Chú Tư thôi đi thả câu, quay qua làm chà. Ông Mười biểu chú :
- Nếu chụm trong mé thì một đống chà cũng hai ba trăm nhánh, nếu đem ra ngoài đánh cá linh thì mỗi đống phải ngàn nhánh, làm ba đống thì phải chặt được ba ngàn nhánh me nước mới đủ.
Chú bơi xuồng đi khắp các bãi đìa, chặt cây me nước, không đủ chú vô xóm mua thêm. Chú chở ra sông gom vô đống giắt ủ, vài hôm sau rút ra giũ cho rụng lá. Cây me nước đầy gai, chú Tư rút từng nhánh một, lấy dao tẩy gai, chỉ tẩy chỗ tay cầm rồi giắt thành lớp. Mỗi chiều đi về tôi thấy hai tay chú trầy xước rướm máu, màu da tay tái lợt. Khi đã gom đủ, ông Mười chỉ chú cách bỏ chà trong mé. Chú Tư học mau lắm, tôi phụ chú, cứ vài ba hôm hai chú cháu tôi lại bao lưới chụp chà một lần, được phần nhiều là cá lăng cá leo. Nhưng cũng chẳng được bao nhiêu.
Mưa thưa dần. Những cơn mưa cuối của mùa mưa chuyển từ đêm qua sáng sớm. Nước trong đồng đã rút gần hết, khí trời khô và nóng. Nước sông đục ngầu cuồn cuộn đổ, băng băng cuốn theo cỏ rác, cành cây và vô số những khúc gỗ khô. Xóm chài của chúng tôi cũng đã chuyển từ trong kinh ra mé sông. Mọi người nhộn nhịp chuẩn bị đón ngày chụp cá linh. Chú Tư vần công với ông Mười và ông Năm dời chà ra gần giữa sông. Đứng trên mũi ghe, ông Năm kêu sang chú Tư đang cầm lái :
- Coi chừng xa quá nghe Tư, cứ sâu khoảng năm bảy mét nước là được rồi đó.
- Mày lặn được hả ?
- Trời ơi, tôi lặn dữ lắm. Lặn bằng hơi phải chừng năm đến bảy phút mới lên. Hơn ống bơm hơi xe đạp đó chú Năm.
Chú Tư chụm tay lên cao rồi nhảy cắm xuống nước. Tôi đã thấy chú nhảy như thế khi cả nhà thả bè về Việt Nam. Chỉ thoáng sau chú đã ngoi lên.
- Ra chút nữa chú Năm. Mới khoảng bốn mét.
Họ đưa ghe ra xa thêm rồi bắt đầu thả chà. Những bó chà được liệng xuống sông, bên này một lớp, bên kia một lớp, loằng ngoằng dính chặt lấy nhau. Chà thảy xuống đến đâu họ lại nhanh chóng cắm cây đến đó. Những chiếc sào dài hơn bảy mét được cắm sâu xuống giữ cho chà khỏi trôi. Rời chà xong, họ dừng tay uống nước. Ông Năm quấn chiếc khăn rằn trên đầu trong đó có giắt một cái bọc ni lông, lần lượt giở mấy lần bọc ra để lấy bao thuốc mời mọi người. Ông Mười cầm một điếu ngậm trên môi, quẹt lửa mãi không được. Ông phải chịu thua gió sông đang thổi ào ào, đưa quẹt và thuốc cho tôi.
- Mày vô mui châm thuốc cho tao.
Tôi chạy vô, ngậm lại điếu thuốc, quẹt lửa châm, hít một hơi. Mặc dù tôi há miệng, thả hết khói ra nhưng vẫn ho xù xụ. Xong, tôi đưa thuốc và quẹt lửa trả lại ông Mười.
- Con này ngậm ướt nửa điếu thuốc của tao rồi nè.
Ông Năm mồi lửa từ điếu thuốc của ông Mười, thả khói lên trời, gió ném mùi thuốc thơm lên mặt sông.
- Tôi nghe nói cá về dữ lắm rồi.
Ông Mười nói :
- Cá linh đến mùa là nó phải về, không kể nắng gió gì. Nhà Tư Cam vừa chụp mấy mẻ, gần năm tấn. Giống cá này kỳ lắm, thằng Tư biết không ?
- Kỳ sao chú Mười ?
- Kỳ chớ sao, mày đang trúng ầm ập vậy mà có đám mưa rớt xuống là cá biến đi đâu mất tiêu, tới hết mưa nó lại từ đâu ra ào ào. Tôi bạc tóc rồi mà vẫn không hiểu được cái điều này đó ông Năm.
- Tôi chưa thấy lần nào nhưng có nghe vậy đó.
- Trong đời sông nước tôi thấy hai ba lần rồi. Cá đang xuống một ngày cả trăm tấn, đang trúng rồi đó, vậy mà mưa xuống là không còn con cá nào. Hỏi mấy ông già bà già cũng không biết nó đi đâu.
- Ông Mười tính ngày mai mình chụp ai trước ?
- Tôi nói ý kiến tôi ha. Ông tính mình chụp cho thằng Tư trước được không ?
- Trúng ý tôi rồi đó. Cho nó chụp đầu nó phấn khởi, mình tương thân tương ái mà. Đồng ý không Tư ?
- Tôi chưa có kinh nghiệm, hai ông chỉ bảo giúp đỡ vậy còn gì bằng. Ngày mai khi nào mình chụp ?
- Tất nhiên là về đêm rồi.
Kể từ đấy tôi thấy chú Tư hồi hộp lắm. Tôi cũng hồi hộp không kém chú, thấp thỏm chờ đến giờ chụp chà. Tôi cầu trời xin đừng có mưa. Tôi sợ mưa cá biến đi hết, mẻ lưới đầu tiên xui xẻo thì cả mùa làm ăn khó khăn. Mấy tháng giăng câu trong đồng vất vả, chú Tư không kiếm đủ tiền trả nợ ông Năm. Tôi vẫn còn căm ghét con mụ Bảy Hường lường gạt của chú bao nhiêu tiền cá, thầm trách chú Tư khôn ngoan thế mà để cho con mụ đàn bà gạt mình. Tôi cầu trời phù hộ cho chú Tư vụ cá linh này trúng lớn. Tôi đã thầm tính trừ hết các chi phí, chú Tư sẽ còn dư đủ để trả nợ tiền ghe cho ông Năm, còn dư tiền sài tết, chú cháu tôi còn có thể may sắm bộ đồ mới. Tội nghiệp chú Tư lắm, suốt mùa chỉ độc bộ bà ba mầu nâu với cái khăn cà ma quấn trên đầu. Tôi hỏi Gấm :
- Ba má mày có thắp nhang không ?
- Có chớ, bao giờ vào vụ mà ông bà chẳng thắp nhang.
Tôi biểu chú Tư thắp nhang, chú cười.
- Chú làm việc đó thấy khó quá. Từ nhỏ tới giờ có mấy khi chú thắp nhang.
Nói vậy rồi chú cũng bỏ luôn. Tới gần chiều, tôi chạy qua Gấm xin bó nhang về thắp, cắm trên mũi ghe. Tôi quỳ trên mũi ghe cầu trời khấn Phật cho chú cháu tôi trúng vụ cá. Khi trăng vừa nhô lên khỏi rặng cây bên kia sông, chú Tư giục :
- Lẹ lên con, mình đi há.
Chú giục vậy vì chú sốt ruột chớ tôi đang ngồi đợi. Ghe chú Tư ra trước, tới ghe ông Mười rồi ghe ông Năm, tính cả ba ghe phải hơn chục người. Tôi ngồi trên mũi ghe, gió thổi tung áo tung tóc. Trong gió nặng mùi tanh tanh của nước sông. Trăng lên ngày một cao, trăng bao la bát ngát. Trăng sáng tới mức tôi coi rõ mặt con Gấm trên ghe ông Mười. Nước sông vẫn đổ cuồn cuộn, sóng xô trắng xoá dưới trăng. Mọi người bủa mẻ lưới đầu, tiếng chì buộc ở lưới rớt xuống sông lủm tủm. Chú Tư lặn xuống thắt chì tháo chà. Khi ngoi lên, chú lắc đầu một cái, nước bắn ra dưới ánh trăng như muôn vàn vì sao nhỏ long lanh vung vãi trên sàn ghe.
Tôi không thể tưởng tượng được mẻ lưới đầu tiên trúng dữ như vậy, kéo lên nặng chịch, thiệt đẫy tay, tiếng cá quậy rần rật, cá nhảy loạn xạ loang loáng dưới ánh trăng. Chúng tôi mải miết xúc cá đổ vô ghe, ghe đầy lui ra cho ghe khác tới, cả ba ghe đều đầy nhóc cá linh. Ông Năm ước có tới hơn bốn tấn. Chụp xong đống chà vừa tới bốn giờ sáng, chúng tôi quay về bến đợi tới sớm mai bán cá cho thương lái. Mệt, đói, lạnh nhưng ai cũng vui. Cá linh dính cả trên tóc, trên mặt, trên người chú Tư, vẩy cá phát sáng trong đêm trăng. Tôi nói :
- Coi chú như con rái cá.
Chú Tư bao lưới giật chà như lên đồng, mê mải đến mộng mị, sống trong mùi tanh của cá và sông nước, buổi sáng bán cá xong lo đi cắm cây giữ chà đừng trôi, tới chiều đi chụp vần công cho người khác, tối đến chụp cho mình. Đến ngày thứ năm trông chú đã hốc hác. Sau một lần lặn buộc chì, chú Tư bị bịnh cảm và không gượng lại được nữa. Chú cứ thế bịnh kéo dài, nằm chèo queo đắp mền. Bà Mười kêu tôi qua biêủ :
- Mày phải coi chừng ổng bịnh thương hàn. Đừng có cho ăn cơm, nấu cháo lấy nước cho ổng uống.
Chú Tư đâu có ăn được cơm. Lúc đầu tôi nấu canh chua cá linh ép chú ăn nhưng chú nuốt không trôi.
- Con cất đi, ngửi mùi chú đã muốn ói rồi.
Tôi vô chợ mua được một lạng đường cát về cho chú uống nước cháo nhưng chú cũng gạt đi. Trông chú mỗi ngày một yếu, cái thẹo trên má chú tím ngắt lại, giật liên hồi. Những lúc mặt trời đã lặn hẳn xuống sông, chạng vạng tối là tôi sợ lắm, sợ chú có làm sao thì tôi biết kêu ai. Tôi ngồi cạnh chú, không muốn mà cứ khóc hoài. Chú thều thào :
- Đừng khóc con, chú không sao đâu.
Tôi qua ông Mười, năn nỉ :
- Ông cứu chú con đi, không có thuốc chú con chắc chết.
Ông Mười lặng lẽ bỏ đi một hồi. Khi về ông dẫn theo hai người đàn ông mặc quần áo màu rêu, bên hông có đeo súng lục, tay xách túi đồ có hình chữ thập đỏ. Ông gọi tôi :
- Nhung ơi, con đưa các chú chuyên gia lên ghe thăm bệnh cho chú Tư nè. Có chuyên gia yên tâm rồi con.
Hai người chuyên gia leo lên ghe, bỏ đồ ra thăm bịnh cho chú Tư. Họ lấy ống nghe nghe tới nghe lui, cầm tay bắt mạch rồi lắc đầu. Một người nói như ra lệnh cho người kia :
- Chích trụ sinh liều cao. Sắp một toa ba ngày trụ sinh cộng với vi ta min C.
Họ đưa ra một bụm thuốc và dặn tôi :
- Con cho chú uống một ngày hai lần, một lần bốn viên đầu đít đen đỏ này với sáu viên trắng. Có nhớ được không ?
- Nhớ được.
- Nhắc lại coi.
- Con cho uống một ngày hai lần, một lần bốn viên đen đỏ với sáu viên trắng.
- Được rồi đó. Con nhỏ thông minh. Con quê ở đâu ?
Đó, lại hỏi tôi quê ở đâu rồi, sao không hỏi luôn tôi là ai, gái Miên hay gái Việt ! Tôi hậm hực, lúng túng :
- Con hổng biết.
- Chui cha, lớn vầy mà quê mình đâu hổng biết. Lên đây lâu chưa ?
- Chừng vài ba năm rồi, con cũng không nhớ.
- Vậy ở đây có trường lớp gì không ?
- Lấy đâu ra có, chúng con đi làm kiếm ăn tối ngày.
Người đó lấy trong túi cứu thương ra một bọc ny lông đựng đường cát đưa tôi :
- Con pha nước chanh cho ổng uống. Có kiếm được chanh không ?
- Dạ không.
- Vậy pha nước cháo. Các chú đi nghe con.
- Dạ, con chào các chú.
Tôi không thích cái chú chuyên gia biểu tôi lớn vầy mà không biết quê mình ở đâu. Không phải vì chú nói thế mà bởi vì câu nói của chú nhắc tôi nhớ tới Cháy. Sau cái lần tôi xua đuổi ảnh thì không thấy ảnh lên. Chắc hết thương tôi luôn. Rồi, người ta đâu có đi thương gái Campuchia như tôi ! Cái chú chuyên gia ấy hỏi tôi thì đáng lẽ tôi phải trả lời là quê con ở bển, nhưng ở bển, ở bển là ở đâu thì sao tôi biết được, vậy cứ nói không biết là xong. Chắc vì thế mà người ta biểu tôi là gái Campuchia. Đợi chừng nào chú Tư khỏe tôi sẽ hỏi chú quê tôi ở đâu.
Vài ngày sau chú Tư khỏi bịnh. Mọi người tới thăm đều biểu chú bị thương hàn. Chú còm rom, ăn uống vật vờ, không buồn nhấc chân nhấc tay nói chi tới làm lụng. Thế là những tính toán trả nợ, may quần áo mới, sắm một cái tết thiệtt đường hoàng bỗng dưng tiêu tan. Chú hỏi tôi :
- Chú bịnh, con coi sóc chú nhiều thế có cực không ?
- Chú bịnh con buồn lắm chớ, con coi sóc cho chú mau khoẻ, đâu có tính toán cực hay không cực.
Tôi băn khoăn hỏi chú :
- Nghe con Gấm nói xóm Miên có thày lang tàu. Chú đi coi bịnh sao rồi bốc thuốc, con sắc cho chú uống.
Chú Tư thở dài.
- Kiếm đâu ra tiền con. Chú còn đang mắc nợ tiền ghe ông Năm, nợ tiền chà, nợ tiền lặt vặt tùm lum cả. Lỡ mất mùa cá này rồi, khó kiếm lại lắm.
Tôi nhớ tới cái bọc vàng chút xíu nữa đã bị mụ Bảy Hường cướp đi, đánh bạo hỏi chú :
- Vậy sao không lấy vàng của chú ra mà trả nợ.
- Chú đâu có vàng con.
- Bảy Hường chẳng mấy lần định ăn cắp của chú đó sao ?
- Cái đó đâu phải của chú. Người ta chạy Pốt người ta gởi chú, chú phải giữ nguyên vẹn cho người ta.
- Bây giờ khó quá, coi như mình mựơn đỡ đi.
- Chú cũng nghĩ tới mà sao chú không làm nổi con à.
- Kệ, chú cứ đưa con một chỉ để con đi cắt thuốc cho chú, sau này con tự kiếm ra tiền bù lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét