Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

Ông Hà Văn Lâu và ông Lê Danh kể về Hội nghị Geneve 1954

Xin giới thiệu lại dưới đây nội dung cuộc giao lưu trực tuyến với ông Hà Văn Lâu và ông Lê Danh do VOVNEWS tổ chức chiều 15/7/06.


* Cháu nghe nói tại Hội nghị Geneva, Ngoại trưởng Mỹ Dulles từ chối bắt tay Chu Ân Lai, điều đó có thật không? Bác đánh giá như thế nào về hành động này? Còn thái độ của Mỹ, Pháp với phái đoàn của ta lúc ấy thì sao? Các bác đã có đối sách gì trước những thái độ ấy? (Phạm Quang Hiệp - sinh viên K43, khoa Luật Kinh tế Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) 
- Ông Hà Văn Lâu: Đối với hội nghị Geneva, Mỹ đến hội nghị để phá hội nghị. Vì trong lúc thất bại của Pháp ở chiến trường Đông Dương càng phụ thuộc vào viện trợ của Mỹ cho Pháp (lên tới 80%). Mỹ muốn hất cẳng Pháp. Nếu Hội nghị thất bại sẽ là lý do để Mỹ can thiệp vào Đông Dương. Đến ngày gần kết thúc hội nghị, cuối tháng 4/1954, Dules rời Geneva giao cho Thứ trưởng Ngoại giao Bedell Smith đi Triều Tiên. Tin Ngoại trưởng Mỹ từ chối bắt tay Chu Ân Lai là không chính xác. Tôi không hề nghe chuyện này. Nhưng giữa Mỹ và Trung Quốc, trong hội nghị ít có quan hệ với nhau, chủ yếu với Anh và Pháp. Đối với đoàn Việt nam đến dự Hội nghị vừa đúng lúc chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Chiều 7/5, ĐBP thất thủ, chiều 8/5, Hội nghị khai mạc, ta đến với Hội nghị với tư thế người chiến thắng. Pháp lúc ấy là của Chính phủ của Laniel Bidault là chính phủ hiếu chiến, đến hội nghị dùng thương lượng để thực hiện ý đồ xâm lược của họ. Khi đi vào hội nghị họ tự cho mình thế mạnh, nên lập trường của Pháp lúc đó coi là "láo xược", đưa ra những điều kiện buộc ta đầu hàng. Thái độ ta đối với Pháp rất đàng hoàng, tự hào, không phải thái độ trịnh thượng; không coi họ là người bại trận mà chỉ vạch trần âm mưu thực dân, kéo dài đàm phán để kéo dài quân dội viễn chính. Trong thời gian Bidault cầm đầu quân dội thì thương lượng kéo dài. Hội nghị kéo dài là trách niệm của Bidault. Nhân dân Pháp ùng hộ ta nên họ lật lại thái độ của chính phủ Bidault.
* Bác Lê Danh ơi, khi nhận được quyết định tham gia phái đoàn Việt Nam dự Hội nghị Geneva, cảm xúc của bác lúc đó như thế nào? Lúc vào Hội nghị, bác có run không? Các bác làm thế nào mà thắng được các cường quốc lớn cả trên mặt trận quân sự lẫn trên bàn ngoại giao giỏi thế? (Nguyễn Thanh Hằng, 16T - Cầu Diễn- Từ Liêm - HN) 
- Ông Lê Danh: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi đang còn ở mặt trận được gọi về khu căn cứ và giao nhiệm vụ đi giúp việc phái đoàn với tư cách là chuyên gia về công tác tù binh. Tôi lên đường ngay cùng cùng với ông Đặng Tính, Cục phó Cục tác chiến. Tôi cũng làm một việc bất ngờ nhưng cũng là trách nhiệm của quân đội giao cho tôi đi giúp việc phái đoàn nên lúc đó cảm xúc của tôi là làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ. Thắng lợi trên bàn ngoại giao là kết quả thắng lợi trên mặt trận quân sự. Công tác ngoại giao là kế tục sự thắng lợi đó mà phái đoàn cố gắng hoàn thành trách nhiệm.
* Bác có thể cho cháu biết đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Geneva 1954 có bao nhiêu người? Ai là người trực tiếp ký vào bản Hiệp định? Ngày ấy bác làm công việc gì? (Hoathangbavn@yahoo.com
- Ông Hà Văn Lâu: Đoàn ta tham gia Hội nghị Geneva có 5 thành viên chính: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng (trưởng đoàn), ông Hoàng Văn Hoan, ông Trần Công Tường, ông Tạ Quang Bửu, ông Phan Anh; Và các chuyên viên quân sự: Tôi phụ trách Việt Nam, ông Đặng Tính phụ trách về Lào, ông Thanh Sơn phụ trách về Campuchia. Ngoài ra còn có nhóm phụ trách văn phòng, tuyên truyền báo chí... Tổng cộng khoảng 25-27 người. Người trực tiếp ký Hiệp định Geneva là Tạ Quang Bửu - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đại diện cho Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Phía Pháp là Thiếu tướng Delteil đại diện cho Bộ Tổng chỉ huy quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương tham gia ký kết. Trước khi tham gia Hội nghị Geneva, tôi là Cục phó Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu. Trước khi sang dự Hội nghị, tôi được thăng quân hàm đại tá. Tôi và đồng chí Tạ Quang Bửu phụ trách về mặt quân sự, các điều khoản liên quan đến quân sự, Hiệp định đình chỉ chiến sự...
* Hội nghị Geneva chắc hẳn là kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời của các bác. Bác có thể kể cho chúng cháu nghe một vài câu chuyện nhỏ sâu sắc nhất của bác trong lần tham dự Hội nghị này? (Minh Huyền, 40T - 50 Nam Ngư - Hà Nội) 
- Ông Lê Danh: Tôi xin kể cho bạn nghe 2 mẩu chuyện ngắn. Khi đoàn quân sự chúng tôi có 2 người là ông Đặng Tính và tôi lên đường tới hội nghị Geneva, chúng tôi đang mặc quân phục, đến Sứ quán Trung Quốc và Sứ quán Mạc Tư Khoa thì hai Sứ quán đó mới bổ sung quần áo để đi dự. Riêng Đại sứ của ta tại Liên Xô là Nguyễn Lương Bằng có tiếp hai chúng tôi và có nói rằng, phải có người đưa các cậu ra cửa hàng tổng hợp của Nga để có quần áo đi dự hội nghị chứ ăn mặc như thế này thì không được và nhờ lễ tân Bộ Ngoại giao Liên Xô đưa ra cửa hàng mua quần áo. Nhưng khi đến cửa hàng thì không có bộ quần áo nào vừa cả vì hai chúng tôi đều nhỏ người không mặc được cỡ của họ. Cuối cùng, Đại sứ Nguyễn Lương Bằng phải mượn quần áo của các nhân viên sứ quán cho chúng tôi mặc đi dự hội nghị. Câu chuyện thứ hai là sau khi ký kết Hiệp đinh Geneva, Thủ tướng Pháp Mandes France đến biệt thự của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng để thăm xã giao. Tôi được phân công mở sâm banh cho bác Phạm Văn Đồng tiếp Thủ tướng Pháp. Tôi mở chai rượu sâm banh Nga rót vào cốc của Thủ tướng Mandes thì ông ta quay lại nói với bác Phạm Văn Đồng: Các ông không dùng sâm banh Pháp? Bác Đồng trả lời, chúng tôi quen dùng sâm banh Nga. Những chuyện này nhắc lại để bạn biết là tất cả những đồ dùng hàng ngày, kể cả rượu tiếp khách đều do Liên Xô và Trung Quốc cấp cho phái đoàn của ta.
* Bác ơi, chắc bác cũng phải giỏi tiếng Pháp lắm nên mới được cử đi dự Hội nghị Geneva? Đó có phải là lần đầu tiên bác ra nước ngoài? Sau này bác có còn dịp nào ra nước ngoài nữa không? (Nguyễn Thị Ánh Nguyệt- emai: nguyetcoma7@yahoo.com
- Ông Hà Văn Lâu: Đúng là tôi có biết tiếng Pháp. Hồi đó là lần đầu tôi ra nước ngoài. Sau đó, tôi ra nước ngoài dự các hội nghị quốctế: như năm 1962 dự Hội nghị quốc tế về Lào, 1968 - dự hội nghị quốc tế về Capuchia, các hội nghị về phong trào không liên kết... Sau đó tôi làm Đại sứ Cu Ba, Liên Hợp Quốc. Tiếp đó tôi làm Thứ trưởng Ngoại giao, và tiếp tục đại sứ ở một số nước, trong đó có Pháp. Tổng kết lại tôi có trên 14 năm ở nước ngoài.
* Những ngày sau Hội nghị Geneva, bác làm gì? Bác có thể kể cho chúng cháu nghe đôi điều về cuộc sống hiện tại của bác được không? Nếu cháu muốn đến thăm bác, cháu có thể đến gặp bác ở đâu? (Nguyễn Mạnh Hà )
- Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng - TP Vinh - Nghệ An) - Ông Lê Danh: Sau hội nghị Geneva, tôi vẫn là quân nhân. Bốn năm sau, tôi được chuyển sang làm công tác ở Bộ Xây dựng. Tôi công tác ở Bộ được 24 năm. Sau đó tôi được chuyển về công tác cơ quan kế hoạch nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) với tư cách là Phó Chủ nhiệm từ 1982-1992. Địa chỉ của tôi hiện nay là: 16B Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
 * Cháu thấy rằng Việt Nam ta không chỉ đánh giặc giỏi mà còn ngoại giao giỏi. Vậy bí quyết nào để thế hệ các bác làm nên những điều thần kỳ ấy, khi mà ngày xưa, mọi điều kiện sống và chiến đấu đều rất gian khổ, khó khăn? (Nguyễn Huy Thăng, 32T - Công ty Cơ khí và Xây lắp số 7, Hà Nội)
 - Ông Hà Văn Lâu: Đúng là nhân dân ta đánh giặc cũng giỏi, làm ngoại giao cũng giỏi. Đó là nhờ phương châm, đường lối đúng đắn của Đảng ngay từ đầu đã biết kết hợp trên 3 mặt trận: quân sự- chính trị- ngoại giao. Mình chiến đấu trên chiến trường về mặt quân sự-chính trị, khi mặt trận quân sự-chính trị có lợi cho ta thì ta kết thúc chiến tranh bằng mặt trận ngoại giao. Ví dụ: Hội nghị Paris, Hội nghị Geneva... Trong điều kiện đất nước thống nhất bây giờ, mặt trận ngoại giao vẫn vô cùng quan trọng để xây dựng Việt Nam trên trường quốc tế và hội nhập quốc tế. Bí quyết để làm tốt công tác ngoại giao, trước hết người cán bộ ngoại giao phải có tinh thần yêu nước, giác ngộ cách mạng, chấp nhận hy sinh gian khổ và có ý thức tổ chức kỷ luật. Đồng thời cần phải có tinh thần học tập, cầu tiến. Trong đấu tranh ngoại giao phải có tinh thần tiến công, tinh thần chủ động, biết thuyết phục người ta. Mình đấu tranh về lý, đấu tranh về trí tuệ, phải làm thế nào để thuyết phục đối phương chấp nhận điều kiện của mình.
* Bác ơi, cháu thấy thế hệ trẻ bây giờ sung sướng quá mà tự để mất dần đi tính chiến đấu - cái gene dân tộc do cha ông ta để lại - mà trước hết là chiến đấu với bản thân để vươn lên trong cuộc sống. Là người đi trước, đại diện tiêu biểu cho những tấm gương ngời sáng năm xưa, bác có lời khuyên nào cho thế hệ trẻ hôm nay? (Thanh Hà, 26T, Phổ Yên, Thái Nguyên - email: danuypriver@yahoo.com
- Ông Lê Danh: Cháu có nói đến gene dân tộc do cha ông để lại đang bị mất dần, theo bác, có thể do một bộ phận thế hệ trẻ không biết giữ gìn và phát huy. Bác khuyên thế hệ trẻ các cháu tìm mọi cách phát huy mọi phẩm chất cao đẹp của cha ông gắn liền với việc kiên trì đấu tranh với các tệ nạn xã hội mà hàng ngày hàng giờ đang tìm cách xâm nhập vào cuộc sống của các bạn trẻ. Bác tin các cháu sẽ gây được một phong trào mạnh mẽ đấu tranh chống lại tệ nạn xã hội, noi gương sáng của các bậc đi trước, để xứng đáng là con cháu Bác Hồ.
* Bác có thể cho cháu biết tại sao ta lại phải đồng ý điều khoản cuộc tổng tuyển cử tự do ở nước ta diễn ra sau đó hai năm lại phải có sự giám sát của Uỷ ban quốc tế mà không phải do nhân dân Việt Nam trực tiếp giám sát? (Đinh Phương Thảo, 19T, P308- KTT Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn) 
- Ông Hà Văn Lâu: Vì hai nội dung chính của Hiệp định Geneva về Việt Nam là vấn đề vĩ tuyến và tổng tuyển cử. Lúc đầu phía Pháp không chấp nhận chính trị, sau do sức ép của ta và dư luận Pháp nên phải chấp nhận đàm phán chính trị, chủ yếu là tổng tuyển cử. Pháp chỉ chấp nhận tổng tuyển cử nguyên tắc (không chấp nhận lúc nào, như thế nào). Ta đề ra thời gian 6 tháng nhưng họ không chấp nhận. Trung Quốc và Liên Xô đề ra 2 năm. Pháp chấp nhận. Nhưng trước đó một năm trước, hai miền đã tổ chức hiệp thương (có ghi trong Hiệp định). Ta chấp nhận tổng tuyển cử có giám sát quốc tế. Thực tế cuối cùng không có tổng tuyển cử.
* Cháu nghe nói bác từng có thời gian giúp việc cho bác Phạm Văn Đồng, chắc bác là người rất hiểu bác ấy. Bác có thể kể chúng cháu biết đôi chút về bác Đồng được không? Bác đã từng bao giờ gặp Bác Hồ chưa? Nếu có thì đó là trong dịp nào? (Việt Hùng: Hungvn100@yahoo.co.uk

- Ông Lê Danh: Bác được gần gũi với bác Phạm Văn Đồng trong hơn 1 tháng tại Geneva. Bác rất cảm phục bác Phạm Văn Đồng, là một Trưởng phái đoàn giỏi, có nhân cách vẹn toàn, là học trò xuất sắc của Bác Hồ. Bác đã học được nhiều điều tốt đẹp ở bác Phạm Văn Đồng và vô cùng kính phục bác Đồng. Năm 25 tuổi, bác có may mắn được gặp Bác Hồ. Bác là đại biểu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2 vào năm 1951. Đoàn của Bác khi ăn cơm được Bác Hồ đến ngồi và ăn cơm với đoàn. Bác Hồ nói: "Bác ăn cơm với các bạn trẻ". Khi ăn xong đại biểu đứng dậy thì Bác gọi lại và nói trước khi các chú đứng dậy nên sắp xếp lại bát đũa cho gọn gàng.
* Thưa bác Lê Danh, cháu được biết bác được cử sang Hội nghị Geneva để bàn về vấn đề tù binh. Vậy bác có thể tiết lộ cụ thể là bàn về vấn đề gì được không ạ? 
- Ông Lê Danh: Trong Hội nghị Geneva, vấn đề tù binh không được bàn cụ thể mà vấn đề chính là vấn đề ranh giới vĩ tuyến và thống nhất đất nước. Vì vậy bác đã chuyển sang làm công tác lễ tân cho bác Phạm Văn Đồng.
* Thưa bác, Hiệp định này là một cột mốc ghi danh sự thành công của cách mạng Việt Nam. Cháu xin hỏi cảm giác của bác lúc đó như thế nào? Bác cho chúng cháu biết kỷ niệm sâu sắc nhất lúc đó của bác?
- Ông Lê Danh: Cảm giác của tôi lúc đó rất sung sướng vì đã đạt được việc lập lại hoà bình cho đất nước sau 9 năm chiến tranh gian khổ. Kể niệm sâu sắc nhất của tôi lúc đó là chụp một tấm ảnh kỷ niệm chung với đoàn sau ký kết Hiệp định mà hiện nay tôi còn lưu giữ tấm ảnh đó. 50 năm rồi mà tấm ảnh đó không phai mờ. Trong tấm hình từ trái sang phải tôi là người đứng đầu tiên hàng trên.
* Thưa bác, đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Geneva năm 1954 hiện nay ngoài bác và bác Lê Danh thì còn có những ai? Các bác có thường xuyên liên lạc với nhau không? Đã bao giờ các bác sang lại Geneva- Thuỵ Sĩ thăm lại địa danh đã từng chứng kiến một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Việt Nam chưa? (Thu Hương- Bộ Y tế 138A Giảng Võ- email: hoathangba8382004@yahoo.com
- Ông Hà Văn Lâu: Ý đầu của bạn tôi đã trả lời một bạn lúc trước. Còn sự liên lạc trong đoàn thì chúng tôi làm việc rất cụ thể, trước khi đi họp phải bàn bạc. Sau hội nghị tôi có trở lại Geneva để dự Hội nghị về Lào (1962). Tôi có thăm lại địa danh Palais des Nations Geneva, bên cạnh hồ Leman.
 * Hiện nay các ông có còn giữ kỷ niệm gì liên quan đến Hiệp định Geneva không? Nếu có thể, tôi rất hy vọng được xem qua mạng Internet. Và sẽ tuyệt vời hơn nữa nếu các ông kể cho tôi biết lai lịch về nó? Xin cảm ơn! (Tran Tung, 77t, Hokaido, Japan) 
Ông Lê Danh: Tôi còn lưu giữ được cái thẻ ra vào hội nghị được quyền vào các phòng họp lớn, nhỏ tại Lâu đài Các dân tộc của Geneva và bức ảnh chụp phái đoàn tham dự Hội nghị Geneva.
* Bác ơi, ông cháu không biết dùng máy tính. Nhưng ông là người đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông hay kể cho chúng cháu nghe về quá khứ lịch sử của dân tộc, đặc biệt là trong những ngày ông đi chiến đấu. Ông cháu còn nói, nhờ có các bác đi đàm phán Hiệp định Geneva, Chiến thắng Điện Biên Phủ mới thực sự có ý nghĩa, công lao, xương máu của những người lính như ông được đền đáp xứng đáng. Ông cháu gửi lời cảm ơn các bác và chúc sức khoẻ các bác mạnh khoẻ, dồi dào, sống lâu trăm tuổi (Ông Trần Chung, cháu Trần Bằng, Hoàng Mai, Hà Nội)

- Ông Lê Danh: Tôi cám ơn ông của cháu đã đánh giá cao Hiệp định Geneva. Cháu đã có một người ông quý mến đã từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bác nhờ cháu chuyển lời cám ơn đến người ông quý mến và nói với ông rằng kết quả đàm phán tại Paris là do công của ông cháu đã tham gia Chiến thắng trên chiến trường. Nhờ có Điện Biên Phủ và chiến thắng ở các chiến trường mặt trận khác nên mới có thắng lợi trên bàn đàm phán tại Geneva. Bác nhờ chàu chuyển lời chúc của Bác tới ông cháu có sức khoẻ dồi dào và trường thọ.
* Theo ông yếu tố nào là quan trọng đối với một nhà ngoại giao, đặc biệt trên bàn thương lượng khi phải đối đầu với một đối thủ mạnh, cần có phẩm chất gì? (Trung Khang - trungkhang02vs@yahoo.com
- Ông Hà Văn Lâu: Trên bàn ngoại giao, người ngoại giao ngoài tinh thần yêu nước là điều kiện tiên quyết thì cần phải nắm vững tình hình, giữ thế chủ động tiến công nhưng đồng thời cũng cần phải có sách lượng mềm dẻo như lời Bác Hồ đã từng dạy "dĩ bất biến ứng vạn biến", phải biết vận dụng tốt sự mưu trí của mình để đối phương phải chấp nhận những điều kiện của ta. Đó là những phẩm chất cơ bản tối thiểu cần thiết.
* Khi phái đoàn ta mới bước vào đàm phán ở Geneva, ông có thể cho biết thái độ của Mỹ lúc đó ra sao? Về phía Chính phủ Việt Nam đã liệu có tiên đoán khả năng Việt Nam sẽ phải bước vào một trận chiến trường kỳ với Mỹ không? (Trung Khang- trungkhang02vs@yahoo.com

Ông Hà Văn Lâu: Ý đầu của câu hỏi này về thái độ của Mỹ tôi đã trả lời ở phần đầu cuộc giao lưu. Trong đấu tranh đàm phán Bác Hồ và Trung ương có dự kiến và đánh giá tình hình, quan tâm đến sự ngoan cố của thực dân Pháp và mưu đồ của Mỹ. Trong Hội nghị, Mỹ muốn hất cẳng Pháp để biến Đông Dương thành thuộc địa kiểu mới, nên ta lường hết mọi diễn biến. Ngày 22/7, Bác Hồ nói rõ, đây là thắng lợi bước đầu để tiến hành một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ. Nhân dân và cán bộ tuyệt đối tin tưởng vào đường lối của Bác Hồ và Trung ương đề ra.
* Tôi là một độc giả thường xuyên của VOVNEWS. Nhờ có VOVNEWS tôi được biết nhiều tin tức từ quê nhà, cũng nhờ đó mà tôi biết VOVNEWS tổ chức cuộc giao lưu với hai ông Hà Văn Lâu và Lê Danh.Những nhân chứng lịch sử tham gia Hội nghị Geneva. Tôi rất cảm ơn VOVNEWS vì luôn có những thông tin hay và diễn đàn thú vị. Nhân đây xin hỏi hai ông, các ông cảm thấy thế nào khi được mời tham gia giao lưu với VOVNEWS? Còn cảm giác của các ông trong những ngày tham dự Hội nghị Geneva? Các ông có thấy là bây giờ các ông vẫn như đang trong Hội nghị không? (Hoang Cong Tuong, 55tuổi, Washington DC) 
- Ông Lê Danh: Tôi rất vui khi được mời tham gia cuộc giao lưu với độc giả của VOVNEWS, vì những suy nghĩ của tôi được giữ kín trong 50 năm nay được đem ra trao đổi với các bạn. Là một nhân chứng của sự kiện lịch sử đã diễn ra cách đây 50 năm, tôi thấy hội nghị Geneva đã đạt được một thắng lợi lớn, đem lại hoà bình cho đất nước sau 9 năm gian khổ. Chẳng những ký kết được một ranh giới tạm thời của hai miền mà còn nhận được cam kết thống nhất đất nước Việt Nam. Cảm giác chung của chúng tôi là cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán không khác gì đấu tranh trên mặt trận quân sự, chỉ khác nhau là không dùng súng đạn mà dùng trí tuệ thông minh, khôn khéo để bảo đảm được lợi ích dân tộc, lợi ích đất nước.
* Hội nghị Geneva có ý nghĩa lịch sử hết sức quan trọng. Bác có thể cho biết tâm trạng của mình trước và trong khi tham dự Hội nghị này? (Hong Ha, Thanh Xuan- Ha Noi)
 - Ông Hà Văn Lâu: Khi nhận nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ, Bác Hồ đi dự Hội nghị Geneva, không chỉ tôi mà tất cả mọi người đều rất lo lắng làm thế nào để chấm dứt được chiến tranh, giành lại hoà bình và làm thế nào để các nước đều phải công nhận độc lập dân tộc của nhân dân ta. Cái đó khó lắm bởi lúc đó thực dân Pháp âm mưu đánh đổ ta, xâm lược ta lần thứ hai. Ta phải phối hợp chặt chẽ với đoàn bạn Liên Xô và Trung Quốc - là chỗ dựa đấu tranh trên bàn đàm phán. Ta phải biết vận dụng sự ủng hộ quốc tế, đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân Pháp, buộc Pháp phải ký kết theo những điều kiện có lợi cho ta. Anh em trong đoàn ngày đêm phải đấu tranh, giành giật với đối phương từng thắng lợi nhỏ để đi đến giành thắng lợi cuối cùng. Chúng tôi lúc đó đều có chung một niềm tin là ta sẽ giành thắng lợi.
* Ngày đó nước mình nghèo vì đang chiến tranh, các bác làm sao có thể sang Thuỵ Sĩ khi mà (theo cháu đoán) máy bay chưa có? Mình đi bằng con đường nào? Mất bao lâu các bác mới sang được đến đó? (Ngọc Long, 17 tuổi, học sinh Trường Trần Hưng Đạo, Hà Nội) 
- Ông Lê Danh: Bình thường phải đi một tháng mới sang Thuỵ Sĩ vì phương tiện lúc đó không dễ dàng như hiện nay nhưng đoàn quân sự của chúng tôi chỉ có hai người và được cử đi sau khi Chiến thắng Điện Biên Phủ nên được đi theo đường dây đặc biệt. Từ căn cứ địa đi qua biên giới Việt-Trung bằng xe Jeep của Dờ cát tờ ri - chiến lược phẩm Điện Biên Phủ. Từ biên giới Việt-Trung đi Nam Ninh bằng tàu hoả của Trung Quốc. Từ Nam Ninh đi Bắc Kinh bằng chuyên cơ của Trung Quốc. Từ Bắc Kinh đi Moscow bằng máy bay quân sự Liên Xô. Từ Liên Xô đến Geneva bằng máy bay vận tải. Thời gian từ Việt Nam đến Geneva chỉ mất một tuần để kịp báo cáo với phái đoàn về thắng lợi của Mặt trận Điện Biên Phủ.
* Thưa bác Hà Văn Lâu, khi đàm phán về các vấn đề quân sự, theo bác điều quan trọng nhất để thuyết phục đối phương là gì?
 - Ông Hà Văn Lâu: Vấn đè quân sự là vấn đề đàm phán quan trọng nhất trong vấn đề vĩ tuyến. Đối phương lợi dụng vĩ tuyến để chia cắt đất nước ta làm hai. Ta dùng vĩ tuyến 17 là tạm thời không được coi là gianh giới chính trị và lãnh thổ. Ta đập tan âm mưu chia cắt của Pháp. Đây là vĩ tuyến quân sự tạm thời (ta đòi đưa vào Hiệp định buộc đối phương chấp nhận thì mới ký). Ta chấm dứt âm mưu chia cắt đất nước lâu dài.
* Các bác có định viết sách hoặc làm cách nào đó để giữ lại những tư liệu về thời khắc lịch sử ấy không chỉ cho con cháu mình mà cho các thế hệ sau này? (Hoang Long- Dai hoc Khoa hoc Xa hoi nhan van Ha Noi)

-
Ông Hà Văn Lâu: Sau khi nghỉ hưu, tôi cũng có nghĩ đến viết hồi ký, nhưng vì sức khoẻ và khả năng, tôi một mình làm không nổi. Tôi có bàn với nhà văn Trần Công Tấn viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử có tên “Hà Văn Lâu - người đi từ bến làng Sình”. Tôi có giúp đồng chí Trần Công Tấn ghi lại một cách đầy đủ diễn biến Hội nghị Geneva. Nhân dịp này tôi muốn giới thiệu các bạn tham khảo để hiểu biết thêm lịch sử của ta.
* Thưa bác, trong quá trình đàm phán ký kết Hiệp định Geneva, Việt Nam nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế như thế nào? (Tran Vu- 27 tuổi, Khương Mai- Thanh Xuân- Hà Nội) 
- Ông Hà Văn Lâu: Ta rất coi trọng mặt trận dự luận, sự ủng hộ của nhân dân thế giới, đặc biệt là nhân dân Pháp. Trong đoàn đàm phán có bộ phận phụ trách đấu tranh dư luận, tiếp xúc báo chí… Đây là nhân tố góp phần trong thắng lợi của Hiệp định. Trong đánh giá của Bác Hồ, Bác coi đây là thắng lợi của nhân dân ta, nhân dân Lào và Campuchia, đặc biệt là nhân dân tiến bộ yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Trong tháng đầu đấu tranh với Chính phủ Bidault (chính phủ hiếu chiến), ta phải dựa vào dư luận để tiếp xúc với Chính phủ Mendés (chính phủ ôn hoà).
* Các bác ơi, cháu nghe đồn ngày xưa bộ đội mình gầy đến mức "5 anh xanh rớt đu một cành đu đủ", chuyện đó có thật không? Hồi đó ở Hội nghị Geneva các bác có cảm thấy nhỏ bé khi đứng trước những người châu Âu? (Jeny Phuong- 18t, Hawai)
 - Ông Lê Danh: Đó chỉ là một câu nói đùa thôi cháu ạ. Người Việt Nam chúng ta tuy bé nhỏ, nhưng có trí thông minh và sức khoẻ tốt chứ không phải như lời đồn mà cháu nghe được. Nếu không khoẻ thì không đánh thắng được giặc. Còn về câu hỏi thứ 2, thực sự, Bác chỉ cảm thấy tự hào và không hề thấy nhỏ bé khi đứng trước những người châu Âu cao to. Vì lúc đó không khí chiến thắng tràn ngập trong mỗi người, mà ngay trên đất Geneva, người dân ở đó cũng rất kính nể phái đoàn của ta.
* Thưa bác Lê Danh, là chuyên gia về công tác tù binh, bác có hay tiếp xúc với tù binh không? Bác có thể kể cho cháu một câu chuyện về tù binh? Hãng tin AP gần đây có đưa tin rằng: hơn 2.000 binh sĩ của quân đội Pháp đã thiệt mạng trong trận Ðiện Biên Phủ, và trong số 11.721 người bị bắt làm tù binh, có đến 8.290 người đã chết trong lúc bị giam giữ. Bác thấy con số này có chính xác không?(Hồng Minh - Láng Hạ - Hà Nội)
 - Ông Lê Danh: Tôi không trực tiếp làm công tác quản lý tù bình. Tôi chưa hề được tin nói về con số trên. Theo tôi biết, việc đối xử với tù binh của Việt Nam là một điển hình tốt về mặt thực hiện chính sách đối xử nhân đạo. Tôi có thể nói là tù binh ăn ngon hơn là bộ đội của Việt Nam trong thời kỳ đó.
* Cháu đang hình dung là ngày ấy nước mình lạc hậu, các bác quen sống đơn giản, sang nước ngoài chắc chắn tiện nghi sang trọng hơn, các bác sẽ thích nghi như thế nào nhỉ? Có bao giờ xảy ra những chuyện buồn cười không? Ví như ở cháu ở quê ra dùng nước rửa bát gội đầu vì thấy nó thơm, các bác có bao giờ bị như thế không? (là cháu thắc mắc vậy, nếu có gì không phải các bác bỏ quá cho cháu nhé). (Thuỳ Hoan, Trần Phú, Vĩnh Yên)
 - Ông Lê Danh: Khi chúng tôi được nhận nhiệm vụ, mọi vấn đề về sinh hoạt đều được Sứ quán của Việt Nam tại Liên Xô và Trung Quốc hướng dẫn cụ thể nên không bị bỡ ngỡ. Lái xe do Sứ quán cử, bếp trưởng nấu ăn cũng của Sứ quán. Thành phần chủ yếu trong phái đoàn phần lớn là trí thức, có tài cao, hiểu biết rộng...
  * Bác có thể cho cháu biết những điểm lưu ý chính của Hiệp định Geneva 1954? Khi ký Hiệp định này, mình được lợi gì? Mất gì? Và Pháp được gì? Mất gì? (Nguyễn Việt Cường, 22 tuổi, Học viện Quân sự Hà Nội)
 - Ông Hà Văn Lâu: Cái được của ta, về phần quân sự là vấn đề tập kết chuyển quân, quân đội hai bên phải tập kết trên và dưới vĩ tuyến 17. Về chính trị: Thời hạn tổng tuyển cử và tự do dân chủ khi ký, ta chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình, trên cơ sở công nhận các quyền cơ bản của nhân dân 3 nước Đông Dương (có độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ). Ta giải phóng miền Bắc để xây dựng thành căn cứ địa cách mạng, ủng hộ nhân dân miền Nam thực hiện cuộc kháng chiến, thống nhất Tổ quốc. Cái mất của ta: Ta chỉ giải phóng miền Bắc, miền Nam quân Pháp lại rút vào, quân Mỹ xây dựng chính quyền Ngô Đình Diệm. Các cơ sở đảng, chính quyền của nhân dân miền Nam mấy năm đầu chỉ đấu tranh chính trị nên bị tổn thất rất nặng. Pháp được lớn nhất là cứu vãn quân đội viễn chinh khỏi tan rã. Sau thất bại Điện Biên Phủ, quân đội run sợ, để củng cố lực lượng quân Nguỵ (lúc này rất hoang mang); chúng được vĩ tuyến 17. Nếu với sự ủng hộ mạnh, kiên quyết của bạn bè quốc tế, trên cơ sở tương quan lực lượng ở đôi bên, ta có thể đạt được vĩ tuyến 16. Sau khi ký kết, dư luận khẳng định đây là cái đựơc lớn nhất của Pháp. Cái mất của Pháp: Phải rút quân khỏi 3 nước Đông Dương, từ bỏ âm mưu xâm lược. Vài năm sau Mỹ nhảy vào, Pháp phải rút hết quân khỏi Đông Dương.
* Gửi hai bác Hà Văn Lâu và Lê Danh, cảm xúc của các bác và cả đoàn Việt Nam khi Hiệp định Geneva được ký kết? Khi đó các bác có hát Quốc ca, hay cùng nắm tay nhau hô to: Chúng ta là người chiến thắng, hay Việt Nam muôn năm. Đoàn ta có mở sâm-panh mừng thắng lợi to lớn này không? (Phan Thu Hương, 46tuổi, Vĩ Dạ, TP Huế) 
- Ông Lê Danh: Lúc đó đoàn ta không có điều kiện để làm tiệc mừng chiến thắng, chỉ kịp chụp một tấm ảnh kỷ niệm rồi mỗi người trong đoàn lại phải lo thu xếp để về nước ngay nên cũng không có thời gian để ăn mừng chiến thắng.
* Thưa bác Hà Văn Lâu, tham gia phái đoàn đàm phán ở Hội nghị Paris và sau này đàm phán để ký kết Hiệp định Paris, bác rút cho mình được những yếu tố nào là quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh trí não với địch? (Cẩm Tú, 49 tuổi, Hàm Long- Hà Nội)
 - Ông Hà Văn Lâu: Yếu tố giúp tôi thực hiện nhiệm vụ đấu tranh trên bàn đàm phán, trước hết mình phải có tinh thầu yêu nước sâu săc, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, nắm vững phương án đấu tranh (cái tối thiểu, tối đa đạt đựơc, nguyên tắc, sách lược mềm dẻo đến mức không thể nhân nhượng được). Từ hội nghị Geneva, đến Paris đây là bài học lớn tôi rút ra được trong quá trình đàm phán.
* Thưa ông, Việt Nam vấp phải những khó khăn gì và làm thế nào để tháo gỡ những khó khăn đó tại các vòng đàm phán trước khi đi đến ký kết Hiệp định Geneva? (Sinh Bùi- CA, Hoa Kỳ) 
- Ông Hà Văn Lâu: Khó khăn lớn nhất khi tham gia đàm phán, đây là lần đầu tiên ta tham dự Hội nghị quốc tế, ta không có nhiều kinh nghiệm trước những âm mưu, thủ đoạn của đối phương. Thứ hai, ngày đó ta nắm tình hình thế giới chưa vững lắm (do điều kiện thiếu thông tin), ta phải dựa vào bạn, nhưng bạn có những lợi ích đồng nhất với ta song cũng có những lợi ích không đồng nhất với ta. Trước tình hình đó, ta tháo gỡ khó khăn bằng cách thường xuyên liên lạc với trong nước, nhận được thông tin, chỉ thị từ trong nước; giữ vững quyền chủ động, nắm vững nguyên tắc sách lược mềm dẻo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét