phạm Thị Huệ
Giáo sư Tô Ngọc Thanh say sưa nói chuyện

Đêm qua, các vị khách của anh Tâm và chị Mai, phu nhân của anh Tâm có thể nói đều là những tao nhân mặc khách, những người ít nhiều đều dính dáng đến văn hóa nói chung và tới sự bảo tồn và tôn vinh ca trù nói riêng : các nguyên Đại sứ Nguyễn Thị Hồi, Vũ Quang Diệm, Lê Kinh Tài…cùng với các anh Dương Chí Dũng và Nguyễn Ngọc Sơn đang tại chức nhưng đều là bạn bè của anh chị Tâm và đều chia sẻ tâm huyết muốn giới thiệu, phổ biến một nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể phải được bảo tồn. Đặc biệt có vợ chồng Tích Kỳ và Ngân Hà là Việt kiều ở Pháp về, cả hai anh chị đều có nhiều hoạt động và đóng góp cho Hội người Việt Nam tại Pháp, ngày tôi còn ở Pháp thường thấy Tích Kỳ chở xe đưa đón Ngân Hà đi sinh hoạt văn nghệ của Hội. Chị Ngân Hà là công chức của UNESCO tại Paris, tức là công chức quốc tế đấy, ở vị trí này chị có nhiều đóng góp cho UNESCO của Việt Nam, từ thời các vị Đại sứ như ông Vũ Trọng Kính, ông Nguyễn Văn Nhàn, ông Lê Phương cho tới bây giờ. Ngồi nói chuyện với vợ chồng Tích Kỳ mà tôi cứ ngỡ như đang nói chuyện trong phòng họp UNESCO ở Paris. Nhớ chứ, bao nhiêu năm công tác học tập ở đấy mà !
 Đích thân ngài cựu Đại sứ mời nước cho khách

Mãi khi chụp ảnh chung trước khi chia tay tôi mới chợt nhận ra là trên tường phòng khách của anh Tâm chị Mai có treo Trống Đồng. Chợt nghĩ ông bà này văn hóa đến tận cùng. “Đến tận cùng” là nói theo cách nói của ông Đỗ Mười. Ngày xưa có một lần khi chữa bài trả lời phỏng vấn, lúc ấy hình như anh Vũ Đức Tâm cũng còn ở Vụ Báo chí, ông Đỗ Mười bảo chúng tôi có thêm ý thêm chữ gì nữa thì cứ thêm vào, rồi ông bảo : có gì thì cứ nói, thế là dân chủ đến tận cùng ! Nhớ mãi ! Đến hôm nay, thấy cái trống đồng treo trên tường, tôi bật nghĩ ngay đến câu “đến tận cùng” : anh chị Tâm Mai là một trong số không nhiều người hoạt động văn hóa, vì văn hóa đến tận cùng. Bằng chứng là buổi gặp gỡ-ca trù với giọng ca nhịp phách nửa hư nửa thực đến mê hồn của nghệ sĩ-ca nương Phạm Thị Huệ.
 Chụp ảnh kỷ niệm trước khi chia tay, ở bức tường phía sau có treo chiếc trống đồng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét